Hôm nay, 5/9, trong không khí vui tươi, phấn khởi của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, hơn 340.000 học sinh, trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh đã tưng bừng khai giảng năm học mới 2022-2023. Tiếng trống khai trường đã điểm, một năm học mới đã chính thức bắt đầu với những niềm tin, ước vọng mới. Những chuẩn bị kỹ lưỡng của thầy và trò ngành giáo dục chắc chắn sẽ là điều kiện quan trọng để tỉnh tiếp tục tạo ra những đột phá mới, chuyển biến mới về chất lượng dạy học, thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện... 

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, gióng trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT Chuyên Hạ Long.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, gióng trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT Chuyên Hạ Long.

Ước vọng ngày đầu năm học mới

Hôm nay, cùng chung không khí phấn khởi, hân hoan của hàng triệu học sinh trên cả nước, tại Quảng Ninh, các em học sinh cũng có một lễ khai giảng trọn vẹn, ý nghĩa.

Lễ khai giảng tại trường THPT Bình Liêu, huyện Bình Liêu.

Lễ khai giảng tại trường THPT Bình Liêu, huyện Bình Liêu.

Dưới tiết trời nắng đẹp mát mẻ, trong lành mùa thu, ngay từ sáng sớm, trên mọi cung đường, ở mọi miền trong tỉnh, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của những cô cậu học trò quần áo tinh tươm, mũ nón chỉnh tề, cười nói rộn ràng, vui tươi, hân hoan, náo nức, phấn khởi tới trường khai giảng. Các ngôi trường sau 3 tháng nghỉ hè cũng được tô điểm, khoác lên mình những tấm áo mới khang trang, sáng, xanh, sạch đẹp, trang hoàng cờ hoa bay phấp phới. Ở trường nào cũng vậy, từ cổng vào các đến góc nhỏ hành lang, sân gạch, chậu hoa, tiểu cảnh… đều được chăm chút kỹ lưỡng, chu đáo để vừa truyền tâm thế phấn khởi cho học sinh, phụ huynh; vừa thể hiện tinh thần nhiệt tình, tâm huyết của tập thể cán bộ giáo viên.

Nét mặt hân hoan, vui tươi trong ngày khai giảng của các bạn học sinh tiểu học.

Nét mặt hân hoan, vui tươi trong ngày khai giảng của các bạn học sinh tiểu học.

Ngày đầu tiên đến trường, mỗi học sinh đều có những cung bậc cảm xúc khác nhau. Với trẻ bậc tiểu học thì rất háo hức, phấn khởi, nhưng cũng nhiều bỡ ngỡ, nhất là các em học sinh bước vào lớp 1. Với những các cấp học khác, ngày khai giảng năm học là ngày được gặp lại bạn bè, đầy ắp tiếng cười. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các trường học đều tổ chức lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ, theo tinh thần giảm bớt những phần rườm rà, hình thức của phần "lễ", để dành thời gian cho các hoạt động mang lại không khí vui tươi, có ý nghĩa đầu năm học mới. Em Bùi Mai Ngọc, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Hạ Long, chia sẻ: “Hôm nay đi dự khai giảng, em thấy rất vui và hào hứng. Sau 3 tháng nghỉ hè, em rất nhớ thầy cô và các bạn. Giờ em đã sẵn sàng quay trở lại việc học tập để đạt những thành tích cao hơn trước”.

Sau giờ khai giảng, các học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Hữu Nghị nghe giáo viên phổ biến các nội dung chuẩn bị cho năm học mới.

Sau giờ khai giảng, các học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Hữu Nghị nghe giáo viên phổ biến các nội dung chuẩn bị cho năm học mới.

Với các bậc phụ huynh, ai nấy cũng đều phấn khởi, khi trông thấy các con được dự lễ khai giảng trọn vẹn, ý nghĩa và bước vào một năm học mới thuận lợi, suôn sẻ. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho các em học sinh. Chị Nguyễn Thị Kim Loan, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, cho biết: Tôi rất vui vì ngay trước thềm khai giảng, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ học phí. Phụ huynh chúng tôi đều rất phấn khởi, tự hào vì được sống tại mảnh đất Quảng Ninh giàu đẹp, nhân văn. Sự hỗ trợ này là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với gia đình trước thềm năm học mới, từ đó, giảm bớt khó khăn chi phí sinh hoạt, học tập của các con, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cô và trò Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) nghiêm trang cử hành lễ chào cờ, chính thức bước vào năm học mới 2022 - 2023.

