Tất cả chuyên mục

Là một trong những môn thể thao mũi nhọn của Quảng Ninh, đua thuyền được giao nhiệm vụ quan trọng ở mùa giải năm 2025, cũng như ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026.
Năm 2025, môn đua thuyền được tỉnh giao nhiệm vụ giành 38 huy chương các loại (9 HCV, 13 HCB, 16 HCĐ). Nhiệm vụ này được phân chia ra cho 2 bộ môn canoeing và rowing đảm nhận. Trong đó, canoeing nữ - nội dung thế mạnh của Quảng Ninh có nhiệm vụ tham gia 4 giải cấp quốc gia với chỉ tiêu giành 9 HCV, 12 HCB và 12 HCĐ. Đồng thời năm 2025 cũng là năm bản lề quan trọng để các VĐV đua thuyền nỗ lực cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 đang đến rất gần.
“Với trọng trách nặng nề được giao, thầy trò chúng tôi đang nỗ lực tập luyện, nâng cao khả năng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của năm 2025, đồng thời chuẩn bị chu đáo lực lượng cho Đại hội Thể thao toàn quốc đang đến gần” - HLV trưởng môn đua thuyền Vũ Thị Linh chia sẻ.
Hiện đua thuyền Quảng Ninh có lực lượng nòng cốt khoảng 15 VĐV trong đó có 8 VĐV ở tuyển chính, 5 VĐV tuyển trẻ cùng các VĐV khác. Đây là lực lượng có kinh nghiệm, tập luyện, trưởng thành cùng nhau và từng thi đấu thành công ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 với thành tích 5 HCV trong số 21 HCV của thể thao Quảng Ninh.
Theo đó, đua thuyền Quảng Ninh vẫn tập trung trọng điểm vào các VĐV giàu thành tích, dày dặn kinh nghiệm như: Đinh Thị Trang, Lường Thị Dung, Lý Thị Thủy... Các gương mặt từng được gọi vào Đội tuyển trẻ quốc gia trước đây như: Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Đào, Nguyễn Thị Trang, Bùi Mai Hạnh… đã có sự tiến bộ nhanh, khẳng định được mình qua các giải đấu quốc gia năm 2024. Đây là lực lượng mạnh, ở "độ chín" của đua thuyền Quảng Ninh.
HLV Vũ Thị Linh cũng đặt niềm tin vào lứa VĐV trẻ có nhiều tiến bộ như: Vũ Phương Mai, Bùi Thị Hoa, Lý Thị Yến, Đặng Như Quỳnh, Nguyễn Thị Thảo Uyên… Để đạt thành tích cao, HLV đã chia VĐV thành các nhóm thi đấu theo nội dung U23 và U18 ở giải trẻ quốc gia.
Theo HLV trưởng Vũ Thị Linh, trên cơ sở lực lượng hiện có, toàn đội sẽ nỗ lực duy trì sự ổn định, phát huy kinh nghiệm của các VĐV trụ cột. Đồng thời chú trọng bồi dưỡng những nhân tố tiềm năng khác. Đội sẽ tăng cường các bài tập thể lực, chiến thuật, bổ sung dinh dưỡng hợp lý... để giúp VĐV nâng cao thành tích, chọn điểm rơi phong độ tốt cho các giải đấu lớn.
Năm 2025, đua thuyền Quảng Ninh tiếp tục được đi tập tập huấn dài ngày ở Trường đua sông Giá (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng). Đây là nơi tập trung các VĐV đội tuyển quốc gia và các địa phương mạnh trong cả nước. Một thuận lợi khác là năm 2025 các đội tuyển đua thuyền được tỉnh quan tâm cho đi tập huấn ở nước ngoài. Điều này không chỉ giúp VĐV, HLV cọ sát, nâng cao trình độ, mà còn giúp cải thiện thành tích thi đấu; tiêu biểu như VĐV Bùi Mai Hạnh giành HCV thuyền K1 tại Giải Vô địch quốc gia năm 2024 sau khi được tập huấn 2 tháng ở Thái Lan.
Có lực lượng mạnh nên nhiều VĐV đội đua thuyền Quảng Ninh cũng là thành viên các đội tuyển quốc gia (hiện cũng đang tập huấn tại Trường đua sông Giá). Chính vì vậy HLV đua thuyền Quảng Ninh cũng phải linh hoạt các giải pháp như cho các tuyển thủ tập ghép với Đội tuyển trẻ quốc gia, tranh thủ những ngày cuối tuần xin quân về tập thêm, ghép thuyền cho nhuyễn.
Về dài hạn, đua thuyền Quảng Ninh tập trung vào các nội dung thế mạnh, có thể cạnh tranh huy chương ở Giải Vô địch quốc gia năm 2025 cũng như Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026. Cụ thể là nội dung thuyền 4 K4, K2; tập trung bồi dưỡng, đảm bảo phong độ để VĐV Bùi Mai Hạnh thi đấu tốt nội dung K1.
Hiện đua thuyền là một trong 5 môn thể thao rất được quan tâm đưa vào đầu tư trọng điểm cho đại hội thể thao. Kỳ vọng những sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ, kịp thời nói trên sẽ giúp đua thuyền Quảng Ninh tái hiện, hoặc vượt qua thành tích giành 5 HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, qua đó vượt qua nhiều địa phương mạnh như Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Ý kiến ()