
“Vàng không mua nổi lòng người Dao theo Đảng” - Đó là câu nói đầy khí phách và niềm tin của người anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng khi ông trả lời thế lực địch định mua chuộc mình. Chính niềm tin son sắt đó của ông và đồng bào người Dao ở Đầm Hà đã phá tan âm mưu chia rẽ dân tộc, thành lập vành đai “Xứ Nùng tự trị” - tổ chức chính trị cực kỳ phản động, hiếu chiến và xảo quyệt ở khu vực Đầm Hà. Với những thành tích trong đấu tranh cách mạng, ngày 1/1/1967, đồng chí Lỷ A Coỏng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng (tức Lý Vĩnh Phớc) sinh năm 1923 ở xã Thanh Y, huyện Đầm Hà. Ông tham gia hoạt động du kích ở các bản vùng cao Nà Pá và Thanh Y. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1955. Từ 1955-1961, ông là chính trị viên xã đội, xã đội trưởng lãnh đạo lực lượng dân quân du kích.
Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng.
Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền non trẻ của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức; trong đó có hoạt động của các nhóm thổ phỉ ở vùng biên giới phía Bắc. Trong thời kỳ này, Thực dân Pháp đã lập ra “Xứ Nùng tự trị” với bộ máy là tổ chức chính trị phản động, hiếu chiến. Thực dân Pháp còn lập ra tổ chức “Thanh niên chống cộng” gồm mật thám, chỉ điểm, tuần binh và tổ dân vệ luồn lách, trà trộn vào trong nhân dân để chỉ điểm, tố giác, lùng bắt những cán bộ, người đi theo cách mạng để thủ tiêu.
Sau Hiệp định Giơ ne vơ (tháng 7/1954), Đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt với 2 mặt trận là diệt Cộng ở miền Nam và phá hoại miền Bắc CNXH. Khu vực miền Đông Quảng Ninh là một trong những địa bàn chúng quan tâm xây dựng lực lượng phản động, đưa biệt kích thâm nhập.
Tháng 12/1955, Lỷ A Coỏng chỉ huy lực lượng dân quân truy lùng tiêu diệt toán đặc vụ Tưởng. Năm 1957, Lỷ A Coỏng bắt sống tên mật thám Chín Sồi Tắc, do Thực dân Pháp cài lại Hải Ninh.
Tại vùng Hà Cối - Móng Cái - Bình Liêu, tháng 8/1958, tên phỉ Trình Coóng Phí đã lôi kéo, cưỡng bức hơn 80 người dân chạy vào rừng, lập căn cứ tại vùng rừng núi huyện Hà Cối (Hải Hà). Cuối năm 1958, nhóm này đã nhập với toán biệt kích do tên Lường Mủ, từ vĩ tuyến 17 đột nhập ra Bắc. Tháng 9/1959, chúng sáp nhập với bọn phỉ ở Bình Liêu. Tháng 5/1960, chúng lôi kéo dân ở 17 xã của huyện Đầm Hà theo chúng vào rừng. Chúng tổ chức cướp súng, bắn giết cán bộ xã, cướp lương thực, thực phẩm của dân.
3 con trai của Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng, gồm Lỷ Say Sòi, Lỷ Say Dùng và Lỷ Say Sáng trò chuyện, ôn lại kỷ niệm về bố mình.
3 con trai của Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng, gồm Lỷ Say Sòi, Lỷ Say Dùng và Lỷ Say Sáng trò chuyện, ôn lại kỷ niệm về bố mình.
Đồng chí Lỷ A Coỏng khi đó là xã đội trưởng du kích của xã Thanh Y đã chỉ huy anh em du kích xã dũng cảm đánh trả lại bọn phỉ để bảo vệ cuộc sống yên bình cho bà con. Năm 1961, đồng chí và đội du kích xã cùng Bộ đội biên phòng, Công an phối hợp bao vây đường dây, hang ổ, tiêu diệt gần 80 tên phỉ, xoá sổ bọn phỉ trên địa bàn huyện Đầm Hà.
Trong một đợt truy đuổi Chín Sồi Thống - tên trùm phỉ khét tiếng của “Xứ Nùng tự trị” đã dùng rất nhiều vàng để mua chuộc Lỷ A Coỏng. Thế nhưng, ông vẫn nhất mực đi theo Đảng và trung thành với nhân dân. Câu nói của ông lúc đó được nhiều người nhắc mãi là: “Vàng không mua nổi lòng người Dao theo Đảng”.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ông được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua, Huân chương Chiến công hạng Ba. Đặc biệt, ngày 1/1/1967, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng có 6 người con, gồm 4 trai, 2 gái. Ấn tượng về người bố trong ông Lỷ Say Sòi (sinh năm 1949) con trai thứ 2 của Anh hùng Lỷ A Coỏng chính là lòng yêu nước, yêu cách mạng và ý chí nỗ lực của bố mình. Thật may mắn khi chúng tôi đến thăm nhà Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng vào đúng dịp các con cháu sum vầy làm thanh minh tảo mộ cho ông và đang cùng quây quần ôn lại những kỷ niệm về ông, cha mình.
