
Sáng 30/4, trong cái nắng vàng rực ấm áp của một ngày đặc biệt, người dân trên địa bàn tỉnh có thêm một niềm vui mới khi con đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả với 6 làn xe chính thức hoàn thiện, hình thành nên cung đường biển chạy qua Di sản sở hữu những cảnh quan ấn tượng bậc nhất. Con đường tiếp tục nhân lên niềm tự hào của người dân Quảng Ninh về một thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc và nhân lên niềm vui trong tháng 4 lịch sử khi Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước dẫn đầu ở cả 4 chỉ số: PCI, SIPAS, PAR-Index, PAPI.

Là địa phương luôn mang trong mình tư duy sáng tạo, khát khao đổi mới để phát triển bền vững, dù ở thời kỳ nào, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đều xác định hạ tầng giao thông là huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm chính trị cao, có nhiều ý tưởng phát triển đột phá, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến nay, nhiều công trình dự án giao thông có quy mô lớn, quan trọng trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, như: Dự án đường nối cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Đường nối khu công nghiệp Cái Lân qua khu công nghiệp Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Cầu Tình Yêu; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai... góp phần quan trọng để từng bước hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cũng chính những con đường này đã tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển du lịch của Quảng Ninh.

Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên Thế giới.
Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên Thế giới.
Còn nhớ dịp Quốc khánh 2/9/2022, TP Móng Cái trở thành "ngôi sao" trong bức tranh du lịch tỉnh Quảng Ninh khi đón đến 150.400 lượt khách chỉ trong 4 ngày của kỳ nghỉ lễ, chiếm hơn 60% trong tổng số 250.000 lượt du khách đến Quảng Ninh. Câu chuyện vụt sáng của Móng Cái không phải là phép màu đầu tiên mà Quảng Ninh làm được khi đầu tư hạ tầng giao thông để hút khách du lịch mà trước đó năm 2018, khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khai trương, Quảng Ninh đã chạm đến dấu mốc lịch sử khi là tỉnh đầu tiên và duy nhất đến nay trên cả nước có sân bay tư nhân –được World Travel Awards vinh danh là "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á".
Trong hành trình đổi mới ấy, việc kết nối 2 di sản Vịnh Hạ Long-Vịnh Bái Tử Long cũng đã được tỉnh quyết tâm phải thực hiện. Bởi lẽ, nếu mọi thứ đều có linh hồn, thì với Quảng Ninh, linh hồn ấy chính là Vịnh Hạ Long với gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ nằm thơ mộng trên mặt biển trong xanh và hàng trăm hang động kỳ vĩ mang trầm tích lịch sử của hàng triệu năm biến thiên vạn vật.
Kể từ ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994, Vịnh Hạ Long đã luôn được báo chí quốc tế hết lời khen ngợi là một trong những địa danh lãng mạn nhất cho các cặp tình nhân, nằm trong top 100 điểm dừng chân nên đến trong đời cũng như trong top 10 điểm du thuyền hấp dẫn nhất thế giới… Cảnh đẹp thần tiên ấy là một trong những thế mạnh để Quảng Ninh "hữu xạ tự nhiên hương" mà hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không chỉ có vịnh di sản, Vịnh Bái Tử Long, một vùng biển giáp với Vịnh Hạ Long cũng được tạo hoá quá ưu ái khi ban tặng những cảnh đẹp kỳ vỹ, thơ mộng, nơi được ví trong truyền thuyết như là nơi đàn con của Rồng tiên khi xưa đáp xuống. Khác hẳn với Vịnh Hạ Long nhộn nhịp, Bái Tử Long như nàng công chúa ngủ yên im lìm giữa những đảo đá vôi tĩnh lặng.

