
Hoạt động phố đi bộ đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới và đã sớm trở thành một sản phẩm du lịch phổ biến. Những năm gần đây, trước tốc độ phát triển đô thị, du lịch, sự thông thương, giao lưu kinh tế, văn hóa mạnh mẽ, phố đi bộ du lịch xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Bắt kịp xu hướng đó, tại Quảng Ninh nhiều tuyến phố đi bộ đã được hình thành tại các địa phương như Móng Cái, Tiên Yên, Hạ Long… Ở mỗi nơi, phố đi bộ đều mang nét đặc trưng văn hóa, sự đa dạng về dịch vụ, giải trí, đặc biệt là tính thân thiện, kết nối cộng đồng đã và đang thu hút đông đảo du khách.
Sản phẩm hấp dẫn cho kinh tế đêm
Tháng 5/2015 đánh dấu xự xuất hiện đầu tiên của phố đi bộ tại Quảng Ninh là phố đi bộ Trần Phú (Móng Cái). Đến tháng 8/2017, phố đi bộ Tiên Yên đi vào hoạt động. Đây được coi là hai mô hình phố đi bộ thành công nhất tại Quảng Ninh đến thời điểm hiện tại.
Phố đi bộ Tiên Yên được bố trí không gian hợp lý với 3 khu chính, gồm: Khu văn hóa dân gian, khu phố chợ và phố ẩm thực. Trong 5 năm qua đã có khoảng 800.000 lượt người dân, du khách đến với tuyến phố đi bộ. “Hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố” là chủ đề mà người Tiên Yên đặt cho phố đi bộ nhằm lưu giữ hình ảnh về một Tiên Yên xa xưa với nếp sống êm đềm, bình dị không lẫn với bất kỳ nơi nào. Bởi vậy, khi đặt chân tới phố đi bộ Tiên Yên, du khách sẽ đều cảm thấy thú vị khi được khám phá nét văn hóa độc đáo vùng đất miền Đông Bắc của Quảng Ninh.
Chị Đoàn Thị Hường (du khách Thái Bình) chia sẻ:
Tâm lý của khách du lịch khi đến một địa phương là muốn được ngắm nghía, tìm hiểu, khám phá văn hóa, ẩm thực. Vì vậy, hoạt động phố đi bộ sẽ đáp ứng nhu cầu này của du khách. Đến với phố đi bộ Tiên Yên, tôi và gia đình không chỉ được tham gia trải nghiệm với những trò chơi dân gian, thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương mà còn được hòa mình vào nhịp sống, giao lưu, gắn kết với chính người dân bản địa một cách gần gũi, thân thiện.

Phố đi bộ Tiên Yên với những góc tường trang trí đẹp mắt tạo điểm check-in thu hút du khách.
Phố đi bộ Tiên Yên với những góc tường trang trí đẹp mắt tạo điểm check-in thu hút du khách.

Phố đi bộ Bài Thơ đông vui, nhộn nhịp trong ngày khai trương 23/6 vừa qua.
Phố đi bộ Bài Thơ đông vui, nhộn nhịp trong ngày khai trương 23/6 vừa qua.
Mới đây, ngày 23/6/2023, phố đi bộ Bài Thơ (TP Hạ Long) chính thức khai trương hứa hẹn mang đến một sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn tại thành phố bên bờ di sản. Phố đi bộ Bài Thơ hoạt động từ 18 giờ đến 24 giờ tối ngày thứ sáu, thứ bảy hàng tuần. Tuyến phố có vị trí đắc địa nằm dưới chân núi Bài Thơ, nơi có chùa Long Tiên cổ kính, kết nối rất gần với cụm Di tích lịch sử văn hóa núi Bài Thơ và nhiều di tích được xếp hạng quốc gia. Đồng thời, kết nối thuận lợi với chợ Hạ Long 1, Vincom, Công viên Hạ Long và đường bao biển Trần Quốc Nghiễn. Phố đi bộ Bài Thơ được duy trì với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đường phố đặc sắc như biểu diễn âm nhạc, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy hiện đại... Cùng với đó là các gian hàng trưng bày, bán các sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố.
Chị Lê Thị Vân (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long), cho biết:
Ngay trong ngày khai trương, phố đi bộ đã rất đông đúc, thu hút nhiều khách du lịch. Hoạt động vui chơi, kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi nổi làm cho nhịp sống dọc tuyến phố cũng trở nên vui tươi, chúng tôi cũng thấy tự hào khi nơi mình sinh sống trở thành một tuyến phố đẹp, văn minh được bạn bè gần xa yêu mến.
Việc xây dựng các phố đi bộ không chỉ tạo sản phẩm du lịch mới góp phần tạo sự đa dạng, mới mẻ, gia tăng trải nghiệm cho du khách, tăng sức cạnh tranh cho điểm đến mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, lĩnh vực mà Quảng Ninh còn rất nhiều dư địa.
Xây dựng thương hiệu du lịch bền vững

Loại hình phố đi bộ kết hợp du lịch ngày càng phổ biến đã trở thành địa điểm yêu thích và xu hướng phát triển du lịch tại nhiều địa phương ở trong và ngoài tỉnh. Hầu hết, các phố đi bộ tại Quảng Ninh đang hoạt động đều có mô hình tương đồng với các hoạt động vui chơi, tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm ẩm thực, nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, ăn uống, giải trí của du khách. Dạo một vòng qua các tuyến phố đi bộ du khách có thể vừa thư giãn, vừa ngắm nhìn phong cảnh, vừa sắm cho mình những món đồ hữu ích, đặc biệt được khám phá nét văn hóa độc đáo, hiểu hơn về nếp sống của nhân dân địa phương. Với những trải nghiệm hấp dẫn đó, các con phố đi bộ này đang tạo nên sức hút và “thương hiệu” cho điểm đến tại Quảng Ninh.

Du khách chụp ảnh cùng người dân địa phương trong trang phục dân tộc truyền thống tại phố đi bộ Tiên Yên.
Du khách chụp ảnh cùng người dân địa phương trong trang phục dân tộc truyền thống tại phố đi bộ Tiên Yên.
Để phố đi bộ trở thành điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, được nhiều người biết đến, thời gian qua, các địa phương của tỉnh đã huy động, tạo sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của nhân dân trong việc triển khai tuyến phố. Cùng với đó, tổ chức học tập kinh nghiệm về xây dựng, tổ chức, quản lý các phố đi bộ du lịch từ các địa phương ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tích cực triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo nhằm tạo sự khác biệt cho tuyến phố đi bộ của địa phương cũng như bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Bà Hà Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên), cho biết:
Dọc tuyến phố đi bộ Tiên Yên còn khoảng 10 căn nhà cổ - đây là điểm nhấn phố thị Tiên Yên cổ kính, trầm mặc thu hút khách tham quan nên được địa phương luôn quan tâm tu bổ, gìn giữ. Ngoài ra, chúng tôi chủ động cân đối nguồn ngân sách được cấp thực hiện các hoạt động nâng cấp cơ sở vật chất cho tuyến phố hàng năm như xây dựng con đường ánh sáng, con đường hoa, trang trí các nhà cổ, nâng cao chất lượng các sân khấu, giao lưu âm nhạc... và kinh phí tổ chức các hoạt động của tuyến phố đảm bảo mới mẻ, hấp dẫn.

