
Với quan điểm “Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, việc đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại, tiên tiến đã được đầu tư và ứng dụng ở nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh.
Đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh tích cực thực hiện hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.

Du lịch, dịch vụ và công nghiệp là một trong những mũi nhọn của Quảng Ninh. Vì thế, nhiều năm qua, việc ứng dụng KHCN tiên tiến để bảo vệ môi trường luôn được tỉnh và các địa phương, đơn vị, ngành thuộc các lĩnh vực này quan tâm đầu tư.
Vịnh Hạ Long vốn là di sản thiên nhiên thế giới, vì vậy đây được xem là mắt xích quan trọng về môi trường tự nhiên mà tỉnh Quảng Ninh cần bảo vệ. Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng tiến bộ KHCN trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

Đã có nhiều ứng dụng KHCN trong bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long được áp dụng.
Đã có nhiều ứng dụng KHCN trong bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long được áp dụng.
Từ năm 2015 đến nay, 100% tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long được trang bị thiết bị phân ly dầu - nước, giúp hạn chế tối đa lượng nước thải nhiễm dầu (nước thải la-canh) ra môi trường. Cùng với đó, các hệ thống phao quây thấm dầu, tấm thấm dầu, xơ bông thấm dầu được ứng dụng từ chế phẩm sinh học Enretech-1 cũng được đưa vào sử dụng rộng rãi để thấm sạch dầu tràn, vãi trên các cảng, sàn tàu, trang thiết bị, dụng cụ dính dầu và trong khu vực đặt máy phát điện trong khu vực vịnh.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lượng nước thải, khí thải có tác động xấu tới môi trường vịnh, nhiên liệu sinh học (bio-diesel) - một trong những ứng dụng mới về nhiên liệu cũng được đưa vào sử dụng thử nghiệm trên hệ thống các tàu công tác của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho nhiều kết quả khả quan và được đưa vào sử dụng rộng rãi cho các phương tiện thủy hoạt động trên Vịnh.
Từ năm 2017, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đưa vào sử dụng nhà vệ sinh sinh học (Bio-toilet “Bio-Lux”) ứng dụng công nghệ vi sinh và hệ thống xử lý nước thải kiểu mới (New Jhoka “Bio-Lux-water”) tại 7 điểm tham quan trên vịnh Hạ Long…
Những tiến bộ KHCN được ứng dụng đã đem lại những kết quả quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên Vịnh Hạ Long nói riêng, cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung.
Việc ứng dụng những thành tựu tiên tiến của KHCN trong lĩnh vực công nghiệp cũng được tỉnh và các đơn vị đồng bộ thực hiện, điển hình nhất là ở ngành Than. Các đơn vị đang được chuyển đổi sang hình thức khai thác hầm lò cùng với công nghệ tiến bộ; đồng thời, tập trung mạnh cho đầu tư đổi mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. KHCN được ứng dụng vào tất cả các khâu từ khai thác đến sàng tuyển, vận chuyển than... nhằm hạn chế tối đa tác động xấu tới môi trường như bụi than, nước thải, khí độc hại...
Công ty Than Nam Mẫu (TKV) đưa máy khoan xúc đa năng vào khai thác trong hầm lò.
Theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đối với các mỏ hầm lò, ngành Than đã tăng cường đưa vào nghiên cứu, áp dụng công nghệ khai thác hiện đại, như: hệ thống khai thác than lò chợ cơ giới hóa đồng bộ có công suất 600 - 1.200 ngàn tấn/năm; lò chợ chống bằng giàn mềm có công suất từ 150 - 220 ngàn tấn/năm và nhiều lò chợ chống bằng cột thủy lực đơn, giá khung, giá xích có công suất từ 100 - 250 ngàn tấn/năm. Việc nghiên cứu và đưa vào áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than đã góp phần nâng cao sản lượng lò chợ từ 2 - 3 lần, năng suất lao động tăng từ 3 - 5 lần, giảm thiểu tối đa ô nhiễm khí độc. Bên cạnh cơ giới hoá, tự động hoá cũng được đẩy mạnh áp dụng vào các khâu thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước trong hầm lò.
Đối với các mỏ lộ thiên, bên cạnh đầu tư các ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lớn để sản xuất thì những chiếc xe phun tưới nước dập bụi, rửa đường công suất lớn hữu hiệu cũng được đưa vào sử dụng.

