

Vượt lên mọi khó khăn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành hết sức ấn tượng.

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng, khiến hàng loạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường tiêu thụ khó khăn... Đây là những yếu tố làm giảm đi đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các địa phương. Quảng Ninh cũng không ngoại lệ, tác động tiêu cực chưa từng có của đại dịch đã ảnh hưởng lên nhiều ngành, lĩnh vực; đặc biệt, ngành dịch vụ, du lịch vốn rất phát triển, chiếm tỷ trọng cao, là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ đạo của tỉnh, bị kiệt quệ trong 2 năm 2020 và 2021. “Cơn bão” Covid-19 kéo ngành du lịch “chạm đáy”, nhiều thời điểm hoàn toàn “đóng băng”; hoạt động thương mại xuất, nhập khẩu cầm chừng; hàng loạt doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, chấm dứt hoạt động. So với cùng kỳ năm 2019, năm 2020 tổng khách du lịch đến tỉnh giảm 37% (khách quốc tế giảm 90,7%); doanh thu từ du lịch giảm 30,5%; thu ngân sách từ du lịch, dịch vụ 2.200 tỷ đồng, giảm 70%. Toàn tỉnh có 1.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 480 doanh nghiệp giải thể. Năm 2021 tổng lượng khách du lịch giảm 49%, doanh thu du lịch giảm 47% so với năm 2020...

Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Tập đoàn Foxconn sản xuất màn hình tivi tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), tháng 4/2023. Ảnh: Đỗ Phương
Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Tập đoàn Foxconn sản xuất màn hình tivi tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), tháng 4/2023. Ảnh: Đỗ Phương
Trong bối cảnh ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhận diện sớm tình hình, khó khăn, tỉnh kiên trì đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt khu vực công nghiệp - xây dựng. Tỉnh đã quyết liệt triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy "Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030", tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao vào GRDP và thu ngân sách. Tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để ngành Than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế; tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, diệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng sản lượng, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.
Công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định là một ngành quan trọng trong nền kinh tế và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư vượt mục tiêu đề ra. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP tăng dần, từ 9,8% (năm 2020) lên 11,3% (năm 2021) và 11,5% (năm 2022), dự kiến năm 2023 chiếm 12,3%. Tốc độ tăng trưởng ngành năm 2021 tăng 30,73%, năm 2022 tăng 16,54%; bình quân tăng trưởng năm 2021-2022 đạt 23,6%. Thu hút vốn đầu tư của ngành sau 2 năm đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1.300 triệu USD.
Công nghiệp khai khoáng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh ngành dịch vụ còn phục hồi chậm, tuy nhiên tỷ trọng qua các năm giảm dần (từ 21,3% năm 2015 xuống còn 18,3% năm 2022) phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.

Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XIII (tháng 7/2020) thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 256/2020/NQ-HĐND về một số giải pháp kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XIII (tháng 7/2020) thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 256/2020/NQ-HĐND về một số giải pháp kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Trước tác động của đại dịch Covid-19, tỉnh tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại bán lẻ, thương mại điện tử, thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, cảng biển. Mặt khác, chủ động, tích cực triển khai các giải pháp phục hồi ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh khi dịch được kiểm soát tốt, gắn với các chính sách kích cầu du lịch. Xác định phát triển dịch vụ, du lịch ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Quảng Ninh tập trung tái cơ cấu ngành du lịch phù hợp với bối cảnh mới của thị trường khách nội địa và quốc tế trong và sau đại dịch. Lãnh đạo, chỉ đạo, quyết sách đúng đắn đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm, linh hoạt thích ứng an toàn bằng nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp phục hồi. Trong năm 2020 HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết về các giải pháp kích cầu du lịch. UBND tỉnh chủ động làm việc với Hiệp hội du lịch để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, truyền thông, kích cầu du lịch; tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, tọa đàm, kích hoạt nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc sắc...
Với hàng loạt giải pháp được triển khai, khó khăn được tháo gỡ, hoạt động du lịch đã phục hồi mạnh mẽ trở lại. Năm 2022 tổng lượng khách du lịch đạt 11,6 triệu lượt, doanh thu từ du lịch đạt 22.599 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,6 lần và gấp 2,9 lần so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023 tổng khách du lịch ước đạt 8,2 triệu lượt, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2023 thu hút 15 triệu lượt khách, dự kiến cao hơn 1 triệu lượt khách so với năm 2019...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 tăng 6,1%, năm 2022 tăng 21,4% so với năm trước. Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp vào phát triển kinh tế số.
Tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng; thúc đẩy phát triển thủy sản trên biển bền vững đúng quy hoạch; phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế dưới tán rừng, dịch vụ môi trường rừng gắn với du lịch sinh thái. Tập trung triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Tỉnh ủy "Về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030".

