Tất cả chuyên mục

Trong cuộc sống đời thường ai cũng thích cái mới hơn cái cũ, nên cổ nhân mới có câu “Có mới nới cũ”. Nhưng với người buôn bán ở chợ truyền thống thì có vẻ không thích chuyển sang bán hàng ở chợ mới. Dù chợ mới có cơ sở vật chất tốt hơn nhiều và giao thông cũng thuận lợi hơn.
Như chợ Cửa Ông (phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) hiện nhếch nhác vô cùng. Nền chợ thì lồi lõm, nước đọng bốn mùa. Lối đi thì chật hẹp, không có nơi tập kết rác thải, nếu xảy ra mất an toàn cháy nổ thì thật khó cho phương tiện vào cứu chữa. Người đi đường thì phải bóp còi xe liên tục, vì người mua, kẻ bán hàng ở chợ ngồi cả ra lòng đường. Một trật tự viên chợ Cửa Ông cho biết: “5 phút chúng tôi lại phải đi dẹp một lần mà vẫn cứ đâu vào đấy”. Để khắc phục tình trạng này, từ đầu năm 2012, UBND phường Cửa Ông đã làm hồ sơ đề xuất UBND tỉnh về việc xây dựng chợ mới tại khu 8, phường Cửa Ông, diện tích 18.000m2 và đã được UBND tỉnh chấp thuận. Theo phương án, chợ Cửa Ông mới được xây dựng quy mô chợ loại I, đảm bảo công tác vệ sinh và phòng chống cháy nổ. Ấy vậy mà khi phường họp các hộ kinh doanh để bàn phương án xây chợ mới, thì đa phần các hộ không hưởng ứng với lý do “khu vực mới để xây chợ giao thông không thuận tiện, xa khu dân cư”.
![]() |
Chợ Cửa Ông. (Ảnh minh họa) |
Xem ra lý do đó của các hộ ở đây chưa hẳn đúng. Bởi thực tế, chuyện xây chợ, vận động các hộ kinh doanh vào chợ ở nhiều phường trên địa bàn TP Cẩm Phả thường rất khó khăn, là những chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nó cứ na ná giống nhau, dù xảy ra ở các phường khác nhau. Ở khu vực phường Cẩm Thạch có Công ty CP Xây dựng và Công ty Sản xuất bia - rượu - nước giải khát Cẩm Phả đã cùng đầu tư xây dựng chợ Bến Do với 150 gian hàng, trị giá 50 tỷ đồng. Chợ rất thuận tiện giao thông, lại gần khu dân cư, nhưng xây xong đã gần 2 năm nay mà không thấy bóng kẻ mua, người bán. Trong chợ, nhiều nơi cỏ mọc xanh um. Mục đích của các nhà đầu tư nhằm thay thế chợ cá nằm ở khu vực Bến Do nhếch nhác nằm bên bờ biển, xa khu dân cư. Nhiều gian hàng không có mái che, vào mùa mưa, người mua, người bán ướt như chuột lột. Khi nước triều lên, mọi người lội bì bõm dưới nước mua, bán hàng. Khổ cực là vậy, mà các hộ kinh doanh vẫn nói “không” với chợ mới. Rồi ở phường Cẩm Bình, có một thời chính quyền sở tại cũng đến khốn khổ với chợ cóc. Các hộ bán hàng ngồi tràn cả ra đường giao thông, chửi nhau, thậm chí đánh nhau vì chỗ ngồi. Vậy mà khi UBND phường Cẩm Bình xây chợ mới, chẳng hộ nào chịu vào chợ bán hàng, buộc phường phải “ép” các hộ vào chợ vì lý do ảnh hưởng đến ATGT.
Căn bệnh “có mới” không “nới cũ” còn có cả ở huyện Hải Hà. Chợ Trung tâm Hải Hà mới được Công ty TNHH Đức Dương đầu tư xây dựng gần 70 tỷ đồng thay thế chợ cũ tại phố Trần Bình Trọng (thị trấn Quảng Hà). Chợ mới có thiết kế hiện đại, diện tích dành cho kinh doanh gần 19.000m2, hệ thống thoát nước tốt, hệ thống báo cháy tự động, phân bổ các gian hàng theo ngành hàng hợp lý, bãi đỗ xe rộng, đường đi, lối lại thuận tiện. Vậy mà chợ cũ nhếch nhác, chật hẹp vẫn được các hộ kinh doanh duy trì. Vừa qua, chợ cũ xảy ra trận hoả hoạn, cháy 150 gian hàng, nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn thà ngồi bán hàng ở cái nơi nguy cơ cháy nổ cao mà không chịu vào chợ mới.
Đến đây thì xem ra không hẳn vì tâm lý ngại thay đổi một thói quen cũ, mà còn do nhiều nguyên nhân khác, trong đó có “xung đột” quyền lợi giữa các hộ tiểu thương với doanh nghiệp đầu tư chợ. Mới cách đây vài ngày (14-12), UBND tỉnh đã phải tổ chức một cuộc đối thoại với các hộ kinh doanh ở đây. Và theo đó, phương án chợ mới, chợ cũ cũng phải đến đầu tháng 2 âm lịch may ra mới “ngã ngũ”.
Anh Vũ
Ý kiến ()