Ngày 12/5/2024, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”. Với sự tham gia nhiệt huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, Hội thảo được hy vọng sẽ bổ sung cho Quảng Ninh tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về giá trị văn hóa, con người để tiếp tục chuyển hóa thành mục tiêu, tầm nhìn dài hạn mang tính động lực, phát huy sức mạnh tổng hợp gắn với các chiến lược hành động cụ thể để đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.

Văn hóa Quảng Ninh thể hiện đậm nét sắc thái vùng Đông Bắc Tổ quốc, là sản phẩm của sự giao lưu, hội tụ, kết hợp giữa văn hóa bản địa và văn hóa các vùng miền. Vốn là vùng biên giới, cách xa trung tâm, giao thông đường thủy là chủ yếu nên xưa kia Quảng Ninh là điểm đến cho những người có lối sống phóng khoáng, hào sảng.

Một tác phẩm về Vịnh Hạ Long của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha.

Phơi lưới. Ảnh: Đỗ Kha.

Phơi lưới. Ảnh: Đỗ Kha.

Quảng Ninh là một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi đây sớm được cư dân tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống, sáng tạo nên Văn hóa Soi Nhụ, Văn hoá Cái Bèo và Văn hóa Hạ Long. Cư dân Việt cổ đã sống dựa vào biển, lấy khai thác biển làm phương thức sống chính. Các thế hệ hậu duệ đã tiếp nối tổ tiên sống với biển để tạo nên nền Văn hoá Biển truyền đến ngày nay. Bản sắc, cốt cách Quảng Ninh khắc họa tính địa phương đậm nét, thể hiện ở nền văn hóa đặc sắc, con người hào sảng, thiên nhiên tươi đẹp, in dấu trên 600 di tích và danh thắng được xếp hạng.

Quảng Ninh cũng là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân. Quá trình hình thành, phát triển, đấu tranh với chủ mỏ chống áp bức bóc lột, dựng xây phát triển ngành Than, nỗ lực vượt qua khó khăn đã tạo nên một khái niệm đó là Văn hoá Công nhân mỏ với truyền thống "Kỷ luật - Đồng tâm". Quảng Ninh cũng là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu... cư trú từ lâu đời, mỗi dân tộc lại lưu giữ những giá trị văn hoá đặc trưng riêng. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo nên các giá trị văn hoá đặc sắc của vùng đất, con người Quảng Ninh, là nguồn tài nguyên vô giá tạo động lực cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Công cụ lao động bằng đá của người Việt cổ ở Hạ Long.

Công cụ lao động bằng đá của người Việt cổ ở Hạ Long.

Văn hóa biển của Quảng Ninh là tập hợp các phong tục tập quán, lối sống, kho tàng tri thức dân gian, thực hành tín ngưỡng được hình thành từ nhu cầu phải thích ứng với điều kiện tự nhiên đặc thù khai thác nguồn lợi từ biển khơi tham gia giữ vững chủ quyền biển đảo. Trải qua lịch sử và thời gian, trong đời sống sinh hoạt gắn với môi trường biển, những chủ nhân của văn hóa biển Hạ Long đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hoá.

Dù ở giai đoạn nào thì dấu ấn văn hoá biển vẫn thể hiện đậm nét trong đời sống cư dân. Từ thời sơ khai, người Quảng Ninh đã biết tái hiện một cách tinh tế vẻ đẹp của biển trời, của sơn thuỷ hữu tình qua các hiện vật để lại trên gốm cổ thời hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí, những con chim biển, những chiếc thuyền với người chèo thuyền rất sống động như đang vươn ra biển khơi trên trống đồng Quảng Chính, hay những mảng điêu khắc con cua, con tôm, cái tép ở đình, chùa làng biển. Hiện nay, những cơ chế hợp tác giữa các quốc gia có biển cho phép chúng ta tận dụng những điều kiện về không gian giá trị lịch sử, văn hóa.

