Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 23:24 (GMT +7)
Để đảm bảo sức khỏe trong những ngày rét đậm, rét hại
Thứ 2, 25/01/2016 | 17:50:21 [GMT +7] A A
Trong những ngày này, cũng giống như nhiều tỉnh, thành phố trong nước, Quảng Ninh đang đón đợt rét đậm, rét hại. Điều này làm cho sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ bị ảnh hưởng. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế về những giải pháp của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân cũng như những khuyến cáo của ngành để mỗi người dân có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình tại nhà.
Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
+Thưa bác sĩ, trước đợt rét đậm, rét hại lần này, Sở Y tế đã có chỉ đạo gì trong ngành để đảm bảo công tác chống rét cho bệnh nhân và đảm bảo sức khỏe cho người dân?
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chủ động, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho người và bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Sở Y tế đã ban hành công văn khẩn số 111/SYT-NVY về việc chủ động các biện pháp phòng chống rét.
Theo đó, Sở chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng: Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân địa phương về phòng chống rét, đặc biệt là người già và trẻ em; cảnh báo để nhân dân biết về các tai nạn như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng bếp than trong nhà kín, bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm... Đồng thời các đơn vị y tế dự phòng phải giám sát chặt chẽ và kịp thời khống chế, dập tắt các dịch bệnh phát sinh do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra; chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các trạm y tế trực thuộc triển khai các biện pháp phòng chống rét cho bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại trạm và tuyên truyền cho nhân dân địa phương để phòng chống dịch bệnh, tai nạn do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra.
Còn với các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở chỉ đạo phải chủ động đảm bảo các điều kiện phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại đơn vị. Nơi chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị cho người bệnh phải kín gió, có đủ chăn đệm và phương tiện chống rét để đảm bảo cho người bệnh được giữ ấm. Bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra như: Các bệnh tim mạch, các bệnh về đường hô hấp… Sở cũng đã tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống rét cho người bệnh tại các bệnh viện; kiểm tra công tác tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, tai nạn do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra tại các trung tâm y tế dự phòng.
+ Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người già, trẻ nhỏ trong những đợt rét đậm, rét hại?
-Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, mỗi người cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng, chống đỡ của cơ thể; mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa... Tuyệt đối không tắm khuya, hoặc tắm quá lâu, tắm nơi không kín gió vì dễ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, có thể gây tử vong. Cũng không nên tắm và gội cùng lúc tránh nguy hiểm cho sức khỏe. Hạn chế ăn các món lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể bị lạnh. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh, bởi rượu làm nở các mạch máu gây giảm thân nhiệt nên khi ra trời lạnh sẽ rất nguy hiểm…
Khi thời tiết xuống dưới 10 độ C, người già và trẻ em là những đối tượng thường mắc các bệnh lý như: Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp... Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, tuy nhiên cần chú buổi tối nếu mặc quá ấm đi ngủ đến khi nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Nên giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm và mặc quần áo vừa phải. Nếu trẻ toát mồ hội làm ướt áo thì phải thay áo. Cần cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang.
Trong những ngày rét đậm, rét hại, người cao tuổi phải tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ trong nhà ấm ra ngoài lạnh. Nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường; chú ý uống đủ nước; nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi; phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài; chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân. Tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch... Tránh đi bộ ngoài trời khi rét đậm, rét hại.
Hiện nay, nhiều gia đình dùng đèn sưởi, điều hòa nhiệt độ chiều nóng để tăng nhiệt độ trong phòng. Tuy nhiên, cũng cần chú ý nhiệt độ để phù hợp, không để quá nóng. Nhiều trẻ sơ sinh, da mỏng, nếu để quá gần đèn sưởi sẽ dẫn tới hiện tượng bỏng da.
Không nên sưởi ấm phòng bằng bếp than tổ ong hoặc củi trong phòng kín sẽ dẫn tới nguy cơ phát sinh khí cacbonic, giảm khí ôxy. Nếu để thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới hiện tượng hôn mê, tổn thương não, chết ngạt.
+ Xin cảm ơn bác sĩ!
Thu Nguyệt (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()