
Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao và hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc. Người nói, ngày nay các cháu là nhi đồng, ngày sau các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới. Thực hiện lời dặn của Bác, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em với tinh thần “dành những điều tốt nhất cho trẻ em”.

Theo thống kê, tại thời điểm tháng 5/2024, toàn tỉnh có 347.194 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có gần 140 nghìn trẻ em dưới 6 tuổi; trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12,3%. Toàn tỉnh có 4.534 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 8.506 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Những năm vừa qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu vì trẻ em. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách pháp luật đối với trẻ em, tỉnh còn ban hành các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ trẻ em về giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, trợ giúp xã hội. Cụ thể là từ năm 2021- 2023, tỉnh ban hành 07 nghị quyết chuyên đề về trẻ em, trong đó có 05 nghị quyết chính sách hỗ trợ giáo dục cho trẻ em, với nguồn ngân sách tỉnh chi thực hiện các nghị quyết đặc thù đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm Quảng Ninh cũng huy động nguồn lực xã hội hoá hơn 20 tỷ đồng chăm sóc trẻ em và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Các nhà hảo tâm tặng quà thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt tại Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Dương Trường
Các nhà hảo tâm tặng quà thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt tại Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Dương Trường
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh, nhấn mạnh: Với tinh thần “dành những điều tốt nhất cho trẻ em”, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Tỉnh đã ưu tiên nguồn lực lớn cho lĩnh vực Y tế, Giáo dục để đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh và nhu cầu học tập cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm tỉnh dành nguồn lực lớn để hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh các cấp. Quảng Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu chuẩn quốc gia về Y tế và chuẩn quốc gia về Giáo dục. Mỗi năm tỉnh chi từ 15-16 tỷ đồng để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tỉnh đã đạt được nhiều kết quả về các chỉ số phát triển của trẻ em, tiêu biểu là các mục tiêu về chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng, giáo dục cho trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...
Bằng những hành động thiết thực, ưu tiên các nguồn lực cho trẻ em, tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Quảng Ninh đã đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, tạo môi trường cho trẻ em được an toàn, khỏe mạnh, được học tập và phát huy tối đa tiềm năng của trẻ. Đến nay, qua hơn ba năm đầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu vì trẻ em. Đặc biệt là các mục tiêu về chăm sóc sức khoẻ dinh dưỡng cho trẻ em, giáo dục cho trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Khám dinh dưỡng cho trẻ em tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hoa
Khám dinh dưỡng cho trẻ em tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hoa
Đối với chăm sóc sức khoẻ trẻ em, hiện tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo BHYT miễn phí đạt 99,8%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 20,1%, giảm 1,6% so với năm 2021 đầu giai đoạn (chỉ tiêu Quốc gia năm 2025 là <17%); suy dinh dưỡng thể cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 10,5%, giảm 1,4% so với năm đầu giai đoạn (chỉ tiêu Quốc gia <9%).
Về công tác giáo dục cho trẻ em: Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo 99,87% (vượt chỉ tiêu Quốc gia 0,73%); Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học 98,32% (vượt chỉ tiêu Quốc gia 0,72%); Tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp THCS 99,13% (chỉ tiêu Quốc gia 99,99%). Mới đây tỉnh Quảng Ninh đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; trên 90% trường học kiên cố hoá, đảm bảo nhu cầu học tập và an toàn cho trẻ em. Trẻ em khuyết tật học giáo dục hoà nhập đạt 91,3%.

Các em học sinh Trường Tiểu học Liên Vị, TX Quảng Yên được tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước năm 2024. Ảnh: CTV Phạm Tuyết
Các em học sinh Trường Tiểu học Liên Vị, TX Quảng Yên được tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước năm 2024. Ảnh: CTV Phạm Tuyết
Đặc biệt, trẻ em đã được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát huy quyền tham gia của mình. Cùng với việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cấp tỉnh, cấp huyện, có 58,2% xã, phường, thị trấn có thiết chế VHTT cấp xã (Trung tâm VHTT) và 99,72% thôn, khu có thiết chế văn hoá dành cho trẻ em (nhà VH thôn khu). 100% trẻ em trong trường học được tham gia các hoạt động ngoại khoá và các hoạt động ngoài giờ do nhà trường tổ chức; 100% trường THCS tham gia các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức kỹ năng, nâng cao hiểu biết về pháp luật, kỹ năng sống, về văn hoá ứng xử,…


Cùng với sự phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã chú trọng ưu tiên cho công tác người có công và an sinh xã hội thông qua việc ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh cao hơn mức bình quân chung cả nước. Hệ thống pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển các lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện: đối tượng thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên; nguồn lực đầu tư ngày càng lớn, được tăng cường từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác.

Giờ học vận động của học sinh lớp 4A, Trường Mầm non thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ). Ảnh: Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ
Giờ học vận động của học sinh lớp 4A, Trường Mầm non thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ). Ảnh: Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ
Bên cạnh nguồn lực của ngân sách tỉnh là cơ bản, các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã dành nhiều tình cảm, trách nhiệm chăm lo cho trẻ em tỉnh Quảng Ninh. Trẻ em các dân tộc trong tỉnh được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản, được hỗ trợ để phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đặc biệt quan tâm, tỉnh có nhiều chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ. Mỗi năm có gần 4.500 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đỡ đầu thường xuyên hàng tháng gần 2.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo cho các em được phát triển toàn diện như mục tiêu của Chính phủ đã đề ra. Đến nay, 100% trẻ em trên địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc.
Trong đó, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có HCĐB tỉnh hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 89 trẻ em thuộc diện bảo trợ xã hội. Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh vận động năm 2023 hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ gần 8 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ... Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh mỗi năm vận động hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám bệnh miễn phí cho trẻ em Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Hoa
Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám bệnh miễn phí cho trẻ em Bình Liêu. Ảnh: Nguyễn Hoa
Tỉnh đoàn tổ chức thường niên hàng năm “Tết chia sẻ, Tết yêu thương”. Năm 2024, với số tiền huy động trên 4 tỷ đồng, tặng 8.250 suất quà cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo… Đồng thời, đỡ đầu thường xuyên 458 trẻ em, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Chương trình “1.000 góc học tập cho em” đã trao 60 góc học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên. Qua đó, góp phần giúp các em được hưởng Tết nguyên đán vui tươi, đầm ấm, giúp các em có điều kiện vươn lên trong học tập.
Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức xây dựng nhiều mô hình đỡ đầu, trợ giúp trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng và đã phát triển thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Riêng trong năm 2023 các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm nhận đỡ đầu hàng tháng gần 2 nghìn trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 14 tỷ đồng. Tiêu biểu như là Hội LHPN tỉnh với mô hình “Mẹ đỡ đầu”, triển khai từ năm 2020 đến nay đã vận động đỡ đầu hàng tháng 435 trẻ em (91 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và 344 trẻ em mồ côi). Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh vận động các cơ quan, doanh nghiệp đỡ đầu 270 trẻ. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh nhận “Con nuôi Biên phòng” và Chương trình nâng bước em tới trường, đỡ đầu 111 trẻ. Tỉnh Đoàn phân công các cơ sở Đoàn đỡ đầu 496 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh đỡ đầu 36 trẻ. Các huyện, thị xã, thành phố vận động đỡ đầu trên 300 trẻ, trong đó thành phố Hạ Long đỡ đầu 120 trẻ, mức 1 triệu đồng/trẻ/tháng.

Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh trao hỗ trợ cho em Vũ Thanh Hiền trong Chương trình "Mẹ đỡ đầu". Ảnh: Phạm Hà (Bộ CHQS tỉnh)
Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh trao hỗ trợ cho em Vũ Thanh Hiền trong Chương trình "Mẹ đỡ đầu". Ảnh: Phạm Hà (Bộ CHQS tỉnh)
Tuy nhiên, tình hình trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn có một số bất cập, khó khăn và hạn chế. Đó là công tác bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, mục tiêu, mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn có hạn chế. Việc quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực, nguy cơ gây thương tích cho trẻ em có lúc có nơi chưa kịp thời. Cùng với đó, mặc dù tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích đã giảm nhưng còn diễn biến phức tạp (trong 5 tháng đầu năm đã có 09 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 03 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông; 04 trẻ tử vong do đuối nước, trong đó tử vong do đuối nước giảm 5 vụ, giảm 7 trẻ so với cùng kỳ năm 2023). Mặt khác, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tỷ lệ nhất định trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài… Đây là những trẻ em dù đã được quan tâm thực hiện các chế độ chính sách nhưng nhiều em vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần được quan tâm hơn nữa.

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vân Đồn tham gia lớp học bơi miễn phí do Hội CTĐ tỉnh tổ chức.
Học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vân Đồn tham gia lớp học bơi miễn phí do Hội CTĐ tỉnh tổ chức.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn trên 1.200 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mất nguồn nuôi dưỡng đang tiếp tục cần được chăm sóc, đỡ đầu thường xuyên hàng tháng cả về vật chất và tinh thần đến năm 18 tuổi để trưởng thành, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Để thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Nghị quyết số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy, Thông báo số 1184-TB/TU ngày 22/3/2024 của Thường trực Tỉnh ủy về triển khai phát động đỡ đầu, trợ giúp trẻ em dưới 18 tuổi không may bị mất nguồn nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh đã tổ chức phát động Phong trào nhận đỡ đầu, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mất nguồn nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án và vận động được nhiều nguồn lực hơn nữa cho trẻ em.


Ngày đăng: 1/6/2024
Nội dung: BẢO BÌNH
Trình bày: ĐỖ QUANG