4
18
/
888919
Đem tết đến những ngôi làng giãn dân
longform
Đem tết đến những ngôi làng giãn dân

 

 

Nếu như những năm trước các khu giãn dân Co Tăng (thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm), Nà Sau (thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại) của huyện Bình Liêu trở thành “vườn không nhà trống” vào dịp tết, thì năm nay hứa hẹn một cái tết đầm ấm hơn, khi điện, nước đã được đưa đến những khu dân cư xa xôi này.

Cùng với cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, chúng tôi trở lại khu giãn dân Co Tăng. Khu dân cư này được thành lập năm 2013, có 9 hộ dân. Năm nay cuộc sống đã khác nhiều, không còn cảnh vắng lặng im lìm trước tết, mà đâu đó đã rộn tiếng người gọi nhau í ới, tiếng bò bê, tiếng gà cục tác…

Ông Phùn Phu Voỏng, một trong số hộ đến Co Tăng định cư cho hay, năm trước vào thời gian này, ông đang tất bật chuẩn bị tết ở khu dân cư cũ, nhưng năm nay sẽ đón tết ở Co Tăng. Tay bật công tắc điện cho sáng căn nhà, một phần cũng là để khoe với tôi, ông Voỏng bảo: “Ở khu giãn dân này vì chỉ có 9 hộ dân nên vừa được trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời; nơi đây cần điện lắm, vì các cánh đồng đều ở trên cao không đưa nước từ suối sâu lên được. Khi có điện ta dùng máy bơm chống hạn. Nước sinh hoạt thì có từ đầu năm 2018 rồi”.

Một người đàn ông nước da cháy nắng lùa đàn bò về làng, đó là ông Voòng Chí Thỉnh. Trước đây, khi Co Tăng chỉ có ít hộ thì ông Thỉnh hằng ngày ở Co Tăng để chăn bò. Co Tăng giáp với thôn Bản La phía bên nước bạn Trung Quốc nên ông Thỉnh phải thường xuyên coi đàn bò, vì chúng đi lang thang sang bên kia biên giới rất khó lùa về. Ông Thỉnh bảo: “Những năm trước, thi thoảng tôi ở lại Co Tăng đón tết, nhưng chỉ có mỗi một mình. Vậy là lại về làng cũ vì buồn bã, vì cả làng ai cũng đều về nơi ở cũ đón tết. Cả năm vất vả rồi, ngày tết ai cũng muốn thảnh thơi rồi cùng nâng chén rượu, ăn bữa cơm với bà con và gia đình. Một mình đón tết ở cái nơi không điện, nước thì vui với ai. Năm nay chắc mọi người sẽ vui tết ở đây vì điện, nước có cả rồi".

Xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu còn có khu giãn dân Nà Sau thuộc thôn Nà Nhái và cũng được thành lập từ năm 2013, có 20 hộ dân. Khu giãn dân cách trung tâm thôn Nà Nhái khoảng 6km nhưng đường đã được bê tông hóa. Nà Sau có dòng suối chảy qua, được xây đập tràn, từ đó cũng tạo thuận lợi cho Nà Sau được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt. Các ngôi nhà cũng vẫn khóa cửa, nhưng không phải là cảnh im lìm như trước đây. Cuộc sống đã hiện rõ ở khu giãn dân với những vườn rau xanh mơn mởn, từng đàn gà, ngan kiếm ăn ngoài sân. Trưởng thôn Nà Nhái, anh Tằng Sau Khìn bảo: “Bà con đi làm tối mới về. Ban ngày họ đi lấy nhựa thông, bóc vỏ keo để có thu nhập hằng ngày”.

Ông Phùn Sau Dùng, thường đi làm về sớm hơn mọi người để còn chăm sóc đàn gà. Ông nuôi 100 con gà chạy đồi. Ông bảo: “Bây giờ bà con không còn coi đây là nơi ở trọ như trước đây nữa, mà đã ở đây thường xuyên. Vì nhà nào cũng chăn nuôi, nên phải ở đây chăm lo đàn gia súc, gia cầm chứ. Điện, nước có, bà con phấn khởi lắm, sẽ đón tết ở khu giãn dân”.

