Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của đời sống xã hội, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Thấm nhuần quan điểm đó, trong những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư, chăm lo cho công tác phát triển văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.

Những năm qua, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa gắn liền với triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được các địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được nâng lên. Điểm nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở những năm qua là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, các tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, đã tạo được phong trào thi đua rộng lớn từ trong mỗi gia đình, trên địa bàn dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học.

Liên hoan Tiếng hát khu dân cư xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu). Ảnh: Hoàng Gái (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Liên hoan Tiếng hát khu dân cư xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu). Ảnh: Hoàng Gái (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Theo đó, từng đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn, triển khai nội dung thi đua, tập trung vào những vấn đề thực tiễn tại cơ sở như: Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng các tuyến đường tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp; duy trì tổ hòa giải ở cơ sở để giải quyết kịp thời những mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng hoạt động, tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao... 100% các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh cũng được hoàn thành xây dựng và ban hành hương ước, quy ước. Với nội dung được sửa đổi, bổ sung, loại bỏ những điều, khoản cũ, bổ sung những điểm mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật, các hương ước, quy ước tiếp tục phát huy vai trò là thiết chế tự quản của cộng đồng, góp phần tăng thêm tinh thần cố kết cộng đồng, xây dựng nếp sống ngày càng văn minh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư. Hết năm 2022, toàn tỉnh có 338.234/355.805 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 95%; 1.394/1.452 làng, khu phố văn hoá, đạt 96%; 98/98 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 100%; 54/79 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 68,4%...

Người dân xã Kỳ Thượng và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Hạ Long trồng hoa, cây cảnh các tuyến đường nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Người dân xã Kỳ Thượng và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Hạ Long trồng hoa, cây cảnh các tuyến đường nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Cùng với đó, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao quần chúng được duy trì tổ chức thường niên thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh, các ngành, liên hoan Tiếng hát khu dân cư, hội thi Họa mi vàng; Ngày Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân... Qua đó, nhằm thúc đẩy phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong cộng đồng, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng tài năng về văn hóa, nghệ thuật, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống.

Dạo quanh một vòng đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) từ khu vực Quảng trường 30/10 đến khu vực Bãi tắm Hòn Gai vào tối cuối tuần từ thứ 6, thứ 7, chủ nhật, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được không khí vui tươi, nhịp sống hiện đại, văn minh của người dân thành phố bên bờ di sản. Đó là hình ảnh từng nhóm các chị em đang tập thể dục với những bài tập aerobic, nhảy dân vũ sôi động; hình ảnh trẻ trung, vui tươi của những bạn trẻ đang tham gia chương trình âm nhạc đường phố tại Quảng trường 30/10; hay hình ảnh gần gũi, bình dị của những gia đình từ ông bà, cha mẹ, con cháu đang cùng nhau đạp xe, đi bộ thư giãn hay tập thể dục với những dụng cụ thể thao ngoài trời vừa vui vẻ trò chuyện… 

Chương trình âm nhạc đường phố tại Quảng trường 30/10 do Thành Đoàn Hạ Long tổ chức.

Chương trình âm nhạc đường phố tại Quảng trường 30/10 do Thành Đoàn Hạ Long tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Thư (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) chia sẻ: Hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ngày càng đồng bộ, các hoạt động văn nghệ thể thao lành mạnh do địa phương tổ chức thường xuyên đã mang đến không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích, phù hợp với mọi lứa tuổi, giúp mọi người, nhất là thanh thiếu nhi chủ động tránh xa tệ nạn xã hội.

Không chỉ tại Hạ Long, nhiều địa phương trong tỉnh cũng tổ chức và duy trì hiệu quả các mô hình sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ vào dịp cuối tuần như Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái, Cô Tô… với các hoạt động như: Tổ chức các chương trình ca nhạc miễn phí phục vụ nhân dân, giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, ẩm thực, mua sắm…. Chiếm phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, sở hữu nền văn hóa truyền thống đặc sắc, các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ… thời gian qua đều duy trì việc tổ chức các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; xây dựng các đề án bảo tồn văn hóa, từng bước khai thác và đưa tài nguyên văn hóa thực sự trở thành động lực cho phát triển KT-XH.

Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, trong đó tập trung xây dựng và nâng cấp các công trình thiết chế văn hoá thể thao trên địa bàn, nhiều công trình mang tầm khu vực và quốc tế. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh cơ bản đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Cấp tỉnh có hệ thống thiết chế Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh, Sân vận động Cẩm Phả; Cung Văn hóa thanh thiếu nhi, Cung Văn hóa lao động Việt - Nhật. Cấp huyện có 13/13 thư viện, 12/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất Trung tâm Văn hoá, thể thao. Cấp xã có 75/177 Nhà văn hoá cấp xã, phường, thị trấn. Cấp thôn có 1.448/1.452 Nhà văn hóa thôn, khu phục vụ hiệu quả nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa, thể thao của nhân dân. 

Khánh thành công trình Nhà văn hóa bản Lý Khoái (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) tháng 5/2023. Ảnh: Quốc Nghị (Trung tâm TT-VH Đầm Hà)

Khánh thành công trình Nhà văn hóa bản Lý Khoái (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) tháng 5/2023. Ảnh: Quốc Nghị (Trung tâm TT-VH Đầm Hà)

Vai trò lãnh đạo, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân đã và đang khơi dậy, phát huy tinh thần chủ động, tính tích cực, vai trò tự quản và sáng tạo của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Những ngày này, ở khắp các thôn, bản, khu phố trong toàn tỉnh, đâu đâu cũng rộn ràng lời ca tiếng hát hân hoan của các tầng lớp nhân dân tham gia Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023. Liên hoan lần này không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị - văn hoá tinh thần sâu rộng trong nhân dân mà càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong không khí cả tỉnh đang sôi nổi, hào hứng thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023).

Liên hoan Tiếng hát khu dân cư toàn tỉnh đang diễn ra sôi nổi, hào hứng trong các khu dân cư từ miền xuôi đến miền ngược, từ đô thị đến nông thôn, từ biên giới đến hải đảo, thu hút, tập hợp mọi lứa tuổi, mọi thành phần tham gia. Để chuẩn bị cho liên hoan, từng khu dân cư đã tuyển chọn hạt nhân, lập đội văn nghệ, xây dựng chương trình, kịch bản biểu diễn và tập luyện hăng say. Mỗi khu dân cư sẽ là một đội tham gia liên hoan với một chương trình văn nghệ được dàn dựng có chủ đề cụ thể (tối đa 5 tiết mục), thời lượng không quá 35 phút gồm các thể loại ca, múa, nhạc, tiểu phẩm để tham gia liên hoan cấp xã, phường, thị trấn. 

Tại TP Hạ Long, với 33 xã, phường chiếm số lượng nhiều nhất trong toàn tỉnh, TP Hạ Long đã chủ động phân bố các xã, phường theo 5 cụm thi và tổ chức liên hoan từ cấp xã, phường, đến cụm và cấp thành phố. Trong tháng 5, toàn thành phố đã có 9 xã, phường hoàn thành tổ chức liên hoan, các xã, phường còn lại sẽ tổ chức trong tháng 6. Các cụm sẽ thi vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Dự kiến Liên hoan cấp thành phố sẽ diễn ra vào ngày 19/8 tại Quảng trường 30/10. 

Ông Nguyễn Đăng Toàn, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận khu 4B, phường Hà Phong (TP Hạ Long), hào hứng chia sẻ: Tham gia Liên hoan, bà con nhân dân ai cũng háo hức, vui mừng. Ngoài thành viên nòng cốt trong đội văn nghệ của khu phố, hội viên Chi hội phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, chúng tôi thông báo rộng rãi, phát động, tập hợp thêm các cô bác, anh chị em trên địa bàn dân cư có năng khiếu văn nghệ tham gia. Qua đó, không chỉ xây dựng các tiết mục có chất lượng mà còn tạo sự lan tỏa sôi nổi, gắn kết tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Một tiết mục múa tham gia Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023 phường Quang Trung (TP Uông Bí). Ảnh: Trung tâm TT-VH Uông Bí

Một tiết mục múa tham gia Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023 phường Quang Trung (TP Uông Bí). Ảnh: Trung tâm TT-VH Uông Bí

Tiết mục hát then - đàn tính mang đậm màu săc văn hóa dân tộc tại Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023 xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu). 

