Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 21:43 (GMT +7)
Dân chủ trong giải quyết công việc công dân, tổ chức
Thứ 5, 15/01/2015 | 06:39:29 [GMT +7] A A
Ngày 9-1-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này thay thế Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 8-9-1998 của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.
Nghị định 04/2015/NĐ-CP quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: Dân chủ nội bộ cơ quan; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, tổ chức liên quan.
Nội dung dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, tổ chức có liên quan tại Nghị định 04/2015/NĐ-CP được xác định và quy định rõ hơn, cụ thể hơn so với nội dung này tại Nghị định 71/1998/NĐ-CP. Nội dung dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, tổ chức bao gồm: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với cơ quan cấp trên và với cơ quan cấp dưới.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức và kiểm tra việc niêm yết công khai tại trụ sở làm việc và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để công dân, cơ quan, tổ chức biết các nội dung: Bộ phận chịu trách nhiệm giải quyết công việc có liên quan; thủ tục hành chính giải quyết công việc; mẫu đơn từ, hồ sơ cho từng loại công việc; phí, lệ phí theo quy định; thời gian giải quyết từng loại công việc. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền các yêu cầu của công dân, tổ chức. Những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm thông báo để công dân, tổ chức biết và hướng dẫn công dân, tổ chức đến nơi có thẩm quyền giải quyết. Cán bộ công chức, viên chức không được quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
Thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất và năng lực, làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới đất nước.
Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập sẽ góp phần tích cực trong cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc của công dân, tổ chức; đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()