Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 17:39 (GMT +7)
Giải "bài toán" nợ công
Thứ 7, 25/10/2014 | 05:39:02 [GMT +7] A A
Một trong những vấn đề “nóng” ngay từ phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIII diễn ra đầu tuần này là vấn đề nợ công. Trình bày báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Nợ công tăng nhanh và nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm.
Không còn là câu chuyện của các cơ quan quản lý nhà nước trong cân đối thu - chi ngân sách mà cử tri cũng rất quan tâm, lo lắng khi những thông tin về con số nợ công được các cơ quan chuyên môn đưa ra dự báo đến cuối 2015 là 64% GDP, dư nợ Chính phủ là 48,9%, dư nợ quốc gia là 42,6%.
Dù rằng cả ba con số này đều thấp hơn mức cho phép của Quốc hội nhưng với tính toán thực tế hiện nay mỗi người Việt Nam gánh khoảng 1.000 USD nợ công thì người dân không thể không quan tâm. Chính vì vậy, Chính phủ đã quyết định sẽ đưa báo cáo tổng thể về tình hình nợ công ra thảo luận tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2015.
Đối với Quảng Ninh, cũng trong này, 2 ngày liền (21 và 22-10) UBND tỉnh đã dành hai cuộc họp thảo luận sâu về tình hình dự toán ngân sách, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển 2015, trong đó xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản là một trong những nội dung trọng tâm mà các ngành, địa phương tập trung bàn thảo rất sâu. Để giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, suốt 3 năm qua tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết không khởi công những công trình đầu tư mới (trừ những công trình cấp bách, công trình quan trọng, công trình mang tính động lực cho sự phát triển), tập trung nguồn lực cho những công trình chuyển tiếp, hoàn thành. Tuy nhiên, trên 2.200 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản của toàn tỉnh mà Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu ra đã buộc các địa phương tiếp tục phải cân nhắc tính toán trong phương án đầu tư phát triển của năm 2015. Bài toán định lượng chung đưa ra vẫn là tiếp tục cơ cấu lại đầu tư từ NSNN theo hướng tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư. Năm 2015 tổng chi cho đầu tư phát triển của toàn tỉnh dự kiến khoảng 6.405 tỷ đồng, tương đương 45,98% tổng dự toán chi năm 2015, trong đó tiết kiệm từ chi thường xuyên chuyển sang cho chi đầu tư phát triển trên 1.500 tỷ đồng. Tỉnh cũng quyết định hỗ trợ 306 tỷ đồng cho các địa phương để trả nợ các công trình tỉnh chuyển về cho địa phương khi phân cấp.
Giải quyết nợ công phải từ giải quyết đầu tư công. Đầu tư có nợ công đến mức nào thì tạo được phát triển, nhất là tạo ra được nguồn thu mới cần được cân đối. Cấp vĩ mô xử lý hiệu quả nợ công, cấp vi mô là khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, giải quyết xong nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tính toán tiết kiệm chi thường xuyên dành nguồn chi cho đầu tư phát triển. Bài toán nợ công đang được xử lý như vậy.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()