
Đề án giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng đối với diện tích đất có rừng tự nhiên và rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách do UBND các xã nhận bàn giao từ các đơn vị cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, gắn với việc lập hồ sơ quản lý rừng của TP Móng Cái giai đoạn 2019-2020 (gọi tắt là Đề án giao đất, giao rừng) được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 3/2019. Sau 4 năm triển khai, đề án này đã nhiều lần “lỗi hẹn” về đích và vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, loay hoay với việc rà soát, xác định nguồn gốc sử dụng đất, sử dụng rừng, điều chỉnh một số nội dung thực hiện Đề án.
Nút thắt từ sự chồng lấn đất rừng
Theo Đề án giao đất, giao rừng của TP Móng Cái được UBND tỉnh phê duyệt, xã Bắc Sơn có 706,86ha, gồm đất rừng tự nhiên và rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách, chủ yếu là rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách do Đoàn Kinh tế quốc phòng 327 bàn giao về địa phương.

Phần lớn diện tích rừng tại thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn đang chồng lấn với diện tích rừng từ dự án trồng rừng do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327 bàn giao về địa phương.
Phần lớn diện tích rừng tại thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn đang chồng lấn với diện tích rừng từ dự án trồng rừng do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327 bàn giao về địa phương.
Triển khai đề án này, xã Bắc Sơn đã nhiều lần phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn nông lâm nghiệp Quảng Ninh rà soát lại toàn bộ diện tích đất rừng trên địa bàn xã. Sau rà soát, diện tích rừng thực tế so với diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách rừ các dự án được bàn giao cho địa phương lại có độ “vênh” rất lớn.
Trao đổi với phóng viên, ông Vương Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, băn khoăn: Kết quả rà soát mới nhất vào tháng 8/2022, đối với 709,2ha diện tích đất có rừng tự nhiên và rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn xã, thì chỉ 694,5ha có rừng, 4,7ha là đất nông nghiệp và có 10ha mặt nước. Diện tích rừng trồng bằng vốn ngân sách chỉ có 0,8hacác hộ gia đình đang sử dụng ổn định trồng rừng bằng nguồn vốn tự có là 112,5ha; đất trống 36,2ha; rừng tự nhiên 20,4ha.

Người dân xã Bắc Sơn, TP Móng Cái thu hoạch keo.
Người dân xã Bắc Sơn, TP Móng Cái thu hoạch keo.
Điều đáng chú ý là qua rà soát có tới 524,6ha là diện tích người dân xâm lấn, chồng lấn với diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách được bàn giao cho địa phương. Phần lớn diện tích này, người dân đã sử dụng hàng chục năm, qua mấy vụ thu hoạch keo. Cùng với đó, khi bàn giao diện tích rừng trồng từ nguồn vốn ngân sách về cho địa phương, các đơn vị bàn giao cả diện tích đất nông nghiệp và diện tích mặt nước được tính là diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là không chính xác. Gây khó khăn cho việc triển khai đề án.
Theo ông Cường, hiện nay trên địa bàn xã Bắc Sơn có hơn 5.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có tới 4.000ha rừng sản xuất, nhưng đến thời điểm này, toàn xã mới cấp được 22 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 15 hộ dân. Đây cũng là bất cập lớn, dẫn tới nhiều khó khăn trong công tác quản lý của địa phương và sản xuất của người dân.
Là 1 trong 4 địa phương thực hiện Đề án giao đất, giao rừng của TP Móng Cái, hiện nay xã Hải Sơn đã thực hiện xong việc rà soát, xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc đề án và báo cáo UBND thành phố. Số liệu sau rà soát cũng “vênh” khá lớn so với số liệu tại đề án được phê duyệt.
Ông Nình A Dằn, công chức địa chính xã Hải Sơn, cho biết: Theo Đề án giao đất, giao rừng, xã Hải Sơn được phê duyệt 344,99ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 229,16ha; diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là 115,83ha. Tuy nhiên, sau khi phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát lại, đến nay tổng diện tích chỉ còn 344,64ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 161,22ha. Diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn tự có của nhân dân là 183,06ha. Diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ là 0,35ha.

