Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 22:02 (GMT +7)
Dừng khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long là việc làm cấp thiết
Thứ 4, 09/08/2017 | 16:54:02 [GMT +7] A A
LTS: Tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 7.500 phương tiện khai thác thủy sản đang hoạt động, trong đó trên 90% là tàu công suất nhỏ, khai thác gần bờ, tập trung chủ yếu tại khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, khu vực Hải Hà, Cô Tô… Do lực lượng khai thác quá đông, sử dụng dụng cụ khai thác mang tính hủy diệt nên nguồn lợi thủy sản ngày càng bị suy kiệt. Để giữ gìn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo nghề biển phát triển bền vững, tỉnh đã quyết định dừng khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long và dần tiến tới chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác thủy sản trong khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Sau khi có chỉ đạo của tỉnh, Báo Quảng Ninh đã nhận được nhiều ý kiến về vấn đề này. Báo Quảng Ninh sẽ lựa chọn đăng tải trên Báo Quảng Ninh điện tử và Báo in hàng ngày.
ngư dân Lê Văn Hoan.JPG |
Ngư dân Lê Văn Hoan, phường Tân An, TX Quảng Yên: “Hỗ trợ khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững”
Gắn bó với nghề đánh lưới trên sông khu vực bến Giang (phường Tân An, TX Quảng Yên) hàng chục năm nay, chúng tôi chỉ cần mảnh lưới hay con thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ cũng đủ con tôm, con cá kiếm ăn qua ngày. Nhưng hiện nay, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng khan hiếm nên việc đánh bắt ở gần bờ rất khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do hiện nay, tại khu vực bến Giang xuất hiện một số đội tàu thường xuyên khai thác theo kiểu tận diệt như dùng điện, lồng bát quái, đánh lưới mắt quá nhỏ khiến cho nhiều loài hải sản bị tuyệt chủng. Làm thế nào để giữ lấy tài nguyên của biển? Hay làm sao có thể ngăn chặn kịp thời tình trạng trên…? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi đã trăn trở từ nhiều năm nay. Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy tỉnh mình đưa ra chủ trương bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long và mở các đợt cao điểm xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản tận diệt rất quyết liệt. Bà con ngư dân vùng Tân An nói riêng rất ủng hộ và đồng tình với chủ trương này của tỉnh. Tuy nhiên theo tôi, thời gian tới, muốn khai thác nghề biển một cách bền vững, tỉnh nên có thêm các cơ chế hỗ trợ vốn giúp bà con ngư dân mua sắm trang thiết bị máy móc, phương tiện tàu, thuyền hoặc chuyển đổi nghề phù hợp. Bên cạnh đó, cần sớm thí điểm xây dựng các mô hình đánh bắt và nuôi trồng thủy sản gắn với bảo môi trường bền vững để tiến tới nhân rộng ra.
Bui Manh Quảng.JPG |
Ngư dân Bùi Mạnh Quảng, xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên: “Cần tuyên truyền sâu rộng và gia hạn thêm thời gian để ngư dân thực hiện”
Do đặc thù công việc thường xuyên bám sông, bám biển nên chúng tôi- những người ngư dân ít có cơ hội được tiếp cận với các phương tiện thông tin để nắm bắt các chủ trương, cơ chế và chính sách về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thực tế cũng có nhiều trường hợp do không nắm rõ chủ trương nên khi bị xử lý mới biết mình làm sai quy định. Chủ trương của tỉnh về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long và cấm mọi hình thức đánh bắt kiểu tận diệt đã rõ nhưng cái khó của ngư dân là nhiều hộ đang phải thế chấp ngân hàng đầu tư rất nhiều vốn vào phương tiện tàu thuyền, máy móc… Nếu kiên quyết xử lý trong giai đoạn đầu sẽ đẩy bà con vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vì vậy, giai đoạn đầu theo tôi nên thành lập các đội, tổ tập trung tuyên truyền sâu rộng giải thích cặn kẽ giúp bà hiểu rõ chủ trương, mục đích, hiệu quả của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Đồng thời có phương án thống nhất gia hạn thêm thời gian giúp ngư dân thực hiện chuyển đổi hình thức đánh bắt cho phù hợp. Lồng ghép với đó cần vận động bà con triển khai ký cam kết việc khai thác nguồn lợi thủy hải sản một cách hiệu quả. Sau khi gia hạn thêm thời gian nếu những trường hợp cố tình vi phạm, tiếp tục đánh bắt tận diệt thì lúc này các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiên quyết xử lý vi phạm.
