Từ giá trị hữu hình đến giá trị giáo dục mang tầm quốc gia, quốc tế - cây cầu đá Ka Long ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh sừng sững trường tồn nơi vùng đất “một tiếng gà gáy - cả hai nước đều nghe” được coi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Trung đời đời bền vững. Tròn 60 năm đưa vào khai thác, cây cầu đã và đang khẳng định gánh vác sứ mệnh cầu nối tình hữu nghị, là biểu tượng sâu sắc của tình đoàn kết Việt - Trung từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Chủ tịch Mao Trạch Đông (Trung Quốc).

Cầu Ka Long bắc qua sông Ka Long thuộc địa phận thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Cây cầu có chiều dài 224 mét, nối đôi bờ Đông - Tây thành phố. Cầu được thiết kế bởi một nữ kiến trúc sư người Pháp, do công nhân Trung Quốc và Việt Nam thi công; xây dựng từ năm 1963 đến năm 1964 thì hoàn thành.

Đây là cây cầu vòm đá đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng đá, không dùng chất kết dính như xi măng, vôi, vữa, mà chỉ sử dụng những phiến đá lớn nhỏ ghép lại với nhau. Trên thân cầu có dòng chữ “Tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững” được viết bằng tiếng Việt và tiếng Hoa, là thông điệp khẳng định mối quan hệ ngoại giao vững bền giữa hai nước Việt-Trung cũng như giữa hai địa phương nơi biên giới Móng Cái-Đông Hưng. Tròn 60 năm đi vào khai thác, sử dụng, giá trị vật chất trường tồn của cây cầu gắn với giá trị tư tưởng, giá trị giáo dục đã vượt khỏi tầm ranh giới quốc gia, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Trung.

Với con người Móng Cái qua nhiều thế hệ, ngày ngày qua lại trên cây cầu thân thuộc, ngày ngày giao thương, thăm thân, giao lưu với nhân dân phía bạn Đông Hưng, Trung Quốc, uống chung một dòng sông, sợi dây tình cảm kết nối nhiều đời thực sự là nền tảng giá trị, kết tinh truyền thống, phát huy hiện tại, rộng mở tương lai.

Lãnh đạo hai địa phương Móng Cái - Đông Hưng trao quà lưu niệm nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam.

Lãnh đạo hai địa phương Móng Cái - Đông Hưng trao quà lưu niệm nhân kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam.

Ông Vũ Thế Kỳ, một người dân gốc Móng Cái xưa, cũng là người tham gia vác đá, dựng cầu Ka Long năm đó, đồng thời cũng là người vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ khi Người ra thăm Móng Cái, hồ hởi kể: Năm 1960, Bác Hồ ra thăm tỉnh Hải Ninh. Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống khu vực sân bay đất (xã Hải Xuân, Móng Cái ngày nay), Người đã trực tiếp yêu cầu được đến thăm trạm Hải quan cửa khẩu Bắc Luân và sang thăm thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc).

Ông Vũ Thế Kỳ, một người dân gốc Móng Cái, người tham gia vác đá, dựng cầu Ka Long năm xưa.

Ông Vũ Thế Kỳ, một người dân gốc Móng Cái, người tham gia vác đá, dựng cầu Ka Long năm xưa.

Biết Đông Hưng có một trường mầm non, Người liền tới thăm và mua kẹo để tặng các cháu học sinh và thầy cô. Bác bước vào trường, các cháu học sinh vây lấy Bác, đồng thanh “Chào Bác Hồ ạ”. Người trò chuyện bằng tiếng Trung, cùng hát những bài ca quen thuộc của nước bạn. Chuyến thăm bất ngờ và sự giản dị, khiêm nhường của Người đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người dân Đông Hưng lúc bấy giờ. Sự kiện này là dấu ấn văn hóa nơi biên ải ghi dấu mối quan hệ hợp tác bền vững do Bác là người kết nối và làm trường tồn những giá trị, tình cảm thiêng liêng mà nhân dân hai nước đã dày công vun đắp. Để ghi nhớ sự kiện này, chính quyền và nhân dân Đông Hưng (Trung Quốc), đã xây dựng ngôi đình tưởng niệm Bác Hồ, nằm cách bờ sông biên giới chỉ khoảng 30m. Đình nhỏ bé nhưng kiên cố, được trang trí bằng ngói lưu ly, cạnh đó là tấm bia bằng đá hoa cương ghi lại câu chuyện năm nào. Cho đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là nhà lãnh đạo nước ngoài cao cấp nhất và duy nhất tới Đông Hưng. Chuyến thăm có ý nghĩa tăng cường hơn nữa sự giao lưu chính trị, kinh tế, văn hoá của nhân dân hai bên biên giới trong suốt những năm về sau.

Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm một số địa điểm của Móng Cái. Tại buổi nói chuyện với nhân dân trong tỉnh Bác căn dặn: “Đoàn kết dân tộc, đoàn kết Việt - Trung, đoàn kết lương giáo, đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì làm gì cũng thành công”.

Được biết, Móng Cái chia hai vùng Đông - Tây bằng dòng Ka Long, nước rất sâu. Khi đó, giao thông qua lại chỉ bằng đường thủy. Cư dân sinh sống có người Hoa và người Việt, trong đó mạn phía Tây rất đông người Hoa, liên kết của vùng đất này với trung tâm tỉnh rất khó khăn nên người dân rất mong muốn có cây cầu lưu thông đường bộ. Có lẽ, những tâm sự mong muốn đó của người dân đã được Bác Hồ thấu hiểu.

Ông Kỳ kể: Lúc đó chúng tôi là học sinh, cũng chưa hiểu biết nhiều. Nhưng sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới cảm nhận sâu sa ý nghĩa và giá trị của cây cầu hữu nghị này sau những chuyến thăm của Bác tới vùng đất biên giới. Ông Kỳ trầm ngâm: Cây cầu do công nhân Trung Quốc và Việt Nam thi công, phục vụ chính những người dân biên giới nơi cư dân Việt - Hoa cùng chung sống lúc đó chính là công trình biểu tượng sâu sắc của tình đoàn kết Việt - Trung từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Chủ tịch Mao Trạch Đông (Trung Quốc).

"Đá xây cầu là đá hoa cương được lấy từ khu vực Pò Hèn. Ka Long là cuối nguồn sông biên giới, đầu nguồn ở khu vực Pò Hèn giáp Trung Quốc. Người địa phương dùng chiếc thuyền rất dài nhưng hẹp chiều ngang, gọi là thuyền “Pọoc pản” để ngược dòng lên đầu nguồn chở đá về xuôi. Các kỹ thuật viên người Trung Quốc tính toán kích thước từng viên đá, sau đó giao cho đội ngũ kỹ thuật và công nhân đánh đá theo chuẩn kích thước đó, rồi đánh mã số chính xác để khi chở đá về Ka Long sẽ đặt sát nhau, ghép thành hình khối, không sử dụng chất kết dính. Do đó, việc chọn đá, cắt đá phải rất chính xác. Với công nghệ thời những năm sáu mươi, công việc này quả là kỳ tích" - Ông Kỳ say sưa kể lại.

Ông Vũ Thế Kỳ bên công trình ghi dấu nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Móng Cái nằm bên dòng sông Ka Long.

Ông Vũ Thế Kỳ bên công trình ghi dấu nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Móng Cái nằm bên dòng sông Ka Long.

Ông Kỳ minh họa thêm câu chuyện: Có lần 1 chiếc “Pọoc pản” bị đắm, rớt đá xuống sông sâu. Những người thợ không thể vớt phiến đá dưới lòng sông, cũng không có phiến nào thay thế. Đành phải tiếp tục ngược dòng, tìm phiến phù hợp, đánh lại chuẩn kích thước như phiến đã rơi, đánh mã số, xếp cầu. Quả thực, quá đỗi công phu!

Khu vực quanh cầu Ka Long xưa (hiện nay là vườn hoa công viên) vốn là nơi quần tụ đông đúc của cư dân Móng Cái nên ký ức về xây cầu vô cùng sâu sắc. Bà Phạm Thị Viên, một người dân ven sông kể rằng: Lúc đó thấy đông công nhân làm cầu lắm! Có cả công nhân người Trung Quốc, người Việt (bao gồm công nhân địa phương, công nhân quê Thái Bình, Nam Định). Lại có cả học sinh cũng tham gia vác đá, gánh cát… Toàn dùng sức người để làm chứ không có máy móc, phương tiện chở như bây giờ nhưng ai cũng cố gắng làm. Trước đây, đi từ bờ Đông sang bờ Tây, chúng tôi đi bằng mủng/thuyền. Có cây cầu, thực sự làm thay đổi cuộc sống của chúng tôi, thích nhất là mang vác hàng hóa qua cầu bằng xe thồ, xe đạp, thật sự thuận tiện…

Còn ông Kỳ, trong đôi mắt rực sáng khi hồi tưởng, ông luôn nhắc đến tình đoàn kết quốc tế. Công trình xây trên đất Việt Nam, do những người bạn Trung Hoa thực hiện và tiếp sức, khắc ghi tình hữu nghị. Sáu thập kỷ trôi qua, nhưng cây cầu còn đó, tình hữu nghị vun đắp ngày càng đậm sâu. Được biết, cậu học sinh Vũ Thế Kỳ vác đá, gánh cát xây cầu Ka Long ngày ấy sau này trở thành Trưởng Đài Truyền thanh truyền hình, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái. Cho nên, hồi ức và cảm nhận về giá trị của tình hữu nghị từ một công trình hữu nghị quả thực vô cùng sâu sắc và ý nghĩa.

