
Cách đây 60 năm, đầu tháng 8/1964, nhằm triệt tiêu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, làm nhụt ý chí quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta, đế quốc Mỹ đã cho tàu chiến xâm phạm lãnh hải miền Bắc, gây ra cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để ngày 5/8/1964 chúng cho máy bay ồ ạt ném bom từ Sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai (Quảng Ninh).
Tại Quảng Ninh, quân và dân Quảng Ninh kiên quyết đánh trả, bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống tên phi công Mỹ đầu tiên trên bầu trời miền Bắc. Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 của quân và dân miền Bắc nói chung, Quảng Ninh nói riêng đã giáng một đòn mạnh vào dã tâm của đế quốc Mỹ, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ ý chí của quân và dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có những sự kiện mang tính lịch sử sẽ còn sống mãi với thời gian. Chiến thắng trận đầu của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ mở đầu cho cuộc chiến tranh, phá hoại miền Bắc cách đây 60 năm ngày 5/8/1964 là một mốc son lịch sử như vậy. 60 năm đã qua, nhưng khí thế hào hùng và những bài học của chiến công vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử này, chúng ta không thể không nhớ tới những nhận định và những chủ trương đúng đắn sáng tạo của Bộ Chính trị nhằm chủ động đối phó với âm mưu thủ đoạn của địch cách ngày xảy ra sự kiện 5/8/1964 ít lâu. Đó là giữa năm 1964, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã có những hoạt động khiêu khích, phá hoại và chuẩn bị cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân chống phá miền Bắc ngày càng trắng trợn.
Trước những mưu đồ của Mỹ, tháng 6/1964, Bộ Chính trị đã ra chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ”. Bộ Chính trị chỉ thị cho các cấp bộ Đảng và chính quyền tăng cường công tác phòng không nhân dân, coi đó là một nhiệm vụ cấp bách. Trước mắt, tăng cường hệ thống phòng không bảo vệ những khu vực quan trọng, lấy bộ đội phòng không, hải quân làm nòng cốt, kết hợp với việc phát động phong trào rộng rãi bắn máy bay địch bằng mọi thứ súng của bộ binh và của lực lượng dân quân tự vệ. Do vậy, đến giữa năm 1964, quân và dân miền Bắc đã được chuẩn bị cả về tinh thần, lực lượng và thế trận, sẵn sàng và trên thế chủ động bước vào cuộc chiến đấu với không quân và hải quân địch.
Xác 4 chiếc máy bay Mỹ bị quân và dân miền Bắc bắn rơi ngày 5/8/1964 được trưng bày tại Triển lãm Vân Hồ - Hà Nội. Ảnh: Tư liệu Quân chủng Hải quân cung cấp/TTXVN phát.
Xác 4 chiếc máy bay Mỹ bị quân và dân miền Bắc bắn rơi ngày 5/8/1964 được trưng bày tại Triển lãm Vân Hồ - Hà Nội. Ảnh: Tư liệu Quân chủng Hải quân cung cấp/TTXVN phát.
Theo thống kê, kết quả, ngay trận đầu dùng máy bay ném bom miền Bắc, từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá đến Quảng Ninh (5/8/1964), đế quốc Mỹ đã bị một thất bại lớn, vô cùng bất ngờ và choáng váng. 8 trong số 64 lần chiếc máy bay cất cánh - tức 12% số máy bay được huy động vào một trận đánh đã bị bắn rơi. Một số chiếc khác bị trúng đạn. Một giặc lái bị bắt sống. Đây là một tỷ lệ cao về số máy bay bị rơi so với số máy bay tham chiến trong tác chiến của không quân. Điều đặc biệt là ở cả 4 khu vực, trong các lần địch đánh phá đều có máy bay bị bắn rơi. Các mục tiêu mà Mỹ đặt ra cho cuộc tiến công đều không đạt được. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, không quân Mỹ nếm mùi thất bại.
Có thể nói, Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 là một chiến thắng có ý nghĩa quan trọng về quân sự và chính trị của quân và dân ta, một chiến thắng có tiếng vang lớn trên thế giới. Diễn ra vào lúc đế quốc Mỹ đang tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược trên cả hai miền Nam, Bắc, chiến thắng ngày 5/8/1964 cổ vũ mạnh mẽ khí thế đánh Mỹ, củng cố niềm tin đánh thắng đế quốc Mỹ của quân và dân cả nước. Nó chỉ rõ khả năng quân và dân ta hoàn toàn có thể đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến đấu ở miền Nam.
Trận địa pháo cao xạ 88 tiểu đoàn 207 ở Cột 5 tham gia chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 5/8/1964.
Trận địa pháo cao xạ 88 tiểu đoàn 207 ở Cột 5 tham gia chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 5/8/1964.