Các con, cháu của Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng đến tảo mộ cho ông nhân dịp thanh minh 2025.
Các con, cháu của Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng đến tảo mộ cho ông nhân dịp thanh minh 2025.
Theo ông Sòi, năm 1946, bố mẹ ông lập gia đình tại thôn Mào Sán Cáu, xã Thanh Y (nay thuộc xã Quảng lâm, Đầm Hà). Cưới nhau được 2 năm thì các đồng chí cách mạng vận động thanh niên trong xã đi làm giao thông, từ đó bố ông nhiệt huyết với hoạt động cách mạng.
Ông Sòi cho biết: Thời gian bọn phỉ hoành hành ở xã (cuối những năm 50), bố tôi đi biền biệt, thi thoảng ông mới ghé thăm nhà, mà toàn vào ban đêm. Thời kỳ ấy, bọn phỉ lùng sục trong toàn xã, giết khá nhiều cán bộ cách mạng. Ngay Chủ tịch xã Lỷ Dì Thềnh cũng bị chúng giết chết. Nhớ nhất là vào một sáng tháng 5/1959, mẹ ông mới sinh em trai thứ 4 (Lỷ Say Hếnh) được ba ngày, bọn phỉ ập đến lùng sục tìm bắt bố ông. May mắn bố ông đã kịp chạy thoát trước đó. Không thấy, chúng đòi giải mẹ ông và các con đi. May thấy mẹ ở cữ, có đứa trong bọn khuyên can nên chúng mới thôi.
Ông Sòi nhớ lại, năm 1961, khi bọn phỉ trên địa bàn huyện Đầm Hà bị xóa sổ, bà con dân tộc trong xã ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Biết bố tham gia trong trận chiến tiêu diệt phỉ, mẹ và mấy anh em ông rất lo. Sau chiến dịch ấy, bố tôi về nhà, khuôn mặt rạng ngời. Tuy nhiên, với vai trò là xã đội trưởng, ông luôn miệt mài với công việc của xã để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Từ năm 1967 đến 1986, ông Lỷ A Coỏng chuyển công tác về công an huyện, chuyển làm cán bộ UBND huyện và sau đó là Phó Chủ tịch UBND huyện. Năm 1886, ông nghỉ hưu.
Mặc dù công việc bận rộn, nhất là khi công tác dưới huyện, nhưng vào vụ cấy, gặt, ông đều tranh thủ thời gian đi bộ về phụ giúp gia đình. Trước ông chỉ biết chữ Nho; để phục vụ cho công việc, cho cách mạng, tối đến, bên ngọn đèn dầu, ông Lỷ A Coỏng tự mày mò học chữ, sau này, ông còn tự viết được báo cáo cho xã, cho huyện. Không những thế, ông còn dạy chữ cho các con.
Ông Lỷ Say Dùng, con trai út của Anh hùng Lỷ A Coỏng tâm sự: “Khi còn sống, bố tôi thường bảo phải biết đoàn kết với bà con, biết quý trọng cái chữ, và phải sống tự lập chứ không được trông chờ, ỷ lại. Ông rất coi trọng việc học hành. Ông thường nói với các con, các cháu: Có học thì mới có kiến thức để phục vụ tốt cho xây dựng quê hương, đất nước. 13 năm nghỉ hưu, mặc dù tuổi cao, nhưng ông luôn cùng các con, cháu trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Ông sống chan hoà, giản dị; luôn giúp đỡ bà con”.
Ngôi nhà nơi Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng từng sinh sống ở thôn Làng Ngang, xã Quảng An (Đầm Hà), hiện gia đình con trai út của ông đang ở.
Ngôi nhà nơi Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng từng sinh sống ở thôn Làng Ngang, xã Quảng An (Đầm Hà), hiện gia đình con trai út của ông đang ở.
Năm 1978, gia đình Anh hùng Lỷ A Coỏng chuyển về thôn Làng Ngang, xã Quảng An (Đầm Hà) sinh sống. Năm 1999, ông mất. Ông Lỷ Say Dùng hiện đang sinh sống tại ngôi nhà này.
Với các con của Anh hùng tiễu phỉ Lỷ A Coỏng, bố luôn là niềm tự hào, là tấm gương sáng. Những lời dạy dỗ của bố luôn được các con, các cháu trong gia đình coi là tài sản tinh thần cần phát huy. Bởi vậy mà cả 6 người con của Anh hùng Lỷ A Coỏng đều học hành đầy đủ. Đây là điều khá hiếm hoi đối với các gia đình ở một xã vùng cao dân tộc. Các con cháu của Anh hùng Lỷ A Coỏng luôn yêu thương, giúp đỡ nhau. Theo họ, có đoàn kết thì mới có sự ổn định để phát triển kinh tế, dạy dỗ con cháu trở thành người có ích cho xã, cho huyện, cho đất nước, giống như người cha, người ông của mình.
Ngày xuất bản: 18/4/2025
Thực hiện: THU NGUYỆT
Trình bày: MẠNH HÀ