Trong những năm vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp quan trọng, phù hợp với từng thời kỳ, trực tiếp lãnh đạo, quản lý cán bộ, thể chế hóa, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới.

Tháng 6/2020, đồng chí Phạm Thị Thu Hằng nhận quyết định luân chuyển từ Hội LHPN TP Hạ Long về đảm trách chức vụ Bí thư, Chủ tịch UBND xã Dân Chủ. Việc thay đổi nhiệm vụ công tác và phương thức quản lý từ cấp huyện sang cấp xã, đặc biệt là không phải người địa phương nên thời gian đầu đồng chí không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Tuy nhiên đã trải qua nhiều năm công tác, lại có kinh nghiệm quản lý ở cấp thành phố cùng năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Hằng đã nhanh chóng nắm bắt phong tục tập quán của người dân, cùng tập thể cấp ủy địa phương cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đạt hiệu quả… Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM của xã đã có kết quả ấn tượng với sự phát triển vượt bậc. Hạ tầng nông thôn được tích cực triển khai, cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng, nâng cấp, các mô hình phát triển kinh tế từng bước được phát triển nhân rộng. Bản sắc văn hóa được quan tâm, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, các chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt, giáo dục đào tạo có bước phát triển, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Chủ trương bố trí lãnh đạo không là người địa phương được Đảng ta nêu lên từ Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/1/2002, của Bộ Chính trị, “Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”, trong đó có nội dung “thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương”. 20 năm qua, chủ trương này đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện rất hiệu quả. Riêng trong nhiệm kỳ 2015-2020, Quảng Ninh đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 61 Bí thư cấp ủy các cấp không phải là người địa phương. Đến ĐH nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã thực hiện 100% bí thư cấp huyện, cấp xã không phải là người địa phương.

Tuy không phải quê hương bản quán, nhưng nhiều Bí thư cấp ủy đã phát huy kinh nghiệm, trình độ năng lực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng tổ chức đảng nơi công tác trong sạch, vững mạnh. Ở những nơi bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương, tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề khó, phức tạp tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ đã được xử lý, giải quyết; khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, tình trạng cục bộ địa phương, “một người làm quan cả họ được nhờ”, phát huy tính sáng tạo, năng động, chủ động và tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.

Qua đó, góp phần phòng ngừa quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và giúp cán bộ trưởng thành vững chắc; giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ không tuân thủ sự lãnh đạo của cấp trên. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy định về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực; xây dựng và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.

Song song với đó, tỉnh quan tâm đổi mới quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, đặc biệt là việc công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ nhân sự, thực hiện nghiêm túc quy định không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan (Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị).

Đồng thời, chủ động thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thông qua thi tuyển cạnh tranh, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch theo hướng dẫn của Trung ương và Quy chế của tỉnh, khích lệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong giai đoạn 2019 - 6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức thi tuyển 10 vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Sở với 33 ứng viên dự thi; đối với thi tuyển cấp phòng thuộc huyện, sở, ngành đã thi tuyển 253 vị trí (118 vị trí cấp trưởng, 135 vị trí cấp phó); đã bổ nhiệm sau thi tuyển: Cấp trưởng: 114 đồng chí; cấp phó: 117 đồng chí; vận dụng kết quả thi tuyển để bổ nhiệm: 13 đồng chí. Qua đánh giá hàng năm, những cá nhân được bổ nhiệm sau thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý đã thể hiện, phát huy được năng lực, trình độ, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao; thông qua thi tuyển đã thu hút, phát hiện, tuyển chọn những người có năng lực, trình độ, có tư duy đổi mới, sáng tạo, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Song song với đó, việc mở rộng dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ để lựa chọn được người đứng đầu có đủ uy tín, năng lực lãnh đạo, quản lý. Tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, đã thực hiện bầu bí thư trực tiếp tại đại hội ở trên 80% đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở; 100% đảng bộ cấp huyện, kết quả 100% các chức danh chủ chốt được bầu với số phiếu tín nhiệm từ 80% trở lên, bí thư cấp ủy trúng cử với tỷ lệ 90% trở lên. Tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, 408/408 (100%) đảng bộ cơ sở tiến hành đại hội bầu trực tiếp bí thư; 19/20 đại hội đảng bộ cấp huyện tiến hành bầu cử trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 (trừ Đảng bộ Quân sự tỉnh). Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, những nơi nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND, đã bố trí 1 phó bí thư đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân, 1 phó bí thư đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đảm bảo vừa phù hợp với quy định của Trung ương, vừa thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tập thể thường trực cấp ủy.