Tiết mục hát then - đàn tính mang đậm màu săc văn hóa dân tộc tại Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023 xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu). 

Một tiết mục tiểu phẩm tham gia Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023 phường Ka Long (TP Móng Cái). Ảnh: Trung tâm TT-VH Móng Cái

Một tiết mục tiểu phẩm tham gia Liên hoan Tiếng hát khu dân cư năm 2023 phường Ka Long (TP Móng Cái). Ảnh: Trung tâm TT-VH Móng Cái

Ông Bế Văn Nàm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) cho biết: Xã Hoành Mô là đơn vị tổ chức Liên hoan Tiếng hát khu dân cư đầu tiên trong huyện, song các tiết mục tham dự liên hoan đều được nhân dân các thôn, bản chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu. Các tiết mục dự thi không chỉ thể hiện được chủ đề của Liên hoan mà còn mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ trên địa bàn xã. Thời điểm này, xã đang tích cực hỗ trợ đội thi khu dân cư xuất sắc nhất tiếp tục tập luyện tham gia Liên hoan cấp huyện đạt kết quả cao. 

Thông qua sự dàn dựng công phu, diễn xuất tự nhiên, chân thành, nhưng không kém phần sáng tạo, phong phú các loại hình ca, múa, nhạc, nhảy, tiểu phẩm…, các tiết mục tham gia Liên hoan Tiếng hát khu dân cư ở cấp xã, phường, thị trấn đều đã truyền tải được nội dung, chủ đề hướng tới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; truyền thống đại đoàn kết dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống văn hóa của nhân dân Việt Nam và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, ca ngợi giá trị văn hóa con người Quảng Ninh, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, sự năng động, khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cùng với đó, biểu dương “người tốt, việc tốt” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” …

Với chủ đề “Khát vọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh và hiện đại”, Liên hoan Tiếng hát khu dân cư toàn tỉnh năm 2023 được tổ chức nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh qua 60 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân; khơi dậy, phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, tinh thần của đời sống văn hóa khu dân cư ở tỉnh Quảng Ninh và kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trong hoạt động văn hóa, văn nghệ cho tỉnh.  

Liên hoan Tiếng hát khu dân cư được tổ chức ở 3 cấp (cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh). Cấp xã sẽ tổ chức trong tháng 5-6, cấp huyện trong tháng 7-8 và cấp tỉnh trong tháng 9 tại TP Hạ Long. 13 đội văn nghệ của 13 khu dân cư xuất sắc nhất của 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ tham gia Liên hoan cấp tỉnh.

Cùng với bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh, phong trào nhảy dân vũ đang là một trong những hoạt động thể thao được nhiều hội viên, phụ nữ trong tỉnh yêu thích. Từ đây, tạo sân chơi bổ ích giúp rèn luyện sức khỏe, mang niềm vui, tinh thần năng động, tự tin cho hội viên, phụ nữ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng văn minh, lành mạnh.

Đều đặn vào 5h00 sáng, tại Nhà văn hóa khu 2 (phường Hà Tu, TP Hạ Long) các hội viên, phụ nữ trong khu tập trung tập nhảy dân vũ coi như bài tập thể dục buổi sáng. Mỗi buổi tập kéo dài hơn một giờ đồng hồ, với các bài tập xen kẽ giữa khiêu vũ, thể dục nhịp điệu và các bài tập kết hợp. Phong phú và đa dạng, các điệu nhảy từ sôi động, khỏe khoắn đến nhịp nhàng, uyển chuyển đều không làm khó các chị em. 

Một nhóm nhảy dân vũ tập luyện vào dịp cuối tuần, trên tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long).

Một nhóm nhảy dân vũ tập luyện vào dịp cuối tuần, trên tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long).

Bà Phạm Thị Thủy (khu 2, phường Hà Tu) chia sẻ: Phong trào nhảy dân vũ lan tỏa trong chị em khu phố từ nhiều tháng nay. Chúng tôi thường xem các bài dạy nhảy trên mạng sau đó tập theo, cứ người tập trước dạy người tập sau, hướng dẫn nhau từng bước chân, từng động tác tay sao cho thật nhuần nhuyễn. Qua thời gian tập luyện đều đặn ai cũng thấy khỏe hơn, nhất là chị em có tuổi đỡ hẳn bệnh đau mỏi xương khớp. Gặp gỡ, tập nhảy và giao lưu trò chuyện thường xuyên cũng giúp chị em trong tổ dân, khu phố ngày càng gắn kết hơn.

Không chỉ tại nhà văn hóa mà tại các khu vực sân vui chơi công cộng, tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) cũng không khó để bắt gặp các nhóm, CLB nhảy dân vũ của hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, nhiều nhóm nhảy, câu lạc bộ còn đầu tư trang phục đồng bộ đẹp mắt, vừa tập nhảy song cũng là trình diễn, góp phần khơi dậy phong trào thể dục thể thao trong cộng đồng. 

Tiết mục của CLB dân vũ Công an TP Móng Cái đạt giải nhất tại chung kết giao lưu các câu lạc bộ dân vũ mở rộng lần thứ 2 năm 2023 do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Móng Cái tổ chức. Ảnh: Trung tâm TT-VH Móng Cái

Tiết mục của CLB dân vũ Công an TP Móng Cái đạt giải nhất tại chung kết giao lưu các câu lạc bộ dân vũ mở rộng lần thứ 2 năm 2023 do Hội Liên hiệp phụ nữ TP Móng Cái tổ chức. Ảnh: Trung tâm TT-VH Móng Cái

Phong trào nhảy dân vũ không chỉ sôi nổi trong phạm vi hội viên, phụ nữ tại các khu dân cư mà tại các cơ quan, đơn vị, các chị em là cán bộ, công chức, viên chức cũng tích cực cùng nhau tập luyện vừa giúp rèn luyện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau ngày làm việc vất vả, vừa tập luyện một số bài hay để biểu diễn văn nghệ nhân các sự kiện của cơ quan, đơn vị tổ chức.

Đồng chí Hà Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN TP Móng Cái, cho biết: Thời gian qua, Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ lựa chọn cho mình một hình thức thể dục thể thao phù hợp để rèn luyện, nâng cao sức khỏe, trong đó có nhảy dân vũ. Nhảy dân vũ là hoạt động thể dục thể thao mang tính cộng đồng, các động tác tập luyện khá đơn giản, dễ nhớ, không đòi hỏi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, mà chỉ cần nơi có diện tích, không gian rộng để tổ chức như sân, khuôn viên hoặc hội trường nhà văn hóa nên phù hợp với đông đảo hội viên, phụ nữ. Đến nay, toàn thành phố đã có trên 50 câu lạc bộ dân vũ được thành lập và tổ duy trì tập luyện đem lại hiệu quả thiết thực. Trong tháng 4 vừa qua, Hội LHPN thành phố cũng đã tổ chức chương trình giao lưu các câu lạc bộ dân vũ mở rộng lần thứ 2 và chương trình giao lưu nhảy dân vũ với Hội LHPN TP Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) được chị em hưởng ứng rất nhiệt tình, góp phần đưa phong trào ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, cổ vũ tinh thần luyện tập hào hứng, sôi nổi trong hội viên, phụ nữ.

Nhảy dân vũ đã và đang tạo nên luồng gió mới cho phong trào tập luyện thể dục thể thao của hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở Hội thành lập các mô hình, câu lạc bộ thể dục thể thao. Theo đó, phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe” được triển khai ở 16/16 Hội LHPN địa phương, đơn vị trực thuộc. Tại cấp huyện, 100% địa phương duy trì tổ chức tốt phong trào này, với 425 mô hình câu lạc bộ phụ nữ chơi bóng chuyền hơi (gồm 10.593 thành viên), 538 câu lạc bộ dân vũ (gồm 13.450 thành viên), đã đáp ứng nguyện vọng và thu hút ngày càng nhiều phụ nữ tham gia.

Tiết mục nhảy dân vũ của hội viên phụ nữ khối các cơ quan huyện tại Đại hội Công đoàn huyện Bình Liêu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. 

Tiết mục nhảy dân vũ của hội viên phụ nữ khối các cơ quan huyện tại Đại hội Công đoàn huyện Bình Liêu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. 

Thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tổ chức các sân chơi để các câu lạc bộ, hội viên, phụ nữ tham gia tập luyện, giao lưu thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho hội viên, phụ nữ, không ngừng hướng tới xây dựng hình ảnh người phụ nữ văn minh, tự tin, hiện đại.

Trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân là quan điểm xuyên suốt của Bác: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đây cũng luôn là mối quan tâm của tỉnh Quảng Ninh những năm qua và là một nội dung của chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh.

Liên hoan tiếng hát khu dân cư thị trấn Ba Chẽ. Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ

Liên hoan tiếng hát khu dân cư thị trấn Ba Chẽ. Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ

Cùng với chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, chăm lo đời sống văn hoá ở cơ sở cho nhân dân. Ngoài các công trình mang tính quy mô như Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Khu liên hợp thể thao tỉnh, Sân vận động Cẩm Phả… đủ sức tổ chức các giải thể thao trong nước và quốc tế thì ở cấp xã, nhiều nhà văn hoá, khu vui chơi cho thanh thiếu nhi cũng được đầu tư xây dựng. Đáng nói, nhiều trong số các công trình này được đầu tư ở các huyện, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y ở Bằng Cả (thành phố Hạ Long), Nhà văn hoá xã Đại Dực, Khu văn hoá thể thao người Tày ở xã Phong Dụ, Trung tâm Văn hoá Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc (Tiên Yên), Nhà văn hoá xã Lục Hồn (Bình Liêu)…Tất cả các công trình đều phát huy công năng, trở thành nơi sinh hoạt của các đoàn thể ở khu dân cư, sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người dân.

Bên cạnh nhiều lễ hội văn hoá truyền thống, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phục dựng, duy trì tổ chức, phát huy giá trị như Hội làng người Dao Thanh Y ở Bằng Cả, Lễ hội đền Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội truyền thống Vân Đồn, lễ hội đình Trà Cổ, Ngày hội văn hoá thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, ngày hội Kiêng gió xã Đồng Văn… gần đây có thêm các hội Hoa sở (Bình Liêu), hội Trà hoa vàng (Ba Chẽ), hội Hoa sim biên giới (Móng Cái)…đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm các món ăn tinh thần về văn hoá cho người dân. Nhiều lễ hội đã được định hướng, xây dựng, phát triển thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao xây dựng đời sống khu dân cư ở phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) được người dân tham gia tích cực. Ảnh: Công Thành

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao xây dựng đời sống khu dân cư ở phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) được người dân tham gia tích cực. Ảnh: Công Thành

Nhiều địa phương như Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Quảng Yên… đã luôn quan tâm động viên, khuyến khích và tạo điều kiện để các câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ quần chúng hoạt động. Đây chính là cơ sở cho phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương phát triển, trở thành nòng cốt cho các cuộc thi, liên hoan văn nghệ quần chúng đã và đang diễn ra sôi nổi tại tất cả các địa phương trong tỉnh đó là Liên hoan tiếng hát khu dân cư.

Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, đưa phát triển văn hoá xã hội, nâng cao đời sống nhân dân là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó đề ra mục tiêu tích cực chăm lo xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chú trọng bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch. Huy động mọi nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế quản lý, phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hoá, thể thao các cấp sau đầu tư. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng.

Người dân TX Quảng Yên tham gia thi đấu giao lưu môn bóng chuyền hơi.

Người dân TX Quảng Yên tham gia thi đấu giao lưu môn bóng chuyền hơi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc vào tháng 11-2021: “Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Bởi thế, kinh tế xã hội phát triển, văn hoá ngày càng được chăm lo tốt hơn là niềm tin, là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Quảng Ninh tiếp tục ra sức phấn đấu xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngày xuất bản: 11/6/2023
Nội dung: Nguyễn Dung – Duy Khoa – Đại Dương
Trình bày: Hùng Sơn