Đối với Quảng Ninh, chiến thắng trận đầu 5/8/1964 cũng đã để lại nhiều bài học giá trị. Nếu như thắng lợi của cuộc tổng đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ (tháng 10/1936), cho thấy sức mạnh của đoàn kết, của kỷ luật và đồng tâm; giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 là bài học của chủ động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ… thì Chiến thắng 5/8/1964 để lại bài học kinh nghiệm quý đó là sự chủ động từ sớm, từ xa để không bị động, bất ngờ, là sự kiên quyết tiến công “đã ra quân là đánh thắng”.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 nhắc nhở chúng ta luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi thế lực thù địch, giữ vững vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

60 năm đã qua nhưng ý nghĩa của Chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964 của quân và dân miền Bắc nói chung, quân và dân Quảng Ninh nói riêng vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Theo các tư liệu lịch sử, vào đêm 31/7/1964, tàu Maddox, con tàu khu trục đa năng với 350 sĩ quan và binh lính, thuộc biên đội xung kích 77, hạm đội 7 của Mỹ ngang nhiên xâm phạm vùng biển nước ta, âm mưu thu thập thông tin tình báo, đe dọa ngư dân ta làm ăn trên biển. Tàu khu trục Maddox có tốc độ 38 hải lý, trang bị rất mạnh với 6 đại bác 127mm, 12 pháo 40mm, 5 giàn ngư lôi, bom chìm, bom phóng và sự yểm trợ của không quân.
Sáng 1/8/1964, tàu Maddox bắn vào hòn Mê gần Đèo Ngang (ranh giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình). Ngày 2/8/1964, 3 tàu phóng lôi của ta mang số hiệu 333, 336 và 339 đã được lệnh rời cảng Vạn Hoa, để tiến vào Hòn Mê đánh đuổi tàu của Mỹ xâm phạm nước ta. 12 giờ 30 phút ngày 2/8/1964, phân đội đến được Hòn Mê và ít phút sau, Sở chỉ huy tiền phương lệnh đánh đuổi tàu Mỹ Maddox ra khỏi hải phận nước ta. Tàu Maddox bị trúng đạn bốc cháy khoang mũi, buộc phải rút chạy ra xa.
Trận địa pháo phòng không đánh trả máy bay Mỹ bên bờ Vịnh Hạ Long. Ảnh: Trương Thái
Trận địa pháo phòng không đánh trả máy bay Mỹ bên bờ Vịnh Hạ Long. Ảnh: Trương Thái
Lấy cớ bị tàu hải quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tấn công trên vùng biển quốc tế mà đế quốc Mỹ gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", đêm ngày 4, rạng ngày 5/8/1964, hải quân Mỹ đã mở cuộc tập kích bằng đường không vào một số điểm thuộc miền Bắc Việt Nam. Cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn đầu tiên của không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam ngày 5/8/1964 được Mỹ đặt tên là “hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên) do 64 lần chiếc máy bay của hải quân từ hai tàu sân bay Constellation và Ticonderoga đánh phá các khu vực Vinh Bến Thủy (hai lần), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh) và Cảng Gianh (Quảng Bình).
Sau khi máy bay Mỹ đánh phá khu vực Vinh - Bến Thủy và Quảng Bình, phán đoán hành động sắp tới của địch, thường vụ đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng nhận định có khả năng địch sẽ đánh phá khu vực Hòn Gai, mục tiêu cụ thể là quân cảng Bãi Cháy. Tiểu đoàn phòng không 217 bảo vệ khu công nghiệp Hòn Gai - Cẩm Phả được lệnh sẵn sàng đánh trả máy bay địch.
Tàu Maddox.
Tàu Maddox.
14h15, hai tốp (gồm 8 chiếc) máy bay cùng cất cánh từ tàu sân bay Constellation vào đánh phá căn cứ của Hải quân ta ở Bãi Cháy. Các tàu 134, 227 và nhiều tàu khác của bộ đội hải quân, vừa bắn trả địch vừa cơ động vượt ra ngoài vịnh. Đại đội 142 pháo cao xạ 88mm (Tiểu đoàn phòng không 217) nhằm thẳng lúc máy bay địch bổ nhào mà bắn. Nhưng do hiệp đồng không chặt, hỏa lực của các đơn vị bị phân tán. Trong đợt công kích thứ ba của máy bay địch, khẩu đội súng máy phòng không 14,5mm do trung đội phó Trương Thanh Luyện chỉ huy đã đón đúng đường bay của địch, nổ súng chính xác, bắn rơi tại chỗ một máy bay A.4D. Tên giặc lái Alvarez, cấp bậc trung úy, nhảy dù rơi xuống biển bị quân và dân ta bắt sống. Đây là tên phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi và bắt sống trên bầu trời miền Bắc. Các đại đội 141 và 143 pháo cao xạ 88 (Tiểu đoàn 217) bắn bằng phần tử tổng hợp phối hợp với bộ đội hải quân và dân quân tự vệ bắn rơi chiếc máy bay thứ hai. Trận chiến đấu ở khu vực Hòn Gai kết thúc lúc 15 giờ 5 phút.
Ngay sau trận đánh, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 217 khẩn trương củng cố công sự, lau chùi pháo đạn, sẵn sàng bước vào trận chiến đấu mới. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang có chuyến công tác ở Quảng Ninh đã đến thăm bộ đội khi trận địa còn khét mùi thuốc súng, khen ngợi chiến công đầu của Tiểu đoàn 217. Đồng chí Vương Đình Nạp, chính trị viên tiểu đoàn đã báo cáo với Thủ tướng diễn biến trận chiến đấu và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn. Thủ tướng căn dặn bộ đội phòng không: “Thắng lợi của chúng ta rất lớn, nhưng mới chỉ là trận đầu. Địch có thể còn đánh trở lại với lực lượng lớn hơn nữa. Điều quan trọng là ta phải rút kinh nghiệm để chiến đấu giỏi hơn, giành thắng lợi lớn hơn. Cần cảnh giác cao độ, luôn sẵn sàng chiến đấu”.
Các lực lượng hải quân, pháo phòng không, dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh... trong trận chiến hào hùng ngày 5/8/1964 bên sông Cửa Lục. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh.
Các lực lượng hải quân, pháo phòng không, dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh... trong trận chiến hào hùng ngày 5/8/1964 bên sông Cửa Lục. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh.
Chiến thắng 5/8/1964 có thể ví như “trận Bạch Đằng lịch sử” trên trời biển Hạ Long. Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính uỷ Quân chủng Hải quân, đánh giá: Chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964 là một dấu mốc lịch sử quan trọng khẳng định sức mạnh chính trị tinh thần và ý chí quyết tâm của toàn dân tộc. Chiến thắng đã tạo tiền đề thuận lợi cổ vũ động viên khí thế tiến công của quân và dân ta quyết tâm đánh bại các bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ đội hải quân thả hoa xuống dòng sông Cửa Lục tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ảnh: Phạm Học
Bộ đội hải quân thả hoa xuống dòng sông Cửa Lục tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trong chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Ảnh: Phạm Học
Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 đã và đang được tiếp tục phát huy trong thời đại mới. Năm 2024, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc, được đặt trong tổng thể các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, việc này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử, thành tích, chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Đặc biệt, đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam ôn lại lịch sử, truyền thống đánh thắng trận đầu. Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng non trẻ, sau 9 năm thành lập (7/5/1955), đã phát huy đúng bản chất, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, với tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù, đã cùng quân dân miền Bắc chiến đấu và giành thắng lợi ngay từ trận đầu ra quân.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính uỷ Quân chủng Hải quân và cán bộ, chiến sĩ tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trong Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 tại Đài tưởng niệm Chiến thắng trận đầu ở Bãi Cháy.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính uỷ Quân chủng Hải quân và cán bộ, chiến sĩ tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trong Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 tại Đài tưởng niệm Chiến thắng trận đầu ở Bãi Cháy.
Từ đó, nâng cao niềm vinh dự, tự hào, tình cảm, trách nhiệm, ý chí quyết tâm, biết vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng trận đầu vào thực tiễn xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
"Thay mặt Quân chủng Hải quân, phòng không không quân, chúng tôi xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình… đã cưu mang đùm bọc hỗ trợ các lực lượng làm nên Chiến thắng trận đầu oanh liệt" - Trung tướng Nguyễn Văn Bổng chia sẻ.

Sau 60 năm, những người làm nên Chiến thắng trận đầu 5/8/1964 phần vì vết thương chiến tranh, phần vì tuổi tác đã ngày càng thưa vắng dần. Nhưng câu chuyện của những người còn sống kể lại cho con cháu nghe như một phần lịch sử oai hùng.
Ông Phạm Hùng (tức Phạm Cẩm Nguyên) hiện đang sinh sống ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) từng là chiến sĩ văn thư bảo mật, ông Hoàng Văn Minh ở phường Hà An (TX Quảng Yên) là chiến sĩ tín hiệu (thường gọi lính cờ tay) là đồng đội cùng Tiểu đoàn phóng lôi 135 (C135).
CCB Hoàng Văn Minh, nguyên chiến sĩ cờ tay của tàu 333, trầm ngâm bên dòng Cửa Lục nhớ về đồng đội cũ.
CCB Hoàng Văn Minh, nguyên chiến sĩ cờ tay của tàu 333, trầm ngâm bên dòng Cửa Lục nhớ về đồng đội cũ.
Ông Minh kể, ngày 2/8/1964, Phân đội 3 gồm 3 tàu phóng lôi được lệnh rời cảng Vạn Hoa, vào Hòn Mê thả neo, đợi lệnh. Ít phút sau, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho Phân đội 3 xuất kích đánh đuổi tàu Maddox của hải quân Mỹ. Tàu 333 của ông Minh vượt lên cản tàu địch để tàu 336 và tàu 339 áp sát mạn phải chiếm lĩnh mục tiêu. Tàu 333 tiếp cận được mạn phải tàu địch vừa bắn quét vừa phóng ngư lôi. Một quả ngư lôi trúng mục tiêu phát nổ ngay mũi tàu địch khói bốc lên mù mịt. Tàu Maddox bắn trả và buộc phải rút chạy ra xa.
Ông Minh xúc động kể tiếp: Thấy tàu địch bốc cháy, chỉ huy lệnh cho các tàu giật bom thả khói mù đánh lạc hướng tàu địch thoát ra khỏi vùng chiến sự trở về căn cứ. Một số cán bộ, chiến sĩ trong phân đội đã hy sinh và bị thương.
