
Vượt qua những thiệt hại do bão Yagi gây ra, du lịch Quảng Ninh năm 2024 đã thành công về đích với kỷ lục 19 triệu lượt khách, trong đó có 3,8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là kết quả rất đáng khích lệ để Quảng Ninh bước vào năm 2025 với mục tiêu cao hơn, phát triển du lịch bền vững hơn, từng bước hiện thực hoá khát vọng trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế trong một tương lai không xa.
Lập kỷ lục về lượng khách, doanh thu

Quảng Ninh có 4 mùa tương đối rõ rệt nên du lịch cũng bị chi phối nhất định bởi tính mùa vụ. Tuy nhiên, các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn lại khá đa dạng, mùa nào cũng có sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng để đa dạng hoá lựa chọn cho du khách.
Mùa xuân, Quảng Ninh thu hút du khách bởi hệ thống hàng trăm di tích, lễ hội trên địa bàn, trong đó nhiều quần thể di tích đã được đầu tư mở rộng, chỉnh trang khuôn viên trở thành điểm dừng chân tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng cho du khách. Mùa hè là mùa của du lịch biển đảo với sự mời gọi đầy quyến rũ từ thiên đường vùng vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong xanh, thơ mộng, các bãi cát xinh đẹp trải dài ở các vùng đảo Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái… Mùa thu đông lại mời gọi du khách lên với vùng cao của Hạ Long, Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên để hoà trong cảnh sắc thiên nhiên trong vắt, nguyên sơ và sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, các nét văn hoá đặc sắc của đồng bào DTTS nơi đây…
Mùa xuân, du khách nô nức hành hương về tham quan, chiêm bái tại Yên Tử (TP Uông Bí).
Mùa xuân, du khách nô nức hành hương về tham quan, chiêm bái tại Yên Tử (TP Uông Bí).

Không chỉ vậy, các địa phương, doanh nghiệp đã khai thác thêm những sản phẩm “trái mùa”, lựa chọn sản phẩm “4 mùa” để đa dạng hoá trải nghiệm cho du khách. Có thể kể tới như du lịch trải nghiệm hè cho học sinh, sinh viên ở Yên Tử, du lịch trải nghiệm 4 mùa ở Quảng Ninh Gate, Bạch Đằng, Yoko Onsen Quang Hanh, du lịch mùa thu đông ở Yên Tử, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp mùa thu đông trên du thuyền ở vịnh Hạ Long…
Yoko Onsen Quang Hanh là sản phẩm tắm khoáng phục vụ khách du lịch suốt 4 mùa trong năm.
Yoko Onsen Quang Hanh là sản phẩm tắm khoáng phục vụ khách du lịch suốt 4 mùa trong năm.
Với vẻ đẹp thiên nhiên cùng các giá trị văn hoá nổi trội, sự nỗ lực trong việc đầu tư, gia tăng các trải nghiệm cho du khách, năm 2024 Quảng Ninh đã thu hút được 19 triệu lượt khách, con số kỷ lục từ trước đến nay, vượt xa cả giai đoạn đỉnh cao năm 2019 trước dịch Covid-19 tới 5 triệu lượt khách. Tất cả các chỉ tiêu về du lịch của tỉnh đều tăng so với năm trước. Đáng chú ý là số khách quốc tế tăng 77%, số khách lưu trú tăng 45%, trong đó khách lưu trú quốc tế tăng tới 80%. Theo số liệu điều tra của Cục Thống kê tỉnh năm 2024 mức chi tiêu bình quân của khách du lịch là 2,45 triệu đồng/khách/lượt, tăng 14% so với năm 2023. Thời gian lưu trú bình quân/lượt khách du lịch là 2,56 ngày, tăng nhẹ so với 2 năm trước. Nhờ đó, mặc dù lượng khách năm 2024 chỉ tăng 22%, nhưng tổng thu từ du lịch tăng tới 39%, đạt 46.552 tỷ đồng. Đóng góp từ du lịch vào GRDP của Quảng Ninh năm 2024 là 9,64%.
Năm 2024 đã đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế với tổng số khách quốc tế đến Quảng Ninh đạt 3,8 triệu lượt. Trong đó, lượng khách châu Á vẫn chiếm đa số với 75%. Và trong 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Quảng Ninh năm qua, tỷ lệ khách Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế vượt trội với gần 1,94 triệu khách, mặc dù thị trường này chưa thực sự hồi phục và chịu tác động từ chính sách điều tiết của nước bạn.
Du khách Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm khi tham quan vịnh Hạ Long.
Du khách Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm khi tham quan vịnh Hạ Long.
Qua tìm hiểu cho thấy, để thu hút dòng khách quốc tế, thời gian qua ngành du lịch đã tập trung khai thác phát triển mạnh thị trường khách Đông Bắc Á, với Trung Quốc là những dòng khách chủ đạo và các dòng khách mới như Ấn Độ… Hoạt động du lịch đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã từng bước được khôi phục trở lại, năm 2024 đã đón trên 300.000 khách du lịch Trung Quốc qua đây.
Tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp để khôi phục, phát triển tuyến du lịch đường biển đến Quảng Ninh. Theo đó, năm 2024 tỉnh đã đón và phục vụ 54 chuyến tàu du lịch biển, với 69.793 lượt khách; tăng 1,4 lần về lượng khách, tăng 1,25 lần về chuyến so với năm 2023. Trong đó có những tàu có số lượng khách lớn, như: Costa Serena (3.500 khách Hồng Kông, Trung Quốc); Celebrity Solstice (2.800 khách Âu, Mỹ); Mein Schiff 6 (2.500 khách Âu, chủ yếu từ thị trường Đức)... Quảng Ninh cũng đã mở lại được 3 tuyến du lịch tàu biển, gồm: Tuyến du lịch từ Quảng Châu (Trung Quốc) sang Hạ Long; tuyến du lịch từ Hồng Kông (Trung Quốc) sang Hạ Long và tuyến du lịch từ Bắc Hải (Trung Quốc) sang Hạ Long.
Thêm nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp

Làm mới các sản phẩm du lịch, dịch vụ cũ và phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới là động lực quan trọng, góp phần gia tăng sức hút với du khách. Năm 2024, Quảng Ninh đã định hướng phát triển, đưa vào khai thác 67 sản phẩm du lịch mới. Những sản phẩm này do các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương chủ động đề xuất, giúp khai thác tốt tư duy năng động, nhạy bén của doanh nghiệp, cũng như đảm bảo sức sống của sản phẩm khi hiện thực hoá, tránh sự đầu tư lãng phí của nhà nước, doanh nghiệp.
Du lịch tàu biển đến Quảng Ninh có sự hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024.
Du lịch tàu biển đến Quảng Ninh có sự hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024.
Theo thống kê của Sở Du lịch, tính đến hết tháng 11/2024, đã có 41/67 sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác, giúp du khách khi đến với Quảng Ninh có thêm nhiều trải nghiệm ở khắp các vùng miền của tỉnh. Trong đó, các vùng vịnh nổi tiếng như Hạ Long, Bái Tử Long và các địa phương ven bờ như Hạ Long, Vân Đồn có sự phát triển mạnh về sản phẩm mới.
Du khách đến Hạ Long giờ đây sẽ có thêm trải nghiệm phố đi bộ kết hợp ẩm thực, dịch vụ đêm Bãi Cháy tại khu phố SunWorld (phường Bãi Cháy), phiên chợ ký ức xưa tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh, sản phẩm tổ hợp vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng và sản phẩm du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới, trải nghiệm kỳ nghỉ lãng mạn trên vịnh Hạ Long với các du thuyền sang trọng, như: Ambassador, Saquila, Sea Octopus, Indochiana Cruise, Capella… Du khách cũng có thêm trải nghiệm trên Du thuyền Grand Pioneers II (Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận) - du thuyền xanh chất lượng cao và tiên phong khai thác “Hành trình di sản” kết nối giữa 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long...
Du thuyền Grand Pioneers II tiên phong khai thác “Hành trình di sản” lần đầu tiên kết nối giữa 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.
Du thuyền Grand Pioneers II tiên phong khai thác “Hành trình di sản” lần đầu tiên kết nối giữa 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.
Hiện nay, BQL Vịnh Hạ Long cũng đang nghiên cứu để đưa thêm một số bãi tắm, hang động đẹp, còn hoang sơ vào khai thác dịch vụ trải nghiệm cho dòng khách cao cấp, với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tiệc nhẹ... Năm 2024, tỉnh cũng đã có quy định trong việc kéo dài khung giờ tham quan vịnh Hạ Long hơn, giúp các tàu có thể xuất bến sớm hơn và trở về cảng muộn hơn so với trước đây; công bố mở thêm các tuyến tham quan mới trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, kết nối giữa 2 vịnh của Quảng Ninh và kết nối sang vịnh Lan Hạ thuộc khu vực biển đảo Cát Bà (TP Hải Phòng), giúp du khách được mở rộng phạm vi trải nghiệm, khám phá, thuận lợi hơn trong hành trình đến với di sản.
Còn ở khu vực huyện Vân Đồn năm 2024 có số lượng sản phẩm du lịch mới cao nhất toàn tỉnh. Đặc biệt, Vân Đồn đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư 2 khu nghỉ dưỡng cao cấp là Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn (Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn - CEO Vân Đồn) và Angsana Quan Lạn (Công ty CP Viglacera - Vân Hải). Các công trình đều có hệ thống phòng nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp và các dịch vụ vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn chất lượng 5 sao. Qua đây đã gỡ nút thắt trong việc phát triển các cơ sở lưu trú, dịch vụ phục vụ dòng khách cao cấp khi đến với biển đảo Vân Đồn, tạo đà cho sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch địa phương trong thời gian tới…
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn mới được đầu tư xây dựng tại huyện Vân Đồn.
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn mới được đầu tư xây dựng tại huyện Vân Đồn.
Không chỉ ở vùng biển, các địa phương vùng cao cũng có nhiều sản phẩm mới hút khách. Ngay ở khu vực vùng cao phía Bắc của TP Hạ Long là những trải nghiệm du lịch cộng đồng tại các xã Sơn Dương, Bằng Cả, Kỳ Thượng với các dịch vụ tham quan vườn ổi, cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm văn hoá đồng bào dân tộc Dao... Ở vùng cao biên giới Bình Liêu là tour trekking tại Đồng Văn trải nghiệm thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Dưới chân non thiêng Yên Tử của TP Uông Bí là trải nghiệm không gian trưng bày văn hoá dân tộc Dao Thanh Y và mô hình du lịch cộng đồng với các dịch vụ ẩm thực, tắm, ngâm chân thảo dược… của người Dao. Lên vùng cao của Tiên Yên, Ba Chẽ trải nghiệm sắc màu chợ phiên của đồng bào DTTS nơi đây…
“Vượt bão” thành công

