
Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Quảng Ninh đạt 85,85%, tăng 26,85% so với năm 2013; giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lượt lao động. Để có kết quả này, tỉnh đã có nhiều giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm.


Ngày hội tư vấn và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2023.
Ngày hội tư vấn và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2023.
10 năm qua (2013 - 2022) các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp mới cho 391.927 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,85% (tăng 26,85% so với năm 2013).
Để có kết quả trên, công tác quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được quan tâm và triển khai thực hiện tốt. Ngành LĐTB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện; tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách của tỉnh trong đào tạo nghề… Nhiều năm qua, Sở LĐTB&XH tỉnh đã tổ chức hoạt động gắn kết công tác đào tạo với doanh nghiệp như: Các hội thảo gắn kết 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp”, 5 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà tuyển dụng - Nhà đầu tư” trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; tổ chức các chương trình ký kết hợp tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh với một số doanh nghiệp.

Hội thảo gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp năm 2021.
Hội thảo gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp năm 2021.
Cơ sở vật chất, nhất là các trang thiết bị phục vụ cho đào tạo, phương tiện học tập được đầu tư đồng bộ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công tác hướng nghiệp. Theo đó, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh đã hoàn thiện đầu tư giai đoạn 1, Trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh được đầu tư nâng cấp, 2 Trung tâm Dạy nghề cấp huyện (Vân Đồn, Đông Triều) được đầu tư và đưa vào sử dụng. Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư hoàn thiện Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng Phân hiệu đào tạo Móng Cái, đầu tư nâng cấp Phân hiệu đào tạo Hoành Bồ, Phân hiệu đào tạo Cẩm Phả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 42 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đã hình thành một mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng gồm nhiều thành phần, mang tính xã hội hoá cao, được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Sở LĐTB&XH tỉnh cũng chủ trì và phối hợp cùng các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng Đề án “Phát triển Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh thành trường chất lượng cao giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Với chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học là trung tâm, đào tạo nghề theo phương pháp tích hợp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn, bồi dưỡng công nghệ mới và kỹ năng tay nghề. Tính đến nay, tổng số nhà giáo cơ hữu và tham gia đào tạo nghề nghiệp là 2.195 người. Về cơ bản, nhà giáo của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đảm bảo các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một tỉnh phát triển (Trong ảnh: CNLĐ làm việc tại Công ty CP Than Núi Béo).
Tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một tỉnh phát triển (Trong ảnh: CNLĐ làm việc tại Công ty CP Than Núi Béo).
Hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề được chú trọng, tỉnh đã thực hiện việc phân cấp triệt để cho các địa phương trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, điều tra khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động trong công tác lập kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và chương trình xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương…
Theo ông Phạm Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB&XH Quảng Ninh, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh trong từng giai đoạn, ngày 28/1/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về việc Thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 với một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 87,5%.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Quảng Ninh được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao tay nghề của học viên trong các trường đào tạo nghề.
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Quảng Ninh được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao tay nghề của học viên trong các trường đào tạo nghề.
Đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20 (nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 90%). Ở giai đoạn này, tỉnh dự kiến thu hút 30 - 35% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Toàn tỉnh sẽ có ít nhất 70% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn và khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.
Tầm nhìn đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một tỉnh phát triển, trở thành tỉnh phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực, bắt kịp trình độ tiên tiến của ASEAN, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số ngành, nghề đào tạo.


Nhiều mô hình của các thí sinh tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Quảng Ninh có tính ứng dụng cao.
Nhiều mô hình của các thí sinh tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Quảng Ninh có tính ứng dụng cao.
Sau khi đào tạo nghề, đầu ra cho lao động luôn là vấn đề trăn trở. Theo ông Vũ Sỹ Hùng, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐTB&XH, tỉnh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược; huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh... là cơ sở để người lao động luôn được tạo điều kiện tối đa về cơ hội việc làm với cơ cấu, chất lượng việc làm ngày càng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Về cơ bản các chính sách của tỉnh trong hỗ trợ tạo việc làm đã đem lại hiệu quả tích cực. Với sự tham mưu của ngành LĐTB%XH, công tác hỗ trợ tạo việc làm cơ bản đã được chính quyền các cấp, các địa phương và các ngành triển khai theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Các mục tiêu, chỉ tiêu về hỗ trợ tạo việc làm đều được UBND các cấp rà soát, triển khai thực hiện gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tỉnh đã cân đối, bố trí nguồn lực đảm bảo cho uỷ thác cho Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động, bố trí kinh phí hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

