4
18
/
1100466
Cùng người bệnh chiến thắng đại dịch
longform
Cùng người bệnh chiến thắng đại dịch

Theo phân tầng (3 tầng) điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy là một trong 6 đơn vị y tế của tỉnh ở tầng 3, tầng điều trị cao nhất có nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân phải điều trị chuyên khoa. Tại đây, các “chiến sĩ áo trắng” Bệnh viện Bãi Cháy đã và đang ngày đêm nỗ lực làm việc, đồng hành cùng bệnh nhân giành lại sức khỏe, sự sống, góp sức giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Theo phân công của Sở Y tế, Bệnh viện Bãi Cháy có nhiệm vụ thu dung, điều trị người mắc Covid-19 cần điều trị chuyên khoa (Ung bướu, tim mạch, bệnh phổi mãn, lọc máu…). Bệnh nhân F0 ở tầng 3 phải chuyển tuyến từ TP Hạ Long, Cẩm Phả, với quy mô thu dung, điều trị tối đa 300 giường bệnh, trong đó số giường hồi sức cấp cứu (ICU) là 20 giường.

Để phân luồng, đảm bảo an toàn trong khám, chữa bệnh, từ giữa tháng 3/2022, Bệnh viện Bãi Cháy đã thành lập 5 đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19. Cụ thể: Đơn vị số 1 (đặt tại khoa Bệnh nhiệt đới) điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng, nguy kịch cần hồi sức chuyên sâu; đơn vị số 2 (đặt tại khoa Hồi sức tích cực Ung bướu) điều trị bệnh nhân ung thư Covid-19; đơn vị số 3 (đặt tại khoa Nội và Lão khoa-Cơ xương khớp) điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình; đơn vị số 4 (khoa Thận Lọc máu) điều trị bệnh nhân chạy thận nhân tạo Covid-19; đơn vị số 5 (đặt tại khoa Sản) điều trị bệnh nhân về sản khoa Covid-19.

Bệnh viện Bãi Cháy điều trị cho bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 theo hẹn.

Tại 5 đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân lực được Bệnh viện bố trí đều là các y, bác sĩ có chuyên môn hồi sức, truyền nhiễm, nội khoa vững vàng, có kinh nghiệm tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 để theo sát những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, chỉ định can thiệp kịp thời. Đồng thời bố trí đầy đủ trang thiết bị y tế để kịp thời cấp cứu, phẫu thuật, điều trị cho người bệnh.

Từng 2 lần tham gia hỗ trợ “tâm dịch” Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang và Bình Dương, bác sĩ CKI Đào Hồng Ngự, Trưởng Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp tục xung phong tình nguyện vào làm việc tại đơn vị số 1 điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng, nguy kịch tại đơn vị. “Chỉ khoảng nửa năm trước, tôi và 19 y, bác sĩ của Bệnh viện Bãi Cháy đã đến hỗ trợ các đồng nghiệp ở Bình Dương điều trị cho bệnh nhân Covid-19, chủ yếu là bệnh nhân nặng, nguy kịch. Chứng kiến những bệnh nhân không thể qua khỏi, chúng tôi vô cùng đau xót. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn được mang những kiến thức, kinh nghiệm để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19 của tỉnh mình. Mặc dù số lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch tại tỉnh không nhiều, nhưng chúng tôi luôn xác định phải theo dõi sát sao, hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân chuyển nặng”.

Bác sĩ CKI Đào Hồng Ngự, Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Bãi Cháy) phụ trách đơn vị số 1 (đặt tại khoa Bệnh nhiệt đới) điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nặng, nguy kịch cần hồi sức chuyên sâu.

Cuối tháng 2/2022, số lượng bệnh nhân Covid-19 được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy tăng cao, trên 200 bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày, có thời điểm lên tới 270 bệnh nhân. Thời điểm đó, tại khu ICU của Bệnh viện thường xuyên có bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch phải thở máy xâm nhập. Đây là áp lực rất lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ khi phải chăm sóc toàn diện cho người bệnh 24/24 giờ. “Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh, nhu cầu cấp cứu và nhập viện đổ về khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện Bãi Cháy ngày càng dồn dập. Anh em làm việc thời điểm đó áp lực rất lớn. Khi bệnh nhân vào viện, bác sĩ phải khám phân loại xem bệnh nhân có phải nhập viện hay không; khi nhập viện rồi thì xác định mức độ bệnh để chăm sóc, điều trị; thường xuyên kiểm tra chỉ số sinh tồn, cho bệnh nhân thở oxy, phát thuốc, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh hằng ngày… Mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng, trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, ngột ngạt. Tuy chia ca nhưng nếu chưa xong việc thì anh em vẫn tiếp tục hoàn thành công việc dở dang nên không có ai được ăn cơm trưa trước 14 giờ và cơm tối trước 20 giờ”, bác sĩ Ngự tâm sự.

Việc điều trị bệnh nhân Covid-19 khác biệt rất nhiều so với bệnh nhân thông thường. Cán bộ, thầy thuốc, nhân viên y tế phải luôn mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn trong thời gian dài. Việc này không chỉ tác động lớn đến thể trạng thầy thuốc mà hoạt động thăm khám, chăm sóc bệnh nhân cũng khó khăn hơn nhiều. Mặt khác, bệnh nhân Covid-19 thường hay lo âu, dễ hoảng loạn nhưng người thân, gia đình không thể ở bên chăm sóc, động viên.

Đơn vị số 2 đặt tại khoa Hồi sức tích cực Ung bướu, Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy) điều trị bệnh nhân ung thư Covid-19.

Điều dưỡng Phạm Thị Thanh, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân Covid-19 nhập viện tuổi đã cao, kèm nhiều bệnh lý nền nên sức khỏe rất yếu. Ngoài nỗ lực điều trị thì chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên tâm lý hoặc hỗ trợ bệnh nhân gọi điện thoại nói chuyện với người thân ở nhà. Bởi chúng tôi hiểu rằng những bệnh nhân vào đây thường rất lo lắng về tình trạng bệnh tật, mỗi lời động viên để họ cố gắng tập thở hay ăn hết suất cơm, cháo cũng góp phần giúp sức khỏe của họ tốt lên mỗi ngày”.

Từ tháng 1/2022 đến nay, bác sĩ Bùi Đức Quảng, Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Bãi Cháy là 1 trong 30 nhân viên y tế của Bệnh viện được điều động hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở khu cách ly tập trung, Trạm y tế lưu động tại TX Đông Triều. Cuối tháng 2, sau khi hoàn thành nhiệm vụ và bản thân vừa khỏi Covid-19, không phút giây ngơi nghỉ, bác sĩ Quảng đã tiếp tục xung phong vào làm việc tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Bãi Cháy. Bác sĩ Quảng bộc bạch: “May mắn khi mắc Covid-19, tôi chỉ có triệu chứng nhẹ. Chứng kiến số lượng bệnh nhân F0 ngày một tăng tại Khu cách ly của Bệnh viện mà các đồng nghiệp liên tục phải làm việc với cường độ cao, vất vả nên tôi đã viết đơn tình nguyện xin Ban Giám đốc Bệnh viện được tham gia điều trị Covid-19, hỗ trợ các đồng nghiệp. Không riêng tôi mà mỗi cán bộ, nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ đều nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu chung là điều trị hiệu quả, giúp bệnh nhân sớm khỏe mạnh, trở về an toàn bên gia đình”.

Bác sĩ vận hành hệ thống máy lọc máu điều trị cho bệnh nhân F0 tại khu cách ly Bệnh viện Bãi Cháy.

Sau hơn 2 năm hoành hành, Covid-19 đã giảm độ khốc liệt đi rất nhiều, tuy nhiên nó vẫn còn rất nguy hiểm. Và cùng với các cán bộ y tế trên cả nước, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bãi Cháy vẫn đang từng ngày từng giờ nỗ lực tập trung điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch để giành lại sự sống cho người bệnh.

Hơn 1 tháng qua, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận điều trị trên 1.000 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, có những bệnh nhân nặng, nguy kịch, bị sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, viêm phổi… Các bác sĩ phải triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như lọc máu liên tục, thở máy, lọc máu HD, mở màng phổi hút khí liên tục, ECMO… Theo các bác sĩ, phần lớn bệnh nhân Covid-19 đều đã được tiêm vắc xin nên sau khi điều trị tích cực thì sức khỏe đã ổn định trở lại, khỏi bệnh và ra viện. Nhưng cũng không ít người không qua khỏi, chủ yếu là các cụ già nhiều bệnh nền, nhiều cụ lại chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Những lúc ấy, người thân đau thương, các bác sĩ buồn bã, bất lực, nhưng quả thực không thể làm thế nào được, Covid-19 quá khốc liệt...

Tuy nhiên cũng có những ca cấp cứu tưởng chừng “tử thần” đã giành được phần thắng như trường hợp của ông Lê Văn Ấm (95 tuổi, thường trú tại TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) mắc Covid-19 kèm tai nạn giao thông bị gãy trật hở khớp cổ chân phải, có vết thương ở chân, tay, trán. Khi đưa vào viện cấp cứu, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã phẫu thuật đặt lại khớp, kết hợp xương mắt cá trong, kết hợp đầu dưới xương mác; khâu phục hồi các vết thương vùng cẳng chân, cẳng tay, trán cho bệnh nhân.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Lê Văn Ấm sau khi hồi phục trở lại.

Sau phẫu thuật 1 ngày, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tình trạng suy hô hấp. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản thở máy cho bệnh nhân. Trong suốt quá trình điều trị, cụ ông 95 tuổi luôn trong tình trạng phải dùng thuốc an thần, thở máy, kháng sinh, chống đông, corticoid. Nhưng nhờ sự nỗ lực, kiên trì của các y, bác sĩ của Bệnh viện Bãi Cháy túc trực, theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh thuốc và phác đồ điều trị phù hợp đã cứu sống người bệnh.

Bác sĩ CKI Đào Hồng Ngự, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp nặng trên cơ địa tuổi cao, kèm theo bệnh lý nền tăng huyết áp và hậu phẫu sau chấn thương. Chúng tôi đã theo dõi sát sao, tổ chức hội chẩn toàn bệnh viện để đưa ra những phương án điều trị tích cực cho bệnh nhân. Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, đáp ứng với phác đồ điều trị, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, đã khỏi bệnh và được xuất viện.

Bệnh viện Bãi Cháy áp dụng dụng phương pháp nội soi phế quản ống mềm hiện đại nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Hay trường hợp bệnh nhân Phạm T. L. (48 tuổi, TP Hạ Long) có tiền sử khỏe mạnh, nhưng chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng do nhiễm Covid-19 mức độ nguy kịch. Bệnh nhân được thở máy, điều trị hồi sức tích cực, đặc biệt là can thiệp nội soi phế quản để hút đờm rãi ứ đọng, làm sạch đường thở, tăng trao đổi oxy phế nang, giảm nguy cơ tắc đờm trong quá trình thở máy. Ngay sau can thiệp, tình trạng hô hấp của bệnh nhân đã cải thiện tốt và được rút ống nội khí quản, thở oxy mask sau 10 ngày điều trị tích cực.

Vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 (1956-2022) vừa qua, các y, bác sĩ làm việc tại khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Bãi Cháy đã vô cùng vui mừng khi phẫu thuật thành công đón một bé trai chào đời khỏe mạnh từ người mẹ mắc Covid-19. Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, khi nhận được nhiệm vụ theo dõi, đỡ đẻ cho bệnh nhân tại khu vực cách ly, chúng tôi đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, êkíp tập trung trí tuệ, tinh thần, trang bị đủ nhân lực, vật lực, thuốc men để cấp cứu cho bệnh nhân tốt nhất.

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã phẫu thuật thành công đón bé trai chào đời khỏe mạnh từ mẹ mắc Covid-19.

Đến nay, Bệnh viện Bãi Cháy đã đỡ đẻ và phẫu thuật thành công cho 10 sản phụ tại khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19. Giữa muôn vàn lo lắng, hồi hộp, mong chờ đan xen, tiếng khóc chào đời của những thiên thần nhỏ như ánh mặt trời ló rạng, xua tan âu lo những ngày đại dịch.

Phía sau sự hồi phục của bệnh nhân trong khu cách ly là sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng” Bệnh viện Bãi Cháy. Thời điểm này, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế phải tạm gác lại nỗi niềm riêng, tạm xa gia đình. Dù môi trường làm việc khắc nghiệt, thường trực nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao, nhưng mỗi cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện luôn đề cao tinh thần đoàn kết - tương trợ - kỷ luật - đồng tâm để bảo vệ sức khỏe của bản thân, coi người bệnh như những người thân, sẵn sàng đồng hành cùng người bệnh để chiến thắng đại dịch.

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo mắc Covid-19.


Thực hiện: Nguyễn Hoa - Minh Khương - Mạc Thảo
Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang