
Đa năng, dấn thân, nhiệt huyết... là những từ mà không ít đồng nghiệp dành cho phóng viên đài cấp huyện (nay thuộc các Trung tâm Truyền thông và Văn hóa địa phương). Mặc dù vất vả, còn nhiều khó khăn nhưng "ngọn lửa nghề" của họ không hề suy giảm.

Theo Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Báo chí, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện không phải là cơ quan báo chí song nội dung hoạt động mang tính chất báo chí; phải chịu sự chỉ đạo, quản lý về nội dung, về tần số của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Những năm gần đây, các đơn vị này không còn tên riêng nữa mà được sáp nhập vào các Trung tâm Truyền thông - Văn hóa (TT-VH) địa phương, tuy nhiên, từ “phóng viên đài huyện” vẫn là câu cửa miệng thân thiết của nhiều đồng nghiệp chúng tôi. Từng đi tác nghiệp cùng nhau, chúng tôi phần nào thấu hiểu được đặc thù công việc và những khó khăn, vất vả mà họ gặp phải.

Phóng viên Trung tâm TT-VH TP Hạ Long tác nghiệp tại lễ giao quân năm 2023. Ảnh: CTV
Phóng viên Trung tâm TT-VH TP Hạ Long tác nghiệp tại lễ giao quân năm 2023. Ảnh: CTV
Là cơ quan tuyên truyền ở địa phương song có thể thấy, các phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan này hoạt động rất chuyên cần, đảm đương lượng công việc khá lớn, đặc biệt rất đa năng. Chúng tôi thường gọi vui họ là những phóng viên đa năng, bởi họ không chỉ làm báo nói mà còn cả báo viết và báo hình. Họ gần như phải đảm trách nhiều phần việc từ viết kịch bản, quay phim, dựng hình, đọc phát thanh... Phóng viên Vũ Xuân Thao (Trung tâm TT-VH Tiên Yên), chia sẻ: Có thể một số phóng viên, biên tập viên chưa được đào tạo nghề báo thực sự bài bản, chuyên nghiệp. Kinh nghiệm, kỹ năng có thể có được từ việc tự học hỏi lẫn nhau, tự nâng cao tay nghề qua thực tiễn công việc. Thế nhưng, từ viết tin, bài đến quay phim, dựng phim... anh em đài huyện đều làm hết, cơ bản đều thành thạo.
Có lẽ vì thế sẽ không lạ lẫm gì khi đi các huyện, thị mà bắt gặp hình ảnh một phóng viên chăm chú quay phim, thi thoảng lại tranh thủ chụp ảnh, rồi tự phỏng vấn nhân vật khi kết thúc sự kiện. Với chúng tôi, đó là những đồng nghiệp “3, 4 trong 1”, rất đa năng… Họ được ví như những nhà sản xuất độc lập, tự tác nghiệp và xây dựng nên chương trình của mình. “Sau khi sự kiện kết thúc, chúng tôi tự sản xuất các chương trình truyền hình, đẩy bài lên cổng thông tin của huyện, làm phát thanh… Thậm chí, chúng tôi còn tranh thủ cộng tác với đài, báo tỉnh, báo trung ương để truyền tải nhiều thông tin nóng, hấp dẫn” - phóng viên Hoàng Thị Gái (Trung tâm TT-VH Bình Liêu) chia sẻ.

Phóng viên Trung tâm TT-VH Uông Bí tác nghiệp tại cuộc cưỡng chế Cụm công nghiệp Phương Nam, TP Uông Bí. Ảnh: CTV
Phóng viên Trung tâm TT-VH Uông Bí tác nghiệp tại cuộc cưỡng chế Cụm công nghiệp Phương Nam, TP Uông Bí. Ảnh: CTV
Không chỉ làm nhiều việc, các phóng viên, biên tập viên này còn... đa năng hơn thế. Phóng viên Vũ Thị Báu (Trung tâm TT-VH Cô Tô) kể: Trung tâm có 4 phóng viên, biên tập viên. Có thể nói, thời điểm này là thời điểm nhiều người làm chuyên môn nhất nhưng cũng là lúc Trung tâm nhiều việc nhất, buộc chúng tôi phải… đa năng hơn.
Trung tâm có 13-14 người với các tổ chuyên môn khác nhau. Những năm gần đây, huyện đảo Cô Tô tổ chức nhiều sự kiện, chương trình quảng bá du lịch sôi động. Vì thế, khi những sự kiện lớn, nhiều việc cần huy động nhiều người, như: Chuẩn bị sân khấu, tổ chức sự kiện... thì phóng viên, biên tập viên cũng chung tay vào cuộc cùng đồng nghiệp. Cùng với quay phim, dựng hình, viết báo, chụp ảnh… chúng tôi có thể kiêm luôn chuẩn bị đồ đạc, sân khấu, trong khi đó, công việc của các phóng viên rất đặc thù, các tổ khác không thể hỗ trợ, giúp đỡ được.
Theo tìm hiểu được biết, tại các Trung tâm TT-VH địa phương, điều kiện nhân lực thường hạn chế về số lượng nên mỗi một phóng viên và quay phim thường đảm nhận khối lượng công việc khá lớn. Có thể thấy, hình ảnh của các phóng viên, biên tập viên “nhiều trong một” của Cô Tô kia cũng là hình ảnh dễ thấy của các đồng nghiệp ở 13 Trung tâm TT-VH huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Họ là những người trực tiếp sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình từ cơ sở để đăng tải trên sóng, một mình có thể đảm nhiệm nhiều công việc, cùng lúc thực hiện nhiều loại hình báo chí, là những cánh tay nối dài của các cơ quan báo chí của tỉnh, trung ương để nối mạch thông tin thông suốt, kịp thời.




Không ít người khi tiếp xúc với phóng viên đài huyện, thị thì khâm phục: Trời mưa bão, người ta thường tìm chỗ trú ẩn còn phóng viên đài thì lại lao ra đường, ra biển, những chỗ nguy hiểm, hoặc dấn thân làm việc tại địa điểm tác nghiệp khó khăn, vất vả...
Mặc dù bộn bề công việc, áp lực nhưng họ là những người tiên phong với máu nghề nghiệp luôn sục sôi. Nhắc tới điều này, tôi nhớ về chuyến đi cách đây chừng 5-7 năm cùng đồng nghiệp tác nghiệp, giới thiệu tiềm năng thác Pạc Sủi (Yên Than, Tiên Yên), khi đó còn hoang sơ, chưa được đầu tư nhiều như hiện tại. Khi được lãnh đạo huyện Tiên Yên mời đi khảo sát vào sớm hôm sau, một trong những người đầu tiên xuất hiện đồng hành với đoàn là phóng viên đài Tiên Yên. Họ là những người đi đầu mở lối, cùng hướng dẫn viên người địa phương “trèo đèo, lội suối” trong suốt hành trình. Có những đoạn không có đường mòn, tưởng như phải bỏ dở hành trình, thì họ lại là những người đi trước leo trèo, mở đường chỉ lối cho cả đoàn để có thể quay được những hình ảnh đẹp nhất quảng bá cho thác Pạc Sủi, quảng bá cho du lịch Tiên Yên.

Kỹ thuật viên Đặng Ngọc Linh (Trung tâm TT-VH Quảng Yên) tác nghiệp tại mô hình nuôi hầu hà bằng vật liệu nổi quy chuẩn ở xã Hoàng Tân thị xã Quảng Yên. Ảnh: Thùy Dương (CTV).
Kỹ thuật viên Đặng Ngọc Linh (Trung tâm TT-VH Quảng Yên) tác nghiệp tại mô hình nuôi hầu hà bằng vật liệu nổi quy chuẩn ở xã Hoàng Tân thị xã Quảng Yên. Ảnh: Thùy Dương (CTV).
Từng làm báo điện tử, cập nhật những bản tin thời sự nhanh nhất các vùng, miền trong tỉnh, chúng tôi hiểu sự nhanh nhạy, “tinh nhuệ” của các phóng viên này… trong các sự kiện lớn, dịp mưa bão. Không chỉ bảo đảm số lượng bản tin phát trên hệ thống đài truyền thanh huyện, họ còn tranh thủ và hết sức nhiệt tình cộng tác với cơ quan báo chí của tỉnh, trung ương… Đặc biệt dù mưa gió bão bùng, cứ gọi là có thông tin, hình ảnh cập nhật. Điều này khiến các bản tin, bài báo trên báo điện tử về những “điểm nóng” trở nên sinh động, nhanh chóng.
Điều đặc biệt là phóng viên các đài huyện, thị phần nhiều là nữ nhưng độ nhiệt tình, "máu nghề" thì không hề thua kém đồng nghiệp nam. Một trong số đó là phóng viên Vũ Thị Báu (Trung tâm TT-VH Cô Tô). Với trên 10 năm công tác, Vũ Thị Báu từng trải qua nhiều khó khăn trong tác nghiệp. “Đặc thù và cũng khó khăn nhất khi tác nghiệp ở Cô Tô là tác nghiệp trên biển, trong bão gió. Khi đi làm dịp bão, nếu một người quay một người kia phải giữ cả người và máy… để đỡ bị gió thổi bay cả người lẫn máy. Tôi nhớ nhất là những lần tác nghiệp ở đảo Trần, các phóng viên phải đi cùng đoàn công tác trên thuyền nhỏ, chỉ chừng 10 người. Đặc biệt thấy sợ khi dịp gió mùa Đông Bắc hoặc sóng gió to. Xuồng nhẹ, bị xóc nhấc lên rồi đập xuống khiến các phóng viên xây xẩm mặt mày. Tôi thầm nghĩ, dù có áo phao nhưng lỡ mà rơi xuống biển, không biết có thể bơi vào bờ được không?" - Báu kể.