Cùng với văn hoá biển, văn hoá công nhân mỏ là nét đặc sắc riêng có và hấp dẫn, góp phần cấu thành nền văn hoá Quảng Ninh thống nhất trong đa dạng, phong phú. Văn hóa của thợ mỏ đặc biệt ở sự đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu. Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Với đội ngũ công nhân lớn mạnh lên đến hàng chục vạn người, các thế hệ thợ mỏ đã nối tiếp nhau lao động, lập nghiệp trên Vùng mỏ. Thợ mỏ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh đã cùng chung sống hài hòa, tạo nên sự giao thoa đặc biệt về văn hóa.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho rằng, nói đến truyền thống văn hóa công nhân mỏ, có thể khẳng định giá trị cốt lõi nhất, làm nên đặc trưng của ngành Than là tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm". Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta nhất định thắng”, ngay từ cuộc đình công năm 1936 như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất, có một không hai trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ.

Truyền thống tốt đẹp của người công nhân Vùng mỏ luôn được thợ mỏ Hà Lầm lưu giữa chuyển trao cho thế hệ sau dù là khi làm việc hay lúc tan ca về với gia đình.

Truyền thống tốt đẹp của người công nhân Vùng Mỏ luôn được thợ mỏ Hà Lầm lưu giữ, chuyển trao cho thế hệ sau dù là khi làm việc hay lúc tan ca về với gia đình.

Truyền thống tốt đẹp của người công nhân Vùng Mỏ luôn được thợ mỏ Hà Lầm lưu giữ, chuyển trao cho thế hệ sau dù là khi làm việc hay lúc tan ca về với gia đình.

Truyền thống công nhân Vùng Mỏ bất khuất, kiên cường, mạnh mẽ, tập trung và có tổ chức là đặc điểm chung của người Quảng Ninh hiện đại. Đó là cơ sở để Quảng Ninh tập hợp được lực lượng nòng cốt ưu tú trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đến nay, tinh thần quật cường của công nhân Vùng Mỏ luôn tỏa sáng.

Tiến sĩ Chu Xuân Giao, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho rằng, giá trị tinh thần được tôi luyện của giai cấp vô sản là truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm". Đây là hai giá trị đang được TKV tuyên truyền mạnh mẽ nhất. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, giá trị văn hóa ấy của những người thợ mỏ đã góp phần tô điểm, làm sinh động văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam. Đây là tài sản tinh thần vô giá - văn hóa phi vật thể, nhưng đã có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân mỏ cũng như cả Vùng mỏ anh hùng.

Những năm gần đây, có xu hướng thanh niên các dân tộc thiểu số trong cả nước về Quảng Ninh làm thợ lò và sinh cơ lập nghiệp. Như thế, văn hóa mỏ hiện nay còn thể hiện sự hoà trộn, giao thoa văn hóa nhiều vùng miền với văn hoá bản địa, tạo nên văn hoá cộng đồng của cư dân Vùng mỏ. Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Người thợ mỏ sống với nhau rất cởi mở, giao thoa văn hoá các vùng, miền. Văn hoá Quảng Ninh khác ở Thái Bình, Nam Định mặc dù thợ mỏ ở đây trước kia nhiều người đi ra từ đất ấy. Nhưng vùng đất mới đã rèn luyện con người, con người phải hòa nhập vào Vùng Mỏ này để tạo ra những nét văn hoá mới.

Quảng Ninh có nhiều dân tộc thiểu số anh em cùng chung sống từ lâu đời. Mỗi dân tộc lại có đặc trưng văn hoá riêng về nhà ở, trang phục, tín ngưỡng, tập tục sinh hoạt, cưới hỏi... Được sự quan tâm của tỉnh, đồng bào các dân tộc đã và đang bảo tồn, gìn giữ, phát huy rất tốt các giá trị văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc mình. Hằng năm, các địa phương đều tổ chức các ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc; vừa là dịp bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hoá truyền thống, vừa là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Trong quá trình phát triển, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi đã có sự giao thoa, tiếp biến ảnh hưởng lẫn nhau, làm giàu bản sắc văn hóa Quảng Ninh. Giữa cộng đồng người Tày đã tồn tại từ lâu một ngôi đình - thứ chỉ vốn quen thuộc với người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ - đó là đình Lục Nà ở xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu. Sự di cư của nhóm người Tày từ Bình Liêu xuống ven biển Đầm Hà, việc kết hôn giữa người miền núi và người miền biển, việc giao lưu kinh tế vùng miền giữa đồng bào dân tộc miền núi với cư dân ven biển. Còn rất nhiều dẫn chứng khác như: Chuyện Đức ông Hoàng Cần quê ở miền biển nhưng hành trạng và chiến công lại ở miền núi, lễ hội Bàn Vương ở huyện miền núi Ba Chẽ lại có hội bơi thuyền.

