Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 22:58 (GMT +7)
Chuyển chức năng quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long: Nhìn lại để đi tới
Thứ 5, 16/03/2017 | 11:52:53 [GMT +7] A A
Sau hơn một năm chuyển về TP Hạ Long, kể từ ngày 1-12-2015, công tác quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long đã có những kết quả nổi bật, khẳng định chủ trương, quyết định của UBND tỉnh chuyển giao chức năng quản lý nhà nước từ Ban Quản lý (BQL) Vịnh về TP Hạ Long là đúng đắn. Tuy vậy, quá trình chuyển đổi cũng bộc lộ những bất cập về tổ chức bộ máy cần sớm được tháo gỡ...
Các lực lượng chức năng của tỉnh, TP Hạ Long trong một đợt ra quân xử lý tàu đeo bám, bán hàng rong trên Vịnh Hạ Long, tháng 9-2016. |
“4 tăng”
Đó là tăng lượng khách, tăng thu, tăng đầu tư và tăng chất lượng quản lý. Lãnh đạo thành phố khẳng định tại hội nghị sơ kết, đánh giá về mô hình quản lý này vừa diễn ra vào ngày 7-3, chuyển biến tốt nhất là tăng cường công tác quản lý trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, việc chuyển đổi đã giải quyết được hạn chế về thẩm quyền xử lý vi phạm. Các vi phạm được phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời, tạo tính răn đe cao. Nhiều vấn đề “nóng” về môi trường kinh doanh du lịch đã được xử lý như kinh doanh hải sản trái phép, “chặt chém” khách du lịch; giải quyết dứt điểm tình trạng lộn xộn của các nhà bè nuôi trồng, kinh doanh hải sản tại một số điểm tham quan. Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản và các vi phạm quy định đánh bắt thuỷ sản trên Vịnh được chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Qua đó, tạo ra hình ảnh môi trường du lịch của tỉnh với giá trị cốt lõi là Vịnh Hạ Long có chuyển biến hết sức tích cực.
Nói về việc này, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban Thường trực BQL Vịnh Hạ Long, người đã có quá trình gắn bó lâu năm với Vịnh Hạ Long, chia sẻ: Trước đây, việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn, vì BQL Vịnh được giao quản lý nhà nước nhưng thẩm quyền cũng như các chế tài để xử lý vi phạm không có. Ngược lại, khi chuyển đổi, cả bộ máy chính trị của TP Hạ Long vào cuộc nên toàn bộ các lĩnh vực quản lý trên Vịnh Hạ Long được quản lý rất chặt chẽ...
Đồng thuận với ý kiến này, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch phân tích thêm: Du lịch Quảng Ninh có mấy “vấn nạn” ở trên Vịnh Hạ Long, khu vực Bãi Cháy và bến tàu du lịch cũ, nay đều đã được giải quyết cơ bản. Tất cả những gì du khách kêu ca về du lịch trên Vịnh khi mà BQL Vịnh còn đứng độc lập đã được giải quyết căn bản, như về hoạt động của tàu du lịch, bao gồm cả vấn đề hướng dẫn, ăn uống, môi trường, rác thải... Trước đây có câu chuyện là cứ cách bờ 100m ra biển là do BQL Vịnh quản lý, từ đó trở vào bờ là do TP Hạ Long quản lý, từ đó dẫn đến sự cắt khúc, tranh cãi về nhiều vấn đề, cho thấy sự không thống nhất trong quản lý nhà nước; nay nhập về một nơi, hiệu lực, hiệu quả rất tốt.
Sự phối hợp với các sở, ngành cũng thế, trước đây cứ ngành nọ bảo của sở kia, nhưng từ khi về TP Hạ Long thì “quả bóng” không bị chuyền qua, chuyền lại nữa. Như vậy đã giảm được sự chồng chéo, trung gian trong quản lý nhà nước. Câu chuyện dừng tàu cũng vậy, giờ mới làm được, cho thấy sự nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm chính trị của lãnh đạo TP Hạ Long thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao. Đây là can đảm và trách nhiệm chứ không phải việc dễ làm. Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GT-VT cũng nhấn mạnh: Với lỗi vi phạm của các tàu du lịch, ngoài xử phạt hành chính thì mấu chốt là dừng tàu. Việc dừng tàu khiến doanh nghiệp thiệt hại rất nhiều nên họ sợ, chứ xử phạt hành chính chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, họ sẵn sàng nộp phạt rồi vi phạm tiếp...
