Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 19:41 (GMT +7)
Chủ động ngăn chặn bệnh dịch hạch
Thứ 5, 04/12/2014 | 06:17:07 [GMT +7] A A
Tại cuộc họp vào chiều ngày 2-12, của Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch hạch, Bộ Y tế khẳng định, dịch hạch có thể xâm nhập vào Việt Nam và cần tăng cường cảnh giác ngăn chặn căn bệnh này. Theo Bộ Y tế, tại Trung Quốc và Mỹ đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm bệnh và tử vong, có kết quả dương tính với dịch hạch.
Trong khi đó, Trung Quốc có hơn 1.300km đường biên giới tiếp giáp với Việt Nam, và vẫn đang tồn tại các ổ dịch hạch trên các loài động vật hoang dã trong thiên nhiên. Và dịch hạch thể phổi có thể từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam như dịch SARS đã từng xảy ra trong năm 2003.
Được biết, vi rút dịch hạch xâm nhập trực tiếp qua da hoặc qua đường hô hấp. Đây là một phương thức lây truyền cực kỳ nguy hiểm. Cũng theo Bộ Y tế, trước đây có thể phòng bệnh dịch hạch bằng vắc xin, tuy nhiên hiệu lực của vắc xin thấp, thời gian miễn dịch ngắn và không phòng được dịch hạch thể phổi, nên hiện nay không còn được sử dụng.
Vì vậy, việc phòng chống bệnh dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ, phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời bệnh nhân mắc bệnh, điều trị dự phòng với người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh, đồng thời diệt chuột và bọ chét…
Dịch hạch là căn bệnh được mệnh danh là “cái chết đen”. Nó từng gây nên một trong những thảm hoạ khủng khiếp trong lịch sử loài người và đã từng giết chết hàng chục triệu người thời trung cổ…
Theo Tổ chức Y tế thế giới, dịch hạch thể phổi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới, bệnh nhân có thể chết trong vòng 24 giờ sau khi nhiễm. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 4 ngày. Người nhiễm bệnh thường có triệu chứng sốt, đau đầu, suy nhược cơ thể, sau đó chuyển sang ho, đau ngực, khó thở, đôi khi ho ra máu. Người bệnh hít phải vi khuẩn dịch hạch thể phổi khi chúng phát tán trong không khí, hoặc do mổ xẻ, ăn phải động vật nhiễm bệnh (thường là chuột), sau đó có thể truyền sang người khác khi ho mà không cần vật trung gian…
Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới dài, với nhiều cửa khẩu, điểm thông quan, đường mòn, lối mở thông thương với Trung Quốc. Do vậy nguy cơ bị bệnh dịch hạch xâm nhập là rất cao. Vì vậy cần chủ động và có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, khống chế căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này. Cụ thể là các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp cùng các cơ quan, lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu động vật qua biên giới. Tăng cường giám sát và xử lý theo quy định các vật chủ trung gian truyền bệnh dịch hạch trên các phương tiện vận tải và tại khu vực cửa khẩu. Đồng thời tăng cường vệ sinh môi trường khu vực cửa khẩu, loại bỏ chất thải, rác và nguồn cung cấp thực phẩm cho động vật gặm nhấm…
Ở Việt Nam, sau 12 năm trở lại đây đã không ghi nhận có ca dịch hạch nào. Đây là những nỗ lực, cố gắng rất lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch hạch nói riêng. Hy vọng những thành tích này sẽ được duy trì, phát huy cao độ để căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này không có cơ hội, điều kiện xâm nhập vào nước ta…
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()