Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 23:47 (GMT +7)
Cưới mùa dịch
Thứ 3, 03/03/2020 | 10:47:34 [GMT +7] A A
Có lẽ, một trong những câu chuyện khiến không ít gia đình đau đầu, băn khoăn, thậm chí lo lắng vào lúc này là việc có nên tổ chức đám hỉ cho con cháu mình hay không, khi mà dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở 77 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm 90.432 người mắc, 3.117 người tử vong (trong đó có 173 ca tử vong ngoài Trung Quốc). Covid-19 đã xâm nhập toàn bộ các châu lục, chỉ còn duy nhất châu Nam Cực chưa ghi nhận người mắc. Và điều đáng lo ngại là dịch chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện WHO đã phải nâng mức cảnh báo Covid-19 ở mức độ toàn cầu từ cao lên rất cao.
Sự lo lắng của các gia đình là hoàn toàn có cơ sở, bởi tuy rằng dịch bệnh ở Việt Nam đã bước đầu được khống chế, kiểm soát tốt, nhưng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan, bùng phát vẫn còn luôn tiềm ẩn nếu mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, ban, ngành, địa phương... lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Câu chuyện băn khoăn về tổ chức đám hỉ của người dân Quảng Ninh có lẽ cũng là tâm trạng chung của không ít gia đình trên cả nước, vì thời gian này là mùa xuân – mùa cưới - mùa được nhiều đôi uyên ương chọn để kết duyên. Thực tế thì đã có nhiều gia đình định ngày đám hỏi, đám cưới cho con cháu mình, nhưng vì tinh thần chống Covid -19 như chống “giặc” nên đành phải tạm dừng, hoãn lại. Và cũng có không ít gia đình đã quyết định chỉ tổ chức báo hỉ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người thân, họ hàng, làng xóm và cả cộng đồng, vẫn biết rằng quyết định đó nhận được những lời ra, tiếng vào.
Từ thực tế nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch Covid-19 bùng phát, lây lan rộng cho thấy, việc phòng, chống dịch lúc này phải được Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng đặt lên hàng đầu, cấp bách, làm thường xuyên, liên tục, hết sức nghiêm túc.
Và với tinh thần thời chống “giặc” Covid-19, mọi công việc, việc làm, hành động, cử chỉ đều luôn cảnh giác với dịch bệnh thì cũng có những câu chuyện dở khóc, dở cười đi kèm nếu chúng ta vẫn tổ chức các sự kiện đông người. Đơn cử như câu chuyện của ông Ishikawa Keitam người Nhật Bản sang Việt Nam ngày 22/2/2020 để tổ chức đám cưới với vợ là chị Nguyễn Thị Thuyết ở TP Hạ Long.
Ngày 1/3/2020, gia đình đang chuẩn bị tổ chức đám cưới thì với trách nhiệm phòng, chống dịch Covid-19 của mình, nhân viên y tế phường Hà Khẩu (TP Hạ Long) đến kiểm tra đo thân nhiệt ông Ishikawa Keitam, kết quả nhiệt độ 37,4 độ, nghi sốt. Ngay lập tức, ông Ishikawa Keita và cùng 30 người có tiếp xúc gần với ông được đưa đến cách ly tại Bệnh viện số 2 để kiểm tra, sàng lọc Covid-19.
Kết quả kiểm tra, xét nghiệm tất cả đều âm tính với Covid-19, ông Ishikawa Keita và những người đi cùng được xuất viện vào sáng 2/3/2020, nhưng có điều không vui là một đám cưới đáng lẽ ra là rất vui vẻ, hạnh phúc đã phải tạm dừng bởi một lý do không ai mong muốn là dịch bệnh.
Không chỉ lo về vấn đề có thể bị đổ bể khi tiệc cưới đang diễn ra, nhiều gia đình đám hỉ còn lo lắng việc tổ chức cưới hỏi vào thời điểm này sẽ bị ế cỗ, “vỡ trận”, bởi người người, nhà nhà đều cảnh giác với dịch Covid-19 mà không đến dự đám cưới, dẫn đến việc tổ chức ngày vui thì nhà hỉ lại gánh thêm nỗi buồn về tiền bạc, tinh thần.
Và để cùng chung tay, góp sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ nhân dân, Quảng Ninh đã ban hành văn bản về phòng, chống dịch Covid-19 trong tổ chức lễ cưới, tiệc cưới. Tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp tuyên truyền, hướng dẫn những gia đình tổ chức tiệc cưới, lễ cưới trong thời điểm hiện nay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo hiệu quả, nghiêm túc. Đối với lễ cưới, tiệc cưới chưa ấn định thời gian, vận động các gia đình điều chỉnh thời gian, hình thức phù hợp. Đối với lễ cưới, tiệc cưới đã ấn định thời gian, vận động các gia đình tổ chức lễ cưới trong phạm vi gia đình, dùng hình thức báo hỉ thay cho giấy mời tổ chức lễ cưới, tiệc cưới.
Thiên tai, địch họa, dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng ngay lúc này đây khi mà dịch Covid-19 đang hoành hành, diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ thì rất cần sự chung tay, đoàn kết, chung sức, chia sẻ, hỗ trợ của tất cả mọi người. Một điều đáng mừng là Việt Nam, Quảng Ninh đang là điểm đến an toàn, chúng ta phải cố gắng, quyết tâm giữ cho được sự an toàn ấy, quyết liệt phòng, chống, khống chế không để dịch bệnh xâm nhiễm, lây lan. Và để làm được điều đó, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, hội, đoàn thể… thì rất cần sự đồng lòng, chung tay, đồng tâm, hiệp lực của mỗi người dân, gia đình, dù vẫn biết rằng trong đó có sự hi sinh một phần hạnh phúc đời thường.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()