Phố đi bộ TP Móng Cái thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: Vi Thu (Trung tâm TT-VH Móng Cái)
Phố đi bộ TP Móng Cái thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: Vi Thu (Trung tâm TT-VH Móng Cái)
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần nhìn nhận, đánh giá cụ thể những hạn chế trong triển khai các tuyến phố đi bộ hiện nay để tổ chức quản lý hiệu quả hơn. Trong đó, cần chú ý tới tận dụng, khai thác ưu thế lịch sử, văn hóa địa phương; phát huy tính liên kết của tuyến phố đi bộ và hệ thống giao thông công cộng xung quanh, bố trí không gian đỗ xe phục vụ khách du lịch. Đồng thời, đa dạng mô hình, mặt hàng kinh doanh; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động biểu diễn đường phố để thu hút du khách. Đặc biệt, cần chủ động kết nối các đơn vị lữ hành, xây dựng các tour tuyến du lịch đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm phố đi bộ.

Phố đi bộ Tiên Yên luôn tấp nập du khách vào mỗi tối thứ 7 hằng tuần. Ảnh: Xuân Thao (CTV)
Phố đi bộ Tiên Yên luôn tấp nập du khách vào mỗi tối thứ 7 hằng tuần. Ảnh: Xuân Thao (CTV)
Việc xây dựng, phát huy tốt hiệu quả các phố đi bộ không chỉ tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn là mong muốn của các cấp chính quyền, nhân dân trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh tại địa phương, góp phần khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, thân thiện của Quảng Ninh.

Không chỉ là nơi mua sắm thương mại, phố đi bộ Bài Thơ ra đời còn là sản phẩm du lịch văn hóa mới mẻ, hấp dẫn của thành phố bên bờ di sản Vịnh Hạ Long.
Phố đi bộ Bài Thơ tại vị trí phố Long Tiên và phố Lê Quý Đôn (phường Bạch Đằng) hoạt động phố đi bộ từ 18h00-24h00 các ngày thứ sáu, thứ bảy hàng tuần. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian sẽ diễn ra vào các ngày phố đi bộ hoạt động... Đồng thời, định kỳ hàng tháng, hàng quý sẽ có kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật để phục vụ nhân dân và du khách.

Khu vực tô tượng thu hút đông trẻ em. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Khu vực tô tượng thu hút đông trẻ em. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Để tuyến phố hoạt động, nhiều hộ dân đã tự nguyện sơn, sửa chữa nhà, khuôn viên; có phương án chỉnh trang đô thị phía trước hiên nhà, gỡ bỏ mái che, mái vẩy che vướng tầm nhìn, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, lập lại trật tự tuyến đường.
Ông Đinh Viết Lập, người dân khu phố Long Tiên, phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), chia sẻ:
Người dân chúng tôi rất hào hứng với việc khai trương phố đi bộ. Các hàng quán ở đây cũng đông vui sôi động nhộn nhịp hẳn lên. Chúng tôi mong muốn duy trì mãi hoạt động của phố đi bộ này.
Tại tuyến phố này, người dân có truyền thống kinh doanh buôn bán lâu đời. Bên cạnh đó còn có bến tàu trung chuyển hàng hoá, kết nối giao thông giữa khu vực Hòn Gai với các địa bàn khác trong và ngoài tỉnh. Tuyến phố còn có chùa Long Tiên cổ kính, gần với cụm Di tích lịch sử văn hoá quốc gia núi Bài Thơ. Đồng thời kết nối thuận lợi với chợ Hạ Long 1, trung tâm thương mại Vincom, Công viên Hạ Long và đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, bến tàu Hòn Gai.