Phân đội về đậu ở bến Lạch Trường (Thanh Hóa) thì máy bay địch xuất hiện, ném bom xuống toàn bộ khu vực bến cảng. Biên đội tàu nổ máy, chặt dây neo rời bến đánh trả máy bay Mỹ. "Tôi cầm khẩu trung liên lấy bệ tỳ là ống phóng của tàu, nhằm máy bay địch mà siết cò'' - ông Minh nhớ lại. Quá trình đánh trả máy bay Mỹ, ông Minh dính 2 mảnh đạn 20 ly, một mảnh làm bục ống khí quản, tràn dịch màng phổi, được đồng đội đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện dân y huyện Hậu Lộc.
CCB Đỗ Xuân Cát kể cho tác giả bài viết nghe câu chuyện ngày 5/8/1964.
CCB Đỗ Xuân Cát kể cho tác giả bài viết nghe câu chuyện ngày 5/8/1964.
Cũng là một nhân chứng của chiến công hiển hách ngày ấy, Trung tá Đỗ Xuân Cát, ở khu 1, phường Hồng Gai (TP Hạ Long), từng là chiến sĩ ra đa Tiểu đoàn 135 rất tự hào về những năm tháng chiến đấu của mình và đồng đội. Ông Cát nhớ lại: Tôi được biên chế vào tàu số hiệu 326, thuộc Phân đội tàu phóng lôi 2 được điều động vào khu 4, đóng quân tại cảng Sông Gianh đón lõng các tàu đệm khí của địch vào đổ bộ tập kích.
Trưa ngày 5/8/1964, một tốp máy bay Mỹ bất ngờ tập kích vào cảng Sông Gianh để trả đũa cho việc tàu khu trục Maddox bị quân ta đánh đuổi ở Vịnh Bắc Bộ ngày 2/8/1964. ''Lúc đó, tôi đang trực gác điện đài trên tàu, còn anh em cán bộ, chiến sĩ đang ăn cơm trên lán trại. Khi tốp máy bay vụt qua là một loạt rốc két bắn xuống khu vực tàu neo đậu, tôi kéo còi báo động, chạy ra sau tàu dùng súng 14.5 ly bắn trả" - ông Cát kể.
Chiến sĩ ta ở các lán trại và lực lượng phòng không về các vị trí chiến đấu đánh trả quyết liệt, bắn bị thương 1 máy bay địch, buộc chúng phải bay vội ra biển. Tốp máy bay đến đánh phá tốc độ rất nhanh, chỉ lượn phóng rốc két 2 vòng rồi đi.
Ông Đỗ Xuân Cát (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội tại lớp huấn luyện ra đa năm 1962 chuẩn bị lực lượng đối phó với máy bay Mỹ leo thang miền Bắc.
Ông Đỗ Xuân Cát (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội tại lớp huấn luyện ra đa năm 1962 chuẩn bị lực lượng đối phó với máy bay Mỹ leo thang miền Bắc.
Trong quá trình chiến đấu, một quả đạn rốc két của địch làm ông bị thương ở đầu gối. Phân đội tàu được cơ động di chuyển ngược Sông Gianh, neo đậu tại khu vực huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) để đảm bảo bí mật. Ông Cát tự hào: Trang bị vũ khí của quân ta còn kém rất nhiều so với địch. Song cùng với quân và dân các địa phương ven biển đã phối hợp với lực lượng hải quân làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
CCB Phạm Văn Năm.
CCB Phạm Văn Năm.
Tại Hòn Gai, nhớ lại trận đánh chiều 5/8/1964, ông Phạm Văn Năm, khi ấy là pháo thủ dận cò khẩu đội 14,5mm thuộc Trung đội 3, Đại đội 4, Tiểu đoàn 217 kể rằng, lúc đó ông đang trực chiến trên đồi Hà Tu, nghe những tiếng bom đạn ầm ầm từ phía TX Hòn Gai vọng lại, ông biết là đã có đánh lớn diễn ra. Do đó, cả đơn vị đều nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.
Còn ông Đào Ngọc Sao lúc đó là hạ sĩ, khẩu đội trưởng khẩu đội 2, Trung đội 5 súng máy cao xạ 14,5mm, Đại đội 141, Tiểu đoàn 217 cũng ở trận địa pháo bố phòng ở mỏm đồi gốc đa Hà Tu. Trung đội phó Trương Thanh Luyện phất cờ, khẩu đội của ông Sao cùng đơn vị nhả đạn. Máy bay bốc cháy, rơi xuống khu vực Đầu Mối.
Chiến đấu quả cảm, phòng không và hải quân hiệp đồng tích cực với các lực lượng dân quân, tự vệ Cảng Hòn Gai, Công an nhân dân vũ trang, quân và dân Vùng mỏ đã giành chiến thắng vang dội, bắn rơi 3 máy bay, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên trên miền Bắc. 60 năm qua đi, tuổi tác có thể làm cho ký ức của các những CCB năm xưa bị đứt đoạn nhưng âm vang hào hùng của Chiến thắng trận đầu thì vẫn còn mãi cùng trời biển quê hương.

Cựu chiến binh Phạm Khắc Định quê ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, hiện ở khu 2, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Năm 1964, ông là Trung đội trưởng Trung đội 2, thuộc Đại đội 141, Tiểu đoàn Pháo phòng không 217, đơn vị trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ, góp phần làm nên Chiến thắng trận đầu 5/8/1964.
Những ngày tháng Tám lịch sử này làm CCB Phạm Khắc Định bồi hồi nhớ về sự kiện cách đây tròn 60 năm. Ông kể:
+Tôi học khoá 3 sĩ quan pháo binh khoa cao xạ niên khóa 1962-1964. Năm 1964, tôi vừa ra trường đeo quân hàm chuẩn úy, chức vụ Trung đội trưởng chỉ huy trung đội 5, Đại đội 141, Tiểu đoàn 217. Trung đội lúc đó cũng có các lực lượng thông tin, báo vụ và tiêu đồ, có 4 khẩu 1 nòng. Đại đội 141 của chúng tôi do đồng chí Đinh Văn Sự làm đại đội trưởng.
CCB Phạm Khắc Định và vợ con thời trai trẻ.
CCB Phạm Khắc Định và vợ con thời trai trẻ.
- Thưa ông, ông có thể kể lại tình hình của những ngày trước khi xảy ra sự kiện máy bay Mỹ leo thang ném bom miền Bắc?
+ Trước ngày 5/8/1964, Tư lệnh Quân chủng phòng không (tiền thân của Quân chủng Phòng không - Không quân sau này) cho thành lập Tiểu đoàn 217. Lúc này, chúng tôi mới có cao xạ chứ trước đây ở vùng này chưa có. Và nhìn chung trang bị vũ khí còn thiếu thốn.
Chúng tôi đã được cấp trên thông báo tình hình chiến sự nên từ trước đó một tháng đã tổ chức bố trí trực chiến đấu cấp 2 rồi. Tinh thần là sẵn sàng vào trận. Thời gian đó, cán bộ tiểu đoàn đã lên Bộ Tư lệnh Phòng không nhận nhiệm vụ. Ở nhà chúng tôi thay nhau đào hầm ngày đêm để chuẩn bị đưa pháo vào. Khí thế chuẩn bị chiến đấu lúc này đã sôi sục lắm rồi. Thực tế, lúc này chúng tôi cán bộ cấp thấp nên chưa biết là chiến tranh leo thang ra miền Bắc sẽ cụ thể ra sao nhưng anh em đều chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu.
CCB Phạm Khắc Định xem lại những hiện vật về Chiến thắng trận đầu tại Bảo tàng Quảng Ninh.
CCB Phạm Khắc Định xem lại những hiện vật về Chiến thắng trận đầu tại Bảo tàng Quảng Ninh.
- Sau khi đế quốc Mỹ gây ra cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" nhằm lấy lý do ném bom miền Bắc thì cấp trên đã có những chỉ đạo cho các ông chuẩn bị tinh thần chiến đấu như thế nào?
+ Tất nhiên. Chúng tôi nhận được thông tin, quân Mỹ cho tàu khu trục vào vùng biển miền Bắc nước ta khiêu chiến. Khi bị hải quân ta ra xua đuổi, tàu khu trục của Mỹ lại phát tín hiệu bị Hải quân Bắc Việt tiến công trên hải phận quốc tế. Thực tế khi ấy đất nước ta còn nghèo, bộ đội hải quân mới thành lập, vũ khí còn thô sơ làm sao tác chiến khơi xa được. Quân Mỹ cố tình vu vạ, dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, kiếm cớ huy động máy bay đánh phá miền Bắc nước ta.
Cán bộ tiểu đoàn họp xong về đã chỉ đạo cho các đại đội chuẩn bị. Trước đó, ở nhà, Đại đội 2 của chúng tôi đã tập trung đào hầm chuẩn bị đưa pháo vào. Toàn bộ cán bộ từ cấp trung đội trở lên được triệu tập để tập huấn phổ biến nhiệm vụ nắm vững tình hình âm mưu của địch. Tập huấn kéo dài đến tận ngày 4/8/1964. Chúng tôi chưa nhận được thông báo rằng, máy bay Mỹ sẽ ra đánh phá Quảng Ninh. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chuẩn bị sẵn sàng. Khi Mỹ sắp leo thang ra miền Bắc, chúng tôi đã xác định tinh thần chiến đấu lâu dài, luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Không còn ai có tư tưởng mong hết nghĩa vụ để được giải ngũ phục viên về quê nữa.
CCB Phạm Khắc Định kể chuyện lịch sử tại di tích lưu niệm Chiến thắng trận đầu bên bờ Cửa Lục, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long.
CCB Phạm Khắc Định kể chuyện lịch sử tại di tích lưu niệm Chiến thắng trận đầu bên bờ Cửa Lục, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long.
- Khi máy bay Mỹ vào ném bom Hòn Gai có làm các ông bất ngờ?
+ Tất nhiên là không. Sáng sớm ngày 5/8/1964, chúng tôi được báo vụ báo về tiêu đồ những tín hiệu của binh chủng ra đa thuộc Quân chủng Phòng không. Anh biết đấy, họ được ví là lính cảnh vệ bầu trời. Lúc đó, các trạm được bố trí từ Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra Nam Định rồi lên tận Lai Châu. Mỗi trạm ở mỗi nơi có bán kính 400km đã phát hiện ra máy bay rồi. Các trạm tuyến trước sẽ chuyển thông tin ra ngoài Bắc. Chúng tôi nhận được thông tin rằng máy bay Mỹ đang cách 300km. Được một lúc thì lại mất tín hiệu mục tiêu. Tôi đoán có khả năng chúng bay thấp ra đa ta không quét được. Chúng tôi chuyển sang báo động cấp 2. Bầu trời im ắng.
Đến tầm 13 giờ ngày 5/8/1964, thì nhận được tín hiệu liên tiếp báo máy bay Mỹ cách chúng tôi 300km, rồi 150km. Ngay lập tức chúng tôi chuyển sang báo động cấp 1. Nhưng rồi lại mất mục tiêu nên đành đưa về lại báo động cấp 2. Đến tầm 14h5 tự nhiên tín hiệu báo gần lắm rồi, máy bay chỉ còn cách chúng tôi 60km thì chuyển sang báo động cấp 1.
Trên bầu trời, máy bay Mỹ đến hòn Con Cóc rồi bay vọt qua núi Bài Thơ. Chỉ huy đơn vị ra lệnh pháo trung cao 41 và 43 chuyển ngay sang bắn thẳng chi viện hỏa lực cho tàu hải quân trên vịnh Cửa Lục đánh trả máy bay Mỹ. Máy bay Mỹ đánh bom bắn cháy tàu tuần tra hải quân ngay Cửa Lục phía bên Bãi Cháy (nay là Cảng Xăng dầu B12). Thực tế, Mỹ đưa máy bay Scai-rai-dơ AD6 bay rất thấp với tốc độ khó định trước nên chúng tôi bắn không chuẩn.
- Nhưng đến lượt bắn thứ hai thì câu chuyện đã khác rồi, thưa ông?
+ Tên phi công Everett Alvarez (phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi, bị bắt sống trên bầu trời miền Bắc - TG) chỉ bay máy bay cường kích A4D Scai-hốc hộ tống đi sau máy bay chỉ huy. Trước đó máy bay chỉ huy lao vào Hoành Bồ rồi vòng ra lần thứ hai. Máy bay chỉ huy bắn xong rồi thoát. Everett Alvarez định lẻn ra Cửa Dứa rồi chuồn nhưng rủi thay gặp đúng trận địa pháo 14 ly 5 của chúng tôi. Đơn vị đặt pháo tại gần nghĩa địa Hà Tu bây giờ. Khẩu đội pháo bắn rơi máy bay Mỹ có 3 đồng chí. Sau này chúng tôi biết, toàn trận 5/8/1964, Mỹ đã bị tiêu diệt cả thảy 3 máy bay trong đó 1 chiếc máy bay rơi tại chỗ, 2 chiếc khác bị cháy và bị thương.
Riêng chiếc máy bay A4D vừa kể bị chúng tôi bắn trúng bốc cháy rơi xuống cửa biển Đầu Mối. Everett Alvarez nhảy dù xuống Khe Cá (Hà Tu) rơi xuống biển và bị các chiến sĩ Tổ cơ yếu Cô Tô trên đường đi làm nhiệm vụ bắt sống. Ông Lê Mai là Tỉnh đội trưởng lúc đó gọi sang tiểu đoàn xin một đồng chí trinh sát để dẫn đi bắt phi công. Đoàn đã huy động 1 tàu đẩy xà lan của cảng Hòn Gai đi tìm. Đến gần thì Tổ cơ yếu đã bắt được rồi, bàn giao cho các đơn vị dẫn giải vào bờ.
- Trong cuộc chiến đấu đó, các lực lượng đã phối hợp ra sao, thưa ông?
+ Ngày hôm đó chúng tôi được giao nhiệm vụ chi viện tối đa, hỗ trợ hết sức cho các lực lượng phối hợp để chống trả quyết liệt sự bắn phá của địch. Một tàu hải quân cắt dây neo, vượt làn bom đạn địch để ra Vịnh Hạ Long bắn trả đàn máy bay. Và cuối cùng với sự phối hợp ăn ý của các lực lượng quân đội, nhân dân và tự vệ, chúng ta đã có một chiến thắng giòn giã.
- Thưa ông, nhớ về chiến thắng trận đầu 60 năm trước, cảm xúc của ông bây giờ như thế nào?
+ Chiến thắng trận đầu là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, thắng lợi của lòng dũng cảm của quân và dân ta chống lại giặc ngoại xâm. Tôi nghĩ, bây giờ phải nói cho rõ rằng, đây là chiến thắng của quân và dân miền Bắc nói chung và quân dân Quảng Ninh nói riêng chứ không riêng gì là chiến công của bộ đội hải quân, của phòng không chúng tôi.
CCB Phạm Khắc Định với đồng đội phòng không không quân.