CNLĐ làm việc tại Công ty TNHH Sao Vàng chi nhánh Uông Bí.
CNLĐ làm việc tại Công ty TNHH Sao Vàng chi nhánh Uông Bí.
Các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm đã nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về việc làm, thúc đẩy và nâng cao chất lượng việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, cải thiện cơ hội tìm kiếm việc làm, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh đã giải quyết việc làm cho 144,5 nghìn lao động, bình quân đạt 28,9 nghìn lao động/năm.
Với mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 mỗi năm tạo việc làm tăng thêm cho từ 13 - 15 nghìn lao động theo Quyết định số 4103/QĐ-UBND ngày 3/11/2020 của UBND tỉnh ban hành Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh, năm 2022 đã giải quyết việc làm cho 39,6 nghìn lượt lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 13,2 nghìn lao động. Số người đã được tạo việc làm tăng thêm tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp - xây dựng (55,03%) và thương mại - dịch vụ (44,97%), lao động khu vực nông - lâm nghiệp - thuỷ sản đã đảm bảo mức thay thế, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với xu hướng xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thợ lò khai thác than tại Công ty Than Dương Huy.
Thợ lò khai thác than tại Công ty Than Dương Huy.
Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, bên cạnh những cơ hội thì cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Do đó, “ngành LĐ TB &XH đã tham mưu cho tỉnh xây dựng, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công tác giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và xu hướng chuyển dịch của thị trường lao động trong giai đoạn tới”, ông Vũ Sỹ Hùng, Trưởng phòng Chính sách lao động chia sẻ.
Theo đó, giải pháp quan trọng nhất tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy giải quyết việc làm chính là việc thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, phát huy các nguồn lực để ngày càng nhiều các dự án đầu tư quy mô lớn được thực hiện; thúc đẩy hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định và phát triển, là tiền đề để duy trì ổn định việc làm và tạo thêm nhiều vị trí việc làm cho xã hội.

Lao động nông thôn được quan tâm, hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm (Thông qua các chính sách hỗ trợ, người dân huyện Ba Chẽ phát triển nghề trồng rừng gỗ lớn).
Lao động nông thôn được quan tâm, hỗ trợ chính sách giải quyết việc làm (Thông qua các chính sách hỗ trợ, người dân huyện Ba Chẽ phát triển nghề trồng rừng gỗ lớn).
Cùng với đó, triển khai hiệu quả các quyết định, kế hoạch của trung ương về hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Quan trọng vẫn là thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút lao động, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm thông qua việc tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp trong nước và thị trường nước ngoài, chú trọng việc xúc tiến, quảng bá trong công tác đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cho cơ sở đào tạo nghề, đáp ứng đủ nhu cầu lao động kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyển sinh, đào tạo với thị trường lao động, việc làm, gắn kết với doanh nghiệp...
Tiếp tục rà soát, xem xét nhu cầu để bổ sung kinh phí cho hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, định hướng ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác phi nông nghiệp, thu hút các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong các ngành thu hút nhiều lao động (công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ) tham gia vay vốn; quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều đối tượng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; ưu tiên người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, thanh niên, người mất việc làm, lao động nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, lao động sau khi tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề vay vốn tự tạo việc làm, đầu tư sản xuất kinh doanh...

Nhiều lao động đã tìm được việc thông qua các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm (CNLĐ làm việc tại Công ty CP Vận tải ô tô Quảng Ninh).
Nhiều lao động đã tìm được việc thông qua các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm (CNLĐ làm việc tại Công ty CP Vận tải ô tô Quảng Ninh).
Tin rằng, với các giải pháp đồng bộ, có định hướng của tỉnh, sự tham mưu đúng, trúng của ngành LĐTB&XH, Quảng Ninh sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp cũng như công tác giải quyết việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đúng như mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân mà tỉnh đang thực hiện.





Ngày xuất bản: 22/9/2023
Thực hiện: Thanh Hằng
Trình bày: Tất Đạt