Một góc đô thị Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương
Một góc đô thị Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy thực hiện ba đột phá chiến lược. Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, CNTT, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các KCN, KKT, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa - xã hội. Tập trung đẩy mạnh CCHC một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, hấp dẫn, thông thoáng, thuận lợi. Thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đô thị, tài nguyên môi trường, khoáng sản, đầu tư công...



Nhờ sự nhận định đúng tình hình từ xa, từ sớm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy các ưu điểm, khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, giải quyết các mâu thuẫn, thách thức cơ bản, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”. Đặc biệt trong 2 năm 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, song tốc độ tăng trưởng vẫn giữ vững 2 con số, cho thấy sự phát triển bền vững, toàn diện của tỉnh, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng kinh tế GRDP 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022).
Kết quả đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự nỗ lực không ngừng; thể hiện sự sáng tạo, khoa học, quyết liệt và bài bản trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, những quyết sách kịp thời của HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt trong tổ chức thực hiện của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương; cùng với sức mạnh đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh trong công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 10,05%; năm 2021 đạt 10,12%; năm 2022 đạt 10,28%; dự kiến năm 2023 đạt 11%. Tỉnh luôn nằm trong nhóm những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững.
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt 269.246 tỷ đồng (chỉ sau Hà Nội, Hải Phòng); dự kiến năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020 và 2,7 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.290 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước (cao nhất khu vực phía Bắc); dự kiến năm 2023 đạt 9.469 USD, cao gấp 1,4 lần so với năm 2020, gấp 2,2 lần so với năm 2015. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động bình quân tăng từ 309 triệu đồng/người năm 2020 lên 458,5 triệu đồng/người năm 2023 (tăng hơn 1,5 lần).

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Foxconn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Foxconn.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,41% năm 2021 còn 0,067% cuối năm 2022 (hoàn thành trước 3 năm chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025). Dự kiến đến cuối năm 2023 duy trì cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của trung ương. Tỉnh đã hoàn thành các nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Theo xếp hạng Chỉ số Phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) năm 2021, Quảng Ninh xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trong nước (tăng 3 bậc so với năm 2020) với 63,1 điểm, cao hơn bình quân chung Vùng đồng bằng sông Hồng (60,59 điểm) và bình quân chung cả nước (51,38 điểm). Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Năm 2022 Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam...
Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.


Chặng đường 3 năm chống đại dịch Covid-19 thật nhiều khó khăn và thách thức. Đi trong cuộc chiến không tiếng súng, đối diện với kẻ thù vô hình, nguy hiểm càng hun đúc hơn truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của con người Quảng Ninh, mọi quyết sách của tỉnh đều hướng tới mục tiêu vì nhân dân. Đó là động lực quan trọng để tạo nên những thành công của tỉnh trong việc bảo vệ vùng xanh an toàn, ổn định phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Trung tuần tháng 1/2020, Tổ chức Y tế thế giới thông tin về tình hình dịch viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại Trung Quốc. Ngày 23/1/2020, 2 ca bệnh đầu tiên là người Trung Quốc xuất hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Ngày 24/1/2020, Việt Nam chính thức kích hoạt Trung tâm Phòng chống dịch bệnh khẩn cấp ứng phó dịch Covid-19. Đó là những dấu mốc đầu tiên khởi đầu cho cuộc chiến với dịch bệnh kéo dài 3 năm qua.
Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới trải dài tiếp giáp với Trung Quốc, do đó trở thành địa bàn tuyến đầu của cuộc chiến. Ứng phó thế nào để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định kinh tế - xã hội và nhất là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân đó là bài toán vô cùng khó khăn đối với lãnh đạo tỉnh. Trong từng giai đoạn của đại dịch, tỉnh đã có những quyết sách kịp thời, nhanh chóng, toàn diện để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trịnh Thị Minh Thanh thăm hỏi người dân đến tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tháng 10/2021. Ảnh: Mạnh Trường)
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trịnh Thị Minh Thanh thăm hỏi người dân đến tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tháng 10/2021. Ảnh: Mạnh Trường)
Tỉnh luôn ưu tiên cao nhất, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khoa học và hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân; chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Đồng thời thiết lập, vận hành hiệu quả, nhuần nhuyễn cơ chế chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành phòng, chống dịch Covid-19, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp theo phương châm “đúng vai - thuộc bài”; ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận đúng đắn, khoa học, phát huy hiệu quả, phù hợp với diễn biến tình hình của dịch bệnh.
Ngay từ khi có dịch bệnh xuất hiện, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban (tỉnh đầu tiên có Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng BCĐ), trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Định kỳ chiều thứ hai hằng tuần, khi cần thiết và đột xuất, Thường trực Tỉnh ủy, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức họp để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, có các thông báo kết luận, chỉ đạo triển khai trong toàn tỉnh, làm "kim chỉ nam" cho mọi hoạt động phòng, chống dịch của tỉnh.

Các bác sĩ, điều dưỡng trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh xung phong vào Đơn nguyên hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch. (Ảnh chụp tháng 3/2022)
Các bác sĩ, điều dưỡng trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh xung phong vào Đơn nguyên hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch. (Ảnh chụp tháng 3/2022)
Ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh nhanh chóng thành lập Trung tâm Chỉ huy 3 cấp; nâng cao năng lực y tế từ tỉnh tới cơ sở, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường với 133 trạm y tế lưu động, 1.401 tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, 2.253 tổ phòng chống dịch Covid cộng đồng cùng với trên 25.000 tình nguyện viên, thiết lập1.133 nhóm zalo hỗ trợ F0, nhóm quản lý chăm sóc F0 tại nhà trên địa bàn... Tỉnh thành lập các bệnh viện cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, duy trì chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ vào tỉnh, tổ chức cách ly y tế đối với các trường hợp đến Quảng Ninh từ những địa phương đã công bố dịch theo quy định và những trường hợp khẩn cấp, đóng cửa các cơ sở dịch vụ giải trí..., thiết lập những vùng xanh an toàn, cuộc sống nhân dân được đảm bảo, kinh tế - xã hội duy trì đà tăng trưởng.
Để phù hợp với thực tiễn, HĐND tỉnh kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề quyết định các giải pháp trọng tâm cơ bản, nhất là phân bổ các nguồn lực phù hợp với thực tiễn, gắn với đảm bảo an sinh xã hội, duy trì mục tiêu tăng trưởng. Như điều chỉnh chi dự phòng các cấp từ 2% lên 4% tổng chi ngân sách, cắt giảm điều chỉnh dự toán chi 600 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp... để dự phòng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch (Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND); tăng mức dự phòng ngân sách ở các cấp lên 4% tổng chi ngân sách địa phương, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngân sách các cấp để phục vụ công tác phòng, chống dịch (Nghị quyết số 326/NQ-HĐND); hỗ trợ 100% học phí năm học 2021-2022 cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập (Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND)...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra tại Trung tâm Y tế TX Đông Triều, tháng 2/2021. Ảnh: Thu Chung
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra tại Trung tâm Y tế TX Đông Triều, tháng 2/2021. Ảnh: Thu Chung

Tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi đảm bảo an toàn đến trường học tập.
Tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi đảm bảo an toàn đến trường học tập.

Cán bộ khu phố Lê Hồng Phong (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại các hộ dân. Ảnh chụp tháng 8/2021
Cán bộ khu phố Lê Hồng Phong (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại các hộ dân. Ảnh chụp tháng 8/2021

CCB xã Đại Bình tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch tới nhân dân trên địa bàn.
CCB xã Đại Bình tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch tới nhân dân trên địa bàn.

Trong chặng đường xây dựng và phát triển, tỉnh luôn lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu “Bảo vệ sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết”, tỉnh xác định vắc-xin là lá chắn xanh an toàn. Tỉnh dành nguồn lực khoảng 500 tỷ đồng từ ngân sách cùng với nguồn lực xã hội hóa cho phòng, chống dịch, tiêm vắc-xin cho nhân dân. Từ tỉnh đến các địa phương và cả hệ thống chính trị đã tập trung cao độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đảm bảo độ bao phủ, an toàn, nhanh chóng. Xác định trẻ em là đối tượng được bảo vệ trọng điểm trong đại dịch, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhằm đạt tỷ lệ bao phủ, bảo vệ, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 tại điểm tiêm Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long), tháng 6/2022.
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 tại điểm tiêm Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long), tháng 6/2022.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến ngày 11/7/2023 toàn tỉnh thực hiện 4.286.769 mũi tiêm (người trên 18 tuổi 3.569.280 mũi; trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi 367.313 mũi; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi 350.176 mũi).
Độ bao phủ vắc-xin trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Mũi 1 đạt tỷ lệ 99,5%; mũi 2 đạt 92,23%. Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi: Mũi 1 đạt 99,78%; mũi 2 đạt 99,15%; mũi 3 đạt 86,08%. Người từ 18 tuổi trở lên: Mũi 1 đạt 99,94%; mũi 2 đạt 99,6%; mũi 3 đạt tỷ lệ 97,7%; mũi 4 tính theo kế hoạch tiêm chủng toàn quốc đạt 100%. Triển khai kế hoạch mở rộng đặc thù theo Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 5/8/2022 của UBND tỉnh, đạt 107,48% (vượt kế hoạch dự kiến). Qua đó sức khỏe của nhân dân được bảo vệ, hạn chế được các ca Covid-19 có triệu chứng nặng phải nhập viện điều trị, hạn chế số bệnh nhân nặng, số bệnh nhân tử vong. Một số ca Covid-19 tử vong trên địa bàn chủ yếu là người chưa tiêm vắc-xin, cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền, bệnh nặng...

TP Uông Bí chi hỗ trợ người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháng 8/2021. Ảnh: Hải Ninh (CTV)
TP Uông Bí chi hỗ trợ người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháng 8/2021. Ảnh: Hải Ninh (CTV)
Nhân dân được hạnh phúc đó là "kim chỉ nam" cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ở mọi giai đoạn phát triển. Để không ai bị bỏ lại phía sau, bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt, kịp thời, tỉnh đã hỗ trợ cho 500.277 người và 6.400 người sử dụng lao động với tổng số tiền 838 tỷ đồng; giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 207.309 người với số tiền 129 tỷ đồng; giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 228.717 người với số tiền 69 tỷ đồng; hỗ trợ 34.819 trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người đang điều trị Covid-19 cách ly y tế với số tiền 38 tỷ đồng; hỗ trợ 582 người không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền 858 triệu đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho 18.100 người với số tiền là 26 tỷ đồng; hỗ trợ đón 83 người lao động Quảng Ninh đang lưu trú tại tỉnh Bắc Giang có nguyện vọng về tỉnh. Qua đó giúp người dân ổn định cuộc sống, vững vàng vượt qua đại dịch, nhân lên niềm tin vào cấp ủy, chính quyền địa phương.
Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Ngay cả trong thời điểm cam go nhất, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021), trên cơ sở đó HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) về Chương trình phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Quảng Ninh dành khoảng 4.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện chương trình, nhằm thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền. Từ đó thực hiện thành công khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
3 năm chống lại kẻ thù vô hình mang tên đại dịch Covid-19, Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, đã thành công. Đúc kết những bài học, kinh nghiệm quý báu của Quảng Ninh sau gần 3 năm kiên cường chiến đấu với đại dịch Covid-19 sẽ là nền tảng quan trọng để vượt qua mọi khó khăn, kiến tạo một Quảng Ninh giàu đẹp, một vùng đất mà ở đó mỗi người dân đều được thực sự thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Nhân lên niềm tin, tự hào

Ba năm đại dịch Covid-19 đi qua với nhiều mất mát, hy sinh, nhưng cũng không ít thành công từ nỗ lực vượt khó. Trong gian khó, chúng ta dễ dàng nhận ra sự sẻ chia, đoàn kết, thống nhất, đồng cam cộng khổ... Đi qua "ngày mưa" người ta mới thấy thật trân quý những "ngày nắng", nhân lên niềm tin, tự hào, khát vọng phát triển...
Kỹ sư Nguyễn Tiến Du, Phân xưởng Sàng - Phục vụ (Công ty Than Khe Chàm - TKV): "Biết ơn các cấp, ngành trong cuộc chiến chống Covid-19, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển"
Tiên liệu trước nguy cơ mà dịch Covid-19 có thể gây ra, cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động, linh hoạt điều chỉnh theo từng cấp độ trong việc phòng chống, để thích nghi và ứng phó thành công đại dịch. Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ như nền cốt, cùng với đường lối lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt ứng biến của các cấp lãnh đạo tỉnh, ngành Than đã tạo dựng tường thành vững chãi, thực hiện tốt "mục tiêu kép" của ngành, vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất than cho Tổ quốc. Tại Công ty Than Khe Chàm, trước diễn biến phức tạp của dịch, BCĐ phòng, chống dịch Covid Công ty đã kịp thời kích hoạt hoạt động từ phòng, ban đến tổ, đội, trực tiếp đến người lao động; thực hiện nghiêm các công văn chỉ thị của Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, Tập đoàn, địa phương... và các biện pháp thực tế tại đơn vị. Không để người lao động hoang mang, phải nghỉ việc trên diện rộng. Chủ động cách ly, hỗ trợ lương cho người lao động tạo sự gắn bó, đoàn kết, an tâm, tin tưởng trong lao động, sản xuất.
Có được thành quả hôm nay, phải tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với những quyết sách sát thực tế, kịp thời, đúng, trúng, trọng tâm, trọng điểm. Từ đó đã tạo việc làm ổn định, an toàn cho người dân, củng cố niềm tin trong nhân dân, thổi làn gió mới cho một Quảng Ninh hào sảng, thân thiện, phát triển và đáng sống.


Chị Đào Nguyệt Quế, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều): "Đồng lòng chiến thắng đại dịch"
Đêm ngày 2/11/2021 có lẽ là một đêm không bao giờ quên của cán bộ, nhân dân xã Hồng Thái Tây, bởi địa phương là nơi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của TX Đông Triều. Cả hệ thống chính trị xã đã vào cuộc, phối hợp cùng cán bộ, y tế của tỉnh của thị xã để lấy mẫu xét nghiệm, truy vết để cách ly kịp thời các đối tượng F1, F2. Chưa bao giờ sự chung sức, đồng lòng lại được thể hiện rõ nét đến thế, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, các tổ chức chính trị - xã hội từ xã đến thôn tham gia lấy mẫu xét nghiệm, nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh việc lấy mẫu. Ai cũng quan tâm, lo lắng và có ý thức thực hiện các quy định của Bộ Y tế, chung tay phòng chống dịch bệnh.
Đoàn Thanh niên xã đã vào cuộc cùng các cấp chính quyền địa phương quyết liệt trong công tác phòng chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch tới nhân dân; thành lập đội hình thanh niên xung kích gồm 20 ĐVTN tình nguyện đi đầu trong công tác phòng chống dịch, xung kích, sẵn sàng tham gia phục vụ khu cách ly tập trung khi có yêu cầu; huy động lực lượng ĐVTN hỗ trợ công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm...
Trong suốt “cuộc chiến” đó, những chiến sĩ áo xanh phối hợp làm việc ngày đêm không nghỉ. Khi các ca F0 ngày càng tăng, BCĐ phòng chống dịch Covid-19 xã đã thành lập Trạm Y tế lưu động, "đi từng ngõ, gõ từng nhà", chăm sóc, điều trị cho các đối tượng mắc Covid-19 và hướng dẫn cho các đối tượng F1, F2 và nhân dân thực hiện cách ly, biện pháp phòng chống dịch. Sự chung tay phòng chống dịch của cả cộng đồng, xã hội; tinh thần đoàn kết, tình người, tình đồng bào là sức mạnh to lớn góp phần chiến thắng đại dịch.
Bà Đặng Thị Hảo, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 6 (phường Thanh Sơn, TP Uông Bí): "Dịch bệnh đi qua, những tấm lòng vàng ở lại"
Đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau là truyền thống quý báu của dân tộc, nhất là trong những lúc khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, truyền thống, tinh thần ấy càng được nhân lên gấp bội. Nhìn lại cuộc chiến chống dịch Covid-19 thời gian qua càng thấy rõ tình yêu thương con người được lan tỏa qua hành động và việc làm thiết thực, đầy nhân văn. Để góp phần phòng chống dịch Covid-19, cả hệ thống chính đã vào cuộc, từ các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, công an, quân đội, đặc biệt lực lượng y, bác sĩ, cùng sự đóng góp công sức của các nhà hảo tâm, tấm lòng thiện nguyện, san sẻ yêu thương của nhân dân trên khắp địa bàn tỉnh.
Trong cuộc chiến ấy, chúng ta đã nhìn thấy, tham gia vào nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa; những cuộc “giải cứu” nông sản, thủy sản nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân; các mặt hàng thiết yếu, nhiều chuyến xe nghĩa tình chở lương thực phẩm đến trọng điểm vùng dịch, hay đơn giản chỉ là hành động nhỏ trong tổ dân, khu phố nhắc nhở nhau nâng cao sức khỏe, thực hiện 5K, giúp nhau đi chợ, chia mớ rau, nhường con cá..., tất cả đều rất ấm áp nghĩa tình. Dịch bệnh đã qua đi nhưng sự kết nối, lan tỏa từ những tấm lòng vàng vẫn còn đọng lại mãi. Tình người, tinh thần đoàn kết được nhân lên góp phần tăng thêm sức mạnh để Quảng Ninh đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19.


