Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 21:52 (GMT +7)
Đặc Khu kinh tế đầu tiên của miền Bắc
Thứ 6, 18/08/2017 | 05:17:59 [GMT +7] A A
Tính từ năm 2003 đến năm 2011, có 18 khu kinh tế ven biển được thành lập dọc theo chiều dài của cả nước. Ở vào thời điểm đó khi quyết định cho thành lập các khu kinh tế ven biển, Chính phủ đã đặt kỳ vọng vào sự đột phá cơ chế chính sách, để đây thực sự là những “phòng thí nghiệm” về thể chế, từ đó xác định được những điểm chốt để hích nền kinh tế của đất nước phát triển.
Gần 15 năm qua dù rằng kết quả đạt được trong phát triển các khu kinh tế ven biển chưa như mong đợi, nhưng chắc chắn một điều rằng sự thay đổi về tư duy nhận thức trong việc tìm tòi, xây dựng các mô hình mới, bắt nhịp với sự phát triển của thế giới đã được đốt lên trong cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Và 3 địa bàn được Bộ Chính trị chọn xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) đã được xác định là những “phòng thí nghiệm thể chế” của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Quốc hội đã đồng ý cho xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng cho 3 đặc khu này.
Trong khát vọng đột phá đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã vận động, quyết tâm để xây dựng thành công một mô hình phát triển mới không chỉ cho riêng mình mà là cho cả miền Bắc. Đó là, từ những ý tưởng, kết quả ban đầu về Khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn, rồi đến Khu kinh tế đặc biệt và giờ là Khu hành chính - kinh tế đặc biệt (Đặc khu) - một trong 3 đặc khu của cả nước.
Thời gian qua tỉnh đã tập trung cao độ trong xây dựng đề án thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và tham gia xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong đó, các cơ chế chính sách, mô hình tổ chức bộ máy đưa ra nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tạo bước phát triển đột phá, bền vững và bài học kinh nghiệm trong xây dựng các đặc khu kinh tế trên thế giới đều đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng để đưa thành những cơ chế, chính sách, định hướng của Vân Đồn, phù hợp với bối cảnh chung của đất nước, của tỉnh. Theo đó, với cơ chế hoàn toàn mới áp dụng cho đặc khu, Vân Đồn hy vọng đến năm 2030 thuế phí và nguồn thu từ đất sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD, số việc làm tạo mới khoảng 132.000. Bước ban đầu khơi thông tư duy, nhận thức, đẩy các bước chạy đà đã rất tốt, những nội dung tiếp theo cần làm như thành lập, giải thể, điều chỉnh địa giới, định hướng ngành nghề thu hút đầu tư, mô hình tổ chức chính quyền, cơ chế chính sách đặc thù, tổ chức hoạt động các cơ quan trong đặc khu... cũng đang được quyết liệt thực hiện.
Theo kế hoạch đầu tháng 9-2017, Đề án thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ được trình Chính phủ thông qua để gửi các cơ quan Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra. Như vậy, trong tương lai rất gần Vân Đồn sẽ là đặc khu đầu tiên của miền Bắc. Hy vọng, kỳ vọng, niềm tin vào những kết quả mà đặc khu đem lại cho sự phát triển sẽ sớm được chứng thực.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()