Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:19 (GMT +7)
Gia tăng các hành vi phản giáo dục trong trường học
Thứ 6, 25/05/2007 | 06:07:55 [GMT +7] A A
Những ngày qua, dư luận hết sức bất bình trước hành vi của cô giáo Trương Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B Trường Tiểu học Minh Quang (Vũ Thư-Thái Bình) đối với học sinh của mình là em Trần Thị Ngọc.
Chỉ vì một khuyết điểm rất trẻ con (quên mang sổ theo dõi thi đua của lớp, nên lớp bị trừ điểm thi đua), cô giáo Phương đã nghĩ ra “hình phạt” bắt em Ngọc đứng trước lớp để cho 32 bạn học sinh trong lớp lần lượt tát vào mặt. Hậu quả em Ngọc phải vào viện điều trị 10 ngày. Trước đó, một học sinh khác cũng bị cô Phương áp dụng hình phạt này vì tội không làm bài tập ở nhà, quên đội mũ đồng phục đến trường. Trớ trêu thay cô giáo Phương lại là giáo viên lâu năm và được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi (!?).
Không chỉ có trường hợp ở Thái Bình, mà trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các hành vi thầy, cô giáo đánh học trò đến mức phải đi điều trị ở bệnh viện. Đó là 20 em học sinh Trường THCS Kpă Klơng (Gia Lai) bị thầy giáo Vũ Đình Phụng đánh ngay tại phòng thi học kỳ 2, khiến hai học sinh phải đi băng bó cầm máu tại trạm y tế. Rồi một học sinh THCS ở Quảng Bình bị thầy giáo xô ngã dẫn tới chấn thương sọ não. Thầy giáo Lê Thành Lưu, Trường THCS Tân Nhuận Đông (Đồng Tháp) đấm học sinh khi các em quên vở, không hiểu chữ viết tắt của thầy. Thầy giáo Nguyễn Thế Toàn (Lâm Hà-Lâm Đồng) tát học sinh đến mức thủng màng nhĩ tai... Đặc biệt đã có học sinh phải tự tử vì bị cô giáo khám người trước các bạn trong lớp...
Những hành vi, việc làm phản giáo dục, phản sư phạm trên đây không chỉ gây cho các em bị chấn thương về mặt thể xác mà còn để lại những chấn thương về tinh thần không dễ xoá bỏ. Nhà trường của chúng ta là nhà trường XHCN, là nơi trang bị những kiến thức văn hoá, rèn giũa bằng các phương pháp khoa học để các em học sinh thành người. Xã hội, các bậc phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình vào các nhà trường với mong muốn được sự dìu dắt, thương yêu của các thầy cô giáo chứ không phải để “được nhận” những hình phạt mà đến bố mẹ các em cũng không đang tâm làm. Đây là những bài học xương máu, những ung nhọt mà ngành Giáo dục phải mổ xẻ, chữa trị như đang tuyên chiến với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Các trường sư phạm cũng nên lấy những “điển hình” này để bổ sung vào các tình huống sư phạm khi giảng dạy cho các giáo sinh của mình. Để ngăn chặn, chấm dứt các hành vi bạo hành học sinh trong trường học, ngành Giáo dục cần tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm về phương pháp giáo dục, biện pháp thay thế trừng phạt trong quản lý lớp học, để tạo ra một môi trường học thật sự thân thiện giữa giáo viên và học sinh.
Liên kết website
Ý kiến ()