Công trình biểu tượng này cùng với hàng loạt các công trình hợp tác qua biên giới những năm qua như: cầu Bắc Luân I ở cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, cầu Bắc Luân II ở cửa khẩu Bắc Luân II đấu nối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tới đây là Bắc Luân III và tuyến đường sắt kết nối từ Trung Quốc qua Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và mối tình hữu nghị “sớm như rạng đông, sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng” (Lời bài hát Việt Nam - Trung Hoa của nhạc sỹ Đỗ Nhuận năm 1964) là những minh chứng rõ nét cho tình đoàn kết Việt- Trung.

Bí thư Thành ủy Đông Hưng (Trung Quốc) Bành Thiệu Quan tặng quà Bí thư Thành ủy Móng Cái (Việt Nam) Hoàng Bá Nam.

Bí thư Thành ủy Đông Hưng (Trung Quốc) Bành Thiệu Quan tặng quà Bí thư Thành ủy Móng Cái (Việt Nam) Hoàng Bá Nam.

Lãnh đạo thành phố Móng Cái (Việt Nam) chào đón lãnh đạo thành phố Đông Hưng (Trung Quốc).

Lãnh đạo thành phố Móng Cái (Việt Nam) chào đón lãnh đạo thành phố Đông Hưng (Trung Quốc).

Lãnh đạo TP Móng Cái (Việt Nam) - thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) chụp ảnh lưu niệm.

Lãnh đạo TP Móng Cái (Việt Nam) - thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) chụp ảnh lưu niệm.

Đồng chí Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái, Quảng Ninh chia sẻ: Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, nhân dân có quan hệ truyền thống lâu đời; quan hệ hợp tác, hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo dày công vun đắp đã trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc. Tình hữu nghị đó luôn được nhân dân hai nước Việt - Trung vun đắp, phát triển. Thời gian qua, các hoạt động hợp tác giữa Móng Cái với phía bạn ngày càng phát triển tốt, toàn diện trên các lĩnh vực KTXH, QPAN... Hai bên quyết tâm xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác phát triển, trở thành tuyến biên giới kiểu mẫu ở khu vực phía Bắc. Nổi bật là trong phát triển kinh tế, tăng trưởng thương mại XNK, lưu lượng khách du lịch tăng đều qua các năm. Giao lưu nhân dân, kết nghĩa đã phát triển tới cấp độ thôn - khu...

Bí thư Thành ủy Móng Cái (Việt Nam) Hoàng Bá Nam chào đón đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư, Chủ tịch chính quyền nhân dân thành phố Phòng Thành Cảng.

Bí thư Thành ủy Móng Cái (Việt Nam) Hoàng Bá Nam chào đón đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư, Chủ tịch chính quyền nhân dân thành phố Phòng Thành Cảng.

Nói về cây cầu Ka Long, đồng chí Bí thư Thành ủy Móng Cái nhận định: Đây là công trình biểu tượng cho tình hữu nghị Việt - Trung đời đời bền vững. Nó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc vun đắp tình đoàn kết hai quốc gia. Cùng với việc quan tâm đặc biệt để giữ cho công trình trường tồn, chúng tôi quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của khu di tích lịch sử cấp tỉnh “Địa điểm ghi dấu sự kiện Bác Hồ thăm Trạm Hải Quan cửa khẩu Bắc Luân và sthăm nhân dân Đông Hưng, Trung Quốc năm 1960” để tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hai bên biên giới hiểu rõ truyền thống và những giá trị lịch sử, để từ đó chung tay vun đắp tình hữu nghị.

Lãnh đạo TP Móng Cái (Việt Nam) - TP Đông Hưng (Trung Quốc) trao quà lưu niệm nhân dịp ngày lễ lớn của hai bên.

Lãnh đạo TP Móng Cái (Việt Nam) - TP Đông Hưng (Trung Quốc) trao quà lưu niệm nhân dịp ngày lễ lớn của hai bên.

Mỗi năm, trên dòng Ka Long “nhất giang- lưỡng quốc”, bài hát "Việt Nam - Trung Hoa" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận lại rộn ràng như khắc sâu tình hữu nghị "Bên sông tắm cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây/Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng… Chung một ý chung một lòng. Đường ta đi rợp màu cờ cách mạng… Nhân dân ta ca muôn năm. Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông”.

Người Móng Cái tự hào có cầu Ka Long. Niềm tự hào ấy là chứng minh của tình đoàn kết xuyên biên giới. Và có lẽ, đó là đại diện của sứ mệnh cầu nối tình hữu nghị từ giá trị hữu hình đến giá trị tư tưởng, giáo dục mang tầm quốc gia, quốc tế.

Thực hiện: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Móng Cái)
Trình bày: Tất Đạt