Ông Nguyễn Thái Hưng, Giám đốc Khách sạn Sài Gòn - Hạ Long: "Tôi xin cảm ơn!"
Đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Đó là những khó khăn mà hầu hết các doanh nghiệp chưa từng gặp phải. Bên cạnh lượng khách giảm sút, nhiều thời điểm doanh nghiệp phải đóng cửa để phục vụ phòng, chống dịch. Trong khi đó, các chi phí để duy trì như: Lương, bảo hiểm, phòng cháy chữa cháy... vẫn phải trang trải. Khó khăn là vậy, song chúng tôi luôn có sự đồng hành, sát cánh, động viên của tỉnh, sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh. Trong đó, giảm 50% phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh, Khu di tích Yên Tử; miễn toàn bộ giá vé vào các ngày lễ quan trọng như: Tết dương lịch, Ngày thành lập Đảng, Tết Nguyên đán, Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Ngày Quốc tế Phụ nữ, Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5...; hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đến Hạ Long, Dốc Đỏ (Uông Bí) và ngược lại. Đây là chính sách kịp thời không chỉ thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh, mà còn góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp từng bước phục hồi.
Cùng với đó, tỉnh ưu tiên triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động trong ngành du lịch. Đồng thời dành nhiều thời gian lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những hành động cụ thể đó là niềm động viên rất lớn để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trụ vững an toàn, yên tâm. Tôi xin cảm ơn!
Ông La Văn Thống, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Vàng Giữa (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu): "Để nhân dân có cuộc sống bình yên"
Những ngày tháng chống dịch Covid-19 là thời gian không thể nào quên với tôi. Những mất mát, hy sinh và nỗi đau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 là rất lớn. Nghe trên đài, xem trên tivi, rồi những câu chuyện kể lại mà thấy thương lắm. Có những đứa trẻ bỗng dưng thành mồ côi, hàng nghìn công nhân lao động mất việc làm, những người vô gia cư... mà cầm lòng không đặng.
Bình Liêu là huyện miền núi biên giới, tôi đã cùng các lực lượng và bà con thường xuyên đi tuần tra biên giới, lập các chốt phòng chống dịch, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động người dân chấp hành nghiêm quy định. Cả nước chung tay chống dịch; tôi là một người dân, tôi cũng cần có trách nhiệm cùng cộng đồng góp sức để giữ quê hương mình được bình yên. Tôi và bà con trong thôn luôn cảm ơn tỉnh, sở, ngành, địa phương, nhất là lực lượng tuyến đầu, đã luôn giữ những vùng xanh an toàn để nhân dân có cuộc sống bình yên, ổn định, sức khỏe được chăm lo, con em được tới trường.


Từ khi Covid-19 xuất hiện, trở thành đại dịch đặc biệt nguy hiểm và lớn nhất trên toàn thế giới cho đến nay - được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chắc hẳn nhiều người không thể quên những ngày tháng đáng nhớ chống chọi với đại dịch. Trong giai đoạn “cơn bão Covid-19” hoành hành khốc liệt nhất, tinh thần “tương thân, tương ái”, tình nghĩa đồng bào đã trở thành sức mạnh, thôi thúc mỗi người làm nhiều việc tốt, cùng nhau vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.
Theo thống kê sơ bộ, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, toàn tỉnh đã huy động gần 43.000 lượt người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. Trong đó, ngành Y tế là hơn 8.200 lượt người; lực lượng quân đội thuộc Bộ CHQS tỉnh là 2.546 lượt; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh là 1.123 lượt; Công an tỉnh trên 30.000 lượt CBCS...