Đầu tháng 9/2024, siêu bão Yagi đổ bộ đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp, điểm đến du lịch ở Quảng Ninh, trong đó có những doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đáng nói là ngay sau bão, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch này đã quyết tâm vực dậy, khắc phục dần những thiệt hại và đón khách trở lại với sự kiên cường hơn bao giờ hết.
Du khách trải nghiệm tour trekking tại xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu). Ảnh: Đào Linh
Du khách trải nghiệm tour trekking tại xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu). Ảnh: Đào Linh
Hồi sinh sau bão với diện mạo mới hơn, khí thế cao hơn, vào cuối tháng 11/2024, hơn 300 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch thuộc nhiều lĩnh vực, như khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, du thuyền… đã đồng thuận tham gia hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến 4 mùa”. Chương trình triển khai hơn 350 gói sản phẩm kích cầu đến hết quý I/2025 với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ dành cho khách du lịch được ưu đãi sâu lên đến 50%... Sự nỗ lực này đã góp phần quan trọng giúp các địa phương trong toàn tỉnh hoàn thành vượt mức mục tiêu đón 19 triệu khách, tăng thêm 2 triệu khách so với kế hoạch tỉnh đặt ra đầu năm. Đây cũng là nền tảng quan trọng để du lịch Quảng Ninh tiếp tục có bước phát triển bền vững trong năm 2025.

Năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 50.000 tỷ đồng. Theo đó, để có thể hoàn thành mục tiêu này ngành du lịch dự kiến sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch tiếp tục xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới đẳng cấp, chất lượng cao phục du du khách, đặc biệt chú trọng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc tế; tham mưu phát triển các sản phẩm du lịch xanh, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đêm tại những địa phương được thí điểm.
Cùng với đó, đổi mới và tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung quảng bá vào thị trường Đông Bắc Á, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ và thị trường châu Âu. Tham gia và tổ chức thực hiện các chương trình hội chợ, giới thiệu xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các thị trường trọng điểm quốc tế và trong nước. Tiếp tục kết nối, phát triển các chuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tuyến du lịch bằng đường biển. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, du lịch Quảng Ninh cũng tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường khách quốc tế, trong đó chú trọng đến thị trường truyền thống và từng bước mở ra các thị trường mới…
Nội dung: PHAN HẰNG
Trình bày: MẠNH HÀ