Phóng viên Trần Bình (Trung tâm TT-VH TP Móng Cái) tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: CTV
Phóng viên Trần Bình (Trung tâm TT-VH TP Móng Cái) tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: CTV
Không chỉ đối mặt với bão gió, họ luôn đam mê, dấn thân để theo đuổi đề tài. Nữ phóng viên Vi Thị Thu (Trung tâm TT-VH Móng Cái) kể về những lần đi tác nghiệp cùng lực lượng biên phòng để hoàn thành phóng sự về những kẻ vượt biên, buôn người: “Đó là những lần xuyên rừng đi tuần tra ban đêm cùng lực lượng biên phòng Móng Cái ở tận Bắc Sơn, Hải Sơn. Điểm đến cách biên giới nước bạn chỉ một con suối. Địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn lối mở… cùng mai phục với chiến sĩ biên phòng, nhằm ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép qua lại biên giới. Việc quay phim đã khó, đó là chưa kể nguy hiểm thường trực bởi các đối tượng này rất manh động. Khó nhất có lẽ là những lần mật phục, đón lõng đối tượng, kíp phóng viên phải ngồi im trong bụi cây, đụng vào ổ kiến cắn… mà phải ngồi im, không dám kêu!”.
Đó chỉ là một trong những câu chuyện mà phóng viên các đài trải qua trong quá trình tác nghiệp. Còn không ít những đồng nghiệp ở các đài huyện, thị xã, thành phố như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều… vẫn ngày ngày làm tốt công việc, không ngại khó, ngại khổ, dấn thân vì nghề, vì các tác phẩm chất lượng của mình.

Phóng viên Trung tâm TT-VH Bình Liêu trao đổi thông tin với phóng viên một số báo tại Ngày hội văn hóa đọc huyện Bình Liêu năm 2023. Ảnh: La Lành.
Phóng viên Trung tâm TT-VH Bình Liêu trao đổi thông tin với phóng viên một số báo tại Ngày hội văn hóa đọc huyện Bình Liêu năm 2023. Ảnh: La Lành.
Với sự dấn thân đó, họ là chủ nhân của không ít các giải báo chí chất lượng, đoạt giải cao ở các giải báo chí của tỉnh, được mang đi tham gia các giải của trung ương... Đơn cử như tác phẩm Cuộc chiến với "vuốt quỷ" về nạn buôn người qua biên giới của phóng viên Vi Thu; rồi tác phẩm Để những hạt giống đỏ nẩy mầm giữa biển khơi, Người vác tù và trên đảo của phóng viên Thu Báu...




Những phóng viên ở địa phương như họ có lẽ là những người ít được biết đến nhất trong nghề làm báo. Dù vất vả, dù đôi khi có phần thiệt thòi nhưng họ vẫn cần mẫn và nuôi dưỡng “lửa nghề” trong công việc, để những bản tin gần gũi, những âm thanh, những tiếng nói quen thuộc được vang lên đều đặn mỗi ngày.

Phóng viên Đào Thu Trang (Trung tâm TT-VH Cô Tô) ghi lại hình ảnh về vẻ đẹp của huyện đảo Cô Tô.
Phóng viên Đào Thu Trang (Trung tâm TT-VH Cô Tô) ghi lại hình ảnh về vẻ đẹp của huyện đảo Cô Tô.
Để có đủ lượng tin, bài bảo đảm phát sóng sao cho hấp dẫn bạn nghe đài, chương trình hôm nay phải mới hơn chương trình hôm qua cả hình thức lẫn nội dung, những phóng viên này cũng phải đối mặt với sự vất vả và thách thức như bất cứ nhà báo nào. Mặt khác, công sức của họ bỏ ra khá nhiều, thế nhưng nếu nói về chế độ nhuận bút so với cơ quan báo chí cấp tỉnh thì còn rất thấp. Nhiều người phải tranh thủ làm những công việc khác để tăng thêm thu nhập, nuôi dưỡng đam mê mình đã chọn. Tôi còn nhớ tâm sự của một đồng nghiệp, xin dẫn ra để làm kết cho bài viết này: "Mặc dù còn đôi chút băn khoăn, trăn trở nhưng chúng tôi vẫn gắn bó, tâm huyết với nghề mình đã chọn. Điều chúng tôi mong chờ là nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành chủ quản nhằm tạo điều kiện để phóng viên cơ sở tác nghiệp được thuận tiện, dễ dàng và mang lại hiệu quả cao hơn".

Ngày xuất bản: 18/6/2023
Nội dung: Hà Phong
Trình bày: Hùng Sơn