Tất cả chuyên mục

Để không ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng có nơi an cư, lạc nghiệp, ở khắp các thôn, xóm trên địa bàn Quảng Ninh hàng trăm ngôi nhà tạm, nhà dột nát đã được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi được sinh sống trong những ngôi nhà mới và nỗ lực để xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm, hạnh phúc.
Hiện thực hóa những giấc mơ
Trong căn nhà thơm mùi sơn mới được khánh thành cuối tháng 12/2024, anh Tạ Văn Chi (thôn Đồng Cống, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn) không giấu được niềm vui vì ước mơ có được ngôi nhà kiên cố đã trở thành hiện thực. Trước đây gia đình anh Chi sống trong ngôi nhà tạm bợ, nắng nóng, mưa dột. Mong muốn xây dựng lại nhà cho vợ con, nhưng do không có nghề nghiệp ổn định, chỉ là lao động tự do, nên anh Chi có tích góp bao nhiêu cũng không đủ kinh phí xây dựng lại ngôi nhà.
Niềm vui đã đến với anh Chi, khi gia đình anh đã được xét duyệt xây dựng lại ngôi nhà mới. Công trình được huyện Vân Đồn giao cho Hội Chữ thập đỏ huyện đảm nhận và kêu gọi nguồn lực xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 70 triệu đồng, còn lại là huy động sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình.
Được biết ngôi nhà của anh Chi được hoàn thành với tổng số tiền khoảng 360 triệu đồng, đảm bảo tiêu chí 3 cứng. Và kể từ nay, gia đình anh sẽ an cư, lạc nghiệp, yên tâm hơn để tập trung lao động sản xuất, nâng cao đời sống.
Anh Chi tâm sự: Được các cấp chính quyền quan tâm, gia đình tôi phấn khởi lắm vì đã có nhà mới để ở. Năm nay cả gia đình tôi ăn Tết trong ngôi nhà mới mà chúng tôi hằng ao ước bấy lâu. Có được nhà mới, tôi yên tâm hơn để phát triển kinh tế, dần ổn định đời sống gia đình, nuôi con cái ăn học đàng hoàng.
Gần 2 năm qua, ông Tằng Chi Sếnh (thôn Pạc Sủi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) vẫn luôn hân hoan niềm vui vì được sống trong căn nhà mới. Bà con lối xóm ai cũng vui mừng cho ông khi căn nhà dột nát, siêu vẹo trước đây đã được thay thế bằng căn nhà mới khang trang, rộng rãi.
Ông Tằng Chi Sếnh, là một trong những hộ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn của xã Quảng Sơn. Qua rà soát ông Sếnh nằm trong diện được hỗ trợ để xây mới nhà ở theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát của tỉnh. Từ nguồn hỗ trợ 80 triệu đồng xã hội hóa của huyện và vốn đối ứng của gia đình, ngôi nhà ông Sếnh mơ ước từ lâu đã hình thành (ngôi nhà được hoàn thành vào tháng 8/2023).
Ông xúc động kể lại: “Đón nhận chìa khóa trao tay cùng với nhiều phần quà mừng tân gia của cấp ủy chính quyền địa phương trong ngày bàn giao nhà, tôi lúc đó rất xúc động, cảm ơn Đảng, chính quyền và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ tôi có được ngôi nhà mơ ước này. Trước đây, một mình tôi sống trong căn nhà vách đất thấp, bé. Ngày nắng thì không sao, nhưng ngày mưa thì dột lắm nên lúc nào cũng mong ước có được ngôi nhà để những ngày mưa bớt khổ. May mắn được huyện hỗ trợ 80 triệu đồng làm nhà, được các đoàn thể giúp đỡ, ngôi nhà mới cũng đã hoàn thành. Ở ngôi nhà mới 2 năm qua, tôi vẫn còn chưa hết bồi hồi, ngỡ ngàng vì ước mơ của mình đã thành hiện thực”.
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm ngôi nhà tạm, dột nát của tỉnh được hỗ trợ xây mới, sửa chữa kiên cố, khang trang, vững chãi bằng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và nhà hảo tâm. Mỗi ngôi nhà được khánh thành và bàn giao thực sự là một mái ấm thắm đượm tình đoàn kết dân tộc, giúp các hộ gia đình từng bước an cư, lạc nghiệp, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đóng góp vào sự ổn định và phát triển của các địa phương.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Thời gian qua, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành phong trào rộng khắp và mang lại “sinh lực mới” cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương vùng cao, miền núi, vùng DTTS. Trong đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, chính là đòn bẩy, là sự kết nối của ý Đảng, lòng dân.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn…
Triển khai thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh đã rà soát số lượng nhà cần hỗ trợ với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở giúp đỡ các gia đình trong quá trình thi công sửa chữa nhà ở, đảm bảo chất lượng công trình, giúp các hộ yên tâm ổn định cuộc sống.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát phát sinh trong năm với 441 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà với tổng kinh phí đã vận động hỗ trợ gần 33 tỷ đồng. Tháng 7/2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 1.450 hộ gia đình người có công trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách là 81.766,8 triệu đồng, tiến độ hoàn thành trong năm 2023.
Năm 2024, tỉnh phát sinh 88 hộ có nhà dột nát ở 6 địa phương bao gồm: Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà. Đặc biệt, tháng 9/2024, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề, trong đó đã phát sinh hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, sập đổ hoàn toàn. Theo đó, toàn tỉnh đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 67/88 hộ với kinh phí hỗ trợ gần 3,6 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị thiệt hại do bão số 3 cho 210/391 hộ với kinh phí hỗ trợ trên 12,2 tỷ đồng. Hiện nay các địa phương đang quyết liệt triển khai để hoàn thành việc hỗ trợ, sửa chữa nhà ở bị thiệt hại do bão số 3 theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và triển khai việc xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025.
Hiện toàn tỉnh có 135 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xóa nhà dột nát (xây mới 112 hộ, sửa chữa 23 hộ); 392 hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ cần hỗ trợ về nhà ở (168 hộ xây mới, 224 hộ sửa chữa).
Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành xoá bỏ 100% nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần sửa chữa, xây mới trên địa bàn tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó trong năm nay, tỉnh quyết tâm huy động sức mạnh tổng hợp và mọi nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự tham gia giúp đỡ của cộng đồng, gia đình trong việc hỗ trợ các hộ dân cải thiện nhà ở.
Hiện tỉnh đã giao UBND các địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, xác định số lượng nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn quản lý để thực hiện hỗ trợ. Theo yêu cầu, việc rà soát phải hoàn thành trước ngày 30/6; rà soát, xác định đúng đối tượng, đủ điều kiện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việc hỗ trợ cần bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, phát sinh tiêu cực.
Việc hỗ trợ cũng sẽ gắn liền với phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2025”, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cũng như khẳng định vai trò của tỉnh, địa phương trong thực hiện công tác an sinh xã hội.
Ý kiến ()