Cô và trò Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) nghiêm trang cử hành lễ chào cờ, chính thức bước vào năm học mới 2022 - 2023.

Các em học sinh lớp 10 Trường THPT Tiên Yên (huyện Tiên Yên) nhập trường trong sự chào đón của các thầy cô.

Các em học sinh lớp 10 Trường THPT Tiên Yên (huyện Tiên Yên) nhập trường trong sự chào đón của các thầy cô.

Niềm vui đón năm học mới tại trường THPT Chuyên Hạ Long.

Niềm vui đón năm học mới tại trường THPT Chuyên Hạ Long.

Năm học 2021-2022, HĐND tỉnh ban hành 7 chính sách về giáo dục:

Nghị quyết số 16/2021/NQ -HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 Quy định một số khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nghị quyết số 36/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch bệnh Covid–19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 về Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành quy định chế độ, thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với trường THPT chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026.

Nghị quyết số 65/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 về Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của tỉnh Quảng Ninh từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026

Nghị quyết số 70/2021/NQ – HĐND ngày 19/12/2021 Quy định mức chi tiền công cho thành viên thực hiện nhiệm vụ tại một số Kì thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Cẩm Phả), buổi lễ khai giảng hôm nay thật ý nghĩa, khi cô hiệu trưởng Vũ Thị Ngọc, xúc động nhắc lại những ký ức về trước. Sân trường thấp hơn so với mặt đường nên mỗi khi gặp bão lũ thường bị ngập úng, nhiều bùn đất, ảnh hưởng rất lớn việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Sau mỗi trận bão, giáo viên tại đây phải dọn dẹp vô cùng vất vả. Tuy nhiên, khó khăn đó đã được hóa giải khi năm nay, dưới sự tham mưu của Phòng GD&ĐT, thành phố đã quyết định cải tạo hệ thống thoát nước và nâng nền, lát gạch toàn bộ sân trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Nhờ đó, sân trường không còn tình trạng ngập lụt như trước. Ngay cả trong cơn bão Maon mới đây, trường vẫn khô ráo, an toàn. Cô giáo Vũ Thị Ngọc cho biết: “Khai giảng năm nay đối với chúng tôi rất đặc biệt bởi niềm mong ước có sân trường mới đã thành hiện thực. Từ bây giờ, chúng tôi không còn lo ngập lụt như trước nữa. Cơ sở vật chất thuận lợi đã tạo điều kiện để cô và trò nhà trường được dự lễ khai giảng trong niềm phấn khởi, hân hoan”.

Công tác tiêm chủng tại Trường Mầm non Thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ trước thềm năm học mới.

Công tác tiêm chủng tại Trường Mầm non Thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ trước thềm năm học mới.

Để buổi lễ khai giảng và năm học mới thật sự an toàn cho toàn thể học sinh, ngay trước thềm năm học mới, các địa phương, các trường học, giáo viên đã đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động phụ huynh, nhân dân, đưa trẻ đi tiêm vắc-xin kịp thời, nhanh chóng. Qua đó, thực hiện mục tiêu đảm bảo tốt nhất quyền học tập của học sinh; không để học sinh không được đi học do ảnh hưởng của dịch bệnh, do điều kiện kinh tế khó khăn. Tính đến ngày 4/9/2022, độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi toàn tỉnh đã đạt 100% tiêm mũi 1; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 99,9%; tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 87,13%. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, độ bao phủ vắc xin mũi 1 đạt 98,58%; tỷ lệ tiêm mũi 2/mũi 1 đạt 70,67%. Anh Đặng Văn Thủy, có con học tại Trường Tiểu học Hữu Nghị (TP Hạ Long) chia sẻ: “Được cô giáo tuyên truyền, giải thích rõ, gia đình tôi cũng hiểu việc tiêm vắc-xin cho con là thật sự cần thiết, để con đến trường an toàn, khỏe mạnh. Vì thế, hôm qua, ngày 4/9, tôi đã chủ động cho cháu đi tiêm mũi 2”.

Năm học 2021-2022, từ nguồn lực của tỉnh:

Cải tạo, nâng cấp các phòng học không đảm bảo an toàn, xóa phòng học tạm tại 89 trường học, trên 189 tỷ đồng.

Cải tạo, sửa chữa nâng cấp thư viện phát triển văn hóa đọc cho trường tiểu học hơn 29,2 tỷ đồng.

Mua sắm thiết bị lớp 1, lớp 2 và lớp 6 với số tiền 218,9 tỷ đồng.

Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh tại 87 trường học, với kinh phí khoảng 71,3 tỷ đồng.

Giáo dục là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển

Kết quả các cuộc thi, kỳ thi quốc gia, quốc tế, khu vực quốc tế:

Nguyễn Hoàng Khánh đến từ Trường THPT Bạch Đằng, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã giành vòng nguyệt quế, trở thành Quán quân của Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21.

Lê Thùy Mai Anh, Trường THPT Chuyên Hạ Long vừa xuất sắc đoạt huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu năm 2022.

2 học sinh Tô Phương Nam, Nguyễn Công Bảo, trường THPT Hòn Gai đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi “Triển lãm thiết kế và sáng chế quốc tế” tại Đài Loan.

Ngô Minh Long, Trường THPT Hòn Gai đoạt giải nhất tại Cuộc thi Olympic quốc tế tiếng Pháp.

4 học sinh Vũ Anh Tài, Nguyễn Hồng Trường, Từ Nghĩa Hồng Anh, Lô Duy Lượng, trường THPT Hòn Gai, đoạt Huy chương vàng Cuộc thi phát minh và sáng chế quốc tế lần thứ 15.

Vũ Huy Hoàng, học sinh lớp 12 tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Giáo dục Quảng Ninh đạt 48 giải, tăng 7 giải so với năm học 2020 – 2021.

Tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia cả 2/2 dự án của ngành tham gia đều đoạt giải gồm: 1 giải Ba và 1 giải Triển vọng.

Tham gia cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ đạt 17 giải. Gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 14 giải Khuyến khích.

Tham gia cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai đạt 70 giải. Gồm: 3 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 57 giải Khuyến khích.

Đội tuyển học sinh tỉnh Quảng Ninh tham dự Giải Điền kinh học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022 cũng đạt kết quả cao, với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 6 Huy chương Đồng, xếp thứ 10 toàn quốc.

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 là một thách thức chưa có tiền lệ, gây ảnh hưởng năng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên, học sinh Quảng Ninh vẫn được đến trường dự lễ khai giảng và được học trực tiếp phần lớn thời gian của năm học. Toàn ngành cũng liên tục có nhiều học sinh giành được huy chương, giải cao tại các cuộc thi, kỳ thi ở tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Nổi bật là 1 học sinh đạt quán quân Chung kết năm “Đường lên đỉnh Olympia”; 1 em đoạt Huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu; 2 em đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi “Triển lãm thiết kế và sáng chế quốc tế” tại Đài Loan; 1 em đoạt giải Nhất Tiếng Pháp Olympic quốc tế; 4 em đoạt Huy chương vàng Cuộc thi phát minh và sáng chế quốc tế lần thứ 15; 1 em đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Niềm vui chiến thắng tại điểm cầu TX Quảng Yên khi Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh Trường THPT Bạch Đằng, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh giành ngôi Quán quân vòng chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21.

Niềm vui chiến thắng tại điểm cầu TX Quảng Yên khi Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh Trường THPT Bạch Đằng, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh giành ngôi Quán quân vòng chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21.

Năm 2022, để đảm bảo khách quan, công bằng cho kỳ thi tuyển sinh, Sở GDĐT đã triển khai xây dựng ngân hàng đề thi, thí điểm phần mềm tuyển sinh đầu cấp trên môi trường số. Tại Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023, toàn bộ thí sinh đã được thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Thông tin hồ sơ của thí sinh được trích xuất tự động từ cơ sở dữ liệu ngành. Thí sinh không phải đăng ký tại đơn vị dự thi, không dùng hồ sơ giấy. Cơ sở dữ liệu ngành đã được xây dựng cơ bản hoàn thành, đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết nối với dữ liệu dân cư của tỉnh và quốc gia, làm cơ sở để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 97,6%.
Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 6,26 điểm, xếp thứ 31 toàn quốc, tăng 5 bậc so với năm 2021 và tăng 19 bậc so với năm 2020.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Giáo dục Quảng Ninh cũng đạt 48 giải, tăng 7 giải so với năm học 2020 – 2021. Tại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia cả 2/2 dự án của ngành tham gia đều đoạt giải gồm: 1 giải Ba và 1 giải Triển vọng.

Cán bộ coi thi Điểm thi THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên) kiểm tra thông tin thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Cán bộ coi thi Điểm thi THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên) kiểm tra thông tin thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đang đề nghị công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở năm học 2021-2022 đã đạt 26%.

Đối với giáo dục mầm non, tỷ lệ huy động nhà trẻ đạt 35% (cao hơn chỉ tiêu 1,8%), tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,9% (bằng chỉ tiêu), trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình đạt 99,9% (bằng chỉ tiêu), trẻ học 2 buổi/ngày và được khám sức khỏe định kỳ đạt 100%... Bậc giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 62%, trong đó tỷ lệ học sinh lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày đạt 74%; học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 98%; tổng số học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99.2%. Bên cạnh đó, bậc giáo dục trung học, tỷ lệ lên lớp cũng đạt trên 98%.

Những thành quả ấn tượng ấy có được từ đâu? Phải khẳng định rằng, Quảng Ninh đã nêu cao truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, thích ứng linh hoạt, phòng chống dịch có hiệu quả, phục hồi, phát trển kinh tế, tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Ngân sách chi cho lĩnh vực này hằng năm chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30% tổng chi thường xuyên của tỉnh.   

Sự quan tâm ấy còn được thể hiện cụ thể qua nhiều cơ chế, chính sách quan trọng dành cho giáo dục. Những quyết sách đều có chất lượng rất cao, kịp thời, trúng và đúng được nhân dân toàn tỉnh đồng thuận. Chỉ tính riêng năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã tham mưu và phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 7 chính sách về giáo dục.

Được thành lập từ 2014, Trường Đại học Hạ Long đã cung cấp nguồn nhân lực quý báu cho các ngành, lĩnh vực KT-XH của tỉnh.

Được thành lập từ 2014, Trường Đại học Hạ Long đã cung cấp nguồn nhân lực quý báu cho các ngành, lĩnh vực KT-XH của tỉnh.

Nổi bật là Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành quy định chế độ, thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với trường THPT chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026. Với nghị quyết này, mức thưởng cho học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 1,7 lần so với giai đoạn 2016-2020. Mức thưởng học sinh giỏi quốc gia tăng 3,5 đến gần 7 lần, thưởng học sinh giỏi cấp Khu vực châu Á tăng 2,8 đến 3,3 lần. Giải quốc tế có mức thưởng cao nhất cả nước, tăng từ 3 đến 4,5 lần so với năm 2016. Tỉnh cũng bổ sung thêm chính sách cho học sinh đạt giải là người dân tộc thiểu số, được thưởng bằng 1,5 lần so với mức thưởng quy định. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục, đặc biệt là con em người dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trong bối cảnh tác động của đại dịch.

Bên cạnh đó là các chính sách: Nghị quyết số 65, ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của tỉnh Quảng Ninh. Mức học phí Quảng Ninh áp dụng bằng mức thấp nhất trong khung học phí mà Chính phủ quy định tại Nghị định số 81. Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, theo đó hằng năm tỉnh dành bình quân 28,1 tỷ đồng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học tại các trường này…

Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh quyết nghị dành 458 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh

Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh quyết nghị dành 458 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh

Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trong năm học 2022-2023. Dự kiến số lượng học sinh được hưởng chính sách là 225.374 người, với kinh phí khoảng 458 tỷ đồng. Đây là năm học thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Ninh có chính sách này, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, đầu tư rất lớn của tỉnh dành cho sự nghiệp giáo dục, hướng đến một nền giáo dục toàn dân, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất.

Trường Mầm non Đồng Lâm (xã Đồng Lâm, TP Hạ Long) mới xây khang trang, rộng rãi.

Trường Mầm non Đồng Lâm (xã Đồng Lâm, TP Hạ Long) mới xây khang trang, rộng rãi.

Tiết học thể dục trong nhà đa năng của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đầm Hà.

Tiết học thể dục trong nhà đa năng của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đầm Hà.

Học sinh Trường Mầm non Phong Dụ (huyện Tiên Yên) vẽ tranh ở sân trường.

Học sinh Trường Mầm non Phong Dụ (huyện Tiên Yên) vẽ tranh ở sân trường.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Hạ Long. 

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Hạ Long. 

Đáng nói, 2 năm vừa qua, mặc dù nền kinh tế của tỉnh phải chịu ảnh hưởng, tác động lớn bởi dịch Covid-19, song tỉnh vẫn tiếp tục dành nguồn lực lớn, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường học. Trong đó, tỉnh ưu tiên cho các các cơ sở giáo dục công lập vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo và những địa phương hoàn thành mục tiêu nông thôn mới.