Từ năm 2014, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có chủ trương chỉ đạo thống nhất quy trình Nhân dân giới thiệu đảng viên của chi bộ thôn, bản, khu phố có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín đảm nhiệm chức vụ trưởng thôn, bản, khu phố; lựa chọn nhân sự giới thiệu để Nhân dân bầu trưởng thôn, bản, khu phố trước, sau đó tổ chức đại hội chi bộ và giới thiệu đồng chí vừa trúng cử trưởng thôn, bản, khu phố để bầu Bí thư chi bộ theo phương châm “dân tin, đảng cử”. Kết quả, năm 2020, toàn tỉnh đạt 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố (đạt 100%) có Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, bản, khu phố (Năm 2014, tỷ lệ trưởng thôn, bản, khu phố chưa là đảng viên cao, chiếm 68,2%; bí thư chi bộ chưa kiêm trưởng thôn, bản, khu phố chỉ có 21,5%). Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục xây dựng Kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thành công Cuộc bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày 05/6/2022 và đang tích cực chỉ đạo chuẩn bị để tổ chức tốt đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025 thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày 03/7/2022, tiếp tục thực hiện mô hình 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Đồng chí Phạm Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, TP Hạ Long, trao Quyết định thành lập Chi bộ trạm Y tế xã.

Đồng chí Phạm Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, TP Hạ Long, trao Quyết định thành lập Chi bộ trạm Y tế xã.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu học tập kinh nghiệm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng tại Quảng Ninh.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu học tập kinh nghiệm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng tại Quảng Ninh.

Cử tri khu phố Minh Khai, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, nô nức đi bỏ phiếu bầu trưởng khu nhiệm kỳ mới. Ảnh: Minh Đức.

Cử tri khu phố Minh Khai, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, nô nức đi bỏ phiếu bầu trưởng khu nhiệm kỳ mới. Ảnh: Minh Đức.

UBND TX Quảng Yên tổ chức hội nghị công bố các Quyết định luân chuyển, điều động cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã.

UBND TX Quảng Yên tổ chức hội nghị công bố các Quyết định luân chuyển, điều động cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã.

Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện Tiên Yên. Ảnh: Xuân Thao (Trung tâm TT-VH Tiên Yên).

Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện Tiên Yên. Ảnh: Xuân Thao (Trung tâm TT-VH Tiên Yên).

Hội nghị đánh giá, xếp loại các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hội nghị đánh giá, xếp loại các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tập huấn công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử cho cán bộ, công chức đi cơ sở.

Tập huấn công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử cho cán bộ, công chức đi cơ sở.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đổi mới công tác đánh giá cán bộ, chủ động chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản cụ thể hóa công tác đánh giá cán bộ bảo đảm sát tình hình thực tiễn của địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành, thực hiện nghiêm Quy chế số 02-QC/TU ngày 12/11/2014, Quy chế số 13-QC/TU ngày 06/7/2020 về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đó, bảo đảm quy trình dân chủ, chú trọng tính khách quan, công tâm, với những tiêu chí cụ thể, lấy chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, sự đóng góp thực tế đối với địa phương, đơn vị làm thước đo đánh giá, kết hợp phản hồi từ các kênh thông tin khác nhau. Đồng thời, đã xây dựng, cụ thể hóa các tiêu chuẩn, trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức ở mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý làm cơ sở để nhận xét, đánh giá cán bộ. Quá trình đánh giá cán bộ, các cấp ủy đảng đã kiểm điểm nhiệm vụ, công tác hằng năm gắn với kiểm điểm theo Nghị quyết TW4 khóa XI, XII.  

Tỉnh cũng xây dựng, cụ thể hóa, ban hành Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (Quyết định số 1730-QĐ/TU ngày 13/10/2014, thay thế bằng Quy định số 2129-QĐ/TU ngày 29/4/2020) làm cơ sở để nhận xét, đánh giá cán bộ, đồng thời thường xuyên rà soát điều chỉnh tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, về cơ cấu đội ngũ cán bộ đảm bảo phù hợp với yêu cầu về đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Đồng thời, thực hiện việc đánh giá cán bộ hằng năm, cuối nhiệm kỳ, trước khi quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử và khen thưởng đối với cán bộ đúng quy trình, quy định theo phân cấp quản lý. Cách thức kiểm điểm, đánh giá cán bộ được đổi mới theo hướng nâng cao ý thức, trách nhiệm tự kiểm điểm của cán bộ, tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cá nhân tham gia đánh giá cán bộ.

