Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy đã chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hoá mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với 3 tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng…

Những năm qua, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân Quảng Ninh đã kế thừa, phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá mới và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần đưa Quảng Ninh vững bước đi lên... Tuy nhiên, chặng đường ấy cũng có không ít gian nan, thăng trầm.

Giai đoạn trước đổi mới, toàn tỉnh mới có 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có Khu di tích - thắng cảnh Vịnh Hạ Long.

Giai đoạn trước đổi mới, toàn tỉnh mới có 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có Khu di tích - thắng cảnh Vịnh Hạ Long.

Giai đoạn trước đổi mới, đời sống kinh tế còn khó khăn, cộng với hậu quả của chiến tranh, cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp và tâm lý bình quân chủ nghĩa, khiến lĩnh vực văn hóa chưa được chú trọng so với các lĩnh vực khác, đã làm giảm nội lực phát triển, kìm hãm năng lực tự do sáng tạo. Đời sống văn hóa nghệ thuật còn nhiều bất cập, có ít tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chỉ được tổ chức vào ngày lễ, tết với các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc như đánh quay, đánh đu, kéo co, ném còn, vật dân tộc, võ cổ truyền... hay biểu diễn văn nghệ truyền thống.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu và yếu, đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân tập trung chủ yếu vào đình, chùa và các lễ hội truyền thống tại địa phương. Hoạt động của bảo tàng, thư viện mới ở cấp độ là nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật, chứ chưa thực sự phát huy là một địa chỉ văn hóa được nhiều du khách quốc tế, trong nước quan tâm...

Đẩy gậy là môn thể thao dân tộc phổ biến ở các lễ hội vùng đồng bào DTTS tại Quảng Ninh.

Đẩy gậy là môn thể thao dân tộc phổ biến ở các lễ hội vùng đồng bào DTTS tại Quảng Ninh.

Các di tích do thời gian, chiến tranh bị hư hại, xuống cấp, một số chỉ còn là phế tích. Các lễ hội, phong tục tập quán... không được ghi chép, truyền dạy và phát huy, chỉ còn lưu lại trong trí nhớ lớp người già. Các cấp, ngành chưa chú trọng vào kiểm đếm, xếp hạng, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Thời điểm này, toàn tỉnh mới có 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là: Khu di tích - thắng cảnh Vịnh Hạ Long; Khu di tích đền, lăng mộ nhà Trần tại Đông Triều; đình Trà Cổ; chùa Yên Tử và khu vực danh thắng núi Yên Tử. Các di tích được xếp hạng cũng chưa thành lập ban quản lý, du khách và nhân dân đến tham quan chủ yếu là tự phát...

Thực hiện đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, gần 40 năm qua, lĩnh vực văn hóa của Quảng Ninh đã thu được những thành tựu to lớn. Vai trò của văn hóa ngày càng được thể hiện rõ hơn trong đời sống xã hội.

Văn hóa là một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp, được quan tâm hơn về chủ trương, chính sách, nguồn lực và từng bước có sự gắn kết với nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.

Du lịch miệt vườn từng bước được hình thành ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Việt Dân (TX Đông Triều). 

Du lịch miệt vườn từng bước được hình thành ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Việt Dân (TX Đông Triều). 

Giai đoạn 20 năm sau đổi mới (1986-2006), Quảng Ninh tiếp tục kế thừa, phát triển, mở rộng quan điểm về văn hóa của các giai đoạn trước, để đi tới quan điểm giản dị, nhưng sâu sắc: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, là lĩnh vực sản xuất tinh thần, tạo ra các giá trị, sản phẩm làm giàu đẹp cuộc sống.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ra đời, khẳng định luận điểm có tính khái quát cao, toàn diện, phù hợp đặc trưng của văn hóa, văn nghệ là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quảng Ninh triển khai và thực hiện tốt nghị quyết với chủ trương phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực nội sinh của phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú hơn đời sống văn hóa, con người Việt Nam.

Gắn với việc thực hiện nghị quyết, Quảng Ninh cũng chính thức phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và triển khai kế hoạch xây dựng làng, khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh. Phong trào đã khơi dậy nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, nhiều giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn, phát huy.

Quảng Ninh là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về tổ chức lễ hội. Trong ảnh: Lễ hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí).

Quảng Ninh là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về tổ chức lễ hội. Trong ảnh: Lễ hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí).

Kể từ năm 2006 đến nay, kế thừa, phát triển những quan điểm chỉ đạo và định hướng lớn của Đảng, ngành văn hoá - thể thao Quảng Ninh đã chủ động rà soát, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, quản lý về các lĩnh vực văn hóa, thể thao của tỉnh. Tiêu biểu gần đây nhất có thể kể đến như: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa; Kế hoạch xây dựng mạng lưới thiết chế văn hóa…

Các văn bản này sau khi ban hành đã được ngành chỉ đạo chuyên môn cụ thể hóa bằng những đề án, dự án, chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Do đó, các hoạt động của ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực, khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển KT-XH của tỉnh; tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển các hoạt động những năm tiếp theo.

Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh - Điểm nhấn văn hóa bên bờ vịnh Hạ Long.

Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh - Điểm nhấn văn hóa bên bờ vịnh Hạ Long.

Trong giai đoạn này, nhiều giá trị mới về văn hóa, chuẩn mực đạo đức được khẳng định và nhân rộng, phát huy tính dân chủ trong xã hội. Hoạt động văn hóa quần chúng có bước tiến quan trọng về “lượng” và “chất”. Nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc được tổ chức rộng rãi đã cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" những năm gần đây gắn với thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa trong Chương trình xây dựng nông thôn mới và phong trào “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang” phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Năm 2022, toàn tỉnh ước có 95% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 95% khu dân cư đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”; có 100% xã đăng ký giữ vững và thi đua đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Hoạt động sáng tạo, sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT được tỉnh quan tâm đầu tư cao. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thư viện, thông tin tuyên truyền cổ động và điện ảnh được củng cố, đầu tư, vận hành theo xu hướng đặt hàng, hoạt động ổn định và có bước phát triển. Bảo tàng tỉnh được xây dựng trở thành một điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, tiêu biểu của tỉnh.

Đền Cửa Ông - Cặp Tiên là một trong 6 Di tích quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh hiện nay.

Đền Cửa Ông - Cặp Tiên là một trong 6 Di tích quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh hiện nay.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 638 di tích, trong đó có 6 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, 92 di tích cấp tỉnh và 482 di tích được kiểm kê phân loại. Vừa qua, Vịnh Hạ Long lần thứ 3 (cùng với quần đảo Cát Bà của TP Hải Phòng) được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia, đến nay tỉnh đã có 13 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia. Nhiều quy hoạch lớn về bảo tồn các khu di tích được phê duyệt; nhiều di tích đã được đầu tư, tu bổ từ nhiều nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, du khách, đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.

Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu và sớm hoàn thành tổng kiểm kê 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, với 362 di sản. Trên cơ sở giá trị đặc biệt, nổi trội, ngành văn hoá đã tham mưu tỉnh lập hồ sơ đề nghị và được công nhận 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; di sản then của người Tày ở Bình Liêu cùng với 10 tỉnh trong cả nước có di sản then đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại...

Di sản then của người Tày ở Bình Liêu cùng với 10 tỉnh trong cả nước có di sản then đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Trung Hà (CTV)

Di sản then của người Tày ở Bình Liêu cùng với 10 tỉnh trong cả nước có di sản then đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Trung Hà (CTV)

Với Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, chắc chắn, Quảng Ninh sẽ tiếp tục dành nguồn lực tương xứng, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển văn hoá trên địa bàn trong thời gian tới.

Ngày đăng: 26/9/2023
Thực hiện: PHAN HẰNG
Trình bày: ĐỖ QUANG