4
18
/
1100395
Cầu tình yêu và “con đường di sản”
longform
Cầu tình yêu và “con đường di sản”

2 năm trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19, Quảng Ninh không chỉ kiên cường vượt qua trở thành một điển hình về phòng chống dịch mà trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó vẫn bừng lên khí thế đổi mới, sáng tạo không ngừng của vùng đất luôn luôn sục sôi khí thế tiến công, nhiệt tình cách mạng!

Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả trong ngày đầu đi vào hoạt động.

Cuối tháng 1/2020 khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại TP Vũ Hán (Trung Quốc), Quảng Ninh là địa bàn tuyến đầu, trọng điểm phòng chống dịch bệnh. Lần đầu tiên đối mặt với một yếu tố an ninh phi truyền thống mang tính chất toàn cầu, nhưng Quảng Ninh không hề mất bình tĩnh, không hề nao núng, chiến lược ứng phó với dịch bệnh nhanh chóng được xây dựng và vận hành.

Chiến lược đó không chỉ là ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, giữ vững trận địa an toàn trong cuộc chiến mà đó còn là những giải pháp điều hành phát triển kinh tế-xã hội thực sự linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh.

Sau 3 tháng vận hành thành thục phương châm chống dịch “3 trước, 4 tại chỗ”, Quảng Ninh chính thức tái khởi động nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Ngày 2/9/2021, Quảng Ninh phát động đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm hoàn thành 3 công trình động lực” gồm: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và Dự án cầu Cửa Lục 1.

Cầu Tình Yêu trong ngày đầu năm mới 2022.

25/4/2020:

Ngày 25/4/2020, Lễ khởi công xây dựng công trình cầu Cửa Lục I được triển khai thực hiện. Đó là một ngày thật khó quên đối với những công nhân thi công dự án, bởi lần đầu tiên trong lịch sử việc khởi công xây dựng một công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng được thực hiện vô cùng nhanh gọn, dù không khí không tưng bừng như hàng trăm công trình mà Quảng Ninh đã thực hiện những năm trước nhưng khí thế quyết tâm thì thể hiện rất rõ trong ánh mắt của lãnh đạo tỉnh, của những công nhân, nhà thầu thi công công trình đó là phải hoàn thành đúng tiến độ dự án.

Cầu và đường dẫn có tổng chiều dài toàn tuyến 4.265m, điểm đầu giao với tuyến đường nối KCN Cái Lân - Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tại phường Giếng Đáy; điểm cuối đấu nối với QL279 tại Km24+750, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long. Trong đó, cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê tông với 6 làn xe cơ giới, rộng 33,1 m, dài 290 m, tĩnh không thông thuyền 40x7 m; phần cầu dẫn dài 565m, đường dẫn dài 3.380 m với 6 làn xe cơ giới; vận tốc thiết kế 60 km/h. Tổng mức đầu tư của công trình là 2.109 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh.

THÁNG 4/2021:

Sau đúng một năm thi công, tháng 4/2021, các hạng mục hạ bộ cầu đã hoàn thành. Cả công trường bước vào giai đoạn thi công 5 nhịp vòm và mặt cầu. Trong đó, nhịp chính dài 90 m đã tiến hành hợp long vào tháng 5/2021; tháng 9/2021 thi công xong dầm chính của cầu chính; tháng 10/2021, hoàn thiện bê tông nhồi vòm thép và lắp đặt cáp treo và hợp long vào ngày 2/11/2021.

31/12/2021:

Ngày 31/12/2021 những chi tiết cuối cùng trong quá trình thi công công trình đã hoàn tất. Từng mái vòm được lau chùi sạch sẽ, những vật liệu của quá trình thi công còn vương vất lại đều được thu dọn, hệ thống chiếu sáng cầu được bật lên. Trên dòng Cửa Lục “cánh chim biển” đã tỏa sáng lung linh.

1/1/2022:

Ngày 1/1/2021 cầu Cửa Lục 1 chính thức đưa vào khai thác sử dụng với một tên gọi là cầu Tình Yêu! Cái tên khẳng định tầm cao văn hóa của cơ quan hoạch định và xuất phát từ tâm tư, tình cảm của người dân sống đôi bờ vịnh Cửa Lục.

Có rất nhiều những cảm xúc của người dân TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ (trước đây) đã được cảm tác thành những bài thơ, bài hát khi câu chuyện “Châu về hợp phố” nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long được thực hiện năm 2019. Đọng lại trong mỗi người dân của TP Hạ Long hôm nay đó là một không gian phát triển mới, một cơ hội rộng mở của thành phố bên bờ Di sản có rừng, có biển, có truyền thống văn hóa công nhân mỏ hòa quyện với truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc Dao vùng cao Đồng Sơn, Kỳ Thượng, từ đó bồi đắp làm giàu sức mạnh nội sinh cho mỗi vùng đất.


Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Trường THCS Trới (TP Hạ Long): "Đã thành tình yêu, đã là nỗi nhớ, mối lương duyên của Hạ Long – Hoành Bồ được bắc bằng những nhịp cầu Tình Yêu. Tình yêu đó có từ thủa cha ông khai đất, mở đường, là tình cảm gắn bó yêu thương của người dân đôi bờ vịnh Cửa Lục. Chúng ta sống trong niềm tự hào về ngày mai tươi sáng hơn, rạng rỡ hơn về thành phố bên bờ Cửa Lục, thành phố của tình yêu!"

Người dân và du khách "check in" tại cầu Tình Yêu.

Ông Nguyễn Cảnh Loan, đồng tác giả công trình “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay”: "Khi cây cầu được khánh thành, giấy “khai sinh” của cầu sẽ ghi rõ lý trình. Và tên cầu trên tấm biển đó là gì cũng đã trở thành mối quan tâm của nhiều người. Đặt tên công trình nên chọn những từ, cụm từ (là chữ) không nên đặt tên theo những con số theo kiểu 1, 2, 3 dễ dẫn đến sự chồng chéo, cơ học, nghèo nàn về ngôn ngữ. Việc đặt tên công trình vừa thể hiện tầm cao văn hóa của cơ quan hoạch định đơn vị ở địa phương vừa hợp lòng dân. Việc đặt tên phải xuất phát từ tâm tư, tình cảm của người dân sống trong vùng."

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng AZZ, đại diện Liên danh tư vấn thiết kế AZZ-APECO, đề xuất đặt tên cầu Cửa Lục 1 là cầu Tình Yêu và tên cầu Cửa Lục 3 là cầu Bình Minh. Liên danh tư vấn lý giải quan điểm của mình rằng, khi các dự án này hoàn thành, ngoài việc đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi cho thành phố Hạ Long còn là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, là sản phẩm du lịch khác biệt, góp phần tăng khả năng liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc đặt tên cho các công trình sẽ góp phần tăng tính biểu tượng, tạo điểm nhấn nâng cao tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tăng thêm sự thu hút đối với du khách.

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay – ngày mai của đôi bờ Cửa Lục sẽ là tình yêu, là nỗi nhớ, là sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia và yêu thương của người dân thành phố bên bờ Di sản. Sẽ là một Hạ Long phát triển rực rỡ, xứng tầm là một đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc.


Trong dọc dài 3.260 cây số bờ biển của đất nước, Quảng Ninh có 250 cây số trong đó. Nơi vùng đất, có những con đường chứng kiến bao sự biến đổi của tạo hóa, bao chuyến đi mở đất, mở cõi của người xưa hình thành nên di sản văn hóa biển đảo – nguồn cội hình thành tư duy hướng biển, văn hóa biển, kinh tế biển với tầm nhìn khu vực và quốc tế. Đó cũng chính là khởi nguồn để thế hệ hôm nay xây dựng những con đường in gót giày tiền nhân thủa khai hoang, khẩn đất, những con đường tầm vóc trong lòng vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Bái Tử Long – Di sản ASEAN để bao lượt du khách ghé thăm rồi luyến tiếc lúc chia tay.

