Tất cả chuyên mục

Với hơn 1.320ha rừng phòng hộ ngập mặn trải dài qua các xã ven biển, huyện Hải Hà là một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh về bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ở đây không chỉ mang ý nghĩa về môi trường, mà còn góp phần quan trọng vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Hệ sinh thái quý giá rừng ngập mặn trên địa bàn huyện Hải Hà hiện chủ yếu tập trung tại các xã Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Thành, Đường Hoa và thị trấn Quảng Hà. Theo thống kê, năm 2017, tổng diện tích quy hoạch cho rừng phòng hộ ngập mặn của huyện là 1.666,77ha. Hiện nay, diện tích đã có rừng là 1.321,9ha; trong đó, diện tích rừng trồng là 171,25ha, còn lại là rừng ngập mặn tự nhiên. Đây là vùng rừng quý giá với hệ sinh thái đặc trưng, gồm các loài cây mắm, bần, trang, sú, đước… sinh trưởng tốt, có vai trò chắn sóng, giữ đất, giảm thiểu xâm nhập mặn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Không chỉ có vai trò phòng hộ, rừng ngập mặn còn là “lá phổi xanh” giúp điều hòa khí hậu, hấp thu khí CO₂ và là môi trường sống cho nhiều loài sinh vật ven biển. Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sinh kế lâu dài cho người dân địa phương.
Trong nhiều năm qua, công tác trồng rừng ngập mặn ở Hải Hà chủ yếu dựa vào các dự án phi chính phủ, trong đó có sự hỗ trợ của tổ chức Hành động và phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản (ACTMANG) thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện. Từ năm 1999 đến nay, hàng trăm ha rừng đã được trồng mới, hoặc trồng dặm, góp phần duy trì màu xanh cho vùng ven biển. Cụ thể, giai đoạn 1999-2000, xã Quảng Minh và xã Quảng Phong đã trồng dặm tổng cộng 200ha đước. Năm 2002, xã Quảng Thắng (cũ) trồng thêm 50ha cây trang và đước. Đặc biệt, giai đoạn 2015-2016 và 2021-2023, huyện Hải Hà đã trồng mới và trồng dặm gần 60ha rừng ngập mặn ở 2 xã Quảng Phong và Quảng Minh. Dù điều kiện đất đai và thủy văn khắc nghiệt khiến một số diện tích chưa thành rừng, hoặc tỷ lệ cây sống thấp, nhưng nỗ lực phủ xanh đất trống luôn được duy trì
Bên cạnh việc trồng mới, phát triển rừng, công tác bảo vệ rừng ngập mặn ở Hải Hà vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều diện tích rừng trồng chưa thành rừng, cây sinh trưởng chậm, đặc biệt là ở những nơi nền đất yếu, hoặc chịu ảnh hưởng mạnh từ sóng biển. Tỷ lệ sống của một số diện tích trồng dặm thấp dưới 50%, gây lãng phí và ảnh hưởng đến hiệu quả lâu dài.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng ngập mặn. Việc chuyển đất rừng sang NTTS, thực hiện dự án kinh tế không đúng quy hoạch làm suy giảm nghiêm trọng hệ sinh thái ven biển. Mặt khác, ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. Tình trạng chăn thả gia súc trong rừng, lén lút khai thác gỗ, củi và lâm sản vẫn diễn ra, trong khi lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, địa hình lại phức tạp, khiến công tác tuần tra gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng đó, Hạt Kiểm lâm Hải Hà đã tham mưu nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển rừng ngập mặn. Trong đó, chính quyền các xã ven biển được yêu cầu quản lý chặt chẽ các dự án có liên quan đến đất rừng phòng hộ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đúng quy hoạch và pháp luật hiện hành.
Đồng thời, công tác cập nhật, thống kê hiện trạng rừng được thực hiện định kỳ để theo dõi sát sao các biến động, phục vụ cho quy hoạch và bảo vệ. Một trong những hướng đi hiệu quả được đề xuất là không giao rừng ngập mặn tự nhiên cho cá nhân, hộ gia đình mà ưu tiên giao cho cộng đồng dân cư hoặc đơn vị chuyên trách như BQL Rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn quản lý theo quy chế rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ lợi ích của rừng ngập mặn, thay đổi nhận thức và hành vi trong việc bảo vệ rừng.
Đặc biệt, các giải pháp kỹ thuật như trồng cây bằng bầu đã ươm luyện, lựa chọn giống cây thích hợp với điều kiện thủy văn từng khu vực cũng được triển khai để nâng cao tỷ lệ sống. Ngoài ra, các xã ven biển được khuyến khích xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, hằng năm phối hợp với kiểm lâm và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn.
Khi cộng đồng cùng chung tay giữ rừng, rừng sẽ giữ lại một màu xanh bình yên, vững bền trước sóng gió.
Ý kiến ()