Lễ tế thần trong ngày khai hội.

Lễ tế thần trong ngày khai hội đình Lục Nà của người Tày rất gần với người Kinh dưới xuôi.

Lễ tế thần trong ngày khai hội đình Lục Nà của người Tày rất gần với người Kinh dưới xuôi.

Cũng tại Ba Chẽ, miếu Ông và miếu Bà không phải là một cặp hình tượng cha - mẹ, mà là sự phối thờ giữa một nhân thần vùng sông nước và một thiên thần của rừng xanh tạo thành một quần thể di tích thể hiện tín ngưỡng thờ cúng dân gian hòa hợp. Còn một truyền thuyết minh chứng cho sự giao lưu văn hóa vùng miền đó là sự tích cây đàn tính ở Quảng Ninh chỉ có 2 dây thay vì 3 dây như ở vùng khác, vì người Tày đã thương người Kinh không có nhạc cụ mới bứt ra một dây tặng cho để dùng làm đàn bầu. 

Thực ra, văn hóa Quảng Ninh có sự giao thoa và đan xen với văn hóa công nhân mỏ, văn hóa biển và văn hoá các dân tộc thiểu số. Sống gần biển nên con người Quảng Ninh hòa hợp thiên nhiên, ước mong cuộc sống bình yên, khát khao tình yêu, hạnh phúc, sống đoàn kết, thương yêu, trọng tình, trọng nghĩa. Truyền thống này thể hiện trong việc kính trọng thương yêu cha mẹ, ông bà, tôn vinh các bậc tiền bối có công khai hoang khẩn đất. Lễ mừng và rước cụ Thượng ở làng đảo Hà Nam là một dẫn chứng sinh động. Người Quảng Ninh luôn khát khao tự do hôn nhân được gửi gắm trong những bức chạm khắc ở đình Phong Cốc (TX Quảng Yên), trong lời ca tục hát giao duyên của người Sán Chỉ, hát Soong Cô của người Sán Dìu, trong lời hát chèo đường, hát đám cưới của dân chài trên Vịnh.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, tính cách con người Quảng Ninh thì nên chia 5 vùng văn hóa. Đó là người Kinh thành thị, người Kinh ở nông thôn, người vùng biển hải đảo và ven biển; văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi. Tuy nhiên, nói gọn lại thì văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp của văn hóa công nhân mỏ, văn hóa biển và văn hóa các dân tộc thiểu số. Các vùng văn hóa đã giao thoa hài hòa, làm cho văn hóa Quảng Ninh phong phú, phản ánh sắc thái vùng Đông Bắc khó trộn lẫn trong bức tranh văn hóa dân tộc Việt Nam. 

Trên cơ sở nhận thức về những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, hòa quyện chặt chẽ giữa yếu tố địa - tự nhiên với các yếu tố địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa của tỉnh, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh đã được xác định với các đặc trưng: “Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc”. Đây là hệ giá trị định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh; làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương.

Quảng Ninh là miền đất có bề dày lịch sử với trên 630 di tích (trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh, 466 di tích được kiểm kê phân loại). Ngoài những di sản văn hoá vật thể nổi bật, tỉnh còn có 362 di sản văn hóa phi vật thể.

Lễ hội Tiên Công ngày nay.

Lễ hội Tiên Công là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Tiên Công là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Bản sắc, cốt cách Quảng Ninh khắc họa tính địa phương đậm nét, thể hiện ở nền văn hóa đặc sắc, con người hào sảng, thiên nhiên tươi đẹp. Đặc trưng riêng có, giá trị độc đáo của Quảng Ninh bộc lộ ở cả cấu trúc bề ngoài và bản chất chiều sâu của một vùng đất địa linh - nhân kiệt, sơn kỳ - thủy tú. Giá trị đó còn được tỏa sáng qua kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long lung linh, huyền ảo; qua Yên Tử linh thiêng - nơi khơi nguồn của thiền phái Trúc Lâm; hay như Ngọa Vân - nơi hóa đức vua hoá Phật. Rồi đến chiến thắng Bạch Đằng làm nên bản hùng ca bất hủ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc; thương cảng Vân Đồn khẳng định Việt Nam từ sớm là quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.