Ngày 10/9/2021, trong lần xuất quân đợt 6, Quảng Ninh cử đoàn 500 cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch tại Thủ đô Hà Nội.
Ngày 10/9/2021, trong lần xuất quân đợt 6, Quảng Ninh cử đoàn 500 cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch tại Thủ đô Hà Nội.
Đặc biệt, trong những giai đoạn dịch bùng phát nguy hiểm, phức tạp, từ các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an cho đến cán bộ cấp xã, cán bộ nghỉ hưu, sinh viên... đều không ngại khó khăn, tình nguyện lao vào điểm nóng, tất cả đều mang trong mình trách nhiệm với Tổ quốc, tình nghĩa với đồng bào. Đó là gần 600 lượt cán bộ, y, bác sĩ, sinh viên ngành Y tế Quảng Ninh tham gia hỗ trợ chống dịch hàng tháng trời tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội, Tây Ninh, Bình Dương. Đó là hàng trăm lượt CBCS biên phòng ngày đêm bám chốt ở địa bàn vùng biên giới suốt nhiều tháng không thể về nhà. Đó là các chiến sĩ công an, quân đội... vừa đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ các cơ sở cách ly y tế tập trung, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, rà soát, truy vết các trường hợp thuộc diện từ F1 đến F4 ở các chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào tỉnh để giữ vững “vùng xanh an toàn”...
Đến tận bây giờ, khi tất cả những giai đoạn khốc liệt, khó khăn nhất của đại dịch đã qua đi, tâm sự của những người lao vào điểm nóng thời điểm ấy vẫn làm nhiều người rơi nước mắt. Bởi trong hoàn cảnh khắc nghiệt, giữa làn ranh của sự sống và cái chết, họ - những người tình nguyện xông pha tuyến đầu chống dịch, đã không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, mà còn như người thân của người bệnh, là điểm tựa, niềm tin của những người mắc Covid-19 đang một mình chống lại bệnh tật.

Cán bộ y tế Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí làm việc thâu đêm trong đợt chi viện cho tỉnh Bắc Giang, tháng 5/2021.
Cán bộ y tế Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí làm việc thâu đêm trong đợt chi viện cho tỉnh Bắc Giang, tháng 5/2021.
Xin nhắc lại tâm sự của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, trong lần “chia lửa” cùng đồng bào Bắc Giang, tháng 5/2021, để minh chứng một lần nữa cho tinh thần đoàn kết, tương trợ, Quảng Ninh đồng hành với các địa phương vượt qua đại dịch: “Điện thoại của tôi lúc nào cũng trong tình trạng “cháy máy” để cử cán bộ đến điểm này, điểm kia truy vết. Đỉnh điểm là ngày 25/5/2021, Bắc Giang ghi nhận gần 400 ca mắc Covid-19, đối tượng lấy mẫu những ngày đó gần như vượt ngưỡng khi mỗi người phải lấy hàng nghìn mẫu/ngày. Guồng quay công việc cứ tới tấp, từ sáng đến đêm, từ đêm tới sáng, các tổ phản ứng nhanh vừa về đến khách sạn lúc 23h đêm lại nhận lệnh quay xe để tiếp tục truy vết ca bệnh. Chưa một ngày nào, báo cáo công việc của đoàn kết thúc trước 2h sáng. Những ngày hôm đó, chúng tôi lại ước giá như thời gian đừng dừng lại ở 24 tiếng. Chúng tôi hiểu mình cần phải dốc sức nhiều hơn nữa, để sớm xóa đi những đám mây mờ đang bao phủ cuộc sống của người dân nơi đây...”.

Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) trao hỗ trợ cho gia đình F0 điều trị tại nhà có hoàn cảnh khó khăn.
Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) trao hỗ trợ cho gia đình F0 điều trị tại nhà có hoàn cảnh khó khăn.

Tham gia hiến máu tình nguyện là việc làm rất có ý nghĩa, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.
Tham gia hiến máu tình nguyện là việc làm rất có ý nghĩa, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.

Chặng đường chống dịch Covid-19 luôn rất khó khăn. Nhưng càng trong khó khăn, tinh thần “tương thân, tương ái” càng được khơi dậy. Tình người, sự tử tế tỏa sáng và có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, bất cứ giai đoạn nào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Vì vậy, dịch càng phức tạp, cam go, tình người càng lan tỏa, góp phần tạo nên sức mạnh, quyết tâm để Quảng Ninh đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19.

Người dân huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) tặng quà cảm ơn Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh, tháng 5/2021.
Người dân huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) tặng quà cảm ơn Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh, tháng 5/2021.
Những ngày cách ly, những đợt phong tỏa, những giai đoạn cam go nhất, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ bằng tiền, hiện vật, hàng hóa... trị giá trên 300 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Có hàng trăm việc làm tốt, hành động đẹp đến giờ nhiều người vẫn nhớ: Tặng khẩu trang cho vùng khó khăn; mang lương thực, nhu yếu phẩm tặng lực lượng ở tuyến đầu chống dịch; hiến máu cứu bệnh nhân trong những ngày cách ly, phong tỏa; đi chợ mua đồ giúp những gia đình có F0 hoặc xóm, khu bị cách ly, phong tỏa...
Đặc biệt, năm 2020 câu chuyện về 2 bà mẹ giàu lòng nhân ái tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến nhiều người cảm phục. Đó là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngăn (TX Quảng Yên) 90 tuổi đã dành cả số tiền tiết kiệm nhiều năm để góp sức cùng địa phương chống dịch; cụ bà Vũ Thị Sim (TP Cẩm Phả) đã 103 tuổi nhưng sẵn sàng góp chút “của ít lòng nhiều” để chung tay với cộng đồng đẩy lùi Covid-19. Tinh thần “Khi đất nước lâm nguy, mỗi người dân là một chiến sĩ” đã được thắp sáng trong lòng mỗi người dân khi đứng trước đại địch vô hình mang tên Covid-19. Tấm lòng của mẹ Ngăn, cụ Sim chỉ là 2 trong số rất nhiều những nghĩa cử đẹp trong toàn tỉnh cũng như trên cả nước. Tất cả họ, dù việc làm tuy nhỏ, đóng góp có thể không nhiều nhưng đều chứa đựng tình cảm yêu thương và tinh thần chia sẻ lớn lao, đã cổ vũ thêm tinh thần quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của cả cộng đồng.

Cán bộ y tế Quảng Ninh vui Tết Trung thu với bệnh nhi tại bệnh viện thu dung số 6 của TP Hồ Chí Minh, tháng 7/2021.
Cán bộ y tế Quảng Ninh vui Tết Trung thu với bệnh nhi tại bệnh viện thu dung số 6 của TP Hồ Chí Minh, tháng 7/2021.
Còn nhớ đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 tháng 9/2021, khi các cửa ngõ trên toàn tỉnh đều phải lập chốt liên ngành kiểm soát dịch, những lực lượng tuyến đầu đã ngày đêm trực chốt rất vất vả, căng thẳng, thiếu thốn. Những tháng ngày trực chốt ở ngay bìa rừng, giữa quốc lộ hay lênh đênh trên biển, có khi mấy tháng trời không được về nhà, những người trực chốt coi nhau như một gia đình, cùng ăn, cùng ở, nỗ lực hết mình cho nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”. Bù đắp lại sự hy sinh thầm lặng mà họ cống hiến để mang lại bình an cho cuộc sống phía sau chốt, mỗi ngày họ đều nhận được sự quan tâm chia sẻ, động viên của hậu phương. Khi ấy Trung tá Triệu Đức Thông (Ban CHQS TP Hạ Long) là cán bộ trực Chốt liên ngành kiểm soát dịch Covid-19 trên QL279 nằm giữa đèo Hạ My - con đèo nối tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, tâm sự rằng: “Lâu rồi không thể về nhà, chúng tôi coi chốt như gia đình, đồng nghiệp là anh em. Cánh lái xe thường xuyên qua chốt cũng trở nên thân quen; có người thấy anh em vất vả lại gửi tặng thùng nước hay cái ô, áo mưa... Hành động dù nhỏ thôi, món quà tuy không lớn nhưng chúng tôi cảm kích vô cùng. Đúng là trong những lúc gian khó, dịch giã như thế này, mới thấy lòng người càng thêm ấm áp, gần gũi nhau hơn...”.

Cán bộ trực Chốt liên ngành kiểm soát dịch Covid-19 trên QL279 hướng dẫn tài xế khai báo y tế bằng QR-Code, tháng 9/2021.
Cán bộ trực Chốt liên ngành kiểm soát dịch Covid-19 trên QL279 hướng dẫn tài xế khai báo y tế bằng QR-Code, tháng 9/2021.
Có người nói rằng, giữa đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đầy nguy hiểm, tình người bỗng sáng lên như ngọn đuốc rực lửa soi đường giúp mọi người vượt qua ranh giới tử thần. Tình cảm chân thành, chan chứa yêu thương và chia sẻ mọi người dành cho nhau, “không để ai bị bỏ lại phía sau", chính là sức mạnh vô giá giúp chúng ta vượt qua đại dịch.


Ngày xuất bản: 29/10/2023
Thực hiện: Cao Quỳnh- Hoàng Nhi- Thanh Hoa
Trình bày: Vũ Đức