Vịnh Bái Tử Long
Vịnh Bái Tử Long
Để đánh thức "nàng công chúa xinh đẹp" ấy và để người dân, du khách có thể cùng lúc chiêm ngưỡng cùng một lúc cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Dự án Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả. Dự án có chiều dài toàn tuyến là 18,7km, điểm đầu tuyến là điểm cuối đường Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) và điểm cuối tuyến là ngã 3 cảng Km6 Quang Hanh (TP Cẩm Phả). Giai đoạn 1 dự án có quy mô mặt đường 4 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/h. Với tư duy “không phá núi để bảo tồn”, tuyến đường đã có riêng một đường hầm xuyên núi đá tại km13 được thiết kế có tổng chiều dài 235m, với 2 ống hầm song song, mỗi ống hầm có 3 làn xe. Đến nay, đây vẫn là một trong những công trình đường hầm xuyên núi có quy mô lớn nhất Việt Nam và cũng là tuyến hầm đường bộ 6 làn xe đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh.
Việc đầu tư đường hầm xuyên núi thay cho giải pháp xẻ núi làm đường đã giảm thiểu tác động môi trường, giữ gìn cảnh quan bên bờ vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, giữ vững môi trường của hệ thống núi đá vôi khu vực, hạn chế nguy cơ sạt lở đất đá mái taluy 2 bên tuyến đường. Nhìn từ trên cao, con đường như một dải lụa mềm mại nằm uốn lượn trên vịnh kỳ quan thơ mộng, trải dài từ vịnh Hạ Long tới vịnh Bái Tử Long huyền thoại.
Ngay khi đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021, tuyến đường đã mang ý nghĩa “mở đất, mở đường”, mở các cửa ngõ giao thông kết nối vùng, đưa tỉnh Quảng Ninh lên một tầm cao mới với những đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Không chỉ đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại thông suốt, tuyến đường còn làm tăng tính hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước đến với các khu du lịch tâm linh, khu du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh trên cơ sở phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, như: Đền Trần Quốc Nghiễn, Đền Cửa Ông, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh… Tuyến đường xuyên qua núi, men theo bờ vịnh, như dải lụa mềm mại tô điểm cho màu xanh của những cánh rừng ngập mặn, cho màu xanh của núi, của đá, của biển, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt của tỉnh Quảng Ninh.

Tuyến đường men theo bờ vịnh, như dải lụa mềm mại tô điểm cho màu xanh của biển.
Tuyến đường men theo bờ vịnh, như dải lụa mềm mại tô điểm cho màu xanh của biển.
Anh Nguyễn Ngọc Linh (người dân Hạ Long đang sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết: Năm 20 tuổi tôi bắt đầu sang Đức sống và làm việc. Trong ký ức của tôi, con đường từ Hạ Long sang Cẩm Phả nhỏ chạy dọc từ Hà Tu sang Quang Hanh, lấm lem bụi than và tiếng còi tàu. Sau nhiều năm về thăm gia đình, lần nào Hạ Long cũng đem lại cho tôi những ấn tượng mới, đổi thay đến choáng ngợp. Nhưng dù có giàu trí tưởng tượng đến thế nào, tôi cũng chưa từng nghĩ đến có thể việc từ đi Hạ Long sang Cẩm Phả mà vừa có thể ngắm biển trong xanh vừa ngắm nhìn chập chùng núi đá và tận hưởng cảm giác xuyên qua lòng một ngọn núi. Tôi cảm thấy rất tự hào khi mình là một người con của Quảng Ninh, một mảnh đất đã luôn “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".




Với mục tiêu hoàn thiện mặt đường quy mô 6 làn xe đồng bộ về hạ tầng, cảnh quan hai bên tuyến đường, năm 2022, dự án được UBND tỉnh triển khai giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư trên 846 tỷ đồng và giao cho hai địa phương thực hiện. Trong đó đoạn qua địa bàn TP Hạ Long có chiều dài 8,1km, đoạn qua địa bàn TP Cẩm Phả có chiều dài 10,7km. Đây là tuyến đường mở mới được thi công xây dựng trong điều kiện địa chất, địa hình, thủy văn hết sức phức tạp, khó khăn về vị trí đổ thải. Để hoàn thành công trình đáp ứng tiến độ, các nhà thầu đã phải huy động tối đa các loại máy móc, thiết bị, đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm cùng đội ngũ công nhân lành nghề để vừa đảm bảo chất lượng thi công, vừa đảm bảo an toàn lao động và giảm thiểu tác động môi trường, giữ gìn cảnh quan bên bờ Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, hạn chế nguy cơ sạt lở đất đá, mái ta luy.

