Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 04:17 (GMT +7)
Chống chọi trong “cơn bão” giá
Thứ 2, 26/11/2007 | 01:27:40 [GMT +7] A A
Liên tiếp trong các tháng gần đây, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tăng đến mức chóng mặt. Ngoài các mặt hàng là nguyên vật liệu như xi măng, sắp thép, phân bón, thì giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt, cá, rau quả cũng tăng từng ngày khiến người dân, nhất là những hộ có thu nhập thấp lao đao, lo lắng.
Và đỉnh điểm, cũng là “cú sốc” nặng nhất là từ trưa ngày 22-11, giá xăng đã tăng thêm 1.700 đồng/lít - mức tăng cao nhất từ trước đến nay - đã làm cho sức nóng của sự tăng giá đến mức cao độ.
Vấn đề giá cả tăng cao, vượt qua cả sự kiểm soát của Nhà nước, đã trở thành tâm điểm thảo luận, chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XII vừa qua. Để bình ổn giá và hạ nhiệt tốc độ tăng giá, Nhà nước đã thực hiện giảm thuế nhiều nhóm mặt hàng. Tuy nhiên, giải pháp này không mấy hiệu quả, bởi giá cả trên thị trường chịu sự chi phối của quy luật cung - cầu trong nền kinh tế thị trường, nhất là khi nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Những người có trách nhiệm cho rằng, việc tăng giá xăng dầu vào ngày 22-11 vừa qua là sự bất khả kháng, đã bị dồn vào chân tường, khả năng ngân sách không còn đủ sức bù giá khi giá dầu thế giới tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Với mức tăng giá như hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo chỉ số tăng giá của năm nay sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (không thực hiện được mục tiêu Quốc hội đề ra). Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, làm cho các mục tiêu tăng trưởng giảm ý nghĩa, thiếu tính bền vững mà còn tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân.
Trong “cơn bão” giá này, nhiều người khuyên phải sống chung với tăng giá. Đúng là như vậy, bởi không còn cách nào khác. Việc tăng lương tối thiểu lên mức 540 ngàn đồng/tháng, bắt đầu từ 1-1-2008 có lẽ cũng chỉ đủ bù đắp tốc độ trượt giá trong thời gian vừa qua mà thôi. Bởi vậy, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kìm tốc độ tăng giá, giám sát chặt chẽ thị trường không để giá hàng hoá tăng bất hợp lý, hoặc lợi dụng một số yếu tố để tăng giá thì người tiêu dùng chỉ còn cách duy nhất là tằn tiện, tiết kiệm trong chi tiêu. Trước mắt có thể cắt giảm các khoản mua sắm chưa cần thiết, sử dụng các loại nhiên liệu rẻ tiền hơn, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để tiết kiệm chi phí xăng dầu... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế. Về lâu dài Nhà nước cần có chính sách, giải pháp để nâng cao đời sống cho người dân một cách bền vững.
Liên kết website
Ý kiến ()