
Để góp phần tiến tới an sinh toàn dân, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân, Quảng Ninh tích cực tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã được triển khai thực hiện có hiệu quả ở các địa phương trong toàn tỉnh. Qua đó, ổn định đời sống người dân, nhất là những đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những năm qua, chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, địa phương và sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Từ nền tảng đó, các chính sách cơ bản được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, trợ giúp có hiệu quả cả về vật chất, tinh thần, tiếp thêm động lực vươn lên cho những người yếu thế.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có khoảng 44.000 người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng chế độ trợ giúp theo chính sách của Trung ương và các chính sách đặc thù riêng của tỉnh. Kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội là gần 300 tỷ đồng/năm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thuộc (phường Hà Phong, TP Hạ Long).
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thuộc (phường Hà Phong, TP Hạ Long).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, bảo đảm ổn định đời sống dân sinh khi gặp thiên tai, hỏa hoạn và các nguyên nhân bất khả kháng. Nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa được bố trí kịp thời, tới đúng địa chỉ cho các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn... Người thuộc diện hưởng trợ cấp luôn được giải quyết đúng, đủ các chế độ, chính sách, cũng phần nào thể hiện sự quan tâm, chăm lo của tỉnh đối với những nhóm yếu thế trong xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Một điểm sáng trong triển khai chính sách trợ giúp xã hội tại Quảng Ninh những năm qua là việc tỉnh luôn quan tâm xây dựng những chính sách đặc thù, điều chỉnh để nâng mức trợ cấp xã hội, mở rộng đối tượng so với quy định của Trung ương. Cách làm này vừa đảm bảo được nền tảng chính sách và định hướng của Nhà nước, vừa phù hợp với điều kiện KT-XH cụ thể của tỉnh, nhằm bao phủ rộng hơn đến các nhóm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Từ đó góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng trợ giúp xã hội, tạo tiền đề cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với UBND TP Hạ Long về kết quả triển khai thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến công tác an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn, giai đoạn 2017-2022.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với UBND TP Hạ Long về kết quả triển khai thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến công tác an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn, giai đoạn 2017-2022.
Cụ thể như, trên cơ sở Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 về mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngoài quy định theo Nghị định 136 của Chính phủ. Từ năm 2017, tỉnh tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 300.000 đồng/tháng lên mức 350.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng bảo trợ xã hội sinh sống tại cộng đồng ở xã, phường, thị trấn (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định); từ mức 400.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng người khuyết tật được chăm sóc và nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh (tăng 1,85 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định).
Năm 2022, tỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội từ 500.000 đồng/tháng lên 650.000 đồng/tháng. Như vậy, mức hỗ trợ mới đã cao hơn 1,3 lần so với mức chuẩn của tỉnh đang áp dụng và cao hơn 1,8 lần so với mức chuẩn của Trung ương...
Trước đó, năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, xuất phát từ thực tiễn, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này đã mở rộng, bổ sung thêm các nhóm gồm trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại thuộc một trong các trường hợp đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng...

Lãnh đạo Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh cùng đại diện ban, ngành, đoàn thể TX Đông Triều trao góc học tập cho học sinh khuyết tật, mồ côi trên địa bàn TX Đông Triều
Lãnh đạo Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh cùng đại diện ban, ngành, đoàn thể TX Đông Triều trao góc học tập cho học sinh khuyết tật, mồ côi trên địa bàn TX Đông Triều
Sở LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, nâng mức hưởng trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động sinh sống tại khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng, sinh sống tại khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng...
Có thể thấy, chính sách trợ giúp xã hội của Quảng Ninh hướng vào mục tiêu nâng dần mức sống của người dân thông qua việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và dần bao phủ, mở rộng đến các nhóm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn theo vùng miền. Qua đó, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, mặt khác từng bước nâng cao mức sống của người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH cùng các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình CLB vì cộng đồng nhằm hướng đến cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội, tạo môi trường lành mạnh hơn để chăm lo cho cộng đồng xã hội, cho những người yếu thế, thiệt thòi trong cuộc sống.
Trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp tổ chức thực hiện nhiều mô hình CLB hỗ trợ, giúp đỡ người lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán, người từ cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương.
Nổi bật là 30 đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã; 6 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng; 9 CLB hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; 3 nhóm đồng đẳng (nhóm Hạ Long xanh, CLB Chúng tôi là phụ nữ Cẩm Phả, CLB Chúng tôi là phụ nữ Uông Bí); mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống mại dâm; thí điểm mô hình CLB phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tại 5 phường của TP Hạ Long (Cao Xanh, Hồng Gai, Bạch Đằng, Hùng Thắng, Tuần Châu)... Tại đây, các thành viên CLB được hỗ trợ, kết nối dịch vụ về y tế, vay vốn, phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, học nghề, phòng ngừa tái nghiện...

Thành viên CLB Phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tại phường Cao Xanh (TP Hạ Long) tham gia chương trình truyền thông cộng đồng bằng hình thức sân khấu hóa.
Thành viên CLB Phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tại phường Cao Xanh (TP Hạ Long) tham gia chương trình truyền thông cộng đồng bằng hình thức sân khấu hóa.
Đáng ghi nhận là 6 mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng” từ khi thành lập năm 2014 đến nay đã tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn lựa chọn phương pháp điều trị, cai nghiện phù hợp cho 2.603 người nghiện, người nghi nghiện và thân nhân người nghiện. Trực tiếp hỗ trợ điều trị, cai nghiện ma túy cho 43 người nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ, kết nối, chuyển gửi 140 người nghiện đi điều trị, cai nghiện ma túy tập trung; 13 người nghiện được hỗ trợ đi học nghề; 13 người nghiện được vay vốn, tạo việc làm; 29 người nghiện được hỗ trợ pháp lý để làm hồ sơ, giấy tờ tùy thân…
Theo ông Lê Văn Sử, Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH): Thông qua các mô hình CLB, chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Đồng thời, đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, đảm bảo nội dung tuyên truyền theo hướng đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, có chiều sâu, thiết thực, phù hợp; đa dạng các đối tượng tuyên truyền, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc tệ nạn xã hội là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động trong các khu công nghiệp, người dân tại địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn xã hội…
Trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tỉnh tiếp tục duy trì các mô hình, hoạt động trợ giúp, như: Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại Uông Bí, Cẩm Phả; phòng chống tai nạn thương tích; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em; thí điểm kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em tại cộng đồng dựa trên đánh giá nhu cầu của trẻ… Trong đó mô hình “Phòng chống tai nạn thương tích” được 13 địa phương trong tỉnh duy trì tổ chức. Hoạt động trọng tâm là mở các lớp dạy bơi cho trẻ em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em sống tại nơi nhiều ao hồ, sông, suối.
Mô hình “Hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em” được ngành LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức với các hoạt động hỗ trợ khám sàng lọc, hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh tim bẩm sinh, dị tật mắt, khuyết tật vận động, bệnh hiểm nghèo... Đồng thời, ngành đã giao cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh xây dựng và đưa mô hình trị liệu rối nhiễu tâm trí cho trẻ em vào hoạt động từ năm 2013, trong đó tập trung vào sàng lọc, chẩn đoán, điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ trong tỉnh.

Mô hình trị liệu rối nhiễu tâm trí cho trẻ em được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2013 đến nay.
Mô hình trị liệu rối nhiễu tâm trí cho trẻ em được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2013 đến nay.
Ngôi nhà Ánh Dương trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là hợp phần nằm trong Dự án xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện. Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, đến nay đã giúp các nạn nhân bị bạo lực giới tiếp cận và sử dụng dịch vụ như: Tạm lánh an toàn tại Ngôi nhà Ánh Dương; chăm sóc y tế; tư vấn pháp lý; tham vấn tâm lý; kỹ năng ứng phó với tình huống bị bạo lực và tìm kiếm sự trợ giúp…
Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động, mô hình vì cộng đồng để kịp thời hỗ trợ cho những người khó khăn, yếu thế… Có thể kể đến là chương trình trợ giúp người khuyết tật; trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; hành động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chương trình hành động quốc gia vì người cao tuổi…
Những mô hình CLB, chương trình, hoạt động kể trên được ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các dự án phi chính phủ, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Qua đó tạo điều kiện cho những người khó khăn, yếu thế được tiếp cận các dịch vụ miễn phí chăm sóc sức khỏe, việc làm, pháp lý, tư vấn tâm lý… nhằm giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt, vươn lên trong cuộc sống. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động vì cộng đồng, huy động sự tham gia, phối hợp của các quỹ, hội, tổ chức đoàn thể xã hội tạo phong trào rộng khắp với tinh thần trách nhiệm không chỉ của nhà nước mà cả cộng đồng xã hội cùng tham gia chia sẻ thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm trước các vấn đề xã hội.
Ngày xuất bản: 22/9/2023
Thực hiện: Ngọc Trâm-Nguyễn Hoa
Trình bày: Tất Đạt