Người dân chia sẻ cảm xúc tự hào về trục cảnh quan đẹp của đường bao biển trong ngày khánh thành với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký.
Người dân chia sẻ cảm xúc tự hào về trục cảnh quan đẹp của đường bao biển trong ngày khánh thành với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mục tiêu của tỉnh khi xây dựng tuyến đường này và đường bao biển Hạ Long- Cẩm Phả không chỉ đơn thuần là tuyến giao thông mà còn có mục đích kết nối các điểm du lịch, các công trình văn hoá đặc sắc nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Tuyến đường ven biển hình thành không chỉ tạo kết nối giao thông đồng bộ, khắc phục vấn đề môi trường, mà còn tạo ra không gian mới, trở thành điểm nhấn tham quan du lịch, tăng sức hấp dẫn đối với du khách khi đến với Hạ Long và quan trọng hơn là nơi để người dân thụ hưởng những tiện ích, cảnh quan, văn hoá, giải trí …
Điểm đặc biệt hơn cả là tuyến đường này hoàn thành đã kết nối đồng bộ với tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn để kiến tạo lên không gian phát triển mới. Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (Hạ Long) – một phần của trục đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả hiện nay được hình thành cùng quá trình phát triển đô thị phía biển của Quảng Ninh từ giai đoạn đầu những năm 2000 với 4 làn xe, hệ thống kè vát và bệ phản áp bằng đá học thả rối phía biển. Tuy nhiên trong quá trình phát triển đô thị ven biển, thói quen neo đậu, sinh sống bám bờ của ngư dân làng chài đã khiến trên biển xuất hiện lượng lớn rác thải sinh hoạt. Hệ thống kè phản áp đá hộc thả rối đã sớm bộc lộ những bất cập do lớp đáy móng, đá gốc còn lớp bùn dày, nên khi thủy triều lên, xuống tạo ra hiện tượng bùn bị đẩy ra biển, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, luồng lạch, mất mỹ quan đô thị. Khi thủy triều xuống trên mặt kè phán áp xuất hiện nhiều rác mắc kẹt, ảnh hưởng đến môi trường sống khu vực xung quanh.

Trước thực tế đó, với quan điểm phát triển song hành cùng mục tiêu vì hạnh phúc nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân để phấn đấu, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất… Quảng Ninh đã có những quyết định mang tính chất đột phá khi biến tuyến đường đô thị ven biển đang ô nhiễm trở thành tuyến đường cảnh quan du lịch đẹp, đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp bậc nhất Việt Nam. Để thực hiện ý tưởng này, năm 2012, hai dự án cầu Bài thơ 1 và Bài thơ 2 cùng đường nối được triển khai đầu tư, kéo dài từ chân cầu Bãi Cháy, ôm trọn cụm di tích núi Bài thơ. Dự án hình thành, cầu chạy trên biển đã xóa đi những khu nhà tạm bám chân núi, kém an toàn của ngư dân để di chuyển đến nơi ở mới đẹp, tiện nghị hơn. Từ đó đã trả lại không gian cảnh quan mới quanh núi Bài Thơ với màu xanh tươi của hệ thống núi trên bờ và dưới biển, gắn với quần thể cụm di tích nơi vua Lê Thánh Tông xúc cảm trước cảnh đẹp đã đề tặng bài thơ và cho khắc vào phía Nam của vách núi, trở thành điểm tham quan trong mỗi hành trình của du khách đến TP Hạ Long.
Trên quan điểm phải đem lại chất lượng cuộc sống cao cho nhân dân, nhân dân phải được hưởng thành quả của sự phát triển, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh thực hiện cải tạo, mở rộng đường bao biển Trần Quốc Nghiễn kéo dài từ núi Bài Thơ đến khu vực phường Hồng Hà (TP Hạ Long) với chiều dài gần 5km. Thay vì trục đường đô thị 4 làn xe đã xuống cấp với hệ thống kè phản áp gây ô nhiễm, tuyến đường được mở rộng, nâng cấp lên 6 làn xe, được đầu tư đồng bộ với hệ thống vỉa hè rộng gần 30m, được chia làm 5 phân khu nhỏ (khu chào đón, khu văn hóa, khu lịch sử, khu giải trí, khu bãi biển) đã khai thác tối đa vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long bằng một phương thức mới, giúp người dân và du khách có sự tương tác, kết nối với môi trường sinh thái xung quanh.