Vậy là năm nay, các khu giãn dân Co Tăng, Nà Sau đã thực sự chấm dứt cảnh “vườn không nhà trống” vào ngày tết. Từ Quyết định 1280 của UBND tỉnh “Về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án cấp điện cho các cụm, điểm dân cư dưới 20 hộ trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng điện” mà Co Tăng, Nà Sau đều đã có điện, còn nước hợp vệ sinh đã có dùng thoải mái từ đầu năm trước.

Theo ông Giáp Văn Ngôn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vô Ngại, nơi có khu giãn dân Nà Sau, thì: “Mọi ưu tiên chúng tôi đều dành cho người dân Nà Sau. Như khi có các đoàn từ thiện đến tặng quà tết cho người nghèo trên địa bàn xã, chúng tôi đều mời bà con Nà Sau”. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã hỗ trợ cho chị Lỳ Thị Thủy, khu giãn dân Nà Sau 100 con gà giống. Tết năm nay chị Thủy có thêm niềm vui, vì đàn gà đã lớn giúp có một khoản thu nhập. Chị Trần Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Vô Ngại, bảo: “Ngày 25/1 tới đây, cũng trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội Phụ nữ huyện phối hợp với phụ nữ xã chúng tôi tổ chức thi gói 100 chiếc bánh chưng tặng phụ nữ biên giới ăn tết, được tổ chức tại thôn Nà Cắp. Chúng tôi cũng mời chị em phụ nữ khu giãn dân Nà Sau cùng tham gia”. Đoàn Thanh niên huyện Bình Liêu tổ chức chương trình “Xuân tình nguyện 2019” với chủ đề “Tất ấm em đi, sưởi ấm mùa đông, sưởi ấm tình người” đã huy động được 300 chiếc áo ấm, 100 chiếc tất ấm, 200 suất quà tết cho trẻ em nghèo ở tất cả các xã trên địa bàn huyện và đã ưu tiên khu Nà Sau trước.

Từ mùng 2 Tết Kỷ Hợi, các xã Vô Ngại, Đồng Tâm đều tổ chức chương trình vui tết cho người dân các thôn trên địa bàn xã, với các trò vui kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, thi gói bánh chưng… Đặc biệt, xã Đồng Tâm tổ chức thi đá bóng nữ của chị em các thôn. Thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm có 2 cầu thủ đá bóng nữ đến từ khu giãn dân Co Tăng, tạo không khí vui tươi ngày xuân cho bà con.

Để người dân thực sự bám đất, bám làng ổn định cuộc sống và bảo vệ an ninh vùng biên giới, thì bà con vẫn còn nhiều mong muốn. Theo các anh Phùn Dẩu Coóng, Trưởng thôn Ngàn Phe và Tằng Dẩu Khìn, Trưởng thôn Nà Nhái thì ở khu giãn dân có nhiều hộ tình nguyện ra khỏi hộ nghèo. Họ không còn được hưởng nhiều đãi ngộ cho người nghèo của Nhà nước như trước nữa, nên cuộc sống vẫn rất vất vả. Bởi bản tính của bà con vẫn là những người thật thà, kém năng động. Họ rất muốn mở mang chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định cuộc sống, nhưng lại sợ không bán được. Bà con rất mong các cấp chính quyền tỉnh, huyện có cơ chế tác động giúp họ tiêu thụ được sản phẩm chăn nuôi của mình trong thời gian đầu.

Ông Phùn Sau Dùng, người có uy tín ở khu giãn dân Nà Sau mong muốn khu giãn dân được xây dựng nhà văn hóa riêng. Hiện khu giãn dân mới có 20 hộ dân, nhưng theo kế hoạch của huyện Bình Liêu thì Nà Sau sẽ là 30 hộ. Khu giãn dân nằm cách xa trung tâm thôn Nà Nhái hơn 6km đường rừng nên các buổi họp thôn, nhất là vào buổi tối bà con đi lại rất vất vả. Bà con mong muốn có nhà văn hóa để hội họp, nhất là ngày tết cùng nhau đón giao thừa, vui tết ở nhà văn hóa ở khu dân cư của mình.

Bài, ảnh: Công Thành

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu