Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:58 (GMT +7)
Gây lãng phí: Truy cứu hình sự với người đứng đầu
Thứ 3, 26/11/2013 | 08:44:17 [GMT +7] A A
Hầu như không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự mặc dù thất thoát lãng phí gây hậu quả còn nặng nề hơn tham nhũng.
Hôm nay (26/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tên của một bộ luật nhưng cũng là vấn đề thực sự nóng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Theo đánh giá, tình trạng lãng phí xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực công.
Tập thể nhận trách nhiệm, không tìm ra cá nhân
Tuy nhiên, để tìm ra “thủ phạm gây lãng phí” thì thật khó. Trước Quốc hội, nói về thất thoát trong đầu tư công, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Địa phương nào cũng nhận trách nhiệm nhưng không có địa chỉ cụ thể”. Thừa nhận này của Bộ trưởng Vinh khiến một đại biểu Quốc hội khi chia sẻ với VOV.VN đã nhắc đến một câu chuyện hài hóm hỉnh. Chuyện thế này, có một cậu bé chơi trốn tìm, nhưng trốn vào đâu cũng bị tìm ra. Cuối cùng nó nghĩ ra một cách là trốn vào tập thể. Kết quả là chẳng ai tìm ra nó được. Ở đây, câu chuyện về qui trách nhiệm cá nhân cũng khó như việc đi tìm thằng bé trong trò chơi trốn tìm vậy. Mọi trách nhiệm qui về tập thể là “an toàn” nhất.
Từ thực tế này, theo nhiều đại biểu, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) cần qui định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đã để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Theo đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận), muốn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả thì cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu là rất quan trọng. Phải thực hiện nghiêm chế tài xử lý, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Thực tế, hành vi làm thất thoát lãng phí ít ai bị xử lý và hầu như không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự mặc dù ai cũng biết thất thoát lãng phí gây hậu quả còn nặng nề hơn tham nhũng. Chẳng hạn như vấn đề thất thoát lãng phí trong đầu tư công và vấn đề quy hoạch đất đai luôn là vấn đề nóng trên các diễn đàn nhưng chỉ nói mà không ai phải chịu trách nhiệm, nếu buộc phải xử lý thì cũng chỉ xử lý nội bộ, nhẹ nhàng nên không đủ sức răn đe.
Đại biểu Lê Đắc Lâm cho rằng, tùy theo mức độ xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và đồng thời cũng phải có chế tài xử lý về kinh tế và biện pháp hành chính. Việc ngăn chặn khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết để xem xét, giảm trách nhiệm pháp lý chứ không nên miễn trách nhiệm pháp lý.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lù Thị Lừu (đoàn Lào Cai) cho rằng, nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả… luật không nên quy định miễn trách nhiệm pháp lý mà quy định đến mức giảm trách nhiệm pháp lý là đủ. Vì nếu quy định miễn trách nhiệm pháp lý sẽ làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, làm giảm tính răn đe sẽ khó khắc phục được tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý.
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi nhận được phản ánh về các hành vi lãng phí xảy ra, phải tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, xem xét để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời và trả lời bằng văn bản cho người đã phát hiện. theo đại biểu Lù Thị Lừu (đoàn Lào Cai) quy định này đã rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhưng để tăng cường tính giám sát của luật hơn nữa thì ngoài việc trả lời bằng văn bản luật cần bổ sung nội dung quy định cụ thể về thời hạn trả lời cho người phát hiện lãng phí. Nếu luật không quy định cụ thể về thời hạn sẽ dẫn đến khả năng người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình kéo dài thời gian trả lời, quên hoặc cố tình quên. “Việc đó sẽ làm giảm đi niềm tin của người tham gia chống lãng phí” – đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang) để nâng cao trách nhiệm và đưa Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sớm đi vào cuộc sống, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của người có thẩm quyền mà không xử lý hành vi gây lãng phí bằng chế tài, điều luật cụ thể. Đề nghị Quốc hội sớm bổ sung đưa vào Bộ luật hình sự tạo ra sức lan tỏa như một phong trào cách mạng thì mới hạn chế, ngăn chặn được sự lãng phí.
Xử lý từ việc đưa ra chủ trương gây lãng phí
Thời gian qua có nhiều đề án, dự án được lập hồ sơ hàng chục tỷ đồng cuối cùng không khả thi, không thực hiện được gây lãng phí cho sản xuất, kinh doanh hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án Luật vẫn chỉ nêu chung chung mang tính khẩu hiệu, nguyên tắc mà chưa có quy định chế tài cụ thể để bắt buộc người có thẩm quyền mà không thực hiện gây lãng phí phải chịu bồi thường hoặc bị cách chức do mình gây ra.
Theo cảm nhận của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ mới chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc. Đó là do ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà người ra quyết định cùng lắm thì cũng chỉ bị phê bình khiển trách.
Đại biểu Thúy cho rằng, phần giải trình về trách nhiệm do ban hành chính sách gây lãng phí là chưa thực sự thuyết phục, mới giới hạn về hành vi vi phạm trong ban hành thực hiện và kiểm tra định mức tiêu chuẩn chế độ chứ chưa phù hợp với thực tiễn.
“Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là một quyết định sử dụng ngân sách nhà nước sai ngay từ khi lúc ban hành vậy lãng phí đã hình thành ngay từ khi ra quyết định. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình triển khai liệu còn có tác dụng gì?” – đại biểu đặt lại vấn đề.
Thực tế có nhiều công trình, dự án như là mía đường, xi măng lò đứng, sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi, chợ v.v... kêu thiếu vốn, công trình không sử dụng được hoặc không được sử dụng, sản xuất bị lỗ hoặc không sản xuất được, hoạt động cầm chừng theo kiểu bỏ thì thương, vương thì tội. Nguyên nhân là các quyết định đầu tư đó thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế - xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn dẫn đến tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng mà không phát huy tác dụng. Dù hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm và cũng chưa thấy một văn bản nào chỉ ra, chỉ cụ thể trách nhiệm của người ra quyết định đó là gì.
Hơn nữa xã hội chúng ta thường quan tâm đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Nhưng ít ai nói đến việc tiết kiệm trong quá trình đầu tư dự án.
Đại biểu dẫn kinh nghiệm ở nhiều nước, họ tác lập trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định rất rõ ràng, cho nên mọi quyết định được ban hành không phải dễ dàng như ở nước ta. Ở nước ta thì dường như quyết định do cá nhân nhưng hình thức là tập thể để rồi khi xảy ra chuyện thì tập thể chịu trách nhiệm, tức là không ai phải chịu trách nhiệm cả. Cơ quan này lại đổ lỗi cho cơ quan kia. Có người thì cho là lỗ hổng của hệ thống, của cơ chế mà suy cho cùng hệ thống cơ chế đó cũng do con người đặt ra. Trong không ít trường hợp quy về một nguyên nhân muôn thuở đó là do năng lực cán bộ hạn chế, giả sử điều này là đúng thì lỗi hệ thống đó nằm ở công tác và quy trình đề bạt cán bộ.
Có thể nói chúng ta đang dốc sức tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng mà đang để hổng mặt trận chống lãng phí. Nhưng chưa chắc mặt trận này đã thua mặt trận kia về mức độ nguy hiểm. Thử so sánh một người tham nhũng 1 tỷ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí 5-7 chục tỷ đồng thì ai sẽ là người gây thiệt hại cho dân, cho nước nhiều hơn. Vì vậy lần này sửa luật cần phải tìm lỗ hổng của cơ chế để bít nó lại nếu không mọi nỗ lực của chúng ta sẽ không mang lại kết quả như mong đợi nếu chưa thể bít được thì chí ít cũng làm cho nó nhỏ đi.
“Tôi cho rằng đã đến lúc cần xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định và đây là luật chuyên ngành về thực hiện tiết kiệm chống lãng phí. Do đó tôi đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người đưa ra chính sách không phù hợp gây lãng phí trong trường hợp xác định được trách nhiệm cá nhân. Tôi thiết nghĩ dân mình còn nghèo, nước mình còn trong giai đoạn đang phát triển, hàng năm phải đương đầu tới thiên tai, dịch bệnh, đòi hỏi càng phải tiết kiệm chống lãng phí. Việc làm này mang đến 2 cái lợi cùng một lúc là vừa có được thêm tiền để đầu tư phát triển đất nước, vừa được lòng dân” – đại biểu thể hiện quan điểm và tâm tư của mình.
Theo Đại biểu Lê Đắc Lâm một nội dung quan trọng tiềm ẩn nguy cơ lãng phí lớn nhưng chưa được đề cập trong luật đó là vấn đề lập quy hoạch.
Đại biểu Lâm cho rằng, hiện nay, cơ sở có rất nhiều loại quy hoạch: quy hoạch ngành địa phương và sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng… nhưng chất lượng quy hoạch thấp. “Điển hình vừa qua Quốc hội chúng ta đã xem xét loại bỏ hơn 400 quy hoạch về thủy điện đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến trong khi khai thác sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản và lãng phí thất thoát trong đầu tư công. Do vậy cần bổ sung trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc lập quản lý các loại quy hoạch này” – Đại biểu Lê Đắc Lâm nói.
Theo quan điểm của nhiều đại biểu, lãng phí đồng hành với tiêu cực, tham nhũng. Nếu chúng ta hạn chế, ngăn chặn được lãng phí tiết kiệm cũng có nghĩa là đã ngăn chặn hạn chế được tham nhũng, đem lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước. Chính như vậy thì nhà nước ta mới thật sự là của dân, do dân và vì dân.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()