Ngư dân Đỗ Văn Cường, xã Liên Vị, TX Quảng Yên: "Cấm khai thác phải đi đôi với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân "
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê có truyền thống đi biển. Bố mẹ tôi cũng là ngư dân. Giờ đến tôi đang sống dựa vào biển. Nghề khai thác thủy sản trên biển đối với chúng tôi có thể nói giống như nghề cha truyền con nối. Trong tình hình hiện nay, tôi đồng ý phải cấm khai thác hoàn toàn hoặc cấm có thời hạn ở một số vùng biển, đặc biệt là vùng lõi Vịnh Hạ Long để đảm bảo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên tôi cũng mong tỉnh và các ngành, các địa phương xem xét tìm hướng mở cho ngư dân. Trong đó có thể ưu tiên cho phép tồn tại và hoạt động các nghề khai thác thủy sản có trách nhiệm, không ảnh hưởng để sự sinh sản của động thực vật biển. Bởi thực tế nhiều loại thủy hải sản có vòng đời ngắn và chúng cũng phải có quá trình mất đi thì mới sinh ra theo đúng quy luật tự nhiên của tạo hóa. Cùng với đó tôi cũng đề xuất tỉnh nên có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, từ nghề khai thác có tính hủy diệt sang cá nghề truyền thống, hiền hòa với biển; từ nghề khai thác thủy sản sang nuôi trồng thủy sản hoặc sang các nghề khác canh tác trên cạn.
Ông Katsuo Matsuzaka, du khách Nhật Bản: “Vịnh Hạ Long mà mất đi hệ sinh thái thì không còn hấp dẫn nữa”
Từ đầu năm nay, với vai trò là kỹ sư môi trường, tôi đã khảo sát môi trường ở Cô Tô của các bạn, thấy môi trường nước biển trong lành. Tuy nhiên, với kiểu khai thác tận diệt của một số ngư dân thì nguồn lợi thuỷ sản cũng sẽ cạn kiệt dần. Tuy tôi chưa khảo sát đối với Vịnh Hạ Long nhưng tôi cũng tin chắc rằng môi trường đã chịu tác động rất lớn từ hoạt động khai thác của ngư dân. Vịnh Hạ Long mà mất đi hệ sinh thái dưới biển thì không còn sự hấp dẫn nữa. Vì thế, chúng tôi hoan nghênh việc tỉnh Quảng Ninh từng bước cấm đánh bắt thủy hải sản trên Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Tuy nhiên, việc này cũng nên thực hiện tuần tự từng bước theo cấp độ các khu vực bảo vệ và tỉnh cũng cần chuyển đổi nghề cho ngư dân lên bờ. Với người còn gắn bó với biển thì có sự hướng dẫn cho họ ngư trường được đánh bắt, ủng hộ ngư dân đóng tàu to vươn khơi bám biển chứ đừng đánh bắt ven bờ, quẩn quanh trong lòng Vịnh Hạ Long.