Tại lớp bồi dưỡng "Văn học nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá" do Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TP Hạ Long trung tuần tháng 4/2024, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Là một vùng đất giàu bản sắc văn hoá với 3 không gian văn hoá gồm núi đồi, đồng bằng và biển đảo, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang thương hiệu Quảng Ninh. 

Những năm qua, tỉnh luôn kiên trì kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Tỉnh nhà khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh, truyền thống và sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm”, sự năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc.

Nhờ nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh đã được chọn lọc, sáng tạo hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh và bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận. Các di sản vật thể trên địa bàn tỉnh đã bước đầu được kết nối nhằm phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng, biến di sản thành tài sản, biến tài nguyên thành tài chính, biến văn hóa thành hàng hóa, biến môi trường thành thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất để “buộc” các di tích lại với nhau là xây dựng được những câu chuyện liên kết. Những câu chuyện phía sau mỗi di tích, di sản sẽ làm cho du khách cảm thấy mình đang tham dự vào sinh hoạt cộng đồng.

Cảnh quay phố đêm du thuyền.

Phố đêm du thuyền trên Vịnh Hạ Long.

Phố đêm du thuyền trên Vịnh Hạ Long.

Gắn kết với các di tích lịch sử thực sự hiệu quả không những sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan, mà còn góp phần vào quá trình lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử hào hùng của vùng đất. Riêng về du lịch biển đảo, ngành du lịch đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô được phê duyệt tại Quyết định số 4686/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang phát huy tối đa những lợi thế trong kết nối không gian di sản để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng, tỉnh sẽ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng tại Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô và Cát Bà (Hải Phòng) nhằm kết nối không gian du lịch di sản, trong đó, Vịnh Hạ Long là trung tâm. 

Không chỉ kết nối các di sản trong tỉnh mà còn phải kết nối với các di sản thế giới của Việt Nam thông qua “Con đường di sản thế giới" của Việt Nam: Vịnh Hạ Long - Hoàng thành Thăng Long - Tràng An - Thành nhà Hồ - Phong Nha Kẻ Bàng - Cố đô Huế - Phố cổ Hội An - Thánh địa Mỹ Sơn” tạo thành một tuyến du lịch đặc sắc. Quảng Ninh cùng với Hải Dương và Bắc Giang kết nối liên không gian, đã xây dựng Hồ sơ quần thể di tích, danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới.

Tương tự như Yên Tử, di tích lưu niệm Chiến thắng Bạch Đằng cũng cần được kết nối liên vùng, kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng và Hải Dương. Tại Hội thảo về di tích Thiên Long Uyển tổ chức tháng 11/2021 tại Uông Bí, GS TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: Nếu như chúng ta quan niệm trận Bạch Đằng chỉ diễn ra ở khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng thì không hiểu được đầy đủ, bởi đây là cả một chiến dịch được bố trí một cách linh hoạt, thông minh; là sự chỉ huy hết sức tài giỏi của hai vua Trần và Trần Hưng Đạo. Vì thế, chúng ta phải nhìn nó trong một không gian tổng thể chứ không phải nhìn chỉ ở một điểm này, điểm nọ.

Nhìn lại những năm qua, Quảng Ninh luôn kiên trì kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư mạnh, trong đó có hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư đồng bộ, hiện đại, góp phần rút ngắn khoảng cách thụ hưởng đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Việc huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển văn hoá, thể thao của tỉnh Quảng Ninh có bước đột phá.

Sân Vận động Cẩm Phả sẵn sàng đón người dân và du khách về Quảng Ninh xem các trận bán kết.

Sân Vận động Cẩm Phả là nơi từng tổ chức các trận đấu bóng đá nữ của SEA Games 31.

Sân Vận động Cẩm Phả là nơi từng tổ chức các trận đấu bóng đá nữ của SEA Games 31.

Để có được những kết quả tốt đẹp đó chính là từ những chỉ đạo cụ thể, thiết thực, đúng đắn, thông qua ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch quan trọng để triển khai xây dựng đời sống văn hóa nâng cao đời sống cho nhân dân. Đặc biệt, từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 105/CTr-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết.

Kế thừa và phát huy Nghị quyết 11-NQ/TU, năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng và ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 về "Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững", trong đó đưa ra nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa thể thao và không gian công cộng phục vụ phát triển văn hóa chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quảng Ninh cũng tích hợp việc xây dựng các thiết chế văn hoá thể thao trong Quy hoạch tỉnh. Trong Quy hoạch tỉnh, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng Nhà hát tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh với quy mô đẳng cấp quốc tế, hiện đại trở thành công trình văn hóa biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh.