Trong giai đoạn 2019 – 2021, Quảng Ninh đã tổ chức đánh giá, xếp loại chất lượng 44 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 589 đồng chí là Ủy viên ban thường vụ cấp ủy trực thuộc tỉnh; 15.661 cấp ủy viên cơ sở. Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ được đánh giá công khai, minh bạch. Sau kiểm điểm, cán bộ, tổ chức, cơ quan nghiêm túc xây dựng chương trình hành động, cam kết trách nhiệm, lộ trình khắc phục, sửa chữa tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, gắn với phân công theo dõi, giám sát, đánh giá của tập thể.

Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, chất lượng ở tất cả các bước thực hiện, từ khâu rà soát, nhận xét, đánh giá cán bộ, xây dựng các tiêu chuẩn chức danh cán bộ làm căn cứ quy hoạch; đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu nữ, dân tộc, cơ cấu 3 độ tuổi, phương châm “động”, “mở”, đồng bộ ở cả 3 cấp (cấp cơ sở, huyện, tỉnh), quy hoạch cấp dưới trước, lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng quy hoạch cấp trên; mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn đưa vào quy hoạch; 100% cán bộ được quy hoạch bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn Trung ương quy định. Trong thời điểm từ năm 2019 đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện quy hoạch 18.560 lượt cán bộ; trong đó: cán bộ diện Trung ương quản lý 34 lượt, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 1.701 lượt, cán bộ diện các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quản lý 16.825 lượt. Căn cứ vào quy hoạch cán bộ và đối chiếu với tiêu chuẩn chức danh quy hoạch, cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã quan tâm xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ trong nguồn quy hoạch.

Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng yêu cầu rèn luyện, đào tạo cán bộ trong thực tiễn, thực hiện nghiêm chủ trương điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa phương, lĩnh vực không quá 5 năm liên tiếp, tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn và từng bước bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1276-QĐ/TU ngày 20/11/2013 về Quy chế điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (sửa đổi và thay thế bằng Quy định số 2138-QĐ/TU ngày 06/5/2020) để thực hiện một cách nề nếp, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng theo hướng “làm đến đâu, chắc đến đó”, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy khả năng, sở trường trong thời gian luân chuyển. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và tình hình thực tế, cấp ủy các cấp trong tỉnh xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ.

Từ năm 2019 đến nay đã toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 975 cán bộ, cụ thể: 4 cán bộ diện Trung ương quản lý luân chuyển về tỉnh; 139 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý điều động, luân chuyển xuống huyện và ngược lại; 832 cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy trực thuộc tỉnh quản lý. Trong đó, thực hiện điều động 143 lượt cán bộ  trực tiếp tham mưu về công tác cán bộ (đảm bảo không giữ chức vụ quá 5 năm). Cán bộ luân chuyển, điều động giữ cương vị mới đều phát huy được vai trò, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có bước trưởng thành, có nhiều tiến bộ trong nhận thức, quan điểm; phương pháp chỉ đạo, năng lực, sở trường được phát huy, nhiều đồng chí được ghi nhận, bố trí ở vị trí công tác cao hơn.

Nhờ quan tâm đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh ngày càng được nâng cao, nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của tỉnh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, không né tránh các vấn đề mới, khó, phức tạp; mạnh dạn đề xuất những vấn đề chưa có tiền lệ để tập trung nghiên cứu, thực hiện; kiên trì, bền bỉ, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, số lượng cán bộ, công chức có trình độ đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010, 100% uỷ viên ban chấp hành các đảng bộ trực thuộc tỉnh có trình độ cao cấp lý luận chính trị, chuyên môn đại học trở lên, gần 63% số uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ (nhiệm kỳ trước là 23,43%)...

Đặc biệt, cụ thể hóa Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền", Tỉnh ủy đã bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, chặt chẽ hơn; đã làm rõ được trách nhiệm của cán bộ, tập thể lãnh đạo của cơ quan tham mưu, đề xuất; trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thẩm định, thành viên cấp ủy, cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định về công tác cán bộ (về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quy định về điều động, luân chuyển cán bộ; quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ…) nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương theo hướng đồng bộ, kế thừa, kết nối giữa các khâu, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Các quy định, quy chế đã ban hành đảm bảo được vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ đảng về công tác cán bộ, đồng thời từng bước tăng cường phân cấp, uỷ quyền, mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Thực hiện: Thuỳ Linh
Trình bày: Đỗ Quang