Anh Javier Gomez, du khách đến từ Tây Ban Nha: “Nên kiểm soát chặt việc khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường di sản”
Đây là lần đầu tiên tôi cùng bạn bè tới tham quan Vịnh Hạ Long. Quả là Vịnh Hạ Long rất đẹp, xứng đáng là Di sản thiên nhiên thế giới. Để bảo vệ cảnh quan, môi trường di sản quý báu này, theo tôi thủy hải sản cũng là một thành phần cấu tạo nên đa dạng sinh học, giá trị, vẻ đẹp của biển đảo Hạ Long. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng chính là bảo vệ môi trường di sản. Nếu các bạn đánh bắt tận diệt thì chỉ thấy cái lợi trước mắt, nhưng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cái lâu dài, đó là suy giảm nguồn lợi thuỷ sản và đa dạng sinh học. Tây Ban Nha quê tôi là một trong những quốc gia đứng đầu về đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Chúng tôi có chính sách khai thác thủy sản mang tính lâu dài bền vững, quy định pháp luật rất chặt chẽ. Theo tôi, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Vịnh Hạ Long là rất cần thiết. Các bạn nên kiểm soát chặt việc khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường di sản. Trong các giải pháp, chính quyền cần tuyên truyền rộng rãi tới người dân, thậm chí chú trọng tuyên truyền ngay từ khi công dân còn nhỏ...
Ông Vũ Đình Kham, du khách đến từ Bà Rịa-Vũng Tàu: “Chúng tôi rất ủng hộ những quyết định của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh”.
Tôi vừa có chuyến tham quan Vịnh Hạ Long. Khi tàu dừng ở Ba Hang, tôi tranh thủ mượn cần câu cá chỉ một lúc đã được khoảng cân cá dìa. Trên bờ Vịnh cũng có chợ cá, trên mặt Vịnh thấy có nhiều tàu đánh cá có thuyền con bán cá. Từ thực tế trải nghiệm đó, tôi tin rằng nguồn lợi thuỷ sản ở trên Vịnh Hạ Long rất phong phú nhưng lại đang có nguy cơ cạn kiệt. Ngoài giá trị về kinh tế, tạo môi trường trong lành thì đây là điểm hấp dẫn du khách, nhất là những du khách thích câu cá trải nghiệm như tôi. Vì vậy, tôi mong muốn tỉnh Quảng Ninh hãy ra sức giữ gìn nguồn lợi này. Du khách chúng tôi rất ủng hộ những quyết định của lãnh đạo tỉnh trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở Vịnh Hạ Long, nhất là ở vùng lõi. Tỉnh nhà nên cấm tiệt tất cả các hình thức đánh bắt tận diệt như kích điện, nổ mìn, lồng bát quái ở trên Vịnh. Từ chỗ cấm đánh bắt ở vùng lõi, tiến tới cấm đánh bắt toàn bộ ở Vịnh Hạ Long để giữ gìn môi trường bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảnh quan du lịch. Các cơ quan cấp dưới thực thi chỉ đạo của tỉnh và ngư dân cũng phải chấp hành đến nơi đến chốn, chứ không phải làm chiếu lệ.
Chị Đinh Thị Kim Ngọc, du khách đến từ Quy Nhơn (Bình Định): “Nếu không ngăn chặn, sẽ ảnh hưởng tới bảo tồn di sản, phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long”
Lần đầu tiên đến tham quan Vịnh Hạ Long, tôi thấy cảnh đẹp nơi đây thật tuyệt vời. Tuy nhiên, trong quá trình thưởng ngoạn cảnh đẹp trên Vịnh, thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp những chiếc tàu gỗ nhỏ nhìn rất nhếch nhách, trên đó có cả trẻ em và người lớn dùng những dụng cụ đánh bắt cá mang tính tận diệt. Là một khách du lịch, tôi nghĩ hoạt động này không chỉ khiến nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt mà hệ sinh thái biển sẽ bị tàn phá nghiêm trọng. Không những thế còn làm mất đi hình ảnh đẹp của Vịnh Hạ Long trong lòng du khách, ảnh hưởng tới việc bảo tồn di sản cũng như sự phát triển du lịch bền vững. Tôi nghĩ, hoạt động khai thác thủy sản mang tính tận diệt cần được ngăn cấm, xử lý một cách triệt để. Hiện nay, tôi thấy các dịch vụ phục vụ khách du lịch trên Vịnh Hạ Long cũng chưa thực sự đa dạng. Vịnh Hạ Long có thể mở thêm các dịch vụ như câu cá, lặn biển cho du khách trải nghiệm.
Ông Phạm Văn Sinh, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn: Chúng tôi ủng hộ chủ trương cấm khai thác thuỷ sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long
Như bao ngư dân, tôi từng có tư tưởng mỗi lần đi biển phải cố gắng khai thác thủy sản càng nhiều càng tốt, bất kể cả con to, con nhỏ để có thể tăng thu nhập. Thế nhưng từ khi tham gia dự án chia sẻ lợi ích của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long, tôi thấy suy nghĩ trước kia của tôi không đúng. Hiện nay, tôi phải thực hiện đúng cam kết là chỉ khai thác những cá thể đã đến tuổi trưởng thành, hạn chế khai thác trong mùa thủy hải sản sinh sản… thế nhưng lợi ích kinh tế, thu nhập của tôi không hề giảm đi mà tăng lên từng ngày và rất bền vững. Hơn nữa qua từng ngày khai thác thủy sản có trách nhiệm như thế tôi dần có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ thực tế của bản thân, tôi ủng hộ các dự án chia sẻ lợi ích nguồn lợi thủy sản và nhất là chủ trương cấm khai thác thuỷ sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long để bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long.
Ông Ngô Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh: "Việc giữ gìn nguồn lợi thủy sản chính là bảo vệ cuộc sống của chính ngư dân"
Việc ngư dân sử dụng các công cụ khai thác như: te điện, xiếc điện, mìn... trong đánh bắt không chỉ làm cạn kiệt thủy, hải sản, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của chính người dân. Đây là vấn đề thường xuyên được lãnh đạo Hội, Ban chấp hành và Chi hội tuyên truyền, quán triệt, phổ biến tới các hội viên. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn tái diễn. Do đó, việc tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi sử dụng dụng cụ cấm khai thác đồng thời dừng khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long và từng bước chấm dứt hẳn hoạt động khai thác trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long là chủ trương vô cùng đúng đắn. Đây là giải pháp hiệu quả gìn giữ nguồn lợi thủy hải sản, đảm bảo đời sống ổn định cho người dân, khuyến khích các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức các hội nghị quán triệt chủ trương trên của tỉnh tới các chi hội, hội viên, ngư dân nhằm đảm bảo phát triển nghề biển bền vững.
Anh Đinh Hữu Thủy, thôn 3, xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng: "Sử dụng các hình thức tận diệt không những gây ô nhiễm môi trường mà về lâu dài việc khai thác cũng rất khó khăn"
Tôi là một ngư dân đang có các hoạt động khai thác hải sản trên vùng Vịnh Hạ Long. Tôi đồng tình với việc cấm khai thác thủy sản trong vùng lõi. Thực tế bản thân tôi vốn trước đây hành nghề khai thác ven bờ, trong đó có vùng ven, vùng lõi Vịnh Hạ Long, song hiện nay đã chuyển đổi nghề, cố gắng đầu tư phương tiện đánh bắt, nâng cao trình độ khai thác để có thể vươn ra khơi xa. Qua quá trình khai thác xa bờ tôi thấy sản lượng và giá trị khai thác cao hơn, đạt được hiệu quả kinh tế tốt hơn trước. Nếu cứ đánh bắt gần bờ, lại sử dụng các hình thức tận diệt thì không những gây ô nhiễm môi trường mà về lâu dài việc khai thác cũng rất khó khăn, hiệu quả kém. Như vậy, người ngư dân cũng sẽ vô cùng vất vả.
Báo Quảng Ninh mong tiếp tục nhận được ý kiến của người dân, du khách, các chuyên gia, nhà quản lý… xung quanh việc dừng hoạt động khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long nói riêng và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh nói chung. Mọi ý kiến gửi về địa chỉ Email: baoquangninh@gmail.com hoặc Báo Quảng Ninh, tầng 2, tòa nhà Liên cơ quan số 4, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. |
Liên kết website
Ý kiến ()