Từ những ngày đầu thành lập tỉnh Quảng Ninh tới nay, ngành KH&ĐT, Tài chính luôn sát sao công tác tham mưu quan trọng cho tỉnh định hướng các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Từ đó, không ngừng nỗ lực khẳng định vai trò trong các cơ quan tham mưu tại địa phương. 

Khi tỉnh Hải Ninh và đặc khu Hồng Quảng sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Kế hoạch tỉnh là đơn vị tham mưu kế hoạch, chính sách quản lý KT-XH cho tỉnh, là cơ quan tiền thân của ngành KH&ĐT. Trải qua quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, ngành KH&ĐT luôn gắn liền với những mốc son lịch sử của vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, khẳng định vai trò chủ lực trong tham mưu nhiều nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Trong những năm đầu thành lập, tỉnh Quảng Ninh phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tỉnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước 5 năm (1961-1965). Lúc này, việc xây dựng kế hoạch chủ yếu tập trung với nhiều pháp lệnh chi tiết từ sản xuất kinh doanh, vật tư, giao nộp sản phẩm, nộp ngân sách theo giá cả Nhà nước quy định để điều hành nền kinh tế.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tháng 2/2023). Ảnh: Đỗ Phương

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận Quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tháng 2/2023). Ảnh: Đỗ Phương

Bước sang thời kỳ 1981-1985, công tác kế hoạch của tỉnh được xây dựng với việc triển khai 2 chính sách lớn của Nhà nước là: Chỉ thị 100-CT/TW (ngày 13/1/1981) về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp; Quyết định 25-CP của Hội đồng Chính phủ (ngày 21/1/1981) về một số chủ trương, biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất, kinh doanh, quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh.

Năm 1985, ngành KH&ĐT tỉnh được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch 5 năm với trọng tâm thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn do Trung ương đề ra là phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng xuất khẩu. Từ năm 1988, ngành KH&ĐT tham mưu giúp tỉnh nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quyết định cụ thể hóa quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế quốc doanh, đồng thời đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Nhờ đó, tình hình KT-XH của Quảng Ninh ở thời kỳ này mặc dù còn khó khăn nhưng đã dần đi vào ổn định.

Giai đoạn 1990-2000, ngành trực tiếp tham mưu nghiên cứu biên soạn chiến lược phát triển KT-XH với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển ổn định, bền vững cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái theo đường lối thực hiện CNH-HĐH. Công tác tham mưu của ngành KH&ĐT thật sự chuyển đổi từ công tác kế hoạch tập trung, bao cấp, sang kế hoạch định hướng, cơ chế thị trường; tập trung nghiên cứu, đề xuất định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn để tạo môi trường và hành lang pháp lý, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước.

Một góc TP Móng Cái hôm nay. Ảnh: Đỗ Phương

Một góc TP Móng Cái hôm nay. Ảnh: Đỗ Phương

Ở mỗi giai đoạn, ngành KH&ĐT đã khẳng định vai trò trực tiếp tham mưu UBND tỉnh lập các quy hoạch tỉnh, ngành, lĩnh vực, như: Đề án phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến năm 2020; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050; quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TV (ngày 20/3/2012) của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chiến lược, lập, quản lý và thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh, ngành KH&ĐT được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp triển khai lập, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH. Trên cơ sở đó, ngành tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định lựa chọn đơn vị tư vấn (Tập đoàn Mckinsey&Company Ltd Việt Nam), đồng thời phối hợp triển khai các bước xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” hướng tới phát triển bền vững. Quy hoạch này là một trong 7 quy hoạch chiến lược được công bố năm 2014, tạo nền tảng quan trọng định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Trường THPT Cẩm Phả được đầu tư xây dựng từ ngân sách tỉnh và thành phố.

Trường THPT Cẩm Phả được đầu tư xây dựng từ ngân sách tỉnh và thành phố.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong gần một thập kỷ kiên định theo đuổi mục tiêu, có sự kế thừa trong từng giai đoạn, bổ sung nhận thức mới, ngành KH&ĐT tiếp tục phát huy tốt vai trò của cơ quan tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành xây dựng, ban hành quyết định, công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong tháng 2/2023. Công tác quy hoạch được tổ chức, thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh, tạo xung lực thu hút đầu tư. Các quy hoạch trở thành công cụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, đảm bảo cơ sở pháp lý cho đầu tư phát triển các lĩnh vực, là cơ sở cho các ngành, các cấp lập kế hoạch, xây dựng các chương trình, dự án phát triển KT-XH.

Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngành KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2012 với chủ đề "Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa". Đây là hội nghị có quy mô quốc gia với hơn 1.200 đại biểu tham gia, trong đó có 500 đại biểu quốc tế gồm 12 đoàn ngoại giao, 4 đoàn địa phương quốc tế... Hội nghị tạo dấu ấn quan trọng cho công tác đổi mới thu hút đầu tư của Quảng Ninh.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT phát biểu tại hội nghị BCH Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027.

Lãnh đạo Sở KH&ĐT phát biểu tại hội nghị BCH Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027.

Với vai trò "cầu nối" giữa UBND tỉnh và doanh nghiệp, ngành KH&ĐT đã chủ trì, tham mưu UBND tỉnh duy trì tổ chức hội nghị gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp định kỳ hằng năm để nắm bắt tình hình, chỉ đạo biện pháp cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các hội nghị có sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp.

Thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành với những khó khăn của doanh nghiệp, ngành KH&ĐT thường xuyên rà soát, nắm bắt, tổng hợp những vướng mắc của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương trả lời, tháo gỡ vướng mắc thuộc thẩm quyền, có văn bản kiến nghị cấp trên xem xét giải quyết đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả. Nhờ đó, đến nay tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 11,57 tỷ USD. Toàn tỉnh hiện có 16.718 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 341.000 tỷ đồng.  

Cùng với thành lập tỉnh, Ty Tài chính Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ty Tài chính khu Hồng Quảng và Ty Tài chính tỉnh Hải Ninh vào năm 1963.


Hợp nhất thành tỉnh mới có diện tích rộng lớn hơn, nguồn thu lớn hơn, nhưng yêu cầu chi cũng lớn. Năm 1965, kinh tế phát triển mạnh với tổng thu ngân sách của Quảng Ninh đạt 24,3 triệu đồng, trong đó thu từ kinh tế địa phương 17,4 triệu đồng, bằng 71,6% tổng thu ngân sách; thu do ngân sách Trung ương trợ cấp 6,4 triệu đồng, bằng 26,3 tổng thu ngân sách.

Về tổng chi ngân sách của Quảng Ninh năm 1965 là 23,8 triệu đồng, trong đó chi cho kiến thiết cơ bản và các hoạt động kinh tế là 14,2 triệu đồng, chi cho văn xã 4,8 triệu đồng, chi quản lý hành chính 2,8 triệu đồng.


Trong giai đoạn này, ngành Tài chính đã bám sát định hướng của Trung ương, kịp thời đảm bảo các yêu cầu khởi đầu sự nghiệp CNH, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời phục vụ các yêu cầu chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc, tiếp tục chi viện cho miền Nam.

Đến cuối giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm (1961-1965), ngân sách của Quảng Ninh vẫn phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương và số thu từ kinh tế địa phương cũng chưa đủ đáp ứng cho yêu cầu chi theo kế hoạch của hoạt động sự nghiệp văn hóa - xã hội và quản lý nhà nước của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh. Còn chi đầu tư xây dựng cơ bản và một phần chi thường xuyên, ngân sách Trung ương vẫn phải trợ cấp.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa trên phạm vi cả nước. Đến năm 1982, Ty Tài chính đổi thành Sở Tài chính; Phòng Thu quốc doanh được nâng cấp thành Chi cục Thu quốc doanh; Phòng Thu tập thể, cá thể được nâng cấp thành Chi cục Thuế công thương nghiệp. Nền tài chính Quảng Ninh cũng như cả nước giai đoạn này gặp nhiều khó khăn, thu không đủ chi, hằng năm ngân sách tỉnh vẫn phải nhận trợ cấp của ngân sách Trung ương.

Ngành Tài chính thực sự có bước chuyển mình mạnh mẽ, bứt phá, hiệu quả trong giai đoạn 2001-2005. Nhất là khi Luật NSNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2003, ngành Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh đổi mới cơ cấu nguồn thu, cơ cấu chi ngân sách tỉnh và các địa phương; huy động tối đa các nguồn thu từ đất, phí, lệ phí; tăng cường tính chủ động của các cấp ngân sách và các đơn vị sử dụng ngân sách. Nhờ đó, từ năm 2004 trở đi, Quảng Ninh là địa phương duy nhất khu vực Đông Bắc và là một trong 15 địa phương của cả nước tự cân đối được thu - chi ngân sách, không cần hỗ trợ của Trung ương, đóng góp không nhỏ cho NSNN.

Những năm qua, ngành Tài chính luôn làm tốt công tác tham mưu tỉnh thực hiện việc phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đảm bảo các nhiệm vụ phát triển KT-XH; cân đối nguồn lực để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm để tạo động lực cho các dự án khác; ưu tiên kinh phí cho sự nghiệp giáo dục, y tế, KHCN và môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. Ngành chủ động, linh hoạt tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, điều hành thu, chi ngân sách để hoàn thành chỉ tiêu.

Trong đó, tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng khai thác hiệu quả nhiều nguồn thu, như: Phí tham quan Vịnh Hạ Long, thuế tài nguyên, thuế khai thác khoáng sản, thuế ngoài quốc doanh… Đẩy mạnh phân cấp nguồn thu cho các địa phương để tạo thế chủ động trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tăng khả năng tự cân đối; phấn đấu giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh. Qua đó, kết quả thu - chi ngân sách trong những năm gần đây luôn đạt và vượt dự toán được giao, năm sau cao hơn năm trước với tốc độ tăng bình quân trên 10%/năm.

Sở Tài chính đã tham mưu tỉnh chỉ đạo khai thác hiệu quả nhiều nguồn thu từ phí tham quan Vịnh Hạ Long. (Trong ảnh: Du khách mua vé tham quan Vịnh Hạ Long)

Sở Tài chính đã tham mưu tỉnh chỉ đạo khai thác hiệu quả nhiều nguồn thu từ phí tham quan Vịnh Hạ Long. (Trong ảnh: Du khách mua vé tham quan Vịnh Hạ Long)

Giai đoạn 2006-2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành vượt mức dự toán thu được giao, năm sau cao hơn năm trước, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016-2020 đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố); là một trong 16 địa phương của cả nước có điều tiết ngân sách cho quốc gia (35% tổng thu ngân sách tính trên 5 sắc thuế chủ yếu). Tăng trưởng thu ngân sách trên địa bàn duy trì ở mức cao với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2022 đạt 14%/năm. Thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu, bình quân giai đoạn là 62%, tỷ trọng thu nội địa có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Việc chi NSNN được cơ cấu lại, tái cơ cấu đầu tư công, đảm bảo các chính sách đã ban hành. Qua đó, các nguồn tài chính được phân bổ, sử dụng theo hướng ưu tiên cho đầu tư phát triển các vùng trọng điểm có khả năng tạo ra động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển ngày càng được củng cố và gia tăng theo từng năm, từ 1.080 tỷ đồng (năm 2006), tăng 4.878 tỷ đồng (năm 2010), 15.441 tỷ đồng (năm 2022). Tổng nguồn vốn ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách địa phương góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, trong 3 năm dịch Covid-19 bùng phát (2020-2022), ngành Tài chính đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề phù hợp với thực tiễn địa phương, quyết định giải pháp trọng tâm trong phòng chống dịch, chăm lo cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế. Điển hình như: Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, điều chỉnh chi dự phòng các cấp từ 2% lên 4% tổng chi ngân sách, cắt giảm điều chỉnh dự toán chi 600 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, kinh phí mua sắm tài sản... để dự phòng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

Làm tốt công tác tham mưu, 2 ngành KH&ĐT và Tài chính đang góp phần quan trọng giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh điều hành thắng lợi các kỳ kế hoạch của tỉnh, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2 con số trong 7 năm liên tiếp, GRDP bình quân đầu người đạt 8.200 USD, giữ vững vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 6 năm liên tiếp. Đây là nền tảng quan trọng đưa Quảng Ninh vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ và một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Ngày xuất bản: 18/9/2023
Thực hiện: Cao Quỳnh
Trình bày: Vũ Đức