Từ những chủ trương đến cách làm đúng đắn và phù hợp, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh cơ bản đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động. Trên bình diện cấp tỉnh có Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu liên hợp Thể thao Quảng Ninh, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật. Các thiết chế văn hóa thể thao hiện đại, quy mô quốc gia, quốc tế được đầu tư từ ngân sách đã phát huy khai thác hiệu quả hoạt động phục vụ nhiều sự kiện quốc gia quốc tế và hơn 30 giải thể thao cấp tỉnh/năm. Hầu hết các công trình văn hóa thể thao ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị đã trở thành điểm đến, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến với Quảng Ninh.

Nhà thi đấu 5.000 chỗ khang trang trong khuôn viên Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh tại phường Đại Yên, TP Hạ Long. Ảnh: Hà Phong

 Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh tại phường Đại Yên, TP Hạ Long. 

 Khu liên hợp thể thao tỉnh Quảng Ninh tại phường Đại Yên, TP Hạ Long. 

Đối với cấp huyện, 13/13 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở vật chất Trung tâm Văn hoá, thể thao; có 13/13 thư viện. Cấp xã có 71/177 nhà văn hoá cấp xã, phường, thị trấn, cấp thôn có 1450/1452 thôn khu có nhà văn hóa thôn khu. Theo số liệu của Sở Văn hoá - Thể thao, 13/13 địa phương cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tới nay đã cơ bản đều bố trí quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa thể thao. 

Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao đã được xây dựng trở thành điểm du lịch cộng đồng của địa phương, khai thác giá trị văn hóa tại thiết chế văn hóa và sinh thái tự nhiên để thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm như: Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao xã Bằng Cả, Khu Văn hóa Thể thao dân tộc Tày huyện Tiên Yên. Hiện đang triển khai xây dựng Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái), Làng người Tày ở bản Cáu, xã Lục Hồn và Làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn).

Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Quảng trường 30/10 - Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến Quảng Ninh. Ảnh: PV

Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Quảng trường 30/10 - Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến Quảng Ninh. 

Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Quảng trường 30/10 - Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh là một địa điểm không thể bỏ qua khi đến Quảng Ninh. 

Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, Quảng Ninh luôn xác định: Xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, là chính sách lâu dài, là phương châm nhằm đạt tới hiệu quả xã hội ngày càng cao trong các hoạt động văn hóa.

Những năm qua, công tác xã hội hóa xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao nói riêng của tỉnh đã thu được kết quả quan trọng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Các thiết chế văn hóa thể thao do các doanh nghiệp, tư nhân xây dựng ngày càng nhiều đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Tỉnh đã chủ động mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược tìm hiểu, đầu tư vào địa bàn tỉnh như Amata (Thái Lan), Công ty Cổ phần Trung Đông (UEA), Texhong (Hong Kong - Trung Quốc), Vingroup, Sun Group, BIM Group, Tập đoàn Thủy sản Việt - Australia, Tập đoàn Thành Công...

Tỉnh cũng rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để tập trung đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị. Theo đó, hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn mang tính đẳng cấp quốc tế được đầu tư, như: Công viên Đại Dương của Tập đoàn Sun Group; khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Hạ Long Bay Resort của Tập đoàn Vingroup; khu du lịch đảo Tuần Châu, cảng tầu Tuần Châu; các trung tâm thương mại Vincom, BigC, sân golf Ngôi sao Hạ Long... góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Song song với cách làm trên, tỉnh tiếp tục khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa; huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân bằng các chính sách, ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức xã hội trong việc xã hội hóa.

Giao hữu bóng đá tại Công ty Than Mạo Khê.

Giao hữu bóng đá tại Công ty Than Mạo Khê.

Giao hữu bóng đá tại Công ty Than Mạo Khê.

Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khơi thông nguồn lực xã hội hóa thiết chế văn hóa thể thao. Nghị quyết số 208/2015/NQ-HĐND, ngày 15/7/2015 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn. Hay như Quyết định số 2433/2015/QĐ-UBND, ngày 20/8/2015 của UBND tỉnh về một số chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương căn cứ tình hình thực tế cũng đã ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy xã hội hóa xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa thể thao.

