
Năm 1963 khi thực hiện hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị lấy chữ cuối của Hồng Quảng và Hải Ninh ghép lại thành tỉnh Quảng Ninh, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Gần 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đoàn kết một lòng, quyết tâm đi theo con đường mà Bác đã chọn, làm theo lời Bác dạy “Phải xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh”.



Mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Chìu A Sám (bản Siềng Lống, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà).
Mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Chìu A Sám (bản Siềng Lống, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà).
Năm 2018, gia đình anh Chìu A Sám, dân tộc Dao Thanh Phán (bản Siềng Lống, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) còn là hộ nghèo. Được sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, gia đình anh được vay nguồn vốn, được hướng dẫn mô hình phù hợp để phát triển kinh tế.
Từ nguồn vốn 100 triệu đồng đã vay, cộng thêm với số tiền sẵn có và mượn thêm từ người thân, năm 2021 gia đình anh Chìu A Sám mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng để làm mô hình chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ. Mô hình có hệ thống camera giám sát, vệ sinh chuồng, máng tắm cho lợn hoàn toàn bằng máy tự động, quy mô nuôi 200 con lợn. Nhờ áp dụng công nghệ, máy móc vào chăn nuôi, sau khoảng 4 tháng, những con lợn nuôi đã có thể xuất chuồng. Đến nay, anh đã bán được nhiều lứa lợn, mỗi lứa cho thu lãi từ 40-50 triệu đồng.
Anh chia sẻ: “Nhờ các chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, bà con dân tộc chúng tôi đã đủ kiến thức, đủ tự tin để triển khai các mô hình kinh tế có ứng dụng công nghệ hiện đại. Cuộc sống của chúng tôi đã phát triển hơn, nhiều gia đình đã giảm nghèo, nhiều nhà cũng giàu lên, không kém gì các gia đình miền xuôi. Không chỉ ở bản Siềng Lống của chúng tôi đâu, mà các vùng dân tộc cũng thay đổi rất nhiều. Cuộc sống đã ấm no hơn, đầy đủ hơn”.
Cuộc sống đổi thay ở những bản làng, những gia đình như gia đình anh Chìu A Sám là minh chứng rõ rệt cho sự phát triển của Quảng Ninh hôm nay. Không chỉ có những vùng đô thị như Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả... ngày ngày đổi thay, mà những khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo đang thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch với miền xuôi, với vùng đô thị. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo được tập trung đầu tư, trọng tâm là các công trình hạ tầng giao thông kết nối giữa trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ, huyện Tiên Yên; nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ huyện Bình Liêu; đường giao thông từ trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng Lâm; đường từ xã Quảng Thịnh đi xã Quảng Chính, huyện Hải Hà..., góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Đến huyện Tiên Yên, chúng tôi cũng được chứng kiến những hình ảnh nông thôn đổi mới, tươi đẹp và phát triển. Hệ thống hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư hoàn thiện. Từ năm 2019, huyện hoàn thành tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM và là huyện NTM sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra. Đồng thời, hoàn thành đưa các xã, thôn thuộc chương trình 135 ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, sớm trước 1 năm. Hết năm 2022, huyện Tiên Yên đạt chuẩn NTM nâng cao với cơ sở kinh tế hạ tầng đổi mới, các vùng nông thôn khang trang, sạch đẹp. Cuộc sống của người dân, nhất là đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa ngày một giàu có hơn, đủ đầy hơn về cả vật chất và tinh thần.

Khối Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Tiên Yên hỗ trợ xã Đại Dực xây dựng NTM nâng cao năm 2022.
Khối Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Tiên Yên hỗ trợ xã Đại Dực xây dựng NTM nâng cao năm 2022.
Để có những đổi thay này, Quảng Ninh thực hiện tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ bề rộng sang chiều sâu để phát triển bền vững, trong đó lấy phát triển du lịch, dịch vụ làm trung tâm. Đồng thời, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM theo hướng lấy người dân làm chủ thể và là động lực gắn với chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) mang đặc trưng của Quảng Ninh. Từ đó, đã làm thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, giá trị tăng thêm bình quân của ngành Nông nghiệp tỉnh đạt 5,9%/năm; hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung về trồng trọt và chăn nuôi.

Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về giao thông, hệ thống trường học, trạm y tế, công trình nước, nhà văn hóa; phục dựng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc... góp phần cải thiện đời sống đồng bào, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống các vùng, các dân tộc. Đặc biệt, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá và xây dựng nhiều nghị quyết chuyên đề, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Đó là những quyết sách được xây dựng trên cơ sở bám sát thực tiễn đời sống, đã “đưa cuộc sống vào nghị quyết”, với mục tiêu cuối cùng là tạo sinh kế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khu vực trồng vải chín sớm của phường Phương Nam, TP Uông Bí.
Khu vực trồng vải chín sớm của phường Phương Nam, TP Uông Bí.
Hết năm 2022, toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, 54 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 26 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Như vậy, 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh.



Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, dưới ánh sáng tư tưởng và đạo đức của Bác, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã cùng nhau siết chặt đội ngũ, đồng lòng, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, đến hôm nay Quảng Ninh đã có được sự đổi thay cả về tầm vóc và diện mạo, đang dần trở thành tâm điểm của đổi mới, của dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; tiên phong trong nhiều lĩnh vực của cả nước... Những giá trị, kết quả to lớn có được là minh chứng rõ nét về quyết tâm chính trị, về sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, thống nhất ý chí và hành động của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh.

Trong 60 năm phát triển, Quảng Ninh đã thay đổi cả về tầm vóc và diện mạo.
Trong 60 năm phát triển, Quảng Ninh đã thay đổi cả về tầm vóc và diện mạo.
Điều này được thể hiện rõ nét ở việc, Quảng Ninh đã mạnh dạn tìm tòi, thực hiện những giải pháp sáng tạo, đột phá để tiến hành đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái tư tưởng, tha hoá quyền lực. Đặc biệt tỉnh đã mạnh dạn, quyết tâm thực hiện các đột phá về thể chế, về tổ chức, bộ máy; về quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo cán bộ, xây dựng nguồn lực con người; xây dựng mô hình mới về phương thức đầu tư, quản lý, cải cách hành chính, chuyển đổi số... Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; giảm dần sự phụ thuộc vào ngành than. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục - đào tạo được đầu tư bài bản, đồng bộ, hiện đại. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có bước đột phá, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước với các mô hình đổi mới hiệu quả, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển hạ tầng.

Quảng Ninh lập kỷ lục 9 năm trong top 5, với 5 năm liền dẫn đầu Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Quảng Ninh lập kỷ lục 9 năm trong top 5, với 5 năm liền dẫn đầu Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã đảm bảo hài hòa giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng gắn với an sinh xã hội. Hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Đặc biệt, từ năm 2020-2022, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn khi các đợt dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát trên địa bàn tỉnh cũng như tại các địa phương lân cận, Quảng Ninh là một trong những điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”. Trong khó khăn đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, chung sức, đồng lòng, kiên trì nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách; giữ vững địa bàn thích ứng an toàn, linh hoạt, hoàn toàn kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; giữ vững sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội.

Tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Quảng Ninh 7 năm liên tiếp từ 2016-2022.
Tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Quảng Ninh 7 năm liên tiếp từ 2016-2022.
Tỉnh đã phát triển và giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022) lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới. GRDP năm 2022 của tỉnh ước đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Tỉnh đã đưa vào khai thác đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn.
Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biển đổi khí hậu có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phát triển văn hóa, xã hội, con người, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm hơn, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Quảng Ninh chào đón du thuyền 5 sao Le Lapérouse của Hãng Ponant (Pháp) đưa du khách quốc tế đến Hạ Long, ngày 12/10/2022.
Quảng Ninh chào đón du thuyền 5 sao Le Lapérouse của Hãng Ponant (Pháp) đưa du khách quốc tế đến Hạ Long, ngày 12/10/2022.
Bằng những thành công này, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã chuyển tải được “ham muốn tột cùng” của Bác “là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và “phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, làm cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc” làm phương châm, định hướng lớn nhất trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh... Và thành công của Quảng Ninh, mỏ than của đất nước, đã khơi dậy niềm tin và niềm tự hào của mọi người dân trong tỉnh, dần hiện thực hóa khát vọng chứa đựng trong nội hàm tên gọi: “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững.
Ngày xuất bản: 21/1/2023
Nội dung: THÙY LINH
Trình bày: ĐỖ QUANG