Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 22:25 (GMT +7)
Đặc khu Vân Đồn: Đã sẵn sàng chờ Quốc hội "bấm nút"
Thứ 2, 30/10/2017 | 05:57:53 [GMT +7] A A
Trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động tiến hành rà soát và mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp với tỉnh nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình Khu hành chính - kinh tế (HC-KT) đặc biệt có tính liên kết vùng và đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, khả thi.
Sau 5 năm dày công nghiên cứu, đến nay dự thảo Đề án Khu HC-KT đặc biệt Vân Đồn đã hoàn thiện và được đánh giá rất cao. Quảng Ninh đang tràn đầy hy vọng, dự án Luật Đơn vị HC - KT đặc biệt sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tới (tháng 5/2018). Qua đó tạo hành lang pháp lý để Đặc khu Vân Đồn, cùng với Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) chính thức đi vào hoạt động…
Vượt trội, cạnh tranh về cơ chế
Theo Đề án, Đặc khu Vân Đồn sẽ là khu đô thị biển - đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế... Dự kiến đến năm 2020, Đặc khu thu hút khoảng 90.000-98.000 lao động mới và thu hút từ 110.000-111.000 lao động mới vào năm 2030…
Mô hình Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn. |
Với định hướng trên, việc xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách cho Đặc khu Vân Đồn đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và xu hướng quốc tế, với nguyên tắc tuân thủ pháp luật (quy định rõ ràng, đơn giản, áp dụng hiệu quả…). Cách tiếp cận theo hướng tập trung vào đào tạo, nâng cao và thu hút nguồn lực con người, tạo hành lang và môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với cam kết dài hạn và vì sự phát triển bền vững của Đặc khu.
Các cơ chế chính sách cho Vân Đồn được xây dựng theo phân lớp ngành nghề dựa trên kết quả phân tích chuỗi giá trị, từ đó xác định được các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, có ảnh hưởng lan tỏa đến sự phát triển của các lĩnh vực ngành nghề khác để tập trung khuyến khích phát triển. Cùng với đó, có ưu đãi đặc thù cho nhà đầu tư chiến lược (ưu đãi về thuế chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn, không dàn trải). Đề án đề xuất 12 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù gồm: Thuế, đất đai và bất động sản, tài chính - ngân sách, tiền tệ - ngân hàng, đầu tư - kinh doanh, quản lý và phát triển nguồn nhân lực, xuất, nhập cảnh và quản lý cư trú, xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhà đầu tư chiến lược, hoạt động công nghệ cao, phát triển du lịch và chính sách khác…
Về phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền Đặc khu, Quảng Ninh đề xuất 2 phương án. Phương án 1, sẽ có Đặc khu trưởng và các đặc khu phó cùng cơ quan giúp việc tinh gọn, không có HĐND. Cấp xã sẽ được thay bằng các khu hành chính, người đứng đầu là đại diện của Đặc khu trưởng, cùng bộ máy cũng hết sức tinh gọn. Phương án này phù hợp với các mô hình đặc khu kinh tế hiện đại và thành công nhất hiện nay trên thế giới. Quan trọng hơn là mô hình này đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thay vì tập thể quyết định như lâu nay. Đặc khu trưởng toàn quyền quyết định mọi vấn đề và phải chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình. Để bộ máy hoạt động hiệu quả, Đặc khu trưởng hoàn toàn có thể tự lựa chọn nhân sự tốt nhất cho mình, từ cấp phó đến bộ máy ở các khu hành chính, thậm chí có thể thuê nhân sự nước ngoài làm việc cho mình.
Phương án 2 là chính quyền một cấp, chỉ có UBND và HĐND cấp Đặc khu, bỏ UBND và HĐND cấp xã. Ở phương án này, HĐND sẽ bớt quyền lực và chỉ còn làm nhiệm vụ giám sát, đưa ra các quyết sách dài hạn, chứ không được quyết các vấn đề, như ngân sách, đầu tư... Tuy nhiên, với mô hình này, trách nhiệm quyết định vẫn là của tập thể, không đề cao được vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND Đặc khu như với mô hình Đặc khu trưởng. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như lấy ý kiến từ nhiều phía, Quảng Ninh ưu tiên chọn phương án 1, bởi chỉ có như vậy mới có thể đột phá…
Sẵn sàng nguồn lực đầu tư
Song song với việc chủ động, tích cực xây dựng Đề án Đơn vị HC-KT đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng của Khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng của Đơn vị HC-KT đặc biệt. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện sẵn sàng cho phát triển Đơn vị HC-KT đặc biệt.
Thi công đổ bê tông mặt đường băng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đoạn 600m bổ sung sau điều chỉnh thiết kế. |
Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách để nhanh chóng cải thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng, giao thông nội khu, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khác. Trong đó đặc biệt tập trung vào các công trình động lực tạo nền tảng cho sự phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn. Đến nay, đã thu hút được trên 55.300 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) đầu tư cho Vân Đồn, trong đó: Giai đoạn 2011-2016, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 4.787 tỷ đồng, chiếm 8,7%; đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách là 50.513 tỷ đồng, chiếm 91,3%. Riêng giai đoạn 2015-2017, tỉnh đã huy động được trên 36.000 tỷ đồng vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Nổi bật trong đó có một số dự án, công trình trọng điểm đang được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư và đẩy nhanh hoàn thành, đưa vào khai thác, như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km, tổng mức đầu tư trên 13.600 tỷ đồng, dự kiến thông toàn tuyến vào quý I/2018; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, dài 53,6km, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dài khoảng 80,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2017. Đặc biệt Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn quy mô cấp 4E, đường cất, hạ cánh dài 3,6km, đón được các máy bay hiện đại như Boeing 777, 787, A350 với công suất 5 triệu lượt khách/năm, tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2018; Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino với quy mô diện tích trên 2.500ha, tổng vốn đầu tư trên 46.500 tỷ đồng, đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư...
Cùng với các dự án trên, theo kế hoạch, đầu năm 2018 sẽ khởi công chuỗi các tổ hợp dịch vụ du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao với tổng vốn đầu tư trên 61.000 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD) tại Vân Đồn. Trong đó nổi bật là Dự án Tổ hợp du lịch Sonasea Drgonbay (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư dự kiến trên 4.950 tỷ đồng; Dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas, quy mô khách sạn đẳng cấp 5 sao, tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn, gồm 9 phân khu chức năng, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng; Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng, do Tập đoàn FLC nghiên cứu, tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng; Dự án đầu tư Khu vực cảng và đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng…
Mới đây, tại buổi khảo sát thực tế tại Vân Đồn để phục vụ thẩm tra Dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã đánh giá rất cao nỗ lực, quyết tâm của Quảng Ninh và nhà đầu tư trong việc thành lập Đặc khu Vân Đồn, nhất là sự mạnh dạn, sáng tạo trong huy động nguồn lực của tỉnh trong xây dựng các công trình động lực mang tính nền tảng. Đồng chí khẳng định, từ thực tế tại Quảng Ninh đã củng cố thêm niềm tin về tương lai phát triển mạnh mẽ của Vân Đồn cũng như việc hoàn thiện Dự án Luật Đơn vị HC-KT đặc biệt trình Quốc hội thông qua.
Hoài Anh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()