Sản xuất tại Công ty Công nghiệp ô tô (Vinacomin).
Sản xuất tại Công ty Công nghiệp ô tô (Vinacomin).
Công ty CP than Cao Sơn đã đầu tư chiếc xe tưới nước dập bụi chuyên dụng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam do Hãng Caterpillar (CAT) của Mỹ sản xuất được Công ty đưa vào sử dụng năm 2020. Xe tưới nước chuyên dụng CAT 773E - GF13W có dung tích thùng lên đến 49,2m3, tương đương 50 tấn nước và chiều cao gần bằng một tòa nhà 2 tầng. Công năng tưới nước dập bụi với hệ thống phun nước gồm dàn phun sau với 4 vòi phun; dàn phun ngang sườn xe hai bên có 4 vòi phun có áp suất lớn đảm bảo tưới nước đều trên mặt đường rộng từ 25-26m/lượt và rộng gấp 3 lần xe CAT 58 tấn cải hoán thành xe tưới nước. Công năng phòng cháy chữa cháy được trang bị 1 vòi phun cao áp, phun cao 20m và xa 58m.
Tính cơ động của CAT 773E - GF13W được nâng cao, mật độ phun phù hợp mang lại hiệu quả dập bụi cao hơn, giảm tối đa lượng bụi phát tán trên các tuyến đường vận chuyển than, đất đá, mang đến một môi trường trong lành hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác than, giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của công nhân làm việc trên khai trường mỏ.
Đối với công tác sàng tuyển, chế biến than, ngành Than đã đẩy mạnh hiện đại hóa khâu sàng tuyển, chế biến than như: công nghệ xử lý bùn nước bằng máy lọc ép tăng áp, đưa xoáy lốc phân cấp tận thu than bùn; công nghệ xử lý bùn nước bằng lọc ép tăng áp thu hồi; công nghệ xử lý bùn nước bằng lọc ép khung bản; công nghệ pha trộn than để sản xuất ra các loại than phù hợp nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ, đặc biệt là cho sản xuất điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt là những chiếc máy phun sương dập bụi công suất lớn được sử dụng ở các đơn vị sàng tuyển cho thấy hiệu quả lớn.
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV cho biết: Máy phun sương là tạo ra các hạt bụi ướt, khi hạt bụi ướt dính vào hạt bụi khô thành hạt to, dưới tác dụng của trọng lực thì chúng rơi xuống tự do và bụi trong không khí được dập tắt một cách nhanh chóng. Vì thế, từ khi đưa vào sử dụng, môi trường làm việc ở Công ty được cải thiện rất nhiều.
Cùng với đó, ngành Than đã chủ động ứng dụng tin học hoá vào quá trình sản xuất kinh doanh và công tác quản lý điều hành. Với việc áp dụng “3 hóa”: Cơ giới hóa - Tự động hóa - Tin học hóa, ngành Than đã khẳng định vị trí vững vàng, sẵn sàng cho việc đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, bảo vệ môi trường.





Sản xuất gạch, ngói tại Công ty CP gốm Đất Việt (TX Đông Triều).
Sản xuất gạch, ngói tại Công ty CP gốm Đất Việt (TX Đông Triều).

CNLĐ Nhà máy Gạch Xanh (Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà) làm việc dưới hệ thống phun sương chống nóng.
CNLĐ Nhà máy Gạch Xanh (Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà) làm việc dưới hệ thống phun sương chống nóng.

Phẫu thuật cho bệnh nhân có u trong tai tại Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí.
Phẫu thuật cho bệnh nhân có u trong tai tại Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí.
Đây là quan điểm xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được Quảng Ninh chú trọng. Trong đó, nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến đã được đầu tư và ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của tỉnh.

Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt luôn đi đầu trong ứng dụng KHCN vào sản xuất góp phần bảo vệ môi trường.
Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt luôn đi đầu trong ứng dụng KHCN vào sản xuất góp phần bảo vệ môi trường.
Một trong những điểm nhấn trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên đã và đang được tỉnh thực hiện tốt trong thời gian qua là việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào các ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện mục tiêu song hành hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng; khai thác than bền vững, tập trung nghiên cứu công nghệ khai thác tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường...

Công ty CP Gạch ngói Đất Việt (Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt) khuyến khích người lao động có nhiều sáng chế cải tiến công nghệ nhằm bảo vệ môi trường.
Công ty CP Gạch ngói Đất Việt (Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt) khuyến khích người lao động có nhiều sáng chế cải tiến công nghệ nhằm bảo vệ môi trường.
Tỉnh cũng đã từng bước hoàn thành quy hoạch và tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển các khu, cụm, cơ sở công nghiệp theo hướng chuyển dịch lên phía Bắc, phía Tây, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và tách xa khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; ưu tiên công nghiệp vật liệu xây dựng trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đảm bảo sản xuất xanh và áp dụng mô hình quản lý tiên tiến.