Cùng với đó, việc quản lý tài chính, thu và sử dụng phí tham quan Vịnh hiệu quả hơn, thu triệt để, tránh thất thoát. Theo thống kê, thu phí tham quan Vịnh tăng 170 tỷ đồng (tăng 29%) so với năm 2015. Lượng khách tham quan Vịnh Hạ Long trong năm 2016 vừa qua cũng tăng cao nhất từ trước đến nay với trên 3 triệu lượt, trong đó khách nước ngoài trên 2 triệu lượt.
Song hành giữa vị thế và hiệu quả quản lý
Kết quả là không thể phủ nhận, tuy vậy, những tồn tại, vướng mắc đã kéo dài nhiều năm qua chưa thể giải quyết cũng vẫn còn. Ông Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh, đề nghị: Vẫn còn nhiều điểm dân sinh, tàu của cá nhân, gia đình xuất phát từ các bến tự phát dọc tuyến bờ, nếu không đưa vào quản lý cũng phức tạp. Nên quy hoạch thêm một vài bến nhỏ cùng với Tuần Châu để tránh đỗ lộn xộn. Để giải quyết tốt việc đeo bám, chèo kéo khách trên Vịnh nên giải quyết từ “gốc”. Du khách đến Hạ Long rất mê ăn hải sản nơi đây. Chúng ta đã di dời các làng chài, xoá các điểm buôn bán trên Vịnh rồi thì cũng nên quy hoạch điểm nào đó dọc tuyến, hoặc là chợ cá nổi, hoặc là chợ cá trên bờ để khách có thể đến chợ mua hải sản. Từ đó, số tàu đeo bám sẽ giảm đi, tạo nét văn minh, lịch sự...
Đặc biệt, sự bất cập về tổ chức bộ máy sau chuyển đổi là vấn đề còn vướng mắc nhất, bởi lẽ khi chuyển đổi, bộ máy BQL Vịnh được chuyển nguyên trạng về TP Hạ Long, tuy nhiên công tác quản lý, điều hành lại mới theo chức năng quản lý nhà nước của TP Hạ Long. Không chỉ khó khăn trong vận hành, điều hành mà việc tính phụ cấp cho các cán bộ cấp trưởng, phó phòng của đơn vị còn vướng về cơ chế tài chính. Ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Trưởng BQL Vịnh Hạ Long, cho biết: Tổ chức, bộ máy cần xác định rõ chức năng, thẩm quyền để thực hiện. Theo quyết định thì BQL Vịnh được hiểu là một đơn vị của thành phố nên sắp xếp, tổ chức bộ máy vướng mắc; công tác phối, kết hợp, chỉ đạo cũng khó. Công tác điều hành vướng về mặt thẩm quyền, rồi còn quyền lợi chính đáng về mặt kinh tế, chính trị của các trưởng, phó phòng nữa. Vì “nửa nạc, nửa mỡ” nên việc bổ nhiệm trong công tác cán bộ cũng khó...
Ông Phạm Đình Huỳnh cũng phân tích thêm: Di sản thế giới Vịnh Hạ Long có 3 cấp quản lý, quốc gia là Việt Nam, địa phương là UBND tỉnh và cơ quan quản lý trực tiếp là BQL Vịnh Hạ Long. Do đó, đầu mối mà các tổ chức quốc tế, Bộ VH-TT&DL... thường liên lạc trực tiếp là BQL Vịnh mà không thông qua TP Hạ Long. Thêm nữa, quá trình phối hợp, Vịnh Hạ Long là một di sản liên huyện, liên tỉnh với Hải Phòng trong khi BQL Vườn quốc gia Cát Bà do Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng làm Trưởng ban, lãnh đạo 2 đơn vị không có tính tương đồng về vị trí nên sẽ có những khó khăn trong quá trình phối hợp quản lý di sản...
Nắm bắt vấn đề này, tại cuộc họp kể trên, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh việc tham mưu cho tỉnh ra quyết định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức bộ máy của BQL Vịnh Hạ Long phải đảm bảo đúng với tầm cỡ một cơ quan quản lý di sản thế giới, vừa giữ được vị thế vừa đạt hiệu quả quản lý tốt hơn. Trong đó lưu ý: BQL Vịnh là cơ quan có tư cách pháp nhân trực thuộc UBND tỉnh; tuy nhiên, chức năng quản lý nhà nước của Ban thuộc về UBND TP Hạ Long. Trưởng BQL Vịnh là Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm nhiệm. Lãnh đạo BQL Vịnh do Trưởng BQL đề xuất, UBND tỉnh quyết định. Dưới BQL Vịnh là các phòng chuyên môn, trung tâm đảm bảo gọn nhẹ, thực sự là cơ quan tham mưu cho công tác quản lý, bảo tồn di sản; đồng thời, cần hình thành trung tâm hướng dẫn viên, có sự rà soát, đào tạo lại với những đầu tư thích đáng cho lực lượng này...
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()