CCB Phạm Khắc Định với đồng đội phòng không không quân.
Công lao này còn có cả sự đóng góp của nhân dân và công nhân. Đơn cử như việc xây dựng trận địa của chúng tôi nếu không có sự giúp đỡ của công nhân mỏ Đèo Nai thì sao có thể sẵn sàng chiến đấu được. Thợ mỏ Đèo Nai đã đưa xe xích sang Hòn Gai, Bãi Cháy đi cả qua phà để lên đồi san gạt trận địa pháo cho chúng tôi chiến đấu. Họ đổ mất bao công sức vượt qua bao vất vả khó khăn. Rồi công nhân mỏ Hà Tu, rồi lực lượng dân quân tự vệ đã sát cánh cùng bộ đội chiến đấu.
Kỷ niệm về chiến thắng trận đầu 5/8/1964 với tôi cũng như các đồng đội tham gia trận ấy mãi không quên. Chúng tôi thành lập Ban Liên lạc cựu chiến binh 217 đơn vị đánh trận đầu năm 1964, từng có vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giờ chúng tôi còn vài đồng chí nữa còn sống nhưng sức khoẻ yếu. Tôi may mắn hơn đồng đội còn sống đến bây giờ, cũng nhờ phúc ấm tổ tiên, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự động viên của đồng đội, sự chăm sóc của gia đình.
- Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
CCB Phạm Khắc Định. Ảnh: Vũ Phong Cầm
CCB Phạm Khắc Định. Ảnh: Vũ Phong Cầm

Những tư liệu, hiện vật, hình ảnh về Chiến thắng trận đầu ngày mùng 2 và 5/8/1964 là di sản vật thể biết nói đang kể câu chuyện oai hùng về chiến công của cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bia di tích Chiến thắng trận đầu được xây dựng tại 3 di tích: Bờ sông Gianh (Quảng Bình), cảng Lạch Trường (Thanh Hóa) và khu vực Cửa Lục (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Tất cả các tượng đài đều có cùng một mẫu với thiết kế 3 cánh, hình tượng cách điệu một quả bom cắm xuống đất. Từ đuôi quả bom vươn lên một bông hoa sen biểu tượng của trí tuệ, tâm hồn và ý chí Việt Nam vươn lên từ sự khốc liệt của chiến tranh. Chính diện bia là hình tượng của một cuốn lịch sử đang mở ra, phía trên là cờ Đảng và cờ Tổ quốc.
Những vật dụng của phi công E.Alvarez - tên giặc lái đầu tiên bị bắt trên bầu trời miền Bắc trong trận 5/8/1964 trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Những vật dụng của phi công E.Alvarez - tên giặc lái đầu tiên bị bắt trên bầu trời miền Bắc trong trận 5/8/1964 trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Tại cửa biển Lạch Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, công trình có tổng diện tích khuôn viên 1.630m2 với tượng đài cao 16,71m và một số hạng mục công trình phụ trợ khác. Tại Bãi Cháy, bốn mặt bia được khắc chữ ghi dấu sự kiện trận đầu đánh thắng không quân Mỹ ngày 2 và 5/8/1964, nội dung bia được ghi bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Công trình tượng đài là nơi ghi lại chiến công oanh liệt của quân, dân miền Bắc, khắc ghi sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Tại Quảng Ninh, những tư liệu và hiện vật về Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964 được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, đã đem đến cho người xem những hình ảnh chân thực, sinh động về Vùng mỏ anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tại tầng 2 của Bảo tàng tỉnh, toàn bộ hiện vật và tư liệu về Chiến thắng trận đầu được trưng bày trong không gian thiết kế rất độc đáo, giống như trong khoang một chiếc máy bay.
Tang vật của Trung úy E.Alvarez được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Tang vật của Trung úy E.Alvarez được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Không gian này gợi nhớ những trận chiến bắn rơi máy bay Mỹ. Đó là những hiện vật tiêu biểu như: Mũ phi công, giầy, một số cẩm nang đồ ăn tự kiếm bằng tiếng Anh và tư trang của viên Trung úy phi công Mỹ E.Alvarez; mảnh xác của máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hòn Gai ngày 5/8/1964; tổng đài điện thoại của chị Vi Thị Mến, nữ điện báo viên Bưu điện Bãi Cháy, dũng cảm không rời vị trí trực để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc trong trận Mỹ bắn phá Hòn Gai ngày 5/8/1964.
Đó còn là thùng đạn 14,55mm mà binh nhất Đổng Quốc Bình dùng để tiếp tế đạn cho các đồng đội chiến đấu trên tàu 124 Hải quân; hộp đầu nổ đạn dùng trong trận đánh ngày 5/8/1964 tại Hòn Gai. Bên cạnh đó, còn nhiều tư liệu hiện vật là tang vật trong chiến tranh không lực của Mỹ ở Quảng Ninh những năm sau đó đến năm 1972.
Bảo tàng Phòng không - Không quân và Bảo tàng Hải quân (Hải Phòng) cũng sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị như: Chiếc lược được chiến sĩ trinh sát Nguyễn Bách Thảo, Tiểu đoàn 217 làm từ xác máy bay bị bắn rơi, vỏ đạn 37 ly của Đại đội 24 hải quân bắn rơi máy bay Mỹ tại Hòn Gai, hộp đựng đầu nổ đạn 88 ly, lọ hoa làm từ vỏ đạn 88 ly.
