
Ngày 25/4/1955 trở thành mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh gian khổ nhưng cũng hào hùng để giành độc lập, tự do của người dân Đất mỏ. Trong ngày lịch sử ấy, Vùng mỏ Quảng Ninh rực rỡ cờ hoa, nhân dân vỡ òa hạnh phúc khi khu mỏ Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng, chấm dứt hơn 70 năm thực dân Pháp cai trị. Với những người cựu chiến binh từng nhận nhiệm vụ vào tiếp quản Vùng mỏ khi ấy, ký ức về ngày giải phóng Vùng mỏ vẫn hiển hiện đầy xúc động, tự hào.
Ngày 25/4/1955 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi khi vùng mỏ hoàn toàn giải phóng. (Ảnh tư liệu)
Ngày 25/4/1955 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi khi vùng mỏ hoàn toàn giải phóng. (Ảnh tư liệu)
Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, khi niềm vui của quê hương hòa trong niềm vui lớn của đất nước, kỷ niệm 70 năm giải phóng Vùng mỏ (25/4/1955-25/4/2025) và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi lại có dịp được gặp lại những người lính của Trung đoàn 244 năm xưa vào tiếp quản Vùng mỏ. Họ nay đã ngoài 80, 90 tuổi nhưng vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ký ức tươi đẹp cùng niềm vui hân hoan trong ngày giải phóng.
Ông Nguyễn Ngọc Thung kể lại những kỷ niệm không thể nào quên trong ngày giải phóng Vùng mỏ 25/4/1955.
Ông Nguyễn Ngọc Thung kể lại những kỷ niệm không thể nào quên trong ngày giải phóng Vùng mỏ 25/4/1955.
Ông Nguyễn Ngọc Thung (SN 1933) là thành viên của đại đội 906 khu Hồng Quảng - một trong 3 đại đội khi đó của Vùng mỏ được nhận nhiệm vụ vào tiếp quản. Cùng với đại đội 906 còn có đại đội 7 của khu Hồng Quảng và đại đội Hồ Chí Minh của đặc khu Hòn Gai. Đại đội Hồ Chí Minh tiếp quản mỏ Hà Tu, Hà Lầm. Đại đội 7 tiếp quản nhà máy sàng Hòn Gai, còn đại đội 906 từ Cẩm Phả vào tiếp quản bốt điện Quang Hanh và nhà máy điện Cột 5, đồng thời lập đội danh dự tống tiễn quân Pháp xuống tàu há mồm về nước.
Sau khi tiếp quản ở Hòn Gai, Đại đội lại lên đường tiếp quản khu vực Hà Nam - Yên Hưng (TX Quảng Yên ngày nay) và được nhập với nhiều đơn vị khác để thành lập Trung đoàn 244 (thuộc Sư đoàn bộ binh 350) gồm 3 tiểu đoàn, tiếp tục nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ Vùng mỏ. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi sau hiệp định Giơ-ne-vơ, thực dân Pháp vẫn tìm mọi thủ đoạn, ráo riết vơ vét tài nguyên ở khu mỏ. Chúng có nhiều âm mưu phá hoại, gây lung lạc tinh thần, niềm tin trong nhân dân vào quân Việt Minh, đồng thời di chuyển, phá hoại máy móc của ta nhằm làm tê liệt sản xuất của Vùng mỏ.
Ông Thung nhớ lại: Thời điểm đó có một số đối tượng dân tộc thiểu số phản động đi theo Pháp, mà ta gọi là hành lang Thanh Phán phản động. Chúng đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số tin rằng Việt Minh là bọn răng đen, tóc dài, ăn thịt người, nên đồng bào phải trốn vào miền Nam ngay. Đối tượng bị dụ dỗ thứ hai là đồng bào Công giáo. Chúng đưa ra luận điệu là Chúa đã vào Nam rồi, nên có nơi cả làng có ý định kéo nhau vào miền Nam theo Chúa. Để đối phó với những âm mưu đó, lực lượng bộ đội chúng tôi được giao nhiệm vụ vào trong dân nắm bắt tình hình, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu, cùng nhau đoàn kết chống lại các thủ đoạn của địch. Chúng tôi cũng thường xuyên phải đi tuần tra cả ngày lẫn đêm để chống bọn phản động lén lút phá hoại.
Bộ đội ta vào tiếp quản TX Hòn Gai, tháng 4/1955 (Ảnh tư liệu).
Bộ đội ta vào tiếp quản TX Hòn Gai, tháng 4/1955 (Ảnh tư liệu).
Không chỉ di dời, phá hoại máy móc sản xuất của Vùng mỏ, chúng còn phá hoại các huyết mạch năng lượng và giao thông như khu vực nhà máy điện, bến phà Bãi Cháy, mang đi các tàu lai dắt ở khu vực bến phà nhằm khiến giao thông khu vực này tê liệt. Tuy nhiên, bằng tinh thần đoàn kết, một lòng hướng về Đảng, hướng về cách mạng, quân và dân Vùng mỏ đã làm thất bại các hoạt động phá dỡ máy móc, cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam của địch.
Ở Yên Trì (Quảng Yên), trước khi ta thực hiện công tác chống cưỡng ép di cư, có 64 gia đình định ra đi, sau khi được cán bộ giải thích, đã có 46 gia đình ở lại. Ở Lán Đạo (thị xã Hòn Gai), nơi tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa, trong số 47 gia đình định di cư đã có 35 gia đình tự nguyện ở lại, 137 gia đình đã làm đơn gửi Chính phủ và Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam phản đối thủ đoạn lừa bịp cưỡng ép giáo dân di cư của bọn phản động. Đến tháng 3/1955, toàn Đặc khu Hòn Gai chỉ có 216 gia đình với 2.145 người di cư trong tổng số hơn 70.000 dân của Đặc khu.
Ông Lâm và vợ ôn lại những kỷ niệm về ngày giải phóng Vùng mỏ.
Ông Lâm và vợ ôn lại những kỷ niệm về ngày giải phóng Vùng mỏ.
Ông Lê Ngọc Lâm (92 tuổi) - nguyên chiến sĩ quân báo của Trung đoàn 244, được giao nhiệm vụ quân báo tại Nhà máy điện Cột 5, góp phần bảo vệ nhân dân, chống địch phá hoại, bảo đảm cơ sở hạ tầng để khi bộ đội chính quy tiếp quản được toàn vẹn. Ông Lâm kể: Khi đó, nhà máy điện ở Cột 5 của ta bị địch phá hoại, nhưng ta đã kiên quyết đấu tranh, bảo vệ nhà máy, nhờ đó ổn định được sản xuất. Quân dân ta cũng đoàn kết một lòng, có vấn đề gì là thông báo ngay. Và khi tên lính cuối cùng bước lên tàu rút về nước, người dân xung quanh ùa ra, vẫy cờ, hoa hô vang “Ủng hộ Việt Minh”.
Giấy ra vào Sở điện Cột 5 của ông Lê Ngọc Lâm trong giai đoạn giải phóng Vùng mỏ.
Giấy ra vào Sở điện Cột 5 của ông Lê Ngọc Lâm trong giai đoạn giải phóng Vùng mỏ.
Còn Đại tá Phùng Ngọc Hùng, nguyên cán bộ trinh sát Quân khu Đông Bắc, Trung đoàn 244 tiếp quản Vùng mỏ, bồi hồi nhớ lại: Bộ đội chúng tôi rất xúc động khi chứng kiến lòng dân luôn luôn hướng về Đảng, về cách mạng. Nhân dân Bãi Cháy khi ấy còn cùng nhau may những lá cờ đỏ sao vàng với kích thước rất lớn treo khắp phố, chuẩn bị mừng ngày giải phóng. Vùng mỏ bao nhiêu năm bị thực dân Pháp đô hộ đến bây giờ được hoàn toàn giải phóng, người dân vô cùng mừng rỡ. Vì vậy, được về tiếp quản Vùng mỏ với chúng tôi cũng là niềm vui, niềm tự hào rất lớn.
Cuộc mít tinh mừng Vùng mỏ giải phóng được tổ chức tại Hòn Gai. (Ảnh tư liệu)
Cuộc mít tinh mừng Vùng mỏ giải phóng được tổ chức tại Hòn Gai. (Ảnh tư liệu)
Từ rạng sáng ngày 25/4, từng đoàn người bên Bãi Cháy nườm nượp kéo sang bên Hòn Gai để dự mít tinh, đón chờ giây phút lịch sử trọng đại của quê hương. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 25/4/1955, tại cuộc mít tinh ở thị xã Hòn Gai, Ủy ban quân chính Hồng Quảng ra mắt trước toàn thể nhân dân. Đại diện quân sự đã đọc nhật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và ông Nguyễn Ngọc Đàm - Chủ tịch Ủy ban quân chính khu Hồng Quảng lúc bấy giờ, đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Hồng Quảng.
Nội dung thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Hồng Quảng đăng trên báo Nhân dân.
Nội dung thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Hồng Quảng đăng trên báo Nhân dân.
Ngày giải phóng Vùng mỏ đã trở thành sự kiện lịch sử ghi dấu son trong chặng đường phát triển của vùng đất Quảng Ninh. Khu mỏ Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng, chấm dứt những đêm trường nô lệ để bước vào công cuộc dựng xây, phát triển, với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” và một không khí lao động hăng say. Nhìn lại chặng đường đã qua, những cựu chiến binh của Trung đoàn 244 năm xưa thật vui và tự hào khi những cống hiến, hi sinh của thế hệ họ đã đổi lại thành quả là hòa bình, tự do và những đổi thay ấn tượng của Vùng mỏ hôm nay. Được trao truyền niềm tin và sự quả cảm của các thế hệ đi trước, những người con Quảng Ninh đã, đang và tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang sử vẻ vang trên Đất mỏ anh hùng.
Chân dung Đại tá Phùng Ngọc Hùng - Nguyên cán bộ Trung đoàn 244 tiếp quản Vùng mỏ.
Chân dung Đại tá Phùng Ngọc Hùng - Nguyên cán bộ Trung đoàn 244 tiếp quản Vùng mỏ.
Ngày xuất bản: 16/4/2025
Thực hiện: XUÂN HOÀ
Trình bày: MẠNH HÀ