Trong chặng đường xây dựng và phát triển, Quảng Ninh đã có hàng nghìn công trình KH&CN được nghiên cứu, triển khai và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn. Các công trình này là sự sáng tạo của các tầng lớp cán bộ, tri thức, người lao động và nhân dân vùng mỏ của tỉnh nhiều thế hệ. Nhiều kết quả nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực đã được áp dụng vào sản xuất, đời sống, được duy trì, nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rõ rệt. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp.

Trong lĩnh vực khai thác than, hoạt động KH&CN đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH ngành than.

Hạn chế tác động đến môi trường, hướng tới xây dựng “Mỏ xanh, sạch, hiện đại, ít người” là mục tiêu của ngành Than. Do đó, những năm qua Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng KH&CN hiện đại vào sản xuất.

Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ đầu tiên của TKV.

Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ đầu tiên của TKV.

Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ đầu tiên của TKV.

Tại các mỏ than hầm lò, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ khai thác hiện đại đã đổi mới diện mạo của ngành than. Từ chỗ khai thác bằng công nghệ cũ, kém hiệu quả, những năm gần đây, các mỏ hầm lò của TKV đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào các công đoạn sản xuất và đào lò.

Bên cạnh việc đầu tư hiện đại hóa các lò giếng đứng ở các mỏ Mông Dương, Núi Béo, Hà Lầm, Hạ Long được coi là “át chủ bài” của ngành than trong mục tiêu phấn đấu xây dựng mỏ hầm lò hiện đại, ít người, việc không ngừng tìm tòi, áp dụng công nghệ khai thác mới ở những vị trí địa chất phức tạp cũng được TKV nhận định là giải pháp cần thiết để phát triển bền vững trong bối cảnh ngày một xuống sâu.

Bằng nỗ lực hiện đại hóa công nghệ sản xuất, thời gian qua TKV đã lựa chọn và áp dụng thành công 10 dây chuyền cơ giới hóa khai thác than; trong đó có 11 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ và 1 tổ hợp khai thác bằng máy bào 2ANSH. Những lò chợ này cho năng suất, sản lượng than khai thác cao; hệ số an toàn ổn định và cải thiện được điều kiện làm việc cho người lao động.

Giàn khai thác cơ giới hoá đồng bộ ở than Hạ Long.

Giàn khai thác cơ giới hoá đồng bộ ở Công ty Than Hạ Long.

Giàn khai thác cơ giới hoá đồng bộ ở Công ty Than Hạ Long.

Từ năm 1998, Viện Khoa học Công nghệ mỏ đã phối hợp với các công ty than hầm lò vùng Quảng Ninh nghiên cứu và đưa vào áp dụng vì chống thuỷ lực gương khai thác. Đến nay, vì chống thủy lực được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở nhiều mỏ hầm lò. Phạm vi và mức độ áp dụng không ngừng tăng nhanh trong những năm gần đây.

Giữa năm 2020, Công ty CP Than Mông Dương là đơn vị hầm lò đưa công nghệ giàn chống hạng nhẹ vào sử dụng. Việc đầu tư đồng bộ thiết bị cơ giới hoá loại nhẹ thay thế cho công nghệ khai thác thủ công tại Than Mông Dương đã nâng cao công suất, năng suất lao động rõ rệt. Mức độ an toàn và việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động cũng được bảo đảm hơn; giảm được số lò chợ hoạt động đồng thời, mà vẫn đảm bảo được sản lượng yêu cầu…

Song song với đó, công nghệ đào lò của TKV cũng có những bước tiến vượt bậc. Nếu như trước đây, các mỏ hầm lò chủ yếu áp dụng công nghệ khoan nổ mìn, xúc bốc thủ công, hoặc bán cơ giới hóa, thì nay đã được thay thế bằng máy móc. Đối với công tác vận tải hầm lò, TKV đặc biệt giành nhiều sự quan tâm, bởi đây được xem là khâu quyết định đến vấn đề năng suất, sản lượng và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Hiện nay, các mỏ hầm lò của TKV đang quản lý, vận hành trên 400 đầu tàu, goòng các loại; hơn 1.400 bộ máng cào được lắp đặt trong các vị trí sản xuất. Hầu hết, các đơn vị đã đầu tư nâng cấp hệ thống băng tải, đưa than từ trong khu vực khai thác ra ngoài mặt bằng với tổng số lượng hơn 1.000 bộ…

TKV tiến hành đồng bộ một số thiết bị xúc bốc với vận tải.

TKV tiến hành đồng bộ một số thiết bị bóc xúc với vận tải.

TKV tiến hành đồng bộ một số thiết bị bóc xúc với vận tải.

Các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh hiện có gồm: Công ty CP Than Hà Tu, Công ty CP Than Cọc Sáu, Công ty CP Than Đèo Nai và Công ty CP Than Cao Sơn. Bình quân mỗi năm, sản lượng than khai thác từ các mỏ này chiếm 30-40% tổng sản lượng than nguyên khai của TKV. Để đảm bảo được tỷ trọng than khai thác theo yêu cầu của Tập đoàn, trung bình mỗi năm, các mỏ thực hiện nhiệm vụ bóc xúc 167-189 triêu m3 đất đá, với hệ số bóc dao động 11,2-11,5 m3/năm.

Tuy nhiên, muốn giảm giá thành sản xuất than trong điều kiện khai thác ngày một khó khăn, khối lượng đất đá bóc xúc khổng lồ này cần phải thực hiện bằng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đồng bộ. Nhận định rõ tầm quan trọng của vấn đề này, các mỏ lộ thiên của TKV đã tiến hành đồng bộ một số thiết bị bóc xúc với vận tải. Đó là, đồng bộ máy xúc chạy điện EKG và máy xúc thủy lực có dung tích gầu 3,5-6,7mvới ô tô trọng tải 36-58 tấn. Sự kết hợp này được nhận định là tương đối phù hợp trong điều kiện khai thác mỏ hiện nay. Năng suất của các loại máy xúc này đều tăng 101-122% so với định mức. Đặc biệt, các loại máy xúc có dung tích gầu 8-12m3 đã được các mỏ kết hợp với ô tô có tải trọng 90-130 tấn…

TKV đã đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng 98- 130 tấn.

TKV đã đầu tư các loại ô tô chở đất đá có tải trọng 98-130 tấn.

TKV đã đầu tư các loại ô tô chở đất đá có tải trọng 98-130 tấn.

Nổi bật nhất, TKV đã đầu tư các loại ô tô chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải tại mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu m3/năm để giảm giá thành, chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường... Qua đó, từng bước giúp mục tiêu phát triển KH&CN của TKV giai đoạn 2021-2025 là chuyển đổi mô hình khai thác mỏ lộ thiên truyền thống sang mỏ lộ thiên thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với những đột phá về công nghệ, TKV đang khẳng định năng lực của một tập đoàn kinh tế mạnh, xứng đáng là một trong những trụ cột về an ninh năng lượng của quốc gia.

Từ các nhiệm vụ, hội thi, cuộc thi, phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được tổ chức hằng năm đã có hàng nghìn công trình KH&CN nghiên cứu, triển khai và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn tại Quảng Ninh. Các công trình này không chỉ khơi dậy đam mê sáng tạo khoa học của các tầng lớp nhân dân, mà còn nâng cao năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu của người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Công trình tận dụng đất cứng, đất tầng phủ để sản xuất gạch ngói chất lượng cao của nhóm tác giả: Nguyễn Quang Mâu, Nguyễn Quang Toàn, Nguyễn Duy Tấn (Công ty CP Gạch ngói Đất Việt) là một trong số các đề tài được đăng tải trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.

Theo công nghệ truyền thống, việc sản xuất gạch ngói chất lượng cao cần dùng các loại đất chất lượng cao. Các mỏ sét thông thường phải bóc lớp đất tầng phủ 3-4m mới khai thác được khoảng 5-7m đất sét đẹp để sản xuất, sau đó lại bỏ đi phần cứng có chiều dày lên tới 7-8m. Vì vậy, nhiều tầng đất khác như: Đất tầng phủ, lớp đất cứng... bị loại bỏ trong quá trình khai thác mỏ. Lượng đất bỏ đi lớn, không có chỗ chứa, phải đem đổ thải ra môi trường. Điều này gây lãng phí tài nguyên, tác động tiêu cực đến môi trường, sản xuất thiếu bền vững.

Do đó, nhóm tác giả của Công ty CP Gạch ngói Đất Việt đã nghiên cứu, áp dụng, sản xuất thành công các sản phẩm gạch ngói cao cấp từ nguyên liệu đất ứng, đất phủ tầng bằng kỹ thuật nghiền khô tạo hạt mịn đối với đất cứng, làm tăng khả năng khuyết tán khi thiếu liên kết, tăng chất lượng sản phẩm. Giải pháp này đã tạo ra sản phẩm chất lượng tốt với việc sử dụng nguyên liệu bị loại thải trước đây, ổn định nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Giải pháp này được đơn vị áp dụng đại trà, đáp ứng nhu cầu sản xuất, làm lợi cho đơn vị 2,3 tỷ đồng/năm.