Tháng 8/2019:

Tuyến đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả được khởi công xây dựng. Tính từ điểm khởi đầu tại cầu Bạch Đằng đến điểm kết nối để vào tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thì con đường dài gần 100 km chạy dọc trong lòng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long được dân du lịch đánh giá sẽ là một tuyến đường du lịch ven biển hiện đại, đẹp nhất Việt Nam.

Tháng 5/2020:

Tiếp nối từ tuyến đường ven biển Bãi Cháy, tháng 5/2020 đoạn tuyến dài hơn 6km nằm trên tuyến đường Trần Quốc Nghiễn bên phía Hòn Gai hoàn thành. Đứng từ trên núi Bài Thơ nhìn xuống, tuyến đường như dải cầu vòng ôm trọn vùng ven bờ vịnh Hạ Long giữa một bên là núi đá và biển và một bên là đô thị hiện đại với những dải hoa lung linh sắc màu.

Cuối năm 2021:

Những ngày cuối cùng của năm 2021, đoạn tuyến nối từ đường Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) đến điểm để vào cao tốc Vân Đồn – Móng Cái cũng kịp hoàn thiện. Xuyên qua núi, men theo bờ vịnh, con đường như dải lụa mềm mại tô điểm cho màu xanh của những cánh rừng ngập mặn, cho màu xanh của núi, của đá, của biển.

Ông Đặng Văn Quyền, Chỉ huy phó công trường thi công dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả cho biết: Do cần điều chỉnh một số hạng mục thiết kế để đồng bộ tuyến, thay đổi phương án xẻ núi làm đường bằng hầm xuyên núi để giảm thiểu tác động môi trường, giữ gìn cảnh quan khu vực, giữ vững môi trường của hệ thống núi đá vôi 2 bên tuyến, đầu năm 2020, dự án chính thức triển khai khi dịch bệnh Covid – 19 đang bắt đầu bùng phát trên diện rộng, kéo theo bao khó khăn. Tuy nhiên, trên công trường trong 2 năm qua vẫn không nghỉ một ngày.

Bên trong hầm đường xuyên núi.

Tháng 10/2020 công tác đào đắp nền đường phía Cẩm Phả đã hoàn thành; tháng 7/2021 hầm xuyên núi được thông; tháng 11/2021 nền đường phía Hạ Long đã thi công xong. Trong suốt 2 năm nỗ lực, công trường luôn duy trì đến 800 người cán bộ, công nhân và gần 400 phương tiện, máy móc để đào núi, san đầm lầy, để hình thành lên trục đường bao biển đẳng cấp như hôm nay.

Những giá trị kinh tế mà con đường đem lại đã là điều hiển nhiên đối với tỉnh Quảng Ninh và song cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của tư duy hướng biển để mai đây sẽ có những thương cảng phát triển từ Con Ong – Hòn Nét với tầm nhìn khu vực và quốc tế, sống lại một vùng đất với thương cảng sầm uất trên con đường mở ra thế giới từ biển của các bậc tiền nhân.

Ngày hôm nay được đi trên “con đường di sản” để cảm nhận chân tình của biển, của núi và đá bằng cả 5 giác quan: trong ngập tràn sắc biếc của nước, trong văng vẳng lời thì thầm của sóng, của gió, của tiếng ầm ì máy reo trên khai trường xa xa, trong thoảng hương nồng nồng sản vật biển, trong mặn mòi hương vị của biển khơi, trong cảm nhận tấm chân tình của vùng đất đã yêu là yêu nồng nàn!


Thực hiện: Ngọc Lan - Đỗ Phương
Trình bày: Đỗ Quang