Nhờ đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết chế văn hóa thể thao từ nguồn lực xã hội hóa ngày càng gặt hái được nhiều quả ngọt. Tính từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Tại địa bàn TP Hạ Long, các nhà đầu tư lớn đã xây dựng khu vui chơi văn hóa thể thao hiện đại, cao cấp, tạo điểm nhấn để thăm quan du lịch của tỉnh như: Sun World Hạ Long, Sân golf Tuần Châu... là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm quan.

Một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư khu văn hóa thể thao như: Đông Triều, Móng Cái, Quảng Yên, Cẩm Phả. Trong số này nổi lên điểm sáng Đông Triều với sân golf Đông Triều có 27 lỗ, diện tích 130,1ha, tổng mức đầu tư đầu tư khoảng 2.239 tỷ đồng. Cùng với đó là Công ty TNHH Hà Lan đầu tư khu văn hóa thể thao trên 250 tỷ đồng. Công ty CP đầu tư xây dựng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc đầu tư trên 100 tỷ đồng xây nhà luyện tập và thi đấu đa năng, sân bóng đá, sân golf, bể bơi, trung tâm tổ chức sự kiện với sức chứa trên 3.000 người. Công ty CP Gốm Đất Việt xây dựng sân bóng đá mini, sân quần vợt. Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà đầu tư xây dựng Điểm du lịch Quảng Ninh Gate.

Công ty CP Gốm Đất Việt tổ chức giao hữu bóng đá tại sân cỏ mini của đơn vị.

Công ty CP Gốm Đất Việt tổ chức giao hữu bóng đá tại sân cỏ mini của đơn vị.

Công ty CP Gốm Đất Việt tổ chức giao hữu bóng đá tại sân cỏ mini của đơn vị.

Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn TX Đông Triều đã cơ bản đáp ứng nhu cầu giao lưu, sinh hoạt văn hóa thể thao, sinh hoạt cộng đồng góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong cán bộ và nhân dân trên địa bàn thị xã. Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khê, TX Đông Triều, cho biết: Kể từ khi Trung tâm Văn hóa thể thao xã được xây dựng, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ. Bà con có chỗ để tập luyện và thi đấu bóng chuyền, sinh hoạt các câu lạc bộ dân ca, dân vũ rất sôi nổi.

Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam có 165 công trình văn hóa thể thao như: Sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, sân tennis, bể bơi, nhà luyện tập bóng bàn, cầu lông, nhà sinh hoạt công nhân, nhà văn hóa, phòng truyền thống của 38 công ty với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng với cơ sở vật chất hiện đại, được đầu tư nâng cấp thường xuyên, có đội ngũ cán bộ công tác chuyên trách hướng dẫn các hoạt động vui chơi giải trí tại chỗ… Các công trình phục vụ công nhân mỏ đã hình thành một hệ thống thiết chế văn hóa khá hoàn chỉnh trong các đơn vị, doanh nghiệp, thu hút đông đảo người dân trong đó phần lớn là trẻ em tham gia trong các dịp hè, góp phần làm phong phú thêm hệ thống thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 điểm chiếu phim, 30 sân tennis, 167 bể bơi, 133 sân bóng đá cỏ nhân tạo... do doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng. Đối với thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở đã có một số trung tâm văn hóa thể thao cấp xã tiêu biểu kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Đặc biệt đã có 6 xã thuộc huyện Bình Liêu xã hội hóa khoảng 5 tỷ đồng cho mỗi công trình. Trung tâm Văn hóa phường Xuân Sơn (TX Đông Triều) xã hội hóa hơn 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng. Các nhà văn hóa thôn, khu trên địa bàn tỉnh cũng đã huy động nguồn lực từ nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ gần 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng.

Nhìn về tương lai phía trước, Quảng Ninh sẽ phát huy những gì đã làm được, đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, nhìn thẳng những tồn tại, vướng mắc, đề ra các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX.

Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX.

Môn bóng đá nữ được tổ chức trên SVĐ Cẩm Phả đã để lại ấn tượng mạnh tại SEA Games 31.

Môn bóng đá nữ được tổ chức trên SVĐ Cẩm Phả đã để lại ấn tượng mạnh tại SEA Games 31.

Sân Golf Tuần Châu.

Sân Golf Tuần Châu.

Thực hiện: Phạm Học
Trình bày: Tất Đạt