Bên cạnh đó, tuyến đường đã phát triển các công năng, tiện ích đem lại lợi ích lâu dài không chỉ cho công trình mà cho cả thành phố. Có những chỗ vỉa hè rộng tới 60m, phía ngoài kết hợp với khuôn viên cảnh quan ngắm vịnh Hạ Long mở rộng lên 30m, được thiết kế độc đáo với các hạng mục giải trí ấn tượng; cùng với đó là tiểu cảnh, vườn hoa… Đây là nơi mọi người có thể ngắm toàn cảnh vịnh Hạ Long; người dân địa phương tập thể dục, thư giãn và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.
Ngoài ra, nhân dân và du khách có thể đi bộ đến cuối tuyến đường nơi có bãi tắm Hòn Gai dài 900 m, rộng từ 70 m - 90 m đã thỏa khát khao bao đời của người dân bên phía Hạ Long mong mỏi có một bãi tắm đạt chuẩn để được tắm biển an toàn.

Từ khi đưa vào sử dụng tháng 5/2019 đến nay, mỗi ngày đường bao biển Trần Quốc Nghiễn thu hút hàng nghìn lượt người tới chụp ảnh, vui chơi và đi dạo ngắm Vịnh Hạ Long. Còn nếu đứng từ đỉnh núi Bài Thơ nhìn xuống, tuyến đường bao biển giống như một dải cầu vồng lung linh sắc hoa bám theo bờ vịnh Hạ Long, một công viên xanh chạy dọc biển. Với nhiều người dân, du khách, đi bộ dọc vỉa hè đường bao biển Trần Quốc Nghiễn về đêm để ngắm vịnh Hạ Long và lắng nghe "biển hát" cũng là một trải nghiệm đầy thú vị. Do đó, cả 2 tuyến đường đã thực sự trở thành tuyến đường của nhân dân và du khách khi mà đi dọc tuyến đường, mọi người đều có thể chiêm ngưỡng những điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đặc sắc có một không hai với những cảnh quan đẹp hiếm có như: Di tích núi Bài Thơ, Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, bãi biển Hòn Gai, đồng thời kết nối Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Một nét nổi bật nữa là toàn bộ những cánh rừng ngập mặn, sinh thái ven biển được giữ hầu như nguyên vẹn.
Ngày hôm nay được đi trên “con đường di sản”, du khách có thể cảm nhận chân tình của biển, của núi đá và rừng bằng cả 5 giác quan. Trong ngập tràn sắc biếc của nước là những vườn hoa nhỏ với muôn sắc hoa đang bung nở, tạo nên một cảnh sắc rực rỡ bên bờ biển xanh. Những ngày hè oi ả, có thể chọn cho mình một góc nhỏ, thoả sức ngắm màu xanh ngắt của hệ thống rừng ngập mặn, đón những cơn gió mát lành từ Vịnh trong man mác hương hoa. Du khách sẽ cảm thấy, chưa bao giờ kỳ quan thiên nhiên với muôn ngàn hòn đảo kỳ vĩ lại gần với mình như thể, dường như chỉ cần đưa tay là đã chạm. Và “tuyệt tác bên bờ Di sản” hay “Con đường đẹp nhất Việt Nam” chính là tên gọi khác của con đường này trong mắt của người dân Quảng Ninh cũng như mọi du khách.

Thế nên, nếu đơn thuần chỉ cộng tổng chiều dài thì cả 2 tuyến đường chỉ có trên 20km, con số khá khiêm tốn nhưng ý nghĩa và giá trị của 2 tuyến đường này thì không có gì sánh bằng. Có thể nói, đây là một công trình văn hóa do chính bàn tay con người làm ra và chắc chắn sẽ không có một tuyến đường nào trên cả nước có thể kết nối 2 Di sản, kết nối kỳ quan với kỳ quan. Không những thế, đây còn là những con đường kết nối 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của tỉnh, động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng Sông Hồng. Con đường đi qua những vùng đất, vùng biển vào loại đặc sắc bậc nhất trong cả nước và được giữ nguyên vẹn như ban đầu. Con đường nối 2 Di sản này còn rút ngắn khoảng cách đến KKT Vân Đồn, nối dài những tuyến đường bộ, đường biển, đưa Quảng Ninh trở thành đầu mối giao thương, trung tâm dịch vụ của hiện tại và tương lai, mang lại những giá trị kinh tế, văn hóa đặc sắc từ tầm nhìn, tư duy hướng biển của cha ông.
Với những giá trị khác biệt này, tuyến đường đã tiếp tục trở thành sản phẩm du lịch chất lượng cao của tỉnh. Minh chứng rõ nét cho quyết tâm của tỉnh trong việc tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa khi đã bảo tồn được cảnh quan Di sản, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái núi đá vôi, hệ sinh thái rừng xanh trên núi đá vôi.. theo đúng Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 26/9/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Anh Hoàng Công Đào (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Tôi rất vinh dự khi du lịch Hạ Long đúng thời điểm tỉnh tổ chức khánh thành tuyến đường tuyệt đẹp này. Mặc dù có điều kiện đi tham quan trong nước và nhiều nước trên thế giới nhưng tôi thấy đây là tuyến đường có một không hai. Vừa có cảnh quan đẹp, ấn tượng với hai bên tuyến là núi đá, biển lại vừa có các khu đô thị hiện đại. Về đêm, tuyến đường lung linh rực sáng bởi những ánh đèn và ngập tràn tiếng sóng đã giúp tôi làm mới lại cảm xúc của chính bản thân mình.

Thực tiễn đã thấy rõ, tuyến đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả chắc chắn sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch của 2 địa phương cũng như sẽ góp phần đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng nhanh tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Đánh giá về cách làm du lịch của tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL chia sẻ: Nói về du lịch Quảng Ninh hôm nay, nhiều người ví von rằng, Quảng Ninh với những con đường mới đã giúp làm ngắn lại hành trình của du khách khi đến với vùng đất Di sản và chính những con đường này giúp cho trải nghiệm mỗi ngày của du khách lại được nối dài bất tận, bốn mùa. Quảng Ninh của ngày hôm nay đã mang một diện mạo hoàn toàn mới nhờ những thay đổi mang tính chiến lược. Bí quyết thành công là Quảng Ninh đã rất xuất sắc trong chuyển hướng phát triển từ "nâu" sang "xanh", và đặt niềm tin vào sự đầu tư bài bản từ các doanh nghiệp tư nhân cho các dự án hạ tầng lớn. Rõ ràng, Quảng Ninh đã có nhiều bứt phá để thoát ra khỏi "tấm áo chật" khi sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược vào cuộc, đưa Quảng Ninh đã trở thành một bài học thành công với mô hình dùng đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư trên hành trình đưa ngành công nghiệp không khói giữ vững "ngôi vương" tại khu vực Miền Bắc và trong cả nước.


Thực hiện: Hoàng Nga-Đỗ Phương
Trình bày: Hùng Sơn