Nhà máy gạch xanh, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà đầu tư hệ thống robot gắp gạch, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Nhà máy gạch xanh, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà đầu tư hệ thống robot gắp gạch, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Điển hình như tại Công ty CP Viglacera Hạ Long, việc điều chỉnh chất lượng nguyên liệu, lựa chọn tốc độ lò nung phù hợp và quản lý chất lượng nhiên liệu than, chất lượng dầu trong từng lò nung, thay đổi tỷ lệ phụ gia... đã giúp giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm, giảm lượng chất thải, khí thải. Hay như Công ty CP Thanh Tuyền Group là đơn vị có nhà máy gạch “không ống khói” đầu tiên trong cả nước nhờ ứng dụng thành công công nghệ sản xuất gạch không nung với nguồn nguyên liệu là tro bay, xỉ than từ các nhà máy xi măng, nhiệt điện... đã góp phần tích cực trong việc giảm thiểu tác động xấu tới môi trường của hoạt động công nghiệp.

Nhà lắp ghép Span của Công ty CP Thiết kế và phát triển công nghệ xây dựng Span là phương án hữu hiệu để bảo vệ môi trường.
Nhà lắp ghép Span của Công ty CP Thiết kế và phát triển công nghệ xây dựng Span là phương án hữu hiệu để bảo vệ môi trường.
Tương tự, nhiều đơn vị đã tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Như tại Đông Triều, đầu mối lớn nhất cung cấp sản phẩm gốm sứ, vật liệu xây dựng trong tỉnh và tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, xuất khẩu tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, các doanh nghiệp đã luôn tiên phong trong ứng dụng công nghệ, hướng tới môi trường sản xuất xanh.
Cánh chim đầu đàn phải kể đến là Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt. Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT của Công ty cho biết: Công ty đã đầu tư bài bản với dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại được nhập khẩu trực tiếp từ Italia, Đức và liên tục đưa các công nghệ tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay vào sản xuất như: Hệ thống máy đùn liên hợp, công nghệ nghiền khô, máy dập và cắt ba via tự động, công nghệ phun men trực tiếp... đã giúp Gốm Đất Việt xác lập 22 kỷ lục Việt Nam và 2 kỷ lục thế giới; 5 bằng độc quyền sáng chế; các giải thưởng chất lượng quốc gia và một số giải thưởng cao quý khác.

CNLĐ Công ty CP Thiết kế và phát triển công nghệ xây dựng Span thi công các công đoạn tại Công ty trước khi đưa ra công trình lắp ghép nhà.
CNLĐ Công ty CP Thiết kế và phát triển công nghệ xây dựng Span thi công các công đoạn tại Công ty trước khi đưa ra công trình lắp ghép nhà.
Công ty CP Gạch ngói Kim Sơn (phường Kim Sơn) cũng không ngừng cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn để giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường. Ông Trần Đức Cường, Giám đốc Công ty CP Gạch ngói Kim Sơn chia sẻ: Trong gần 10 năm triển khai sản xuất gạch “không ống khói” với kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, đến nay, Công ty đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất gạch về tận dụng đất đá xít thải, xỉ thải, đất đồi sét vào sản xuất. Điều này, không chỉ tiết kiệm được nguồn tài nguyên khoáng sản hữu hạn mà còn đảm bảo không gây bụi, không xả khói ra môi trường như trước đây.

Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển đã có nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ của các y bác sĩ góp phần hạn chế chất thải rắn ra môi trường.
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển đã có nhiều sáng kiến ứng dụng công nghệ của các y bác sĩ góp phần hạn chế chất thải rắn ra môi trường.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường còn thể hiện rõ ở việc ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong xử lý chất thải y tế, rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi trong các khu dân cư và sản xuất nông nghiệp. Đến nay, cơ bản các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng rộng rãi công nghệ vi sinh, công nghệ màng lọc AAO để xử lý nước thải y tế; sử dụng hệ thống công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang để xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm thành chất thải thông thường, không còn mầm bệnh lây nhiễm...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh hiện cũng đều sử dụng rộng rãi chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý ao đầm nuôi tôm công nghiệp; xây dựng hầm biogas... Qua đó, vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ được ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, công nghệ tiên tiến còn được tỉnh chú trọng áp dụng vào việc giám sát chất lượng môi trường và quản lý tài nguyên. Trong đó, nổi bật là hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Trung tâm GIS vùng); hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nguồn ô nhiễm nước vịnh Hạ Long; cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ công tác quản lý môi trường tỉnh Quảng Ninh...

Theo dõi các chỉ số về môi trường trong sản xuất thông qua Trung tâm điều khiển của Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long.
Theo dõi các chỉ số về môi trường trong sản xuất thông qua Trung tâm điều khiển của Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long.
Với nhiều giải pháp quyết liệt, được triển khai đồng bộ và nghiêm túc, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường tự nhiên của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, giúp tỉnh từng bước hiện thực hóa mục tiêu “lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm” trong giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Ngày xuất bản: 27/1/2023
Nội dung: Trung Anh
Trình bày: Vũ Đức