Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 06:37 (GMT +7)
Để cảng Cái Lân phát huy được lợi thế
Thứ 6, 26/12/2014 | 06:38:43 [GMT +7] A A
Thực hiện mục tiêu từng bước đưa kinh tế hàng hải là mũi nhọn hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế biển, Quảng Ninh đang đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cảng biển theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Trong đó, điểm nhấn sẽ tập trung khai thác lợi thế cảng Cái Lân. Tuy nhiên, đến nay cảng Cái Lân đang gặp không ít khó khăn, chưa thể phát huy thế mạnh của cảng nước sâu.
Trang thiết bị tại cảng Cái Lân được đầu tư hiện đại. |
Đầu tư theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại
Nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, mực nước sâu trước bến -13m, cầu cảng dài gần 1.500m, kho bãi chứa hàng có diện tích trên 27.000m2… giai đoạn 1, cảng Cái Lân đã mở rộng ba bến, khai thác từ tháng 4-2004 với tổng chiều dài cầu cập tàu 680m, đáp ứng cho tàu có trọng tải 45.000 tấn vào làm hàng. Giai đoạn 2, ba bến tiếp theo của cảng được Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Cái Lân - CICT đầu tư xây dựng đưa vào khai thác từ tháng 8-2012 với tổng kinh phí 155 triệu USD, trang bị hiện đại với 4 cẩu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; xe khung nâng, xe chở container trong bãi; giắc cắm cho container lạnh chở hàng tươi sống... Đặc biệt, Cảng có dịch vụ xếp dỡ hàng siêu trọng đến 100 tấn tại móc cẩu, đáp ứng tàu container trọng tải lên đến 75.000 tấn vào làm hàng.
Cùng với hạ tầng giao thông trong tỉnh ngày càng đồng bộ, hệ thống đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân đang dần hoàn thiện, các tuyến cao tốc đang khẩn trương được xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho cảng Cái Lân kết nối với các trung tâm kinh tế, với các cửa khẩu, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh… tạo ưu thế cạnh tranh phát triển cảng biển và Logistic. Hiện nay cảng Cái Lân đang được đánh giá là cảng có tiềm lực đứng đầu miền Bắc. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, năng lực thông quan cảng Cái Lân sẽ đạt 14-16 triệu tấn/năm.
Chị Đoàn Hồng Chi, Phụ trách Marketing của Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Cái Lân - CICT cho biết: Ngay từ khi được cấp phép đầu tư, chúng tôi đã đặt mục tiêu xây dựng cảng Cái Lân trở thành cảng container tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ quản lý, khai thác chuyên nghiệp, hệ thống trang thiết bị phục vụ cho quá trình xếp dỡ hàng hoá thuộc nhóm hiện đại nhất thế giới, đáp ứng được yêu cầu của các đối tác quốc tế”.
Còn theo anh Hoàng Văn Dương, Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty CP Cảng Quảng Ninh: “Công ty luôn lấy yếu tố con người là mục tiêu phát triển, cán bộ, nhân viên ở đây luôn được đầu tư một cách bài bản trong công việc, được học tập ngoại ngữ và những kiến thức tiên tiến nhất trong vận hành cảng để đáp ứng những yêu cầu đặt ra. Cùng với đó là đưa phần mềm quản lý mới thay thế phần mềm cũ đã lạc hậu. Từ đó, năng lực bốc xếp hàng rời ngày càng được nâng cao, đặc biệt cho các tàu Panamax có trọng tải đến 70.000 tấn, thời gian làm hàng cũng được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho khách hàng”.
Chưa phát huy được lợi thế
Như vậy có thể thấy, với hệ thống trang thiết bị hiện đại, con người được đầu tư chuyên nghiệp như hiện nay, cảng Cái Lân trở thành địa chỉ tin cậy đối với khách hàng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, lợi thế đó đến nay vẫn chưa thực sự phát huy được, đặc biệt là khai thác nguồn hàng container. Lý do được đưa ra tại buổi làm việc của tỉnh Quảng Ninh với Bộ GT-VT ngày 18-12 nhằm “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, khai thác dịch vụ cảng Cái Lân” đó là: Các hãng tàu trên thế giới đang chuyển đổi sang sử dụng cỡ tàu vừa và nhỏ (từ 1.000-2.000 Teu), với thói quen tiêu dùng và mô hình dịch vụ Logistics sau cảng, cảng Hải Phòng đang chiếm được ưu thế hơn. Lợi thế cảng Cái Lân chỉ phát huy được khi nhu cầu sử dụng tàu cỡ lớn (từ 3.000-4.000 Teu).
Bên cạnh đó, chi phí bốc xếp container tại cảng ở Hải Phòng thấp hơn so với cảng Cái Lân, do vậy rất khó cho cảng Cái Lân trong cạnh tranh. Thực tế, 11 tháng năm 2014, sản lượng bốc xếp container tại cảng Cái Lân chỉ đạt 96.617 Teu, bằng 44% kế hoạch, trong khi lượng hàng tổng hợp, hàng rời lại tăng cao.
Để cải thiện tình hình, Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Cái Lân - CICT đã đề nghị Bộ GT-VT cho phép được tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng rời thay vì chỉ tiếp nhận container theo đăng ký. Tuy nhiên, đến nay, Cục Hàng hải Việt Nam chỉ cho phép Công ty tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng rời khi các bến cảng khác bận làm hàng. Điều đó đã dẫn đến số lượng lớn trang thiết bị đầu tư để khai thác chưa thực sự được phát huy. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi trang thiết bị khai thác container sang khai thác hàng tổng hợp, hàng rời cũng hết sức khó khăn. Thêm nữa, hiện việc kiểm định một số mặt hàng nhập khẩu đều phải gửi mẫu niêm phong lên Trung tâm kiểm định tại Hà Nội và Hải Phòng, đã gây phiền hà cho doanh nghiệp làm các thủ tục hành chính.
Để thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó tập trung phát triển cảng biển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, Quảng Ninh đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cảng biển, theo đó sẽ đề xuất với Chính phủ có những cơ chế đặc thù để phát huy lợi thế cảng nước sâu. Cùng với đó, sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông, mở rộng vùng quay trở, bến bãi và các dịch vụ sau cảng.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()