
Khoác ba lô trở về sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, nhà văn Dương Hướng về công tác ở Cục Hải quan Quảng Ninh và bắt đầu cầm bút viết văn từ quãng năm 1978. Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhà văn đã có nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn thành công, mảng đề tài về người lính và chiến tranh cách mạng luôn xuyên suốt trong những tác phẩm của ông.
- Thưa nhà văn, dường như trong các tác phẩm của ông ít, nhiều đều có bóng dáng người lính gắn với những cuộc chiến tranh của dân tộc?
+ Suốt bao năm qua, tôi nhận ra là đề tài chiến tranh cách mạng, người lính và nông thôn là hợp với tôi nhất, mà có lẽ mình viết suốt đời không hết. Tôi sinh ra ở làng quê và làng quê ngày ấy thì gắn liền với chiến tranh, với đời sống của những người nông dân, đàn ông vào chiến trường, còn phụ nữ thì ở lại. Điều này thể hiện rõ trong tiểu thuyết "Bến không chồng". Làng quê nông thôn vốn rất thân thuộc với tôi rồi, ngày trở về đọng lại trong tôi những cảm xúc sâu đậm để mà viết thành công các tác phẩm. Cũng làng quê ấy nhưng xác xơ đi rất nhiều và những người bạn cùng lứa giờ đã trưởng thành nhưng đều có hoàn cảnh đặc biệt. Đa số những người đàn bà có chồng con vào chiến trường hầu hết bất hạnh, người thì chồng không bao giờ về nữa, người về thì lại bị thương tật, có người trở về nhưng cũng không mang lại được hạnh phúc, có chồng mà cũng như không vì thời gian chờ đợi biền biệt hàng chục năm đã mang theo tuổi thanh xuân…
Sự ám ảnh đó cứ thế theo tôi, không chỉ "Bến không chồng" mà nhiều tác phẩm sau này cũng liên quan đến chiến tranh và người lính, như tiểu thuyết "Trần gian đời người" (tái bản đổi là Bóng đêm mặt trời), "Dưới chín tầng trời" và một số tập truyện ngắn. Những tác phẩm càng về sau thì đề tài lại càng mở rộng hơn, dày dặn hơn, kéo dài hơn về cả không gian và thời gian. Như "Bến không chồng" chỉ gói gọn ở một làng quê, còn "Dưới chín tầng trời" mở rộng vào cả trong Nam, ngoài Bắc rồi ra vùng biên giới là Móng Cái, với phạm vi rộng hơn, số lượng trang cũng lớn hơn...
- "Bến không chồng" cho người đọc cảm nhận nỗi buồn hậu chiến rất sâu, được ông kể thông qua số phận con người. Ở những tác phẩm sau, góc nhìn của ông dường như đã có sự thay đổi?
+ Đúng vậy, ở "Bến không chồng" đó chính là số phận những con người ở làng quê tôi sau chiến tranh và người chiến sĩ là chính tôi, đồng đội của tôi, đều rất gần gũi, đó cũng là điều tạo nên thành công cho tác phẩm.
Sau này ra công tác, sinh sống ở Quảng Ninh nhiều năm lại thôi thúc tôi viết "Dưới chín tầng trời", và gần đây nhất là bản thảo cuốn tiểu thuyết "Người gác đèn biển", dự thi cuộc vận động sáng tác của Bộ VH,TT&DL với chủ đề "Sống mãi với thời gian", vừa rồi đã được công bố nghiệm thu, đứng số một về tiểu thuyết. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là đề tài gắn với biên giới và biển đảo Quảng Ninh, phạm vi xuyên suốt lịch sử của cả dân tộc trong quãng thời gian khoảng 50 năm sau kháng chiến chống Pháp sang chống Mỹ. Tác phẩm lấy bối cảnh là một làng chài với một bên là dân công giáo và một bên theo đạo Phật, và sự biến thiên của số phận con người trải qua các giai đoạn chiến tranh của lịch sử dẫn tới sự chia cắt về tôn giáo và chia cắt ngay trong mỗi gia đình, chia cắt dân tộc. Hình ảnh cây đèn biển là biểu tượng của ánh sáng soi đường, cũng giống như một nhân chứng chứng kiến tất cả, chạm tới từ chiến thắng Bạch Đằng cho đến cuộc di tản của người Hòn Gai năm 54 vào Nam theo đường biển, cuộc bỏ trốn ra nước ngoài vào cuối những năm 70, rồi con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển những năm chống Mỹ…
Mảng đề tài về người lính và chiến tranh cách mạng xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của nhà văn Dương Hướng.
Mảng đề tài về người lính và chiến tranh cách mạng xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của nhà văn Dương Hướng.
Mảng đề tài về người lính và chiến tranh cách mạng xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của nhà văn Dương Hướng.
Mảng đề tài về người lính và chiến tranh cách mạng xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của nhà văn Dương Hướng.
- Như vậy là ông có 2 giai đoạn sáng tác, một là về vùng nông thôn qua góc nhìn của người lính trở về sau chiến tranh và hai là viết gắn với quê hương mới, thể hiện một “cuộc đời lớn”. Vậy số phận người lính hay chiến tranh được ông nhìn dưới góc độ khác nhau như thế nào?
+ Khác nhau nhiều chứ. Chiến tranh ở làng quê trong "Bến không chồng" chủ yếu là số phận của người lính khi trở về làng quê, bó gọn ở một làng quê thôi. "Dưới chín tầng trời" hay "Người gác đèn biển" thì viết ở góc độ lớn hơn, phạm vi rộng hơn, không gian lớn hơn, đó không chỉ là số phận mỗi gia đình mà là số phận của cả dân tộc, trải qua suốt bao nhiêu năm, nó khắc nghiệt hơn nhiều.
Vấn đề hậu chiến trong "Bến không chồng" chỉ gói gọn ở một phía, sang "Người gác đèn biển" tác giả cố gắng đứng ở giữa với cái nhìn khách quan, trung thực hơn về cả hai phía, mà cả hai vốn đều chịu sự mất mát do chiến tranh. Một gia đình bị chia cắt, sau thành 2 gia đình người ngoài Bắc, kẻ vào Nam, những đứa con cùng mẹ khác cha ấy đứng ở hai chiến tuyến, nhưng họ đều là những con người không thể tránh khỏi vòng xoáy của thời cuộc, của chiến tranh. Sau này khi đất nước hoà bình, mở cửa phát triển kinh tế, những người con, cũng là những người lính vốn từng ở chiến tuyến bên kia, lại có cơ hội quay về đầu tư xây dựng cho quê hương. Cái kết vì vậy mở hơn chứ không bi kịch như "Bến không chồng", mặc dù cũng là viết về người lính nhưng ở hai thời điểm khác nhau.
Nhà văn Dương Hướng nhận chứng nhận nghiệm thu tiểu thuyết "Người gác đèn biển". Ảnh: Nam Nguyễn (CTV)
Nhà văn Dương Hướng nhận chứng nhận nghiệm thu tiểu thuyết "Người gác đèn biển". Ảnh: Nam Nguyễn (CTV)
"Bến không chồng" là cuộc chiến thầm lặng sau chiến tranh, gắn với làng quê và số phận những người lính, người phụ nữ, gia đình ở quê. "Dưới chín tầng trời", "Người gác đèn biển" thì mở hơn với quãng thời gian dài hơn, những đấu tranh, mâu thuẫn giằng xé, phức tạp hơn, khó nhận ra hơn giữa cái xấu và cái tốt mà phải nhìn sâu mới thấy. Cái kết của "Dưới chín tầng trời" và "Người gác đèn biển" mở hơn, tích cực hơn. Ở "Dưới chín tầng trời", kể cả nhân vật đi theo Mỹ - Ngụy cuối cùng cũng được về dự đại hội anh hùng của xã với tư cách mạnh thường quân ủng hộ xây chùa, làm đường mới cho quê hương. Còn kết của "Người gác đèn biển" tích cực nhất, đó là từ những mâu thuẫn cực điểm trong cuộc chiến, thì sau giải phóng những xung khắc dần được mở ra, tháo gỡ, hài hòa, để cả hai bên cùng đồng cam cộng khổ xây dựng quê hương giàu đẹp, biến làng chài xưa thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế...
Tôi thiết nghĩ, sau chiến tranh thì việc xóa bỏ hận thù, bắt tay xây dựng quê hương, đất nước là xu thế hợp với thời đại. Bởi lẽ, dù nói gì thì nói, cứ chiến tranh là mất mát, là đau thương, bất hạnh và nên khép lại, hàn gắn lại chứ còn cứ mâu thuẫn, cứ hận thù mãi thì làm sao mà cuộc sống khá lên được.
- Xin cảm ơn nhà văn!
Thực hiện: Phan Hằng
Trình bày: Hùng Sơn