Thời gian qua, tỉnh luôn dành quan tâm đặc biệt cho phát triển ngành Giáo dục. Ngân sách chi cho lĩnh vực GD&ĐT hằng năm chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Hàng loạt các chính sách đặc thù, riêng có, mang tính nhân văn cho giáo dục được tỉnh ban hành, triển khai đã tạo nên những đột phá, chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Những quyết sách hợp lòng dân
Nhìn lại quá trình phát triển, đặc biệt là 10 năm qua thấy rõ, tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng cho công tác GD&ĐT. Các chính sách đặc thù của tỉnh được xây dựng kịp thời, hợp lòng dân, trên cơ sở mở rộng các chính sách của Trung ương, mở rộng đối tượng được thụ hưởng. Việc triển khai các chính sách duy trì kịp thời, thường xuyên, công bằng cho các đối tượng, tác động tích cực đến chất lượng giáo dục toàn tỉnh. Nổi bật là: Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về việc quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 về việc quy định chính sách thu hút đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường CĐ Việt Hàn Quảng Ninh và Trường CĐ Y tế Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025. Hay như Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó quy định hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2021-2022, theo mức thu học phí công lập đang áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Chị Bùi Thị Diệu Thúy, phường Hòa Lạc, TP Móng Cái, phấn khởi nói: Tôi cũng như nhiều phụ huynh rất phấn khởi vì các con được tỉnh hỗ trợ 100% học phí trong năm học này. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhân dân gặp nhiều khó khăn, chính sách ban hành rất kịp thời, sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng còn nhiều khó khăn.
Cùng với việc ban hành nhiều chính sách đặc thù cho giáo dục, tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại; từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh. Giai đoạn 2015-2020, tổng kinh phí tỉnh chi cho GD&ĐT lên tới gần 22 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, tỉnh đã thuê những tư vấn hàng đầu thế giới lập 7 quy hoạch chiến lược, trong đó có Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa phương có nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo tính chuyên nghiệp và đẳng cấp quốc tế, đáp ứng hội nhập quốc tế và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; có kết cấu hạ tầng, cơ sở đào tạo chuyên nghiệp có khả năng đào tạo nghề đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực; có điều kiện, năng lực liên kết, liên doanh với các cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước và quốc tế.
Đồng thời, tích cực vận dụng hình thức đối tác công - tư để huy động nguồn lực ngoài ngân sách, đầu tư một số cơ sở giáo dục chất lượng cao ở những nơi có điều kiện thuận lợi, như: Trường Mầm non quốc tế thiếu nhi 1/6 (TP Cẩm Phả); Trường Mầm non Olympia (TP Móng Cái); Trường Quốc tế Singapore tại TP Hạ Long… Qua đó, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân trong tỉnh.
Cô giáo Trần Thị Thuần, Hiệu trưởng Trường Mầm non quốc tế thiếu nhi 1/6 (TP Cẩm Phả), cho biết: Dù mới hoạt động được 1 năm, song với nhiều phương pháp giảng dạy mới như Montessori, STEM, Reggio Emillia cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi, đã có trên 100 phụ huynh đăng ký cho con học tại trường, giúp trẻ sớm hình thành tính tự lập.
Được biết, Trường Mầm non Quốc tế thiếu nhi 1/6 có quy mô rộng trên 5.300 m2 tại phường Cẩm Sơn, với 20 phòng học; mỗi phòng rộng từ 100-180m2, đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ từ 20-24 trẻ học. Trong số 40 giáo viên, nhà trường có 3 giáo viên người nước ngoài cơ hữu, giúp trẻ tiếp cận với tiếng Anh từ sớm và có khả năng phát âm chuẩn.
Để học sinh thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất
Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh, trẻ em trong cả nước nói chung chịu nhiều thiệt thòi, tác động đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập, thi cử. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh, đến thời điểm này, với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, trẻ em và học sinh (đối tượng chiếm đến ¼ dân số toàn tỉnh) vẫn được thụ hưởng một môi trường giáo dục tốt nhất. Có thể thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch, song cả 2 kỳ thi lớn đó là: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 được tổ chức thành công. Trong suốt cả 2 kỳ thi, toàn tỉnh không có thí sinh không dự thi do thuộc đối tượng bị cách ly vì dịch Covid-19. Các điều kiện tổ chức thi được đảm bảo; công tác coi thi tại các điểm thi diễn ra an toàn, đúng quy định. Đặc biệt, với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, giữ vững địa bàn an toàn, Quảng Ninh tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong 1 đợt, trong khi một số tỉnh, thành phố trong nước phải tổ chức thành 2 đợt thi do ảnh hưởng của dịch. Điều này khẳng định nỗ lực rất lớn, sự quan tâm đặc biệt của tỉnh dành cho học sinh. Em Lê Thị Huyên, từng dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Minh Hà (TX Quảng Yên), chia sẻ: Em rất vui vừa qua tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng em đều thi cùng 1 đợt, trước khi thi còn được xét nghiệm SARS-CoV-2. Điểm thi của em còn có 2 phòng chăm sóc y tế với 3 đến 5 nhân viên y tế để thực hiện theo dõi sức khỏe cho thí sinh.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Ba Chẽ là địa phương có địa bàn trải rộng, dân cư sống không tập trung. Tuy nhiên, trong cả 2 kỳ thi, thí sinh phải di chuyển xa đều được chính quyền địa phương, nhà trường hỗ trợ xe đưa đón, bố trí chỗ ăn, nghỉ miễn phí, tập trung, đảm bảo an toàn, tạo tâm lý thoải mái cho các thí sinh và sự yên tâm cho các bậc phụ huynh.
Bên cạnh nỗ lực để tổ chức thành công cho các kỳ thi quan trọng, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng đảm bảo an toàn cho tất cả học sinh khi đến trường, đến lớp. 100% học sinh toàn tỉnh đều được hân hoan khai giảng đúng ngày 5/9 và đi học trực tiếp tại lớp học từ đầu năm học. Tỉnh cũng đã sớm chỉ đạo ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch chuyển trạng thái dạy học thích ứng với tình huống khi có 500 đến 1.000 người mắc Covid-19 trên địa bàn nhằm đạt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Có thể thấy, giáo dục luôn được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Chắc chắn, với sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, học sinh, trẻ em toàn tỉnh tiếp tục được thụ hưởng các chính sách, học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất, an toàn nhất. GD&ĐT của Quảng Ninh sẽ có thêm nhiều bứt phá, đi đúng lộ trình đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.