4
18
/
997936
Chuyện sau tấm Huy hiệu Anh hùng Lao động
longform
Chuyện sau tấm Huy hiệu Anh hùng Lao động

Ngôi nhà của gia đình Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng nằm trong con ngõ nhỏ thuộc tổ 3, khu 12, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả. Thời tiết hôm ấy mát mẻ, con chim sáo lảnh lót hót bên hiên, chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng trong không gian yên bình ấy…

Hồi còn nhỏ, khi đọc truyện về những anh hùng, tôi thường tưởng tượng đó là những người to lớn lực lưỡng, giọng nói sang sảng, bước đi chắc nịch. Giờ đây, khi ngồi cạnh một Anh hùng Lao động, tôi thấy ông thật giản dị, hiền hậu, dễ gần. Nhưng càng trò chuyện lâu với ông, tôi càng nhận thấy ông không chỉ thông minh, sắc sảo, mà còn rất khiêm tốn, chân thật.

“Tôi là người dân tộc Thái, ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Năm 17 tuổi, học hết lớp 7, tôi đang nghỉ ở nhà thì thấy Bộ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương bây giờ) về xã tuyển người sang Ba Lan học về xây dựng mỏ. Khi ấy, tôi cao 1,54m, nặng 45kg, cũng chưa hiểu làm mỏ, làm công nghiệp nặng là việc gì, nhưng lúc ấy ở nông thôn, chưa biết làm gì nên tôi quyết định lên đường…” - ông Hồng kể.

Cùng với 1.000 người sang Ba Lan học về xây dựng mỏ, ông Hồng thuộc tốp nhỏ bé nhất. 17 năm trời chưa bước chân ra khỏi huyện, vậy mà thoắt cái, ông sang tận “trời Tây” học tập. 4 năm ở xứ người, ông học tiếng Ba Lan, sau đó học, thực tập nghề đào lò, cơ khí, điện… Năm 1973, ông về nước. Sau khi ở Mạo Khê vài tháng để học chính trị, ông được “biên chế” về Công trường xây lắp 6, Mỏ Than Mông Dương.

Mông Dương lúc ấy um tùm, rậm rạp. Khỉ, hoẵng chạy đầy đường. Công trường ông làm việc có nhiệm vụ chính là đào lò xây dựng cơ bản, sau đó bàn giao cho bên khai thác. Có thể nói những gì nặng nhọc nhất, khó khăn nhất trong ngành Than thì người thợ lò đều “lĩnh” trọn. “Đào lò vừa nặng nhọc, lại nguy hiểm nên đa phần anh em đi học ở Ba Lan với tôi về đều bỏ, làm việc khác. Tôi sinh ra ở nông thôn, từ nhỏ đã quen làm việc nặng nhọc, thêm nữa lại xác định “học nghề nào, làm nghề ấy” nên gắn bó với nghề đào lò đến tận khi về hưu…” - ông Hồng bảo.

- Phải chăng sự gắn bó, nhiệt huyết với công việc đào lò đã giúp ông trở thành người anh hùng trong ngành Than? - Tôi hỏi.

- Công việc gì cũng đòi hỏi nghiêm túc, trách nhiệm, đào lò càng phải kỷ luật hơn vì sơ sểnh là mất mạng như chơi. Tính tôi tự trọng cao, không muốn ai nói đến mình, việc gì người ta không làm được thì tôi làm. Đơn giản như việc nghỉ Tết. Giáp Tết anh nào cũng muốn làm nhanh nhanh để thu dọn về quê; ra Tết khai xuân lại muốn la cà, gặp gỡ. Riêng tôi, làm đúng đến khi đơn vị cho nghỉ và ngày khai xuân đầu năm cũng bắt tay ngay vào công việc.

Ông Hồng kể, để “tròn việc” thì phải có sự tính toán, sắp xếp khéo léo. Để có những kỷ lục đào lò thì phải tính toán nhiều hơn. Nghe ông kể, tôi hiểu những “tính toán” của ông chính là sáng tạo, là giải pháp, sáng kiến để đạt năng suất, hiệu quả nhất.

Ví dụ như chuyện câu chuyện đào 107 mét lò vào năm 1978. Khi ấy, định mức của Xí nghiệp là 1 tháng đào 70 mét lò. Khi họp bàn, ông Hồng nhận làm 100 mét. Sau đó Giám đốc bảo “xin” thêm 5 mét; thấy vậy Bí thư Đảng ủy cũng ý kiến: Nếu “cho” Giám đốc 5 mét thì tôi cũng “xin” 5 mét nữa. Vậy là ông Hồng chấp nhận tổ sẽ đào 110 mét lò/tháng.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, ông Hồng đã nghĩ ra giải pháp rất hiệu quả. Thay vì vác đường ray 8 mét, ông cắt đôi thành 4 mét. Thay vì để anh em làm 3 ca, ông chia thành 4 kíp. Vậy là tận dụng thời gian thừa của ca làm việc và việc dễ dàng mang vác thanh ray, mỗi kíp thợ đã đào được 0,9 mét lò/ngày; 1 ngày đào được 3,6 mét; tháng đó 31 ngày sẽ được 110 mét. “Nhưng cuối cùng, tổ tôi chỉ đào được 107 mét, vì ngày cuối cùng máy xúc bị hỏng, không thể dọn sạch đất đá, nên không đạt 110 mét. Nhưng đó cũng là con số mét đào lò kỷ lục của tổ. Đó cũng là năm đầu tiên tôi làm tổ trưởng” - ông Hồng kể.

Không chỉ tính toán, đưa ra giải pháp để hoàn thành công việc, tôi còn thường xuyên bảo anh em phải biết học tập, vận dụng kỹ thuật mới, khó của đồng nghiệp. Như ở tổ tôi làm việc có 4 chuyên gia lắp máng cào người Liên Xô sang làm việc. Vậy là mình quan sát, học tập, chủ động áp dụng cách lắp máng cào của chuyên gia nước bạn. Nhờ đó, tổ lắp máng cào rất nhanh, mang lại hiệu quả, năng suất công việc cao…

Liên tiếp những năm sau đó, tổ đào lò do ông Hồng làm tổ trưởng đạt được những thành tích kỷ lục. Năm 1983 đào được 13,5 mét lò/ngày trong khi tổ khác chỉ đạt 5-6 mét. Có tháng tổ “đi” được 172 mét, gấp rưỡi các đơn vị khác.

- Tôi làm tổ trưởng từ năm 1978 cho đến khi về hưu, năm 1993. 20 năm chui lò, tôi hiểu lắm những nỗi vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm của người thợ. Vì vậy, trong suốt những năm tháng công tác, tôi luôn động viên anh em, giúp đỡ họ, tạo cho họ niềm vui trong công việc.

- Đường lò tối tăm, làm việc nặng nhọc, ông làm cách nào để tạo được không khí hăng say cho anh em thợ?

- Công việc của chúng tôi theo ca, theo kíp, là việc làm theo dây chuyền, chỉ một anh lười, một anh chậm là ảnh hưởng tới năng suất của cả tổ. Vì vậy, tôi bố trí, sắp xếp người làm việc mỗi ca phù hợp với tính cách, tâm lý, thậm chí là ngoại hình của họ. Ví dụ như anh nóng tính phải xếp cùng ca anh mát tính, chứ hai anh cùng nóng thì vào lò chỉ cãi nhau. Hay anh cao thì làm việc đòi hỏi có chiều cao, anh giỏi thì làm cùng anh kém hơn để hỗ trợ nhau… Cứ gần gũi, hiểu tính cách, hoàn cảnh từng người mà bố trí cho phù hợp với sở trường, sở đoản. Từ đó, công việc trôi chảy, năng suất cao. Tôi thường bảo với cấp trên là tổ tôi không có người lười.

Còn về việc tạo không khí làm việc sôi nổi, thi đua thì cũng lại phải nghĩ cách. Thời chúng tôi khó khăn chung, có thời điểm phải ăn cháo đi làm, ăn bồi dưỡng giữa ca có khi chỉ có củ đậu. Có những đường lò đào vất vả mất cả bát mồ hôi, quần áo ướt sũng. Vậy làm thế nào để anh em không nản? Tôi nghĩ ra cách kể những chuyện vui hoặc đưa ra những câu đố để anh em cùng giải. Vậy là vừa làm, vừa tranh luận, không khí sôi nổi, anh em cũng quên mệt.

Trong những đợt thi đua đào lò lập kỷ lục cũng thế. Nếu làm bình thường thì không thể đạt được năng suất tối đa. Vậy là tôi nghĩ cách để khơi dậy phong trào. Như năm 1983, có tháng chúng tôi đào được 172 mét lò. Để làm được điều này, tôi nghĩ ra “Ngày Thanh niên” - để thanh niên trong tổ đứng ra tổ chức. Hôm khác, chọn một chủ nhật đề nghị  là “Ngày Công đoàn”, để anh em công đoàn làm chủ. Thế là cũng con người đó, cũng ngày làm việc đó, nhưng tiếng “Thanh niên”, “Công đoàn” khiến mọi người phấn khởi thi đua, lao động hăng say hơn.

Trò chuyện với Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng, tôi thấy cách thức tổ chức, quản lý đến áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và cả cách “dụng nhân” của ông cách đây hàng chục năm vẫn rất phù hợp với ngày nay.

Nói điều đó ra, ông bảo: Mỗi thời mỗi khác. Cách tôi làm hồi ấy cũng là cách của nhiều anh em trong ngành áp dụng. Thành tích, danh hiệu mà tôi đạt được cũng là công sức của tập thể, anh em trong tổ, trong xí nghiệp chứ không phải hoàn toàn cá nhân tôi. Ngành Than bây giờ đổi mới vượt bậc, điều kiện làm việc của anh em thợ lò được nâng lên gấp trăm nghìn lần thời trước. Trước đây anh em thợ lò đi ca về không có gì vui chơi, giải trí…, mà chỉ có mỗi việc là ngủ thật đẫy giấc để lấy sức, để tỉnh táo cho ca việc ngày hôm sau. Còn thợ lò bây giờ về thì có nhiều thứ để tìm hiểu, khám phá. Đó cũng là điều tốt, nhưng các bạn trẻ đừng quên là phải ăn no, ngủ đủ để tái tạo sức lao động. Tôi rất vui khi ngày ngày được nghe những tin tức về sản lượng, về tiến bộ của ngành Than. Tin rằng các bạn trẻ tiếp tục làm chủ công nghệ, áp dụng những gì tiên tiến nhất để phục vụ công việc, làm giàu cho đất nước.

Về hưu đã nhiều năm nhưng Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng không về quê mà chọn gắn bó với mảnh đất Mông Dương. Ở tuổi 68, Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng vẫn dẻo dai, khỏe mạnh. Do vợ say xe ô tô, nên mỗi năm ít nhất 2 lần ông đi xe máy đèo vợ từ Mông Dương về Thanh Hóa thăm họ hàng. Ông đi một lèo, chỉ nghỉ khi phải mua xăng. Từ năm 1995 đến nay, ông đã có 59 lần về quê bằng xe máy. Cuộc sống của ông Hà Văn Hồng, người thợ đào lò được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1985 khi tròn 33 tuổi bây giờ trôi qua bình yên như thế…

Thực hiện: Hoàng Quý

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu