Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 23:56 (GMT +7)
Động lực từ công nghệ
Thứ 3, 18/09/2007 | 06:53:11 [GMT +7] A A
Theo đánh giá của Sở Khoa học-Công nghệ, các chuyên gia chuyên ngành, nhà quản lý, nhà sản xuất thông qua thực hiện đề tài “Điều tra, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về trình độ công nghệ trên địa bàn Quảng Ninh” cho thấy trình độ công nghệ của các ngành công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu, thô sơ chưa đáp ứng được yêu cầu trong tiến trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Công nghiệp khai thác than là ngành có bề dày truyền thống, có tiềm lực con người và tài chính nhưng theo đánh giá thì trình độ công nghệ mới đạt ở mức dưới trung bình và còn lạc hậu; tỷ lệ lao động thủ công còn cao, năng suất thấp, lợi nhuận ít, tụt hậu từ 30-50 năm so với công nghệ của các nước tiên tiến, đặc biệt là trong khai thác lộ thiên và chế biến than. Hàm lượng công nghệ trong giá trị sản phẩm còn thấp.
Ngành đóng tàu mặc dù trong những năm gần đây đã có sự đầu tư, phát triển mạnh, đóng được các con tàu trọng tải lớn (53 ngàn tấn), song thực trạng công nghệ đóng tàu ở tỉnh ta mới chỉ là hàn đóng vỏ tàu và tổng lắp dựng, hạ thuỷ, đăng kiểm chất lượng và bảo dưỡng, sửa chữa đơn giản. Trình độ công nghệ vẫn bị xếp là lạc hậu vì đó mới chỉ là công nghệ hàn vỏ với lắp dựng tổ hợp toàn bộ trang thiết bị vỏ tàu theo chỉ định xuất xứ từ các hãng chế tạo của nước ngoài. Tỷ lệ lao động thủ công cũng còn lớn.
Các ngành công nghiệp khác như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thực phẩm, sản xuất sành sứ v.v. trình độ công nghệ cũng không khá hơn. Theo đánh giá trình độ công nghệ cũng chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến.
Từ thực tế kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, mặt bằng công nghệ chung của các ngành kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu nhiều so với thế giới. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đó là chưa kể nó còn tác động đến đời sống của cộng đồng như ô nhiễm môi trường, thu nhập của người lao động thấp, cường độ lao động cao, chứa đựng nhiều rủi ro v.v. Vì vậy để có sự bứt phá và phát triển bền vững, tỉnh và các ngành kinh tế trọng điểm cần phải có chiến lược, giải pháp đồng bộ hơn về phát triển công nghệ cả trước mắt và lâu dài. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay ai nhanh, ai mạnh thì thắng, không ai chờ đợi ai. Các ngành, doanh nghiệp trọng điểm có điều kiện hơn phải nỗ lực một thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải nỗ lực mười. Khoa học, công nghệ là chất xám, là động lực quan trọng của sự phát triển. Không đổi mới, không nâng cấp, chúng ta đã tụt hậu càng tụt hậu xa hơn và điều quan trọng là sẽ rất khó khăn trong hội nhập với thế giới khi mà trình độ công nghệ của họ đã cách xa chúng ta hàng vài chục năm.
Liên kết website
Ý kiến ()