Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 19:49 (GMT +7)
Cơ sở để tăng cường đấu tranh chống tham nhũng
Thứ 6, 05/12/2014 | 06:28:29 [GMT +7] A A
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư 07/2014/TT-TTCP ( thay thế Thông tư 04/2010/TT-TTCP), có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2014, về việc quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Theo đó, Thông tư 07 có nhiều điểm mới, làm cơ sở pháp lý cho việc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đảm bảo mang lại hiệu quả cao hơn.
Cụ thể, đơn tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo (đơn nặc danh) nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì được xử lý theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự. Người xử lý đơn tố cáo phải giữ bí mật tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo khi có yêu cầu. Đơn kiến nghị, phản ánh cũng không phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người phản ánh, kiến nghị như quy định hiện hành mà chỉ cần ghi rõ nội dung phản ánh, kiến nghị là đủ điều kiện được xử lý.
Ngoài ra, đơn đủ điều kiện xử lý là đơn đã được xử lý nhưng người khiếu nại, tố cáo có quyền khiếu nại, tố cáo tiếp theo quy định của pháp luật (theo quy định hiện hành trường hợp này người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới đơn mới được thụ lý)…
Theo quy định hiện hành, những đơn thư nặc danh không được chấp nhận để xử lý, mà thường chỉ để tham khảo khi cần thiết. Quy định này đã phần nào hạn chế việc tiếp cận sự thật các vụ việc của cơ quan chức năng, dẫn tới không ít vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bị bỏ qua, không được phanh phui, xử lý. Vì vậy, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa đạt được như mong muốn. Đặc biệt, nó còn làm giảm sút niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với các cơ quan lãnh đạo, quản lý, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thực tế cho thấy, vì nhiều lý do, nhất là sợ bị trả thù đối với bản thân và người thân nên trong không ít đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị người làm đơn đã phải giấu tên, giấu địa chỉ. Đây là điều dễ hiểu vì nó có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, tương lai công việc, cuộc sống và sự an toàn tính mạng của người tố cáo và những người thân của họ…
Với quy định mới theo Thông tư 07 của Thanh tra Chính phủ, người viết đơn tố cáo, kiến nghị có thể yên tâm, tin tưởng hơn vụ việc do mình cung cấp, phản ánh sẽ được các cơ quan có trách nhiệm xem xét, xử lý theo đúng quy định, miễn là các thông tin, chứng cứ cung cấp đảm bảo trung thực, khách quan. Tuy nhiên, cũng không được lợi dụng quy định này để “thả sức” viết đơn thư nặc danh tố cáo, phản ánh sai sự thật nhằm phục vụ mục đích cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ, mất ổn định tổ chức, cơ quan, trật tự xã hội…
Tham nhũng đang là vấn nạn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nó được ví như “giặc nội xâm”, kìm hãm sự phát triển, làm băng hoại đạo đức, lối sống của không ít người có chức, có quyền; gây lãng phí tài sản, tài nguyên, tiền của của Nhà nước và nhân dân; làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, với những quy định mới trong quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, cộng với những biện pháp mạnh, giải pháp hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng, chúng ta kỳ vọng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đạt được kết quả như mong muốn, tệ nạn này sớm được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần mang lại niềm tin cho người dân, sự phát triển cho đất nước…
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()