Tỉnh cũng đã và đang tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án để thúc đẩy sự phát triển giáo dục, đào tạo. Đó là Đề án “Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025”; Đề án “Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án “Phát triển giáo dục mầm non tư thục giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”: Đã hoàn thiện để báo cáo; Đề án “Phát triển Trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Những chính sách đặc thù của tỉnh đã giúp cho ngành Giáo dục có điều kiện và động lực vượt khó vươn lên, từ đó có những đột phá, bước phát triển rất đáng ghi nhận. Diện mạo trường lớp được chỉnh trang, khoác lên mình những tấm áo mới hiện đại, khang trang, rực rỡ. Khuôn viên trường lớp học được mở rộng, thông thoáng, rợp bóng cây xanh. Nhiều mái trường, đặc biệt là ở vùng núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã dần thay thế phòng học tạm bằng những phòng học kiên cố, vững chãi, đảm bảo an toàn mỗi mùa bão lũ. Học sinh tại nhiều điểm lẻ xa trung tâm được chuyển về điểm trường chính khang trang, đầy đủ thiết bị hiện đại và học 2 buổi/ngày. Đáng nói, tại các cơ sở giáo dục, hệ thống nhà vệ sinh được quan tâm cải tạo, nâng cấp, xây mới, bố trí hợp lý, vệ sinh thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ, thân thiện với học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (TP Cẩm Phả) cho biết: Năm học này, cô và trò nhà trường rất vui mừng, phấn khởi vì được tỉnh và thành phố quan tâm sửa chữa lan can, nhà vệ sinh cho học sinh, sơn mới và thay toàn bộ hệ thống cửa sổ, cửa chính ở khu nhà 2 tầng. Tổng kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Đến nay, các hạng mục sữa chữa đều đã hoàn thiện, đảm bảo cơ sở vật chất mới, khang trang cho cô và trò nhà trường bắt đầu năm học.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT, từ nguồn lực của tỉnh, trong năm học 2021-2022, ngành đã thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh tại 87 trường học, với kinh phí khoảng 71,3 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các phòng học không đảm bảo an toàn, xóa phòng học tạm tại 89 trường học, trên 189 tỷ đồng. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa nâng cấp thư viện phát triển văn hóa đọc cho trường tiểu học hơn 29,2 tỷ đồng; mua sắm thiết bị lớp 1, lớp 2 và lớp 6 với số tiền 218,9 tỷ đồng...

Chị Vũ Thị Liên, xã Vũ Oai, TP Hạ Long, có con đang học tại Trường TH-THCS Vũ Oai, phấn khởi nói: “Gia đình tôi rất vui vì năm nay con được học tập trong ngôi trường mới, khang trang, hiện đại. Ngôi trường được mở rộng thêm 1.000 m2 và được xây mới 1 khu nhà 4 tầng gồm 12 phòng chức năng, phòng bộ môn cùng nhiều hạng mục phụ trợ. Tôi tin thầy cô giáo và các con sẽ tận dụng tốt cơ sở vật chất mới để dạy và học hiệu quả”.

Ngành Giáo dục tỉnh cũng không ngừng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên xây dựng, củng cố, hoàn thiện cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn quy định để phấn đấu giữ vững kết quả và nâng cao tỷ lệ trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 88% trường đạt chuẩn quốc gia.

Tiếp tục kế thừa và phát huy thành tựu của những thời kỳ trước, Quảng Ninh đã hội tụ trí tuệ, nắm bắt cơ hội, quyết liệt hành động khai thác được tiềm năng thế mạnh tạo ra sự phát triển đột phá. Một Quảng Ninh hôm nay đang hiện hữu với một nền kinh tế toàn diện, hiện đại, phong phú, đa dạng và có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bức tranh tươi đẹp đó, giáo dục, đào tạo của Quảng Ninh là điểm sáng nổi bật, phản ánh sự quan tâm của tỉnh, sự đồng lòng vào cuộc của nhân dân, những nỗ lực tiến bộ với nhiều thành tích vượt trội của ngành Giáo dục tỉnh, luôn thực hiện nhất quán quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Tin tưởng, bước vào năm học mới 2022-2023, trên nền tảng đã đạt được, ngành Giáo dục Quảng Ninh xác định tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh phòng chống dịch, chủ động, linh hoạt, bảo đảm chương trình năm học, đưa Quảng Ninh sớm lọt vào top địa phương đứng đầu về chất lượng giáo dục, đào tạo.

Thực hiện: Lan Anh
Trình bày: Đỗ Quang