Năm 2025 đánh dấu cột mốc đặc biệt trong lịch sử dân tộc, kỷ niệm 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam), đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình… Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đồng hành phát triển cùng đất nước, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP 14%, khẳng định vai trò là một trong những cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Niềm tin gửi gắm vào Quảng Ninh

Để tạo nền tảng vững chắc, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số từ năm 2026 - năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, giai đoạn đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng. Ở năm bản lề 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. Hiện thực hóa mục tiêu này, song song với các giải pháp cụ thể được đưa ra, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP (ngày 5/2/2025) với những nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành, địa phương, trên cơ sở bám sát mục tiêu tổng thể quốc gia. Trong đó Quảng Ninh là một trong 4 địa phương được Chính phủ tin tưởng, gửi gắm với chỉ tiêu tăng trưởng rất cao, đạt 12%, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Quảng Ninh được chọn là một trong những địa phương trọng điểm để giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao, thể hiện rõ sự tin tưởng, ghi nhận, đánh giá rất cao của người đứng đầu Chính phủ. Bởi Quảng Ninh có dư địa phát triển lớn, lợi thế cạnh tranh rất tốt, cái nôi của các phong trào đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế với thành tựu nhiều năm tăng trưởng đứng ở tốp đầu cả nước.

Quảng Ninh có đường cao tốc, sân bay, cảng biển do tư nhân đầu tư, có sức hấp dẫn, thu hút nhiều nguồn lực cho phát triển.

Quảng Ninh có đường cao tốc, sân bay, cảng biển do tư nhân đầu tư, có sức hấp dẫn, thu hút nhiều nguồn lực cho phát triển.

Sau gần 40 năm đổi mới cùng đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh diễn ra mạnh mẽ theo hướng bền vững. Trong đó, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá là mũi nhọn của quá trình chuyển dịch và phát triển; chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; bứt phá về hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị là động lực… Sức hấp dẫn, thế mạnh cạnh tranh của tỉnh từng bước được tăng cao, thu hút được nhiều nguồn lực đóng góp cho phát triển bao trùm.

Giai đoạn 10 năm qua, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất như đại dịch Covid-19, bão Yagi với sức tàn phá nặng nề gây ra những thiệt hại lớn ở nền kinh tế. Tuy nhiên Quảng Ninh giữ vững vị trí top đầu các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc; chính quyền "Liêm chính - Hành động - Phục vụ - Kiến tạo - Phát triển", hấp dẫn thu hút đầu tư, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân tin tưởng, ghi nhận.

Năm 2024 Quảng Ninh đạt tăng trưởng kinh tế 8,42%, quy mô nền kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 Vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 7 cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 109.400 tỷ đồng, tăng 10%; khách du lịch đạt 19 triệu lượt, tăng 20%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 2,8 tỷ USD. Những con số, những kết quả đầy thuyết phục trên khẳng định Quảng Ninh đã rất nỗ lực, quyết tâm cao hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Điều này cũng thể hiện rất rõ tinh thần, bản lĩnh tự lực, tự cường, vượt khó của người dân Quảng Ninh, sẵn sàng đồng hành cùng dân tộc bước vào giai đoạn phát triển mới, vươn tới tầm cao mới, là nơi được Chính phủ tin tưởng gửi gắm và kỳ vọng có thể tạo ra những đột phá quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.

Khởi động quyết liệt bằng những hành động cụ thể

Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với chủ đề “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”, từ tháng 12/2024 tỉnh đã ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch, đề ra các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng trưởng GRDP đạt trên 12%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%... Đây là nghị quyết quan trọng trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2020-2025, năm bản lề tạo đà cho kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo (2025-2030).

Khẳng định quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đồng hành phát triển cùng đất nước, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP, trên cơ sở tính toán căn cơ từng nguồn lực, từng nhân tố tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực…, Quảng Ninh đã quyết định điều chỉnh, xây dựng kịch bản mới với mức tăng trưởng phấn đấu đạt 14%, cao hơn 2% so với chỉ tiêu Chính phủ giao và các nghị quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được ban hành.

Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng sẽ là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh.

Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng sẽ là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định một trong những giải pháp cốt lõi, được coi là "đột phá của đột phá" là giải phóng toàn bộ nguồn lực. Nhằm hiện thực hoá các chỉ tiêu, mục tiêu, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã phát huy vai trò chủ động, rà soát các dư địa phát triển để đóng góp vào kịch bản chung của tỉnh. Trong đó xác định, để đạt mục tiêu tăng trưởng 14%, khu vực công nghiệp - xây dựng cần phải tăng 14,33%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 33,74%; dịch vụ tăng 16,45%; quy mô GRDP đạt khoảng 396.000 tỷ đồng…

Yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, đột phá trong chính sách để thúc đẩy phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung triển khai có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược; định vị lại giá trị địa phương, nhận diện đầy đủ lợi thế, thách thức, mâu thuẫn, “điểm nghẽn” để tìm cách hóa giải, tìm cơ hội trong khó khăn thách thức, định hình phương thức phát triển mới; đẩy mạnh và làm mới động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao…

Đường ven sông nối Quảng Yên - Đông Triều đang được tập trung thi công.

Đường ven sông nối Quảng Yên - Đông Triều đang được tập trung thi công.

Song song với đó, tỉnh xác định rõ cần phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực là các đô thị lớn của tỉnh như Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều; các tuyến hành lang kinh tế và các mũi đột phá. Ưu tiên tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới; giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than, điện; phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về TTHC, quy hoạch, đất đai, GPMB, vật liệu san lấp... để các dự án sớm đi vào hoạt động; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm dịch vụ - du lịch… Đồng thời có biện pháp, giải pháp chủ động, tích cực thực hiện các dự án đầu tư công và đầu tư tư, đây là giải pháp để nhanh nhất đạt, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng.

Tỉnh đã xác định rõ các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá cả ở tầm chiến lược và sách lược để đồng bộ triển khai thực hiện. Kỳ vọng, với sự tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế năm 2025, Quảng Ninh sẽ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu Chính phủ tin tưởng gửi gắm, kế hoạch 5 năm 2020-2025, tạo đà vững chắc cho giai đoạn phát triển mới, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thực hiện: Đỗ Phương
Trình bày: Tất Đạt