Máy nghiền phối nguyên liệu siêu mịn tại Công ty CP Gạch ngói Đất Việt.

Máy nghiền phối nguyên liệu siêu mịn tại Công ty CP Gạch ngói Đất Việt.

Máy nghiền phối nguyên liệu siêu mịn tại Công ty CP Gạch ngói Đất Việt.

Nhân viên y tế thực hiện bảo quản sữa mẹ hiến tặng thô trong tủ đông âm sâu. Ảnh: Nguyễn Hoa

Nhân viên y tế thực hiện bảo quản sữa mẹ hiến tặng thô trong tủ đông âm sâu. Ảnh: Nguyễn Hoa

Nhân viên y tế thực hiện bảo quản sữa mẹ hiến tặng thô trong tủ đông âm sâu. Ảnh: Nguyễn Hoa

Xuất sắc đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ VIII (năm 2020-2021) với đề tài Ngân hàng sữa mẹ, nhóm tác giả gồm các bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là: Lê Thị Thùy Trang, Ngô Thị Mai Hương, Nguyễn Thu Hà, Bùi Minh Cường, Lê Thuỳ Hương, Vũ Hoàng Dương đang tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình Ngân hàng sữa mẹ. Đề tài được nhóm tác giả triển khai từ tháng 5/2019, đến ngày 1/11/2019 Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được thành lập theo Quyết định số 7962/UBND-VX3 của UBND tỉnh. Đây là mô hình đầu tiên ở khu vực miền Bắc và thứ 3 toàn quốc.

Ngân hàng sữa mẹ tại Quảng Ninh được Tổ chức FHI 360/ Alive & Thrive (Mỹ) gọi là mô hình ba trong một. Tại Bệnh viện Sản Nhi, trẻ sinh ra được chăm sóc theo chuẩn của bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, sử dụng sữa mẹ thanh trùng trong trường hợp không tiếp cận được sữa mẹ ruột theo chuẩn của Ngân hàng sữa mẹ quốc tế, tư vấn dinh dưỡng và cách nuôi dưỡng trẻ từ lúc mang thai cho tới khi trẻ được 24 tháng tuổi. Điều này khắc phục được hạn chế trong việc sử dụng sữa mẹ hiến tặng tự phát chưa qua thanh trùng có tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Trước đây, tỷ lệ sử dụng sữa mẹ hoàn toàn tại Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi là 1%. Sau khi có Ngân hàng sữa mẹ, tỷ lệ sử dụng sữa mẹ hoàn toàn là 100% (bao gồm sữa mẹ hiến tặng thanh trùng và sữa mẹ ruột). Nhờ đó, tỷ lệ tử vong trẻ sinh non, viêm ruột hoại tử và một số bệnh ký khác giảm mạnh. Đặc biệt, trong các đợt dịch Covid-19, Ngân hàng sữa mẹ đã giúp cho nhiều trẻ có mẹ nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 được sử dụng sữa mẹ thanh trùng, âm tính với vi rút SARS-CoV-2, xuất viện mạnh khỏe.

Bác sĩ Lê Thị Thùy Trang (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), cho biết: Mô hình Ngân hàng sữa mẹ của bệnh viện đang triển khai rất hiệu quả. Sữa mẹ thanh trùng tốt hơn nhiều sữa công thức, rút ngắn thời gian điều trị một số bệnh lý ở trẻ sơ sinh, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ sinh non. Mô hình còn có ý nghĩa rất lớn không chỉ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao đời sống nhân dân, mà còn góp phần thay đổi nhận thức về nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện của cộng đồng.

Trong hành trình 60 năm xây dựng và phát triển, bằng sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, hằng nghìn nhiệm vụ, đề tài, sáng kiến KH&CN đã được nghiên cứu, áp dụng thành công vào thực tế, từ đó, mang lại nhiều giá trị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, thúc đẩy KT-XH địa phương. Đây cũng chính là động lực quan trọng để xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, bền vững.

Ngày xuất bản: 19/9/2023
Nội dung: TRUNG THÀNH - CAO QUỲNH
Trình bày: MẠNH HÀ