Đó còn là hồ sơ lý lịch quân nhân, lý lịch đoàn viên và sổ tay của một số chiến sĩ trực tiếp chiến đấu đánh thắng trận đầu, báo cáo của Bộ Tư lệnh hải quân tổng kết trận chiến, sơ đồ Đại đội 4 Trung đoàn ra đa 291, tổng đài 10 cửa và máy điện thoại của Tiểu đoàn 217, thư từ kỷ vật của các liệt sĩ... Những hiện vật tiêu biểu đang được trưng bày tại triển lãm “60 năm âm vang Chiến thắng trận đầu” do Bảo tàng Phòng không - Không quân phối hợp với Bảo tàng Hải quân và Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức tại Hà Nội. Sau đó, triển lãm sẽ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh vào cuối tháng 8/2024.
Du khách xem hiện vật là xác máy bay của viên phi công Mỹ đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Du khách xem hiện vật là xác máy bay của viên phi công Mỹ đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Triển lãm giới thiệu hơn 300 tư liệu, hiện vật chia làm 5 phần: Sẵn sàng thế trận trên không, trên biển; sự kiện Vịnh Bắc Bộ và cuộc hành quân “Mũi tên xuyên”; trận đánh lịch sử ngày 5/8/1964; ý nghĩa và sức lan tỏa của chiến thắng; nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Các bức ảnh liên quan đến sự kiện này hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh gồm có: Ảnh Tổng thống Mỹ Giôn-Xơn ký sắc lệnh đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân, tàu sân bay của Mỹ từ căn cứ hạm đội 7 để máy bay xuất phát gây tội ác, tàu tuần tiễu 79 tấn Đoàn 130 hải quân chiến đấu chống chiến tranh phá hoại.
Bức ảnh Trung úy phi công Mỹ E.Alvarez bị bắt do nhà báo Công Vượng chụp, ảnh Khẩu đội phòng không khu phố Bạch Đằng - Hòn Gai bắn máy bay Mỹ ngày 5/8/1964, ảnh Bác Hồ tuyên dương công trạng của các lực lượng hải quân và phòng không không quân vào ngày 7/8/1964, ảnh trận địa pháo cao xạ 88 tiểu đoàn 217 chiến đấu, ảnh tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai chiến đấu, ảnh 2 nữ điện báo viên Vi Thị Mến và Nguyễn Thị Thủy ở Bưu điện Bãi Cháy dũng cảm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Đa số các bức ảnh đều rất rõ nét nhưng đến nay đã không rõ tác giả chụp.
Bên cạnh hình ảnh Chiến thắng trận đầu còn nhiều bức ảnh tư liệu quý khác về chiến tranh của các tác giả, cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Công Vượng, Trương Thái, Tiến Giới, Anh Kết, Đoàn Đạt, Quang Sơn... Những tấm ảnh một thời ấy sẽ còn được những người đương thời nhắc mãi như: “Tự vệ Nhà máy điện Cọc 5”, “Nữ dân quân tự vệ” (của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Công Vượng), “Nhân dân Hòn Gai tuần hành thể hiện quyết tâm giành độc lập”, “Giải lao trên chiến hào” (của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Thái), “Sinh hoạt trong hang đá của công nhân”, “Đào hầm trú ẩn” (của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Đạt)...
Du khách xem những tang vật thu giữ từ viên phi công Mỹ trong trận 5/8/1964.
Du khách xem những tang vật thu giữ từ viên phi công Mỹ trong trận 5/8/1964.
Các bức ảnh thể hiện hình ảnh Quảng Ninh đầy đau thương dưới sự tàn phá của bom Mỹ nhưng quân và dân vẫn đồng lòng vừa sản xuất vừa trực tiếp chiến đấu ngay trên công trường, hầm mỏ trong những năm tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ bầu trời Vùng mỏ. Cựu chiến binh Phạm Khắc Định, từng là Trung đội trưởng Trung đội 2, thuộc Đại đội 141, Tiểu đoàn Pháo phòng không 217, đơn vị trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ, góp phần làm nên Chiến thắng trận đầu ngày mùng 2 và 5/8/1964, chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động khi rất lâu rồi mình mới được quay trở lại Bảo tàng Quảng Ninh để tận mắt chứng kiến những hiện vật về Chiến thắng trận đầu mà tôi và nhiều đồng đội là những nhân chứng lịch sử đã góp phần làm nên. Những hiện vật đã tái hiện phần ký ức của chúng tôi thời trẻ, phần ký ức oanh liệt của Vùng mỏ anh hùng.”
Những hiện vật, tư liệu hình ảnh tái hiện những mảnh ghép ký ức vô cùng giá trị, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Quảng Ninh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bảo vệ quê hương, đất nước.
Chỉ đạo thực hiện: Lan Hương
Thực hiện: Trần Minh- Huỳnh Đăng- Phạm Học
Trình bày: Tất Đạt