Xã Bắc Sơn có tới 524,6ha là diện tích người dân xâm lấn, chồng lấn với diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách được bàn giao cho địa phương.
Xã Bắc Sơn có tới 524,6ha là diện tích người dân xâm lấn, chồng lấn với diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách được bàn giao cho địa phương.

Xã Bắc Sơn có hơn 5.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có tới 4.000ha rừng sản xuất, nhưng đến thời điểm này, toàn xã mới cấp được 22 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 15 hộ dân.
Xã Bắc Sơn có hơn 5.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có tới 4.000ha rừng sản xuất, nhưng đến thời điểm này, toàn xã mới cấp được 22 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 15 hộ dân.
Tình trạng này cũng xảy ra ở Vĩnh Trung, Vĩnh Thực. Tại xã Vĩnh Trung, diện tích đất có rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách (chủ yếu là dự án trồng mới 5 triệuha rừng - Dự án 661 do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện) được phê duyệt tại Đề án là 373,23ha. Nhưng qua rà soát thực tế chỉ còn 294,68ha (Trong đó diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách trên sổ xanh đã giao cho hộ gia đình là 250,48ha; diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách trên đất UBND xã quản lý là 44,2ha); diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn tự có của nhân dân là 4,26ha; diện tích đất trống 64,5ha; diện tích sông suối không trồng được rừng là 9,79ha.
Còn tại xã Vĩnh Thực, trong khi diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách được phê duyệt tại Đề án là 427,36ha thì sau rà soát, diện tích loại rừng này chỉ còn 296,94ha; diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn tự có của nhân dân là 18,63ha; diện tích đất trống 111,79ha.
Đề án giao đất, giao rừng trên địa bàn TP Móng Cái được thực hiện trên địa bàn 4 xã: Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực. Đề án này được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 1.852,44ha. Trong đó: Hải Sơn 344,99ha; Bắc Sơn 706,86ha; Vĩnh Trung 373,23ha; Vĩnh Thực: 427,36ha. Số liệu được TP Móng Cái và đơn vị tư vấn tổng hợp trên cơ sở kết quả nhận bàn giao của các dự án trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước bàn giao về cho UBND TP Móng Cái quản lý.
Qua rà soát thực tế của các địa phương và đơn vị tư vấn, sự chồng lấn, xâm lấn đối với diện tích rừng do các đơn vị thực hiện dự án trồng rừng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bàn giao về cho các địa phương là khá lớn. Khi bàn giao về cho địa phương đã không được rà soát kỹ, dẫn đến diện tích rừng bàn giao "chưa sạch". Công tác tiếp nhận, bàn giao diện tích đất rừng, lập Đề án trên cơ sở số liệu, diện tích rừng được bàn giao chưa được rà soát chặt chẽ; cộng với việc hiện nay phần lớn các sổ xanh giao khoán rừng cho người dân vẫn đang trong thời hạn giao khoán... dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Giải pháp cho đề án được “thông”

Sau 4 năm triển khai, Đề án giao đất, giao rừng tại Móng Cái vẫn chưa “thông”. Thành phố đang chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương cùng đơn vị tư vấn hoàn thành việc rà soát, xác định nguồn gốc quá trình sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc đề án. Việc khẩn trương rà soát, xác định nguồn gốc quá trình sử dụng đất, sử dụng rừng đang là một trong những biện pháp tích cực để gỡ nút thắt cho đề án sớm “thông”.

Theo Đề án giao đất, giao rừng, xã Hải Sơn được phê duyệt 344,99ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 229,16ha; diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là 115,83ha.
Theo Đề án giao đất, giao rừng, xã Hải Sơn được phê duyệt 344,99ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 229,16ha; diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là 115,83ha.
Ông Phạm Tiến Thắng, chuyên viên Phòng TN&MT TP Móng Cái, cho biết: Sau nhiều lần rà soát, xác định nguồn gốc quá trình sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc đề án, TP Móng Cái đã trình UBND tỉnh cho phép được điều chỉnh một số nội dung của đề án. Trong đó, điều chỉnh tên từ “Đề án giao rừng, cho thuê rừng, gắn liền với việc giao đất, cho thuê đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn TP Móng Cái năm 2019, thành “Đề án giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với diện tích các đơn vị bàn giao về UBND TP Móng Cái”. Điều chỉnh diện tích thực hiện đề án từ 1.852,44ha thành 1.842,65ha. Đồng thời, thành phố cũng đề xuất gia hạn thời gian thực hiện đề án đến hết năm 2023.

Tại xã Vĩnh Thực cũng xảy ra tình trạng chồng lấn giữa đất rừng đã giao sổ xanh cho người dân với đất rừng trồng bằng các dự án ngân sách nhà nước.
Tại xã Vĩnh Thực cũng xảy ra tình trạng chồng lấn giữa đất rừng đã giao sổ xanh cho người dân với đất rừng trồng bằng các dự án ngân sách nhà nước.
Hiện nay, TP Móng Cái có 28.835,15ha đất lâm nghiệp, trong đó: Rừng phòng hộ có 15.696,74ha; còn lại là rừng sản xuất. Đến nay, thành phố đã thực hiện giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất trên địa bàn với tổng diện tích là 19.600,02ha, chiếm 68% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Tổng diện tích đất lâm nghiệp còn lại chưa được giao là 9.235,13ha, trong đó: Rừng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch phòng hộ nhưng do UBND các xã, phường đang quản lý là 3.151,34ha. Diện tích đất lâm nghiệp chưa giao cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND thành phố hơn 5.333ha.

Nhiều diện tích rừng thông tại xã Vĩnh Trung cũng có sự chồng lấn giữa rừng đã giao cho người dân với rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái quản lý.
Nhiều diện tích rừng thông tại xã Vĩnh Trung cũng có sự chồng lấn giữa rừng đã giao cho người dân với rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái quản lý.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn 3.480,78ha đất lâm nghiệp của các hộ dân tham gia dự án trồng rừng Việt Đức nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ, diện tích các hộ dân đang sử dụng nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ, diện tích UBND các xã, phường quản lý nhưng chưa giao.

Nhiều diện tích đang trong tình trạng chồng lấn nhưng đã được người dân chặt bỏ cây thông và thay thế bằng cây bạch đàn.
Nhiều diện tích đang trong tình trạng chồng lấn nhưng đã được người dân chặt bỏ cây thông và thay thế bằng cây bạch đàn.
Năm 2019 - năm đầu tiên triển khai Đề án giao đất, giao rừng, TP Móng Cái đã phấn đấu hoàn thiện công tác giao đất, giao rừng tại thực địa và cấp GCNQSDĐ cho mục đích lâm nghiệp cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, bản trên địa bàn các xã Bắc Sơn và xã Hải Sơn với tổng diện tích 1.051,85ha. Năm 2020, hoàn thành công tác giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho các hộ gia đình trên địa bàn các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực với tổng diện tích 800,59ha. Hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay, các mục tiêu về tiến độ của Đề án vẫn chưa đạt được.

TP Móng Cái đang chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc Đề án, gỡ những nút thắt của Đề án này.
TP Móng Cái đang chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc Đề án, gỡ những nút thắt của Đề án này.
Tháng 2/2021, UBND TP Móng Cái đã có văn bản số 63/BC-UBND ngày 1/2/2021 gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT, báo cáo về kết quả rà soát, xác định nguồn gốc quá trình sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc đề án và đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh một số nội dung, trong đó có việc điều chỉnh thời gian thực hiện đề án trong năm 2021-2022. Đến nay, TP Móng Cái lại tiếp tục xin gia hạn thời gian thực hiện đề án đến hết năm 2023. Với tiến độ triển khai đề án như hiện nay, ngành chức năng và các địa phương cần tích cực hơn nữa để đề án không phải thêm 1 lần “lỗi hẹn”.
Thực hiện: Thái Cảnh - Hữu Việt
Trình bày: Mạnh Hà