Năm nay ít mưa nên đi rừng tầm tháng 2 này với những người “ngoại đạo” như chúng tôi khá thuận lợi vì khô ráo, mát mẻ. Còn với những chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Hà Nội) mà chúng tôi “bám càng” thì dù là đi vào mùa nào trong năm dường như đều có “hên - xui” nhất định…


Nhìn lịch trình kéo dài tới nửa tháng của đoàn cán bộ, chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tại Quảng Ninh, với phạm vi khảo sát về đa dạng sinh học ở hàng loạt địa phương trên địa bàn tỉnh, chúng tôi khá “hoang mang” vì điều kiện không thể theo dài ngày. Lựa chọn, sàng lọc rồi sắp xếp công việc, chúng tôi quyết định đi cùng đoàn tới Quảng Lâm (Đầm Hà), xã có diện tích rừng khá lớn với mật độ đa dạng sinh học cao, thuộc phạm vi Khu bảo tồn loài - Sinh cảnh Quảng Nam Châu hiện đang được lập đề án. Và chuyến thứ 2 là khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, nằm ở khu vực đồi núi phía Bắc của TP Hạ Long.

Biết là đi rừng sẽ vất vả, chúng tôi có sự chuẩn bị khá kỹ càng với phục trang, đồ đạc gọn nhẹ, giày êm dễ di chuyển. Ấy vậy mà khi xuất phát vẫn nhanh chóng nhận ra sự… lệch tông. Bởi lẽ, đoàn không chỉ luồn lách trong rừng theo các tuyến đường mòn mà còn di chuyển dọc theo nhiều con suối. Mùa này nước cạn nhưng chỗ sâu vẫn ngập cao, chỗ nước thấp cũng không dễ bước trên đá, đá suối bám rêu, cảm giác có thể trượt chân bất cứ lúc nào. Việc di chuyển mà không làm ướt giày là không thể…

Quan sát thực tế, chúng tôi đã hiểu vì sao đoàn có nhiều thành viên chọn ủng, lại có những thành viên chọn loại dép nhựa chuyên dụng. Loại dép quai hậu này khá mềm, bám chân, bám địa hình, đi cùng tất dày, dài vừa giúp chống vắt vừa giúp không bị phồng chân dù phải luồn rừng, lội suối bao xa, tuy nhiên cũng phải chấp nhận chân ướt nhẹp suốt chuyến đi luôn. Sở dĩ chúng tôi có thể tả kỹ thế vì đã thực tế luôn vào chuyến đi buổi tối hôm ấy, sau khi đôi giầy lội suối ướt sạch vào buổi sáng như vừa kể trên. 

Ở rừng Quảng Lâm, tôm, cá nhỏ, bướm, bọ hung cánh trắng, ốc cạn là những mẫu vật thu được đầu tiên, dù số lượng chưa nhiều. Đỗ Văn Tứ, anh bạn tiến sĩ chuyên nghiên cứu về thủy sinh lặng lẽ, cặm cụi xúc, vợt ven suối. Tứ bảo, thời tiết còn khá lạnh nên cá tôm chủ yếu ẩn náu ở các khe đá, hang hốc, ban đêm chúng sẽ ra kiếm ăn nhiều hơn. Diệu Thúy, cô nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ măng với gương mặt bầu bĩnh thì chăm chỉ tìm ốc cạn dưới lớp lá rụng của những gốc đây. Phạm Văn Phú, chàng thạc sĩ cũng còn rất trẻ với cây vợt côn trùng không rời tay, lúc thì chụp vội trên không, lúc lại hớt dưới lòng suối. Cậu chỉ cho tôi cách quan sát những sinh vật nhỏ thu được: Con chuồn chuồn nhỏ vẫn còn là ấu trùng bơi lập lờ trong nước, chú ruồi giả ong y hệt một chú ong nhỏ, rồi loại ong mà hình dáng bụng của nó được mô phỏng thiết kế cho dòng xe Vespa thời thượng…

Thu mẫu côn trùng bằng vợt tại rừng thuộc xã Quảng Lâm (Đầm Hà).

Thu mẫu côn trùng bằng vợt tại rừng thuộc xã Quảng Lâm (Đầm Hà).

Con đường mòn xuyên rừng có lúc dốc ngược leo bở hơi tai, lúc lại đổ xuống thoai thoải, lúc lại rẽ nhánh ra những khoảng suối có không gian thoáng rộng, có lẽ chính là theo thói quen, đặc tính của thợ rừng đi mệt rồi thì ra suối nghỉ chân, uống nước chăng? Chúng tôi len lỏi qua những tầng cây khác nhau, có lúc là những thân cây gỗ, cây bụi đan xen, có lúc lại là rừng tre trúc ken dày. Nhóm khảo sát thực vật cũng bắt đầu tìm kiếm, cắt những nhánh cây để quan sát, ghi chép, trao đổi với nhau. Anh bạn dẫn đường người Sán Chay là Chạc Sặp Dắt chặt một cành nhỏ của cây táu ven suối để giúp nhóm nghiên cứu thu mẫu quả. Những quả táu già rụng rào rào xuống suối được vợt lại gọn gàng. Thiên nhiên thật kỳ thú, quả táu có 2 cánh dài vươn ra tựa cánh chim vậy, cánh này sẽ giúp hạt phát tán theo gió được xa hơn mà trôi dưới suối cũng dễ dàng hơn... Cây con trên rừng đúng là vô số loại, nhiều loại khá giống nhau nhưng thực ra lại thuộc những loài khác nhau và ngược lại, có những loại nhìn qua không giống nhau nhưng lại là cùng một loài… Tò mò hỏi, nghe họ phân tích cho biết thôi, chứ những kiến thức chuyên ngành này với nhóm “ngoại đạo” chúng tôi quả thực là khó.

Theo chia sẻ của nhóm, thời tiết tháng 2 năm nay vẫn khá lạnh nên nhiều loài sinh vật còn núp sâu, ngay cả các chuyên gia trong đoàn xác định cũng rất khó tìm kiếm. Phan Quang Tiến, một thành viên trẻ khác trong đoàn, từng khảo sát, thu mẫu loài cá cóc bụng hoa (một trong 2 loài động vật đặc hữu của khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng) ở rừng nơi đây, mặc dù rất cố gắng nhưng đợt này vẫn không thể tìm thấy chú cá nào. Và thời tiết đột ngột trở lạnh giữa chuyến đi khiến việc giăng bắt côn trùng tại Kỳ Thượng cũng “xôi hỏng bỏng không”, mặc dù chỉ cách đó mấy hôm thôi thì ở rừng Quảng Lâm, chỉ trong vòng vài tiếng thắp đèn, côn trùng nhiều loại đã bám dầy trên phông…


Suối mùa này nước cạn nhưng vẫn phải lội xuống nước mới có thể vượt qua.

Suối mùa này nước cạn nhưng vẫn phải lội xuống nước mới có thể vượt qua.

Thu mẫu côn trùng thông qua bẫy đèn tại rừng thuộc xã Quảng Lâm (Đầm Hà).

Thu mẫu côn trùng thông qua bẫy đèn tại rừng thuộc xã Quảng Lâm (Đầm Hà).

Đi dọc các khe suối trong rừng để tìm kiếm các loại động vật thuỷ sinh tại rừng thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng).

Đi dọc các khe suối trong rừng để tìm kiếm các loại động vật thuỷ sinh tại rừng thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng).

Trở lại với chuyến đi Quảng Lâm, sau khi khởi động xuyên rừng tầm 3 tiếng, mặc dù chưa là gì vì rừng nơi đây rất rộng, đi hết có thể mất tới mấy ngày, đường cũng khó đi hơn, chúng tôi trở về với thành quả các nhóm thu được cũng tương đối. Buổi chiều, đoàn lại tiếp tục khảo sát nhưng chia ra các nhóm rõ nét hơn. Ngoài nhóm khảo sát thủy sinh, nhóm khảo sát thú cũng tìm kiếm địa điểm để giăng lưới. Nhóm khảo sát côn trùng tìm kiếm địa điểm để giăng phông, chuẩn bị máy nổ. Còn nhóm khảo sát về bò sát, ếch nhái… nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi vào buổi tối.

Lựa chọn sẽ theo 2 nhóm cuối, trời tối hẳn, chúng tôi di chuyển theo nhóm khảo sát về bò sát, ếch nhái… Rừng về đêm tối đen, chỉ thấy lấp loáng ánh đèn pin của đoàn. Mặc dù chúng tôi cũng có chút ít kinh nghiệm nhưng đi theo các lối mòn đường rừng về đêm hay lội qua suối, di chuyển giữa những hòn đá suối vẫn cứ phải căng mắt dò đường là chính. Ấy vậy mà khi chúng tôi còn chưa thật quen với bóng tối thì TS Nguyễn Thế Cường đã đột ngột dừng lại ở phía trước, anh nhận ra một chú ếch nhỏ đang chồm hỗm ngồi trên phiến đá dưới một khúc mương. Rồi cũng với thao tác nhanh gọn, chú ếch đã bị anh chụp gọn trong tay. Việc này xảy ra không chỉ một lần, theo anh Cường thì những chú ếch này thuộc diện hiếm, chỉ phân bố ở Quảng Ninh, tuy nhiên việc thu mẫu đã có đủ nên mỗi khi bắt xong để quan sát, anh lại thả chúng về với tự nhiên.

Không chỉ với ếch nhái, những con mắt “săn đêm” của nhóm thuỷ sinh cũng tóm gọn mấy chú tôm càng có vân hoa trên mình, mà theo TS Tứ thì cũng rất độc đáo, chỉ phân bố ở Quảng Ninh. Quả thật, mặc dù nước trong vắt nhưng đá cuội và cát sỏi dưới lòng suối vẫn khiến chúng tôi dù căng mắt bao nhiêu thì nhìn đâu cũng… như nhau, nhất là với khi chúng nằm im lìm như thế.

Chúng tôi thấy khá băn khoăn vì mấy loại tôm, ếch nhỏ mà nhìn qua khá bình thường nhưng các anh lại khẳng định là chỉ phân bố ở Quảng Ninh. Chia sẻ với chúng tôi, TS Tứ cho hay, Quảng Ninh có rừng, có biển, có vùng đồi núi, lại có vùng đồng bằng và hải đảo giống như một “Việt Nam thu nhỏ”. Sự đa dạng về địa hình, khí hậu, trôi dạt lục địa, lên xuống của mực nước biển đã tạo nên sự đa sinh học cho tỉnh. Địa hình chủ yếu là đồi núi, nhiều sông ngòi và hơn hai nghìn đảo đá vôi trên biển khiến địa bàn Quảng Ninh có sự biệt lập nhất định trong lịch sử và hiện tại, cũng góp phần tạo ra những loài đặc hữu, khi chúng đã biến đổi để thích nghi với điều kiện tự nhiên của khu vực này. Chính vì vậy, sự đa dạng sinh học của tỉnh khá cao so với nhiều địa phương trong cả nước.  

Lấy mẫu nghiên cứu đối với thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Lấy mẫu nghiên cứu đối với thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Trên đường trở về, chúng tôi rẽ vào khu vực của nhóm khảo sát côn trùng. Cả khoảng nương ven rừng sáng rực bởi những bóng đèn đêm đã thu hút khá nhiều loại côn trùng khác nhau bay vào, nhiều loại rất độc đáo, mặc dù theo Phú chia sẻ thì thời điểm này chưa phải là lý tưởng để bắt côn trùng, vì lạnh nhiều loài còn ẩn thân dưới đất, trên cây, dưới nước chứ chưa ngoi lên…

Sau khi thu mẫu, nhóm cũng thu dọn đồ nghề, tạm kết thúc một ngày làm việc khá căng. Khi trở về điểm nghỉ thì đã 9h tối, ai nấy đều vừa mệt vừa đói. Chúng tôi phải vội lấy đôi tất mới thay cho đôi tất vừa đi suối suốt buổi tối đã ướt sũng nước, để giữ ấm chân, tránh ngấm lạnh thêm. Lại nữa, lúc đi thì hăng hái, khi dừng lại bắt đầu cảm nhận rõ sự nhức mỏi khắp người, nhất là ở eo lưng, bắp chân…

Bữa trưa đơn giản với bánh mỳ giữa rừng tại xã Vũ Oai, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Bữa trưa đơn giản với bánh mỳ giữa rừng tại xã Vũ Oai, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Vậy mới thấy, công việc của những người làm khoa học cũng không kém nhọc nhằn. Với chúng tôi thì chuyến đi rừng này giống như sự trải nghiệm mới mẻ trong hoạt động tác nghiệp của mình, còn với họ thì những chuyến đi phía trước còn kéo dài, ngay cả việc đi thực địa như hôm nay cũng chỉ để khảo sát, thu mẫu, là một phần nhỏ trong hoạt động nghiên cứu khoa học mà thôi…

Ngày xuất bản: 5/3/2023
Thực hiện: Phan Hằng
Trình bày: Tất Đạt