Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 19:42 (GMT +7)
Cùng nhau vượt qua đại dịch
Thứ 7, 18/04/2020 | 09:21:54 [GMT +7] A A
Ngày 30 tháng 7 năm 1998, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về người tàn tật, trong đó có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Đến năm 2010, khi Luật Người khuyết tật Việt Nam được Quốc hội khóa 12 thông qua đã chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam.
Kể từ đó đến nay, cứ vào dịp này là ở Quảng Ninh cũng như ở khắp nơi trong cả nước đều có các hoạt động thiết thực dành cho người khuyết tật như giao lưu văn nghệ - thể thao, tư vấn, chăm sóc, khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà ủng hộ...
Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm nay có lẽ sẽ là một ký ức đặc biệt, bởi dịp kỷ niệm này nằm trong thời điểm tỉnh Quảng Ninh cùng cả nước đang nỗ lực dồn sức đẩy lùi dịch Covid-19. Vậy là không có các lễ mít tinh kỷ niệm, không có các buổi gặp mặt giao lưu cũng như chẳng có chương trình Nối vòng tay nhân ái vẫn được tổ chức quy mô và truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình tỉnh như những năm trước. Nhưng cách ly mà chẳng cách lòng, không vì không có lễ kỷ niệm mà những người khuyết tật bị bỏ lại phía sau bởi tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự chăm sóc ở mức tốt nhất có thể cho những người khuyết tật. Tỉnh vẫn đang chi trợ cấp xã hội cho gần 21.000 người khuyết tật trong đó trên 15.000 người thuộc diện khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Mức trợ cấp hàng tháng cho hai nhóm đối tượng này là từ 350.000 đồng đến 825.000 đồng/người, cao hơn mức chi theo quy định của trung ương từ 1,3 đến hơn 3 lần.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, trong số những đối tượng đầu tiên được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ có các đối tượng bảo trợ xã hội mà người khuyết tật cũng nằm trong số đó. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) cho mỗi người khuyết tật 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Và ngay giữa những ngày cao điểm của dịch bệnh khi gói cứu trợ của Chính phủ chưa kịp triển khai thì Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh cũng đến thăm câu lạc bộ Người khuyết tật huyện Đông Triều và Trung tâm Bảo trợ xã hội Uông Bí và hàng chục người khuyết tật tại các địa phương Vân Đồn, Hạ Long, Quảng Yên để chia sẻ động viên những hoàn cảnh khó khăn. Những phần quà, những khoản tiền chỉ từ 650.000 đồng đến 1.500.000 đồng, giá trị không lớn nhưng đầy ắp sự quan tâm.
18/4 năm nay, dù không tổ chức các lễ kỷ niệm, nhưng tinh thần của Ngày Người khuyết tật Việt Nam vẫn được lan tỏa, theo nhiều cách khác nhau. Những người khuyết tật vẫn đang nỗ lực vượt qua đại dịch bằng sự sẻ chia của cả cộng đồng dẫu chỉ là cân gạo, gói mì tôm, hay một chiếc khẩu trang. Và họ, những người vốn đã là những người yếu thế dễ bị tổn thương ngay cả trong những điều kiện bình thường nhất vẫn đang cố gắng vượt qua khó khăn. Dù không thể đóng góp gì nhiều thì trong giai đoạn dịch bệnh, họ sẵn sàng "đứng yên khi Tổ quốc cần" như anh Thạch Thảo Tâm Thương, một người bán vé số khiếm thị, 44 tuổi ở Bến Tre đã chia sẻ trên trang cá nhân: “...tuy là người khiếm thị, nhưng cũng xin được góp một phần sức mọn là tuân thủ theo lời của Thủ tướng: Không la cà đây đó để góp phần chống dịch được hiệu quả hơn... Một con én nhỏ không thể làm nên mùa xuân, nhưng khi chúng ta chung tay lại thì mùa xuân sẽ đến”.
Chủ đề của Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 năm nay là "Cùng nhau vượt qua đại dịch". Chủ đề này chính là thông điệp kêu gọi lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ của Nhà nước, của cộng đồng với những người khuyết tật. Bên cạnh đó, chủ đề cũng thể hiện tinh thần đồng lòng của người khuyết tật cùng với Chính phủ, Nhà nước và mọi công dân khác của Tổ quốc trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Quỳnh Tâm
Liên kết website
Ý kiến ()