Các nhóm nhảy khuấy động không gian phố đi bộ. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Các nhóm nhảy khuấy động không gian phố đi bộ. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Khi tuyến phố đi vào hoạt động, đường sá khang trang hơn, mỹ quan đô thị cũng được nâng lên một bước đáng kể. Công ty Cổ phần Vận tải khách thủy Quảng Ninh đã hiến gần 1.000m² đất, phá dỡ cổng, tường rào, phòng bảo vệ, di chuyển cột điện để mở đường giao thông, xử lý vệ sinh môi trường, nạo vét cảng bến, kè gia cố dọc tuyến, đầu tư hệ thống thu gom nước thải, cải tạo cảnh quan. Thành phố cũng chỉnh trang hạ tầng, lắp đặt hệ thống điện trang trí cho tuyến phố, thay thế các hộp công tơ mới, tháo bỏ phần đường dây, thiết bị điện thiết bị viễn thông không còn sử dụng, bó gọn những đường dây đang hoạt động.
Phố đi bộ cũng có 3 sân khấu biểu diễn nghệ thuật với các hoạt động giao lưu văn hóa, âm nhạc đường phố, nhảy zumba, dân vũ, ảo thuật... Cùng với đó có khoảng 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố... để phục vụ nhân dân và du khách.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý, giảng viên lớp thư pháp khóa 1 tại Hạ Long, cho biết:
Tôi rất vui mừng và vinh dự khi tham gia Phố đi bộ Bài Thơ. Thông qua các chương trình văn hóa, văn nghệ được tổ chức, du khách có cơ hội được hiểu thêm về vẻ đẹp của thư pháp, những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của dân tộc. Du khách có thể đến để thưởng thức âm nhạc, trà đạo, thư pháp, vẽ tranh ký họa, ẩm thực Hạ Long.

Góc ông đồ cho chữ tại phố đi bộ Bài Thơ.
Góc ông đồ cho chữ tại phố đi bộ Bài Thơ.
Tuyến phố đi bộ Bài Thơ góp phần giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người, văn hoá Hạ Long, tiếp tục khẳng định Hạ Long là điểm đến thân thiện, hấp dẫn. Việc hình thành tuyến phố đi bộ cũng tạo thêm không gian văn hóa mới, đẩy mạnh phong trào đi bộ tham quan các danh lam, thắng cảnh, các địa danh lịch sử, văn hóa, thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật, các món ăn đặc sắc của địa phương và ẩm thực đa dạng của các vùng miền, đưa không gian đi bộ thành một địa chỉ thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách trong nước, cũng như quốc tế.
Đây là một trong những sản phẩm du lịch mới của thành phố đưa vào phục vụ nhân dân và du khách trong năm 2023 gắn với Đề án kinh tế đêm đang được triển khai trên địa bàn thành phố. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới góp phần tạo sự đa dạng, mới mẻ, gia tăng trải nghiệm cho du khách cũng như tăng sức cạnh cho điểm đến. Việc xây dựng tuyến phố đi bộ Bài Thơ được thực hiện theo văn bản số 560 ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh về danh mục định hướng các sản phẩm du lịch mới dự kiến đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023, Đề án phát triển du lịch TP Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Người dân hào hứng chụp hình tại Phố đi bộ Bài Thơ. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Người dân hào hứng chụp hình tại Phố đi bộ Bài Thơ. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Tới đây, TP Hạ Long sẽ nghiên cứu mở rộng không gian phố đi bộ sang các khu vực lân cận. Để tuyến phố đi bộ hoạt động hiệu quả, thành phố giao Ban Quản lý tuyến phố xây dựng kế hoạch quản lý, vận hành theo đúng phương án đã được thành phố phê duyệt. Thành phố tiếp tục nghiên cứu việc thực hiện tuyến phố theo giai đoạn 2 trên các tuyến đường quanh khu vực chợ Hạ Long 1, Quảng trường chợ Hạ Long 1 và đoạn từ Công ty Cổ phần Vận tải khách thuỷ Quảng Ninh kéo dài tiếp giáp với đường Trần Quốc Nghiễn. Đồng thời, thành phố cũng sẽ hỗ trợ mở thêm một số dịch vụ kinh doanh ngành hàng trong không gian phố đi bộ nhằm làm đa dạng, phong phú các sản phẩm để phục vụ nhu cầu nhân dân và du khách cả ngày và đêm.

Góc ký họa . Ảnh: Hoàng Quý
Góc ký họa . Ảnh: Hoàng Quý

Góc thư pháp. Ảnh: Hoàng Quý
Góc thư pháp. Ảnh: Hoàng Quý

Góc âm nhạc dân gian cổ truyền. Ảnh: Hoàng Quý
Góc âm nhạc dân gian cổ truyền. Ảnh: Hoàng Quý

Góc ẩm thực. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Góc ẩm thực. Ảnh: Hoàng Quỳnh


Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long:
“Đa dạng hóa các sản phẩm, hoạt động trên phố đi bộ để phục vụ du khách”
Để đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và du khách tốt nhất, sau hoạt động khai trương phố đi bộ Bài Thơ (tại 2 phố Long Tiên và Lê Quý Đôn của phường Bạch Đằng), thành phố đang tiếp tục nghiên cứu việc thực hiện tuyến phố theo giai đoạn 2 trên các tuyến đường quanh khu vực chợ Hạ Long 1, Quảng trường chợ Hạ Long 1 và đoạn từ Công ty CP Vận tải khách thuỷ Quảng Ninh kéo dài tiếp giáp với đường Trần Quốc Nghiễn.

Khu vực chùa Long Tiên được trang trí đèn rực rỡ.
Khu vực chùa Long Tiên được trang trí đèn rực rỡ.
Cùng với đó, tập trung mở rộng cũng như thường xuyên đổi mới các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp, mang dấu ấn văn hóa địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm, ngành hàng phục vụ nhu cầu vui chơi, mua sắm của du khách, tránh hình thức, dập khuôn, mang đến cho du khách trải nghiệm mới mẻ. Đồng thời, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh kết nối với các đơn vị du lịch đưa phố đi bộ Bài Thơ vào tour tuyến tham quan để đây thực sự là một điểm đến du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến với Hạ Long.
Ông Lê Minh Thứ, Giám đốc Công ty Đầu tư Thương mại và Du lịch Thành Long:
“Đưa phố đi bộ thành điểm dừng chân của các tour ngắm cảnh, trải nghiệm”
Phố đi bộ tốt nhất nên có màu sắc, đặc trưng riêng. Phố đi bộ nên tập trung bán các sản phẩm ẩm thực, đặc sản của Quảng Ninh như hải sản, gà Tiên Yên, rượu ba kích Ba Chẽ, các sản phẩm OCOP... Việc lựa chọn địa điểm để đặt phố đi bộ cũng cần phải cần nhắc tới các yếu tố về văn hóa, lịch sử, truyền thống và dân cư. Ví dụ như phố đi bộ Bài Thơ mới được khai trương tại TP Hạ Long, tôi cho rằng việc chọn hai phố Long Tiên, Lê Quý Đôn là phù hợp, tuy nhiên để có đủ không gian cho các hoạt động văn hóa, du lịch, hy vọng phố sẽ được mở rộng ra khu vực chợ Hạ Long I, khu Giếng Đồn. Như vậy sẽ phù hợp cho thành điểm dừng chân của các tour ngắm cảnh, trải nghiệm thành phố từ xe buýt 2 tầng hay tour đi xe đạp, đi bộ khám phá thành phố.

Rất đông người dân và du khách đến Phố đi bộ Bài Thơ. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Rất đông người dân và du khách đến Phố đi bộ Bài Thơ. Ảnh: Hoàng Quỳnh


Họa sĩ Nghiêm Vinh, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh:
“Nghệ thuật ký họa, thư pháp có cơ hội đến với công chúng nhiều hơn”
Tôi đã có nhiều năm gắn bó với không gian phố đi bộ tại Quảng Ninh. Đầu tiên là phố đi bộ Tiên Yên rồi khi phố đi bộ Bài Thơ (TP Hạ Long) khai trương tôi cũng tham gia. Phố đi bộ Bài Thơ là một không gian mới, còn cần có những sự điều chỉnh, còn phố đi bộ Tiên Yên được hình thành sớm hơn, hoạt động ở đây cũng đã đi vào nền nếp. Mỗi lần đến với phố đi bộ Tiên Yên, tôi vẽ ký họa phục vụ người dân và du khách. Những bức ký họa được thực hiện trong từ 5-10 phút ghi lại thần thái của du khách khiến họ vui và cũng khiến tôi vui vì nó là món quà lưu niệm dẫu nhỏ thôi nhưng lại có dấu ấn riêng.

Họa sĩ Nghiêm Vinh, người gắn bó với phố đi bộ Tiên Yên từ những ngày đầu nay lại có thêm một không gian ký họa ở phố đi bộ Hạ Long.
Họa sĩ Nghiêm Vinh, người gắn bó với phố đi bộ Tiên Yên từ những ngày đầu nay lại có thêm một không gian ký họa ở phố đi bộ Hạ Long.
Kể từ khi có phố đi bộ, nghệ thuật ký họa, thư pháp có cơ hội đến với công chúng nhiều hơn. Cái khó là phải duy trì được sự định kỳ của những hoạt động này và để làm được điều đó chúng ta cần có nhiều hơn nữa những nghệ sĩ tâm huyết.
Du khách Trần Thị Hòa (Bắc Ninh):
“Đảm bảo thật tốt công tác an ninh trật tự và vệ sinh môi trường”
Tôi đã từng đi tham quan, du lịch tại nhiều địa phương và thấy mô hình phố đi bộ là một hoạt động trải nghiệm rất thú vị, hấp dẫn. Hầu hết khi du lịch tại các địa phương có tuyến phố đi bộ du khách sẽ đều ghé qua để vui chơi, thưởng thức ẩm thực, mua sắm vì sự tiện lợi, dễ dàng, không mất chi phí...

Tuyến phố văn minh, an toàn, vệ sinh là yếu tố du khách quan tâm hàng đầu.
Tuyến phố văn minh, an toàn, vệ sinh là yếu tố du khách quan tâm hàng đầu.
Song theo tôi, phố đi bộ luôn là địa điểm tập trung rất đông người qua lại, hàng quán, dịch vụ cũng nhiều vì vậy nếu không quản lý tốt cũng sẽ dễ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường từ các hoạt động ăn uống. Để phố đi bộ thật sự trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thì những yếu tố về an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh sạch sẽ, thái độ văn minh, lịch sự, thân thiện của những người làm dịch vụ tại tuyến phố luôn là những tiêu chí cần đặt lên hàng đầu, bởi đó cũng là những ấn tượng đầu tiên mà du khách cảm nhận được khi đặt chân đến tuyến phố.

***

Trong những năm gần đây, từ "phố đi bộ" đã không còn xa lạ với người dân nói chung, du khách nói riêng. Nó được xem là một sản phẩm du lịch văn hoá, điểm nhấn du lịch về đêm mang đặc trưng vùng miền và có ở khắp nơi trên thế giới.
Mới đây, thành phố Hạ Long đã khai trương, đưa vào hoạt động phố đi bộ Bài Thơ thuộc phố Long Tiên và Lê Quý Đôn, thuộc phường Bạch Đằng. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố tổ chức phố đi bộ như một không gian văn hóa, một khu vực để mua sắm, quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương. Dư luận xã hội khá quan tâm. Người thì chê phố ngắn, chật chội. Người thì lo… gần chùa Long Tiên, các hoạt động văn hoá như nhảy hiphop, samba tổ chức e sao tiện, rồi điểm vệ sinh công cộng thế nào. Người hiểu nhìn xa hơn thì biết đây mới chỉ là giai đoạn I của Đề án phát triển phố đi bộ thành sản phẩm du lịch của thành phố Hạ Long, nhiều cái hay, hấp dẫn sẽ còn ở phía trước khi giai đoạn II được triển khai, mở rộng tiếp theo.
Cho tới nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như Móng Cái, Tiên Yên, Cẩm Phả, Quảng Yên, Cô Tô, Đông Triều… đều đã có các phố đi bộ. Các phố đi bộ này hoặc nằm ở trung tâm huyện lỵ, hoặc được chọn nằm ở những vị trí đẹp nhất, thuận tiện nhất để du khách trải nghiệm. Thậm chí cấp xã như Quan Lạn, Minh Châu (Vân Đồn) cũng có các tuyến phố đi bộ (dù thực chất đây là các xã đảo).
Phố đi bộ - với nhiều người chẳng có gì là mới mẻ. Điều đó là bởi nó phát triển ở hầu hết các nước trên thế giới. Tây có, Tàu có. Đây là một tất yếu bởi điểm chung của hầu hết thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới là không gian công cộng, phố đi bộ luôn được chú trọng xây dựng, đầu tư bài bản, là nơi để "phô diễn" bản sắc văn hóa, những nét đặc trưng riêng của vùng đất ấy cho du khách.

Phố đi bộ không phải khái niệm xa lạ gì trong nước và thế giới.
Phố đi bộ không phải khái niệm xa lạ gì trong nước và thế giới.
Cách đây mấy năm, nhân chuyến công tác đến Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc), chúng tôi có dịp đến thăm thành phố Đại Lý, thủ phủ của Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý - điểm du lịch lịch sử, văn hoá nổi tiếng Trung Quốc, nằm bên hồ Điền Trì- một trong những hồ nước ngọt lớn nhất đất nước này. Đại Lý được xây dựng từ thế kỷ thứ VII. Tại đây, cũng có các khu phố đi bộ, hai bên đường, trong những ngôi nhà còn giữ kiến trúc từ thế kỷ XII-XIX có các cửa hiệu bán lụa, các sản phẩm chạm bạc là nghề truyền thống chủ đạo của địa phương. Trên đường phố có các nghệ nhân ăn mặc theo lối xưa trình diễn nghề làm kẹo kéo và nhiều nghề thủ công khác cho du khách có thể trải nghiệm, tham gia. Nhìn chung, không gian phố đi bộ đậm màu sắc văn hoá.
Tại Việt Nam, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hội An… những đô thị lớn, trung tâm du lịch đều có phố đi bộ. Có rất nhiều câu hỏi của các nhà quản lý kinh tế, văn hoá, quản lý đô thị đặt ra tập trung lại là hiệu quả của phố đi bộ thế nào. Có ý kiến các khu phố đi bộ không đơn thuần là nơi đi qua, đi lại. Những tuyến phố này phải tạo được không gian, khoảng trống cho người dân tới thư giãn, giao lưu với cộng đồng, trải nghiệm dịch vụ. Và bản chất đầu tiên, phố đi bộ phải là nơi đủ đáp ứng những nhu cầu trên cho chính người dân sinh sống tại khu vực lân cận.
Trở lại câu chuyện ở Quảng Ninh, như trên đã nói, hầu hết các địa phương trong tỉnh giờ đã có phố đi bộ. Cho tới nay cũng thật khó để đánh giá đầy đủ về hiệu quả của nó. Trước mắt, có thể thấy các phố đi bộ đã phát huy vai trò, là điểm đến cho du khách thư giãn, tìm hiểu văn hoá địa phương, hoặc là điểm vui chơi, sinh hoạt văn hoá cho chính người dân như ở phố đi bộ Tiên Yên vào các dịp cuối tuần.
Để các phố đi bộ thực sự là sản phẩm du lịch hấp dẫn, chắc cần thêm thời gian và nhất là sự nỗ lực của chính quyền, người dân chính địa phương đó.
Ngày xuất bản: 2/7/2023
Nội dung: NGUYỄN DUNG – PHẠM HỌC – DUY KHOA – ĐÀO LINH – ĐẠI